Hành vi cạnh tranh không lành mạnh đã và đang diễn ra phổ biến trên thực tế (Ảnh minh hoạ)
Theo quy định của pháp luật, hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi của doanh nghiệp trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác[1], hành vi này đã và đang diễn ra khá phổ biến trên thực tế. Đồng thời, cũng theo quy định hiện hành, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại đến cơ quan cạnh tranh nếu phát hiện hành vi vi phạm này.
1. Về thời hiệu khiếu nại vụ việc cạnh tranh không lành mạnh
Theo kinh nghiệm của chúng tôi, trước khi tiến hành thủ tục khiếu nại hành vi cạnh tranh không lành mạnh, doanh nghiệp cần thiết phải cân nhắc giữa việc tiến hành khiếu nại hay sẽ khởi kiện ra cơ quan tài phán như Tòa án hay Trọng tài để đòi bồi thường thiệt hại, đơn cử như việc VinaSun đã khởi kiện Grab cách đây 5 năm[2]. Bởi lẽ, việc khiếu nại vụ việc cạnh tranh không lành mạnh chủ yếu mang tính chất thông báo với cơ quan cạnh tranh về việc xử lý hành vi của bên vi phạm chứ không nhằm giải quyết yêu cầu về bồi thường thiệt hại của bên bị vi phạm.
Do đó, nếu xác định được hành vi cạnh tranh không lành mạnh của doanh nghiệp đối thủ gây ra thiệt hại cho mình và muốn được đền bù phần thiệt hại đó thì doanh nghiệp nên trực tiếp khởi kiện doanh nghiệp vi phạm ra Tòa án hay Trọng tài. Ngược lại, nếu không có nhu cầu yêu cầu doanh nghiệp vi phạm bồi thường thiệt hại, hoặc không xác định được thiệt hại, hoặc xác định rằng việc chứng minh thiệt hại sẽ rất khó khăn thì doanh nghiệp có thể tiến hành thủ tục khiếu nại.
Nói tóm lại, việc khiếu nại hành vi cạnh tranh không lành mạnh chỉ mang ý nghĩa trong việc thông báo đến cơ quan cạnh tranh để cơ quan này có biện pháp chấn chỉnh, giúp ổn định thị trường. Dưới góc độ pháp lý, tố tụng dân sự và tố tụng cạnh tranh cũng là hai quy trình hoàn toàn khác nhau.
Khi doanh nghiệp đã quyết định tiến hành thủ tục khiếu nại lên cơ quan cạnh tranh, cần lưu ý thực hiện việc khiếu nại trong vòng 03 năm kể từ ngày hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật cạnh tranh được thực hiện theo Khoản 2 Điều 77 Luật Cạnh tranh 2018. Trên thực tế, việc xác định thời điểm diễn ra hành vi vi phạm này khá khó khăn đối với doanh nghiệp, đặc biệt là đối với hành vi hạn chế cạnh tranh hay tập trung kinh tế.
Riêng đối với vụ việc cạnh tranh không lành mạnh, vì thường có các dấu hiệu tương đối rõ ràng nên việc xác định thời điểm trên có thể dễ dàng hơn. Ngay khi phát hiện hành vi vi phạm, doanh nghiệp nên ngay lập tức tiến hành việc khiếu nại để đảm bảo thời hạn luật định, đặc biệt lưu ý rằng bước lập hồ sơ khiếu nại hay thu thập chứng cứ sẽ tốn khá nhiều thời gian.
(Ảnh minh hoạ)
2. Về thành phần hồ sơ, quy trình nộp hồ sơ khiếu nại vụ việc cạnh tranh không lành mạnh lên Ủy ban Cạnh tranh quốc gia
Về thành phần hồ sơ và quy trình giải quyết khiếu nại vụ việc cạnh tranh không lành mạnh, Luật Cạnh tranh hiện nay đã có những quy định khá rõ ràng. Do đó, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi không đề cập lại. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm thực tiễn, chúng tôi muốn đưa ra một số lưu ý sau đối với doanh nghiệp:
Thứ nhất, khi chuẩn bị hồ sơ khiếu nại vụ việc cạnh tranh không lành mạnh theo Khoản 3 Điều 77 Luật Cạnh tranh 2018, đối với đơn khiếu nại vụ việc cạnh tranh không lành mạnh, doanh nghiệp cần tham khảo mẫu M02 trong Quyết định số 60/QĐ-CT vừa được Ủy ban Cạnh tranh quốc gia ban hành vào ngày 05/7/2023, chi tiết về mẫu đơn này, doanh nghiệp có thể tham khảo tại trang web của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia[3].
Bên cạnh đó, sau khi nhận được hồ sơ khiếu nại của doanh nghiệp, trong vòng 07 ngày làm việc, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia sẽ chỉ kiểm tra sơ bộ về tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ khiếu nại chứ chưa tiến hành xem xét nội dung. Khi này, doanh nghiệp chỉ mới nhận được thông báo rằng đã tiếp nhận hồ sơ. Trong vòng 15 ngày kể từ ngày thông báo cho các bên, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia mới chính thức xem xét nội dung hồ sơ dựa trên quy định tại Khoản 3 Điều 77 Luật Cạnh tranh 2018. Nếu nội dung hồ sơ thỏa mãn yêu cầu luật định, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia mới có thể thực hiện các bước tiếp theo. Ngược lại, nếu hồ sơ không bảo đảm yêu cầu, doanh nghiệp sẽ nhận được thông báo bằng văn bản của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia về việc bổ sung hồ sơ.
Thứ hai, trong trường hợp doanh nghiệp cần thêm thời gian bổ sung hồ sơ khiếu nại, theo quy định, doanh nghiệp với tư cách là bên khiếu nại phải có đề nghị tới Ủy ban Cạnh tranh quốc gia về việc gia hạn thời hạn bổ sung hồ sơ, việc gia hạn này không phải tự động. Đây là một nội dung quan trọng mà doanh nghiệp cần lưu ý vì nếu không bổ sung trong thời hạn luật định thì hồ sơ sẽ bị trả. Về cách thức đề nghị gia hạn thời gian bổ sung hồ sơ khiếu nại, hiện tại pháp luật hay các cơ quan chưa có hướng dẫn cụ thể.
Chúng tôi cho rằng trước khi hết thời hạn 30 ngày mà doanh nghiệp vẫn chưa hoàn tất bổ sung hồ sơ thì nên có văn bản đề nghị gia hạn gửi đến Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, trong đó cần có: thông tin của doanh nghiệp, căn cứ trên thông báo bổ sung hồ sơ số bao nhiêu của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, cơ sở pháp lý đề nghị gia hạn thời hạn bổ sung hồ sơ. Ngoài ra, các thời hạn quy định ở đây đều là “ngày”, không phải “ngày làm việc”, do đó doanh nghiệp cần tính cả ngày nghỉ hằng tuần, lễ, tết,... để đảm bảo bổ sung hồ sơ đúng thời hạn luật định.
Liên hệ với nội dung đã đề cập tại Mục 1 về thời hiệu khiếu nại, vì pháp luật cạnh tranh cho phép doanh nghiệp bổ sung hồ sơ khiếu nại trong thời hạn có thể lên tới 45 ngày, do đó, doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ trước để bảo đảm tuân thủ thời hiệu khiếu nại, sau đó tận dụng quy định này để bổ sung hồ sơ thêm cho phù hợp.
3. Về nghĩa vụ chứng minh của bên khiếu nại
Doanh nghiệp khiếu nại vụ việc cạnh tranh không lành mạnh có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ chứng minh cho khiếu nại của mình[4]. Việc thu thập chứng cứ chứng minh hành vi cạnh tranh không lành mạnh cần được tiến hành trước khi doanh nghiệp nộp hồ sơ khiếu nại bởi đây là một thành phần quan trọng của hồ sơ, đồng thời là cơ sở để Ủy ban Cạnh tranh quốc gia quyết định có điều tra vụ việc cạnh tranh không lành mạnh hay không.
Định nghĩa chứng cứ, các nguồn chứng cứ và cách xác định chứng cứ được quy định cụ thể tại Điều 56 Luật Cạnh tranh 2018, doanh nghiệp cần chú ý tuân thủ chặt chẽ quy định này. Đặc biệt, theo Điều 19 Nghị định 35/2020/NĐ-CP, việc giao nộp chứng cứ phải được lập thành biên bản và lập thành 2 bản, trong đó bên giao nộp chứng cứ giữ 1 bản. Theo đó, doanh nghiệp với tư cách là bên khiếu nại có quyền và nghĩa vụ thu thập, giao nộp chứng cứ thì khi hoàn tất việc giao nộp chứng cứ phải chú ý nhận lại biên bản trên để đảm bảo quyền lợi của mình, làm cơ sở chứng minh trong trường hợp có tranh chấp.
Ngoài ra, khi thực hiện nghĩa vụ chứng minh, doanh nghiệp cần lưu ý đối với một số sự kiện, trường hợp không phát sinh nghĩa vụ chứng minh theo quy định tại Điều 18 Nghị định 35/2020/NĐ-CP nhằm tránh mất thời gian thu thập chứng cứ. Chẳng hạn như các sự kiện, tình tiết đã được phổ biến rộng rãi và rõ ràng cho mọi người cùng biết và được Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh hoặc Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia thừa nhận thì doanh nghiệp sẽ không phải chứng minh, điều này tương tự đối với trường hợp các tài liệu, văn bản mà bên bị khiếu nại, bên bị điều tra, người có quyền và nghĩa vụ liên quan hoặc người đại diện của các chủ thể này thừa nhận hoặc không phản đối. Ngoài ra, các văn bản, hồ sơ, tài liệu có sự xác nhận, chứng thực của cơ quan có thẩm quyền cũng thuộc trường hợp không làm phát sinh nghĩa vụ chứng minh đối với doanh nghiệp.
Tóm lại, khi tiến hành khiếu nại vụ việc cạnh tranh nói chung và vụ việc cạnh tranh không lành mạnh nói riêng, doanh nghiệp đều cần lưu ý ba vấn đề quan trọng: (i) Thời hiệu khiếu nại, (ii) Hồ sơ, trình tự thủ tục khiếu nại và (iii) Nghĩa vụ chứng minh bằng thu thập, giao nộp chứng cứ cho cơ quan cạnh tranh. Việc doanh nghiệp nắm bắt quy định pháp luật và chủ động, tích cực khiếu nại các hành vi vi phạm trên thực tế sẽ có ý nghĩa lớn khi không chỉ đảm bảo quyền và lợi ích của doanh nghiệp mà còn giúp các cơ quan cạnh tranh kịp thời điều tra, xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, từ đó điều chỉnh và ổn định thị trường.
[1] Khoản 6 Điểu 3 Luật Cạnh tranh 2018.
[2] https://diendandoanhnghiep.vn/tai-sao-vinasun-lai-khoi-kien-grab-ve-hanh-vi-canh-tranh-khong-lanh-manh-124404.html truy cập 27/11/2023
[3] Xem thêm tại: http://www.vcca.gov.vn/default.aspx?page=news&do=detail&id=c37118e3-eb3d-4b76-843c-addebfa296b3, truy cập ngày 21/12/2023.
[4] Khoản 3, 4 Điều 77 Luật Cạnh tranh 2018, Điều 17 Nghị định 35/2020/NĐ-CP.
Luật sư Nguyễn Nhật Dương; Nguyễn Ngọc Tú Linh (Công ty Luật TNHH HM&P)
Link nội dung: https://phaply.net.vn/khieu-nai-vu-viec-canh-tranh-khong-lanh-manh-doanh-nghiep-can-chuan-bi-nhung-gi-a257729.html