(Ảnh minh hoạ)
Cạnh tranh là động lực của sự phát triển, mặc dù vậy để sự phát triển được xây dựng trên một nền tảng vững chắc, pháp luật cạnh tranh cần tạo ra không gian pháp lý công bằng, bình đẳng, nơi quyền lợi của các chủ thể được bảo vệ tối ưu. Việt Nam có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử cao trong khu vực. Theo đó việc tìm hiểu, gợi mở kinh nghiệm từ các nước là cần thiết đối với quá trình hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật cạnh tranh ở Việt Nam
Trung Quốc hướng dẫn chống độc quyền cho nền kinh tế nền tảng và sửa đổi Luật Chống độc quyền
Ngày 07 tháng 02 năm 2021, Ủy ban Chống độc quyền Quốc vụ viện Trung Quốc đã ban hành Hướng dẫn chống độc quyền cho nền kinh tế nền tảng (Anti-Monopoly Guidelines for the Platform Economy) với mục đích làm rõ việc áp dụng Luật Chống độc quyền đến hành vi phản cạnh tranh trên các nền tảng trực tuyến.
Hướng dẫn có nhiều nội dung đáng chú ý, trong đó các nhà lập sách Trung Quốc đưa ra cách thức tiếp cận thị trường liên quan trong nền kinh tế số. Thay cho thông hiểu đơn thuần, tiêu chí xác định thị trường liên quan bao gồm thị trường sản phẩm liên quan và thị trường địa lý liên quan còn dựa trên sự phân tích các đặc điểm của nền kinh tế số.
Ngoài ra, Hướng dẫn bổ sung mô tả về các thoả thuận hạn chế cạnh tranh phổ biến, dù cho về bản chất vẫn tồn tại sự thống nhất ý chí và cùng hành động bởi các bên tham gia. Tuy nhiên, khi phân tích các thoả thuận hạn chế cạnh tranh cần xem xét có hay không việc giữa doanh nghiệp với bên cung ứng nền tảng thương mại điện tử sử dụng phương tiện kỹ thuật, quy tắc nền tảng, dữ liệu, thuật toán để ký kết và thực hiện thỏa thuận.
Điểm mới đối với hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền, vấn đề xác định thị phần của nền tảng có thể sử dụng cơ sở số lượng giao dịch, doanh số bán hàng, lượng người dùng đang hoạt động, thời lượng sử dụng và các chỉ số khác trên thị trường liên quan.
Bên cạnh đó, Hướng dẫn Chống độc quyền của Trung Quốc còn tập trung liệt kê một số hành vi cùng phương thức nhận diện, tùy biến thích ứng với hoạt động kinh doanh diễn ra trên nền tảng số, cụ thể các hành vi hạn chế cạnh tranh phổ biến:
- Ấn định giá bất hợp lý: Sử dụng cơ sở đối chiếu là so sánh giá của cùng một loại hàng hoá với nền tảng tương tự hoặc doanh nghiệp kinh doanh trên cùng nền tảng.
- Bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ nhằm loại bỏ hoặc hạn chế cạnh tranh: Tiến hành xác định nền tảng có tác động đến doanh nghiệp bằng mức giá thấp hơn giá thành toàn bộ hay không và liệu có khả năng tăng giá để thu lợi bất chính sau khi doanh nghiệp rời khỏi thị trường.
- Từ chối giao dịch: Các dạng hành vi thông thường bao gồm dừng, trì hoãn hoặc làm gián đoạn, giảm đáng kể số lượng các giao dịch hiện có của doanh nghiệp; Từ chối giao dịch với doanh nghiệp mới; Đặt ra các điều khoản bất hợp lý về quy tắc nền tảng, thuật toán, công nghệ; Phân phối lưu lượng truy cập gây khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện giao dịch.
- Áp đặt điều khoản bất hợp lý: Nền tảng yêu cầu các doanh nghiệp đang hoạt động "chọn một trong hai" giữa các nền tảng cạnh tranh – đây là hành vi phổ biến được thực hiện bởi nền tảng có sức mạnh thị trường. Ngoài ra, yếu tố bất hợp lý có thể xuất phát từ việc nền tảng buộc doanh nghiệp phải thực hiện giao dịch độc quyền, đồng thời hạn chế các đối tác giao dịch, không được thực hiện hoặc chỉ được thực hiện giao dịch với bên được chỉ định hoặc thông qua phương thức hạn chế như giao dịch qua kênh chỉ định.
(Ảnh minh họa)
Ngày 01 tháng 08 năm 2022, Luật Chống độc quyền sửa đổi của Trung Quốc chính thức có hiệu lực, văn bản quy phạm pháp luật trên là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm mở rộng phạm vi điều chỉnh hoạt động cạnh tranh trên nền tảng thương mại điện tử, nhìn nhận toàn diện vai trò của kiểm soát dữ liệu, công nghệ, thuật toán, lợi thế vốn và quy tắc nền tảng, cấm sử dụng chúng như một công cụ loại trừ hoặc hạn chế cạnh tranh.
Những hành vi hạn chế cạnh tranh hiện nay không chỉ đơn thuần tồn tại dưới cách thức tiếp cận truyền thống, sự phụ đỡ của công nghệ đã khiến cho các nền tảng thương mại điện tử và doanh nghiệp có những động thái tinh vi hơn. Thông qua Hướng dẫn chống độc quyền cho nền kinh tế nền tảng, Luật Chống độc quyền sửa đổi, Trung Quốc cho thấy thay đổi về thể chế là cần thiết để thích ứng phù hợp với bối cảnh công nghệ, tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng.
Ấn Độ nghiên cứu thị trường về thương mại điện tử , dự thảo Luật Cạnh tranh kỹ thuật số
Ủy ban Cạnh tranh của Ấn Độ (CCI) đã tiến hành một nghiên cứu thị trường về thương mại điện tử ở Ấn Độ vào tháng 04 năm 2019 và công bố kết quả ngày 08 tháng 01 năm 2020, báo cáo có tiêu đề Nghiên cứu thị trường về Thương mại điện tử Ấn Độ (Market study on E-commerce in India). Mục tiêu của nghiên cứu được xác định nhằm hiểu rõ hơn về hoạt động của thương mại điện tử ở Ấn Độ, những tác động đối với thị trường và cạnh tranh. Trọng điểm nghiên cứu của CCI tập trung vào các nội dung:
- Xác lập tư cách của các nền tảng thương mại trực tuyến: CCI nhận định rằng các nền tảng thương mại điện tử vừa đóng vai trò là một thị trường nhưng cũng vừa là đối thủ cạnh tranh, họ có động cơ để dành ưu đãi cho sản phẩm của chính họ hoặc các doanh nghiệp liên quan. Hệ quả từ hành vi có thể dẫn đến mất công bằng về điều kiện cạnh tranh, làm ảnh hưởng tiêu cực đối với lợi ích người tiêu dùng.
- Áp đặt điều khoản bất hợp lý: Dựa trên ưu thế của các nền tảng trước doanh nghiệp gia nhập, CCI bày tỏ lo ngại liên quan đến việc doanh nghiệp bị ràng buộc bởi các điều khoản không công bằng và bị phân biệt đối xử.
- Ấn định giá và giảm giá sâu: Các nền tảng thương mại điện tử áp đặt doanh nghiệp phải cung cấp hàng hóa, dịch vụ với giá thấp hơn so với các nền tảng cạnh tranh khác. Tác động của hành vi áp đặt giá nhằm ngăn cản các nền tảng mới có thể gia nhập hoặc phát triển, duy trì cấu trúc thị trường nơi các nhà cung ứng đang chiếm lợi thế về quy mô. Ngoài ra, thiếu minh bạch về mức chiết khấu dành cho người bán hoặc nhà cung cấp dịch vụ, các nền tảng có thể sử dụng chiết khấu như một công cụ phân biệt đối xử. Một số nền tảng giảm giá cao hơn mức giá do người bán hoặc nhà cung cấp dịch vụ đặt ra, chiết khấu sâu làm ảnh hưởng đến sự cạnh tranh và tạo ra một sân chơi bất bình đẳng.
- Thoả thuận độc quyền giữa nền tảng với doanh nghiệp: CCI mô tả thỏa thuận này biểu hiện qua việc một sản phẩm nhất định được tung ra độc quyền trên một nền tảng trực tuyến duy nhất và ở chiều hướng ngược lại, thỏa thuận nền tảng chỉ liệt kê một thương hiệu trong danh mục sản phẩm cụ thể.
(Ảnh minh họa)
Để đảm bảo địa vị công bằng trong thoả thuận giữa nền tảng và doanh nghiệp cũng như cải thiện tính minh bạch, CCI khuyến nghị các nền tảng nên áp dụng biện pháp tự điều chỉnh thông qua minh bạch về dữ liệu thu thập và đáp ứng khả năng chia sẻ thực tế với bên thứ ba hoặc các tổ chức có liên quan, công khai cơ chế đánh giá và xếp hạng của người dùng. Nền tảng cần thông báo cho doanh nghiệp nếu có bất kỳ thay đổi nào trong các điều khoản đã thoả thuận, những thay đổi không được thực hiện trước khi hết thời hạn thông báo. Chú trọng rõ ràng về chiết khấu, bao gồm tỷ lệ chiết khấu được tài trợ bởi nền tảng cho các sản phẩm và nhà cung cấp, tác động của việc tham gia hoặc không tham gia chương trình chiết khấu.
Ngày 06 tháng 02 năm 2023, Bộ Doanh nghiệp Ấn Độ (MCA) đã thành lập Ủy ban về Luật Cạnh tranh Kỹ thuật số (CDCL) gồm 16 thành viên, gia hạn nhiệm kỳ đến ngày 31 tháng 12 năm 2023 phục vụ tiến hành đánh giá mức độ phù hợp các quy định của Luật Cạnh tranh trong giải quyết những nguy cơ phát sinh từ nền tảng thương mại điện tử, báo cáo và trình dự thảo Luật Cạnh tranh Kỹ thuật số. Khi nghiên cứu thị trường cho phép Ấn Độ có cái nhìn trực quan về sự phát triển thương mại điện tử thì việc tiến hành thực nghiệm điều tra mức độ liên hệ giữa thương mại điện tử với pháp luật cạnh tranh, tính khả thi của một văn bản luật mới khởi phát từ những bất cập, rủi ro sẽ mang lại cái nhìn tổng thể, toàn diện, tạo điều kiện thuận lợi để cơ quan lập pháp và hoạch định chính sách đề ra phương hướng kịp thời, phù hợp.
Luật Cạnh tranh sửa đổi mới của CHLB Đức
Cộng hòa Liên bang Đức là một trong số các quốc gia có lịch sử hình thành về pháp luật cạnh tranh lâu đời nhất. Từ những “viên gạch” đầu tiên, Luật cạnh tranh Đức đã xây chỗ đứng quan trọng, bền chặt, đảm bảo sự vững vàng cho hệ thống pháp luật và kinh tế quốc gia. Trước chuyển mình của kinh tế hiện đại, Quốc hội Đức đã thông qua lần sửa đổi thứ 11 đối với Luật Cạnh tranh, có hiệu lực vào ngày 07 tháng 11 năm 2023.
Các sửa đổi biểu hiện quan điểm của Luật cạnh tranh Đức, một doanh nghiệp được đánh giá là có vị trí thống lĩnh trên thị trường liên quan khi không tồn tại đối thủ cạnh tranh hoặc sự cạnh tranh là không đáng kể, doanh nghiệp có ảnh hưởng quan trọng so với đối thủ. Căn cứ để xác định sức mạnh thị trường ngoài thị phần, sức mạnh tài chính cũng như khả năng tiếp cận thị trường, Khoản 3, Điều 18, Luật Cạnh tranh Đức bổ sung tiêu chí về quyền truy cập vào dữ liệu liên quan đến cạnh tranh.
Đối với hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, Khoản 2, Điều 19, Luật Cạnh tranh Đức nghiêm cấm hành vi từ chối cung cấp cho doanh nghiệp khác quyền truy cập vào dữ liệu, mạng hoặc các cơ sở hạ tầng nếu cấp quyền truy cập là cần thiết để doanh nghiệp hoạt động trên thị trường và hành vi từ chối có mục đích loại bỏ sự cạnh tranh.
Nhằm tăng cường hiệu quả xử lý về mặt thời gian, giảm tải những tác động tiêu cực mang tính lâu dài và mở rộng thẩm quyền của cơ quan quản lý, Luật Cạnh tranh sửa đổi đưa vào định lượng thời gian điều tra chuyên môn xuống còn 18 tháng kể từ khi bắt đầu (thay vì không giới hạn như trước đây), cơ quan quản lý cạnh tranh có thể can thiệp sau khi có kết luận đồng thời quy định cấp quyền truy cập vào dữ liệu, giao diện, mạng hoặc các phương tiện khác trở thành biện pháp khắc phục.
Những lần sửa đổi Luật Cạnh tranh của Đức là nền tảng quan trọng và sáng tạo, mở rộng phạm vi cho phép cơ quan quản lý cạnh tranh xem xét, điều tra hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, thúc đẩy can thiệp nhanh hơn vào một số hành vi chống cạnh tranh trong nền kinh tế số. Đồng thời bày tỏ thái độ của Nhà nước trước sai phạm, có tác dụng phòng ngừa và dự phòng những tác động tiêu cực không đáng có.
Hướng gợi mở cho Việt Nam
Luật Cạnh tranh do Quốc hội ban hành ngày 12 tháng 06 năm 2018 có hiệu lực vào ngày 01 tháng 07 năm 2019 được nhận định mang nhiều điểm tích cực so với văn bản pháp luật trước đó (Luật Cạnh tranh năm 2004) như: từ mở rộng phạm vi điều chỉnh đáp ứng toàn cầu hoá và mở cửa thị trường, phân tích các hành vi, bổ sung cách thức xác định thị phần, thị phần kết hợp, đánh giá tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể, đánh giá tác động tích cực của tập trung kinh tế….
Tuy nhiên sau thời gian thực hiện và với sự biến đổi không ngừng của cuộc sống, thấy luật thiếu vắng quy định về thương mại điện tử . Do đó đề xuất sớm hoàn thiện pháp luật về cạnh tranh và các luật khác liên quan thương mại điện tử theo hướng sau:
Thứ nhất, hoàn thiện quy định Luật Cạnh tranh
- Mở rộng tiếp cận thị trường liên quan và định vị vai trò của nền tảng thương mại điện tử: Tiếp cận thị trường liên quan của Trung Quốc bên cạnh thị trường địa lý liên quan và thị trường sản phẩm liên quan phải dựa trên phân tích các đặc điểm của nền kinh tế số. Tham khảo quan điểm của Ấn Độ khi cho rằng các nền tảng thương mại điện tử vừa đóng vai trò là một thị trường vừa là đối thủ cạnh tranh.
Nghiên cứu sửa đổi Khoản 7, Điều 3, Luật Cạnh tranh năm 2018 hướng đến “thị trường liên quan là thị trường của những hàng hóa, dịch vụ có thể thay thế cho nhau về đặc tính, mục đích sử dụng và giá cả trong khu vực địa lý cụ thể có các điều kiện cạnh tranh tương tự và có sự khác biệt đáng kể với các khu vực địa lý lân cận”. Quy định này trong thực tiễn áp dụng cần linh hoạt với từng vụ việc, một trong những cơ sở có thể đưa vào là khả năng thay thế giữa thương mại trực tuyến và truyền thống.
- Căn cứ đánh giá sức mạnh thị trường: Hiện nay xác định doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường theo quy định của Luật Cạnh tranh năm 2018 là yếu tố thị phần, chứng minh cho tầm ảnh hưởng, sức chi phối của doanh nghiệp trong tương quan cấu trúc cạnh tranh và hệ quả phát sinh. Tuy nhiên, khi thị trường chuyển dịch bởi công nghệ thì cần xem xét rằng yếu tố thị phần cũng không nhất thiết là căn cứ cố định để đánh giá sức mạnh thị trường. Một doanh nghiệp có sức mạnh thị trường trong nền kinh tế số khả năng sẽ là doanh nghiệp nắm giữ quyền sở hữu, kiểm soát hệ thống viễn thông hoặc nền tảng thương mại, đủ sức tạo ra hàng rào kỹ thuật với các doanh nghiệp có ý định gia nhập hoặc mở rộng quy mô.
- Mở rộng các hành vi và bổ sung quy định: Phương thức tiến hành các hành vi đã có nhiều khác biệt, thiếu quy định có thể trở thành rào cản cho cơ quan quản lý cạnh tranh trong tiếp cận vụ việc.
Hướng dẫn chống độc quyền của Trung Quốc và Luật cạnh tranh sửa đổi của Đức đều tương đồng đưa phương tiện kỹ thuật, quy tắc nền tảng, dữ liệu và thuật toán trở thành đối tượng điều tra. Việt Nam trong các văn bản pháp luật về cạnh tranh lại đang bỏ ngỏ mô tả về cách thức nhận diện dạng hành vi này nên việc bổ sung hoàn thiện trở nên cần thiết.
Thứ hai, cân nhắc tính khả thi phát triển Luật Thương mại điện tử và bảo đảm liên kết đồng bộ với pháp luật cạnh tranh
Khi các quy phạm về thương mại điện tử còn rời rạc trong nhiều văn bản pháp luật như Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Thương mại năm 2005, Luật Giao dịch điện tử năm 2023, Luật Công nghệ thông tin năm 2006, Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử tồn tại hạn chế. Từ góc độ cạnh tranh khó có thể bao quát được toàn bộ lĩnh vực thương mại điện tử trong tầm điều chỉnh, đặt ra nhu cầu hình thành một văn bản quy phạm pháp luật mới và thống nhất như Luật Thương mại điện tử, đưa các hành vi phản cạnh tranh làm phương hại đến lợi ích doanh nghiệp hoặc người tiêu dùng pháp điển hoá thành điều cấm. Việc có thêm một văn bản luật chuyên ngành và đồng bộ sẽ trở thành công cụ hiệu quả cho quá trình thực thi.
Thứ ba, tăng cường tổ chức đối thoại doanh nghiệp tạo động lực cho biện pháp tự điều chỉnh
Với chức năng ngăn chặn, pháp luật chứng minh cho vai trò phòng ngừa và quá trình áp dụng cũng vì vậy cần có sự thông hiểu giữa cơ quan quản lý cùng doanh nghiệp. Trong Nghiên cứu thị trường về Thương mại điện tử, cơ quan quản lý cạnh tranh Ấn Độ khuyến nghị các nền tảng nên áp dụng biện pháp tự điều chỉnh. Điều này có ý nghĩa tạo động lực cho doanh nghiệp hoạt động minh bạch, cạnh tranh lành mạnh và pháp luật chỉ là công cụ khi mọi nỗ lực không đạt được kết quả. Qua đó, Việt Nam nên xây dựng cơ chế để tìm thấy tiếng nói chung, hiểu hơn hoạt động của các chủ thể trong nền kinh tế, những nhu cầu và vướng mắc từ đó giúp doanh nghiệp tháo gỡ, giảm tải khó khăn.
Thứ tư, nghiên cứu khoa học và tăng cường hiệu quả hoạt động của cơ quan quản lý cạnh tranh
Báo cáo điều tra thị trường thương mại điện tử xem xét tác động đối với pháp luật cạnh tranh đã được nhiều quốc gia tiến hành. Bên cạnh Ấn Độ, Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Singapore (CCCS) đã ban hành Nghiên cứu thị trường về nền tảng Thương mại điện tử (CCCS Market Study on E-commerce Platforms Recommends Update to Competition Guidelines) ngày 10 tháng 9 năm 2020. Những nghiên cứu là bằng chứng thực nghiệm trong việc phân tích yếu tố vận hành, có ý nghĩa xem xét các vấn đề nhằm bổ khuyết cho Luật Cạnh tranh, một động lực mà Việt Nam cũng nên thực hiện. Cùng với đó, đội ngũ cán bộ trong cơ quan quản lý cạnh tranh cần đáp ứng chuyên môn về công nghệ, tiếp nhận, xử lý kịp thời phản ánh từ người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Xu thế phát triển chung cùng nội lực mạnh mẽ, một quốc gia không chỉ dừng lại định vị mình bằng định chế sơ khai mà luôn cần có cách nhìn nhận, đánh giá khách quan, khoa học. Phát huy ưu điểm của thương mại điện tử đồng thời triệt tiêu và phòng ngừa hành vi làm sai lệch hạn chế cạnh tranh, tránh để thiết chế cũ là rào cản đón nhận, kìm hãm cái mới. Tương lai với những thay đổi tích cực, Việt Nam sẽ khẳng định mình bằng hệ thống pháp luật cạnh tranh hiện đại.
Bùi Sĩ Thành