Từ những vụ lừa đảo huy động vốn quy mô lớn: Kiến nghị bịt các kẽ hở pháp luật và khuyến cáo nhà đầu tư

(Pháp lý) – Năm 2023 vừa qua, cơ quan điều tra đã khởi tố điều tra làm rõ nhiều vụ lừa đảo huy động vốn thực hiện trên quy mô lớn, nhằm chiếm đoạt số tiền rất lớn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Thực tế này đặt ra yêu cầu rà soát bít các kẽ hở pháp luật, đồng thời tiếp tục khuyến cáo nhà đầu tư.

Vì sao kinh doanh đa cấp lừa đảo vẫn có đất sống? | Tạp chí Kinh tế và Dự  báo

Ảnh minh hoạ

Điểm lại một số vụ lừa đảo huy động vốn quy mô lớn nhằm chiếm đoạt

Vụ Phạm Mỹ Hạnh lừa đảo huy động vốn của hơn 1000 nhà đầu tư, chiếm đoạt số tiền hơn 1.264 tỷ đồng:

Mới đây, ngày 10/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an quận Cầu Giấy đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phạm Mỹ Hạnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, được quy định tại khoản 4, Điều 174 Bộ Luật hình sự 2015.

Theo cơ quan điều tra, Phạm Mỹ Hạnh trong vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Công ty này đã có hành vi đưa thông tin không đúng sự thật về việc Công ty có dự án đầu tư trồng cây Sâm Ngọc Linh tại một số tỉnh trên cả nước, mang lại lợi nhuận cao. Thông qua “dự án” này, Phạm Mỹ Hạnh đã huy động vốn của hơn 1000 nhà đầu với tổng số tiền lên tới hơn 1.264 tỷ đồng.

Vụ Vũ Thị Thúy - Công ty Bất động sản Nhật Nam lừa đảo chiếm đoạt 8.900 tỷ đồng của 20.000 cá nhân:

Ngày 8/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hà Nội cũng đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh tạm giam đối với Vũ Thị Thúy - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư thương mại bất động sản Nhật Nam (Công ty Bất động sản Nhật Nam) về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Quá trình điều tra xác định, trong thời gian từ 2020 - 2022, Vũ Thị Thúy đã đưa ra thông tin quảng cáo sai sự thật về các dự án, cam kết trả lãi suất từ 34-46% để người dân tin tưởng nộp tiền vào Công ty dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh rồi lấy tiền của người sau trả lãi cho người trước.

Công ty bất động sản Nhật Nam lừa đảo hơn 10.000 cá nhân với hàng nghìn tỷ đồng - Ảnh 1.

Vũ Thị Thúy - Công ty Bất động sản Nhật Nam lừa đảo chiếm đoạt 8.900 tỷ đồng của 20.000 cá nhân

Theo cơ quan chức năng, Công ty Nhật Nam đã thu tổng khoảng 8.900 tỷ đồng của 20.000 cá nhân thông qua hơn 45.000 hợp đồng kinh doanh, trong đó, có trường hợp một cá nhân ký nhiều hợp đồng. Công ty trả lãi và gốc cho các cá nhân hơn 4.000 tỷ và chi phí cho hoạt động của công ty 520 tỷ, chi hoa hồng trả các cá nhân giới thiệu, huy động vốn hơn 2.000 tỷ; chi cho cá nhân bị can Vũ Thị Thúy hơn 600 tỷ; số tiền còn lại gần 1.000 tỷ chưa rõ chi đi đâu.

Hiên cơ quan chức năng đang tích cực điều tra làm rõ, mở rộng, truy bắt các đối tượng đồng phạm. Đồng thời, kê biên tài sản, truy tìm, truy lùng các bất động sản, tài sản để đảm bảo quyền lợi của bị hại.

Vụ Tân Hoàng Minh chiếm đoạt hơn 8.000 tỷ đồng

Ngày 30/9, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ban hành kết luận vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty TNHH TM-DV-Khách sạn Tân Hoàng Minh. Cơ quan điều tra đề nghị truy tố ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh cùng cá đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Kết luận điều tra đã hé lộ nhiều chiêu trò gian dối trong phát hành trái phiếu của chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh và một số thuộc cấp nhằm huy động tiền trái phép từ các nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.

Theo đó, từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022, chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh cùng các bị can đã thông qua các công ty con có hành vi gian dối, làm trái quy định của pháp luật trong phát hành chín gói trái phiếu riêng lẻ để chiếm đoạt hơn 8.600 tỉ đồng của 6.600 nhà đầu tư.

Ngày 22-11, ông Đỗ Anh Dũng và các đồng phạm đã bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

 

Vụ Trương Mỹ Lan – Tập đoàn Vạn Thịnh Phát lừa đảo 30.000 tỉ trái phiếu của 42.000 nhà đầu tư

Vào tháng 10/2022, cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan.

Đồng thời, cơ quan chức năng cũng khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam nữ doanh nhân Trương Mỹ Lan - chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; Trương Huệ Vân - tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn quản lý bất động sản Windsor; Hồ Bửu Phương - cựu chủ tịch hội đồng quản trị Công ty CP chứng khoán Tân Việt, cựu phó tổng giám đốc phụ trách tài chính Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát…

Theo cơ quan chức năng, từ năm 2018-2020, các nghi phạm có liên quan tại Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Vạn Thịnh Phát), các công ty con thuộc tập đoàn cùng một số đơn vị đã có hành vi gian dối, làm trái quy định của pháp luật trong phát hành trái phiếu. Từ các hành vi gian dối trong phát hành trái phiếu, các bị can trong vụ án Vạn Thịnh Phát đã lừa đảo 30.000 tỉ của 42.000 nhà đầu tư.

Diễn biến mới nhất liên quan đến vụ án này, ngày 18/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra, đề nghị truy tố 86 bị can trong vụ án liên quan Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (viết tắt là Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và một số đơn vị.

Theo kết luận của CQCSĐT, Bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc đã chi phối, lũng đoạn và chỉ đạo hoàn toàn hoạt động của ngân hàng SCB, có vai trò là người tổ chức, chủ mưu, cầm đầu để thực hiện hành vi tham ô, chiếm đoạt tài sản của ngân hàng SCB với số tiền đặc biệt lớn, hơn 304 nghìn tỷ đồng, phục vụ cho mục đích cá nhân.

Nhận diện những điểm chung về thủ đoạn phạm tội trong các vụ án

Nghiên cứu các vụ án trên cho thấy thủ đoạn các đối tượng sử dụng để lừa đảo có nhiều điểm chung như : cố tình thông tin sai lệch, thiếu minh bạch; vẽ ra các dự án ma, đánh bóng  dự án, "thổi phồng" giá trị doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh; "vẽ" ra các kịch bản, dự án không đúng thực tế; đưa ra lãi suất cao, cam kết lợi nhuận hấp dẫn... để thu hút nhà đầu tư.

1. Thông tin sai lệch, thiếu minh bạch:

Đây là điểm chung thường thấy trong các vụ án lừa đảo thời gian qua, theo đó, các công ty này thường đưa ra những thông tin sai lệch, thiếu minh bạch về các dự án đầu tư, dự án BĐS  hoặc sử dụng các báo cáo tài chính không chính xác… để thu hút các nhà đầu tư quan tâm và kêu gọi đầu tư.

Điển hình như, trong vụ Vụ lừa đảo huy động 1.200 tỷ cho dự án sâm Ngọc Linh, Công ty cổ phần tập đoàn Mỹ Hạnh liên tục quảng cáo đưa thông tin sai sự thật về dự án đầu tư trồng cây sâm Ngọc Linh ở nhiều tỉnh với lợi nhuận cao để huy động vốn. Theo Công an TP Hà Nội, Công an quận Cầu Giấy xác minh từ tháng 10/2020 đến tháng 11/2022, Công ty cổ phần tập đoàn Mỹ Hạnh không có dự án đầu tư về cây Sâm Ngọc Linh nhưng bà Phạm Mỹ Hạnh vẫn đưa ra thông tin quảng cáo sai sự thật về việc công ty này đang thực hiện dự án trồng và chăm sóc cây Sâm Ngọc Linh tại địa bàn các tỉnh Kon Tum, Quảng Nam. Ngoài ra, công ty này còn quảng cáo hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu các loại dược liệu; sản xuất và phân phối sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh; Spa Dược liệu Sâm… đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư nộp tiền góp vốn vào công ty hứa hẹn trả lợi nhuận cao rồi chiếm đoạt.

Cũng tương tự, trường hợp của Công ty Nhật Nam đưa ra thông tin quảng cáo sai sự thật về các dự án bất động sản, dự án đầu tư, có lợi nhuận cao để huy động vốn của nhiều nhà đầu tư tham gia góp vốn công ty này.  Theo đó, Công ty Nhật Nam quảng cáo có rất nhiều dự án mà công ty này là chủ đầu tư hay liên doanh, liên kết với các đối tác khác. Ngoài ra, công ty này cũng giới thiệu đang sở hữu quỹ đất dồi dào tại nhiều địa phương trên cả nước… Tuy nhiên, thực tế tại cơ quan điều tra, Vũ Thị Thúy khai nhận Công ty Nhật Nam không có dự án, bất động sản nào tại các tỉnh Hòa Bình, Bình Thuận... hay nhiều dự án quy mô lớn khác như quảng cáo, mục đích thành lập công ty này là để huy động vốn của các cá nhân. Báo cáo tài chính của công ty Nhật Nam từ năm 2019 đến năm 2021 đều thua lỗ.

Hay như trương hợp vụ lừa đảo trái phiếu Tân Hoàng Minh, để thu hút nhà đầu tư các thành viên cốt cán của Tân Hoàng minh đã thống nhất lựa chọn các công ty thuộc Tân Hoàng Minh phát hành trái phiếu riêng lẻ, loại hình trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền và lựa chọn hình thức trái phiếu có tài sản đảm bảo để tạo niềm tin, thu hút được nhiều người mua trái phiếu.

Đáng chú ý, ông Dũng chỉ đạo thuộc cấp sử dụng pháp nhân 3 công ty là Ngôi Sao Việt, Soleil, Cung Điện Mùa Đông để ngụy tạo các hoạt động kinh tế không có thật thông qua các hợp đồng khống như mua bán cổ phần, hợp tác đầu tư.

Các bị can cũng liên hệ với một số công ty kiểm toán để "làm đẹp báo cáo tài chính" sao cho đủ điều kiện phát hành trái phiếu. còn cấu kết với các công ty kiểm toán để làm đẹp báo cáo tài chính để có đủ điều kiện phát hành trái phiếu.  Cụ thể, các thành viên chủ chốt của Tân Hoàng Minh đã tìm kiếm, thoả thuận với các công ty kiểm toán đồng ý đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần đối với báo cáo tài chính các công ty dự kiến phát hành trái phiếu là Công ty Ngôi Sao Việt, Công ty Soleil và Công ty Cung Điện Mùa Đông, đảm bảo thời gian nhanh nhất.

Theo báo cáo kê khai thuế của Công ty Ngôi Sao Việt và Công ty Soleil, cả hai đều thua lỗ nhưng đã được Công ty Kiểm toán Nam Việt giúp hợp thức hoá để chuyển từ lỗ sang có lãi, loại bỏ các công ty con, công ty liên kết để né tránh báo cáo kiểm toán hợp nhất. Nhờ vậy, 2 công ty này đã phát hành được 5 gói trái phiếu với tổng giá trị 4.450 tỷ đồng.

Công ty Cung Điện Mùa Đông có các chỉ tiêu tài chính nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục, có nợ quá hạn; không đủ điều kiện để kiểm toán báo cáo tài chính với ý kiến chấp nhận toàn phần nhưng đã thông đồng với Công ty CPA Hà Nội để hợp thức báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020 và 2021 để phát hành 4 gói trái phiếu với tổng trị giá 5.580 tỷ đồng.

Với loại tài sản chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý, Tân Hoàng Minh thông qua các công ty thẩm định giá ban hành chứng thư, ghi nhận giá trị tài sản đảm bảo để "tạo niềm tin cho người mua trái phiếu".

2. “ Câu” nhà đầu tư bằng lãi suất cao, cam kết lợi nhuận hấp dẫn:

Điểm chung thứ 2 trong các vụ án lừa đảo đó chính là các đối tượng thường lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin, đánh vào lòng tham của nhiều người, đưa ra mức lãi suất cao, cam kết lợi nhuận hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư.

Theo đó, trong vụ án huy động vốn trồng sâm của Tập đoàn Mỹ Hạnh, để lôi kéo nhà đầu tư xuống tiền, với vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị, bà Hạnh đứng ra hứa hẹn, cam kết trả lãi suất 24-48%/năm cho các nhà đầu tư.

Hay như trong vụ Nhật Nam, bà Vũ Thị Thúy - Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Nhật Nam - đã đưa thông tin quảng cáo sai sự thật về các dự án bất động sản, cam kết trả lãi 34 - 46%, thậm chí là 80% để người dân tin tưởng nộp tiền.

Hay như trường hợp lừa đảo trái phiếu của Tân Hoàng Minh, để thu hút nhà đầu tư các đợt phát hành trái phiếu của nhóm Tân Hoàng Minh có lãi suất cao từ 11,5-12%/năm. Trong khi đó, mặt bằng lãi suất trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản khác chỉ vào khoảng 8-10%/năm.

Bà Phạm Mỹ Hạnh - Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh - từng giới thiệu về "dự án trồng sâm Ngọc Linh"

3. Đánh bóng tên tuổi, thổi phồng giá trị:

Một điểm chung nữa mà chúng tôi nhân thấy trong các vụ án này đó chính là các đối tượng thường nhiều chiêu thức, thủ đoạn tinh vi để đánh bóng tên tuổi, thổi phồng giá trị để thu hút nhà đầu tư.

Điển hình như, trong vụ Vụ lừa đảo huy động 1.200 tỷ cho dự án sâm Ngọc Linh, Công ty cổ phần tập đoàn Mỹ Hạnh liên tục quảng cáo đưa thông tin sai sự thật về dự án đầu tư trồng cây sâm Ngọc Linh ở nhiều tỉnh với lợi nhuận cao để huy động vốn.

MHG từng lập một trang web để quảng bá với những ngôn từ hào nhoáng, giới thiệu Dự án MHG - khu du lịch sinh thái Măng Cành được chủ đầu tư và xây dựng tại Km 18, tỉnh lộ 676 (xã Măng Cành, huyện Kon Plông, Kon Tum) từ năm 2019 với đăng ký pháp quyền là Hợp tác xã nông nghiệp Tuyết Sơn Kon Plông.

MHG giới thiệu họ sở hữu một đội ngũ chuyên gia hàng đầu Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản... luôn đồng hành. MHG luôn tự tin sẽ triển khai dự án thành công ngoài mong đợi. "Nổi bật tại MHG Farm là khu vực trồng vườn sâm Ngọc Linh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao với quy trình quản lý khép kín theo tiêu chuẩn quốc tế” - doanh nghiệp này giới thiệu. Bên cạnh đó, họ còn rao bán các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh trên 10 năm tuổi như rượu, lương khô, trà... giá từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng.

Không những vậy, MHG còn đưa ra những thông tin về hoạt động nghiên cứu, trồng sâm Ngọc Linh, sản xuất, phân phối sản phẩm sâm Ngọc Linh là sứ mệnh, chiến lược mũi nhọn của doanh nghiệp. Công ty mang trong mình sứ mệnh bảo tồn giá trị quý báu của loại dược liệu quý này, đồng thời mang Sâm Ngọc Linh đến gần hơn với người Việt Nam và trên thế giới.

Trong khi đó, ở vụ lừa đảo Công ty Nhật Nam, cơ quan điều tra xác định bà Thúy tổ chức nhiều buổi hội thảo thu hút số lượng lớn hàng nghìn người tham dự. Tại các buổi hội thảo, Thúy sử dụng một số người có uy tín trong xã hội, có người từng công tác trong ngành pháp luật để giới thiệu đây là công ty uy tín, cam kết người tham gia không bị mất vốn nếu đầu tư...Ngoài ra, bà Thúy mở 32 văn phòng đại diện tại Hà Nội, TP HCM và nhiều tỉnh thành trong cả nước để tổ chức quảng bá, huy động vốn…

Nghiên cứu các vụ án trên cho thấy thủ đoạn các đối tượng sử dụng để lừa đảo có nhiều điểm chung như : cố tình thông tin sai lệch, thiếu minh bạch; vẽ ra các dự án ma, đánh bóng  dự án, "thổi phồng" giá trị doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh; "vẽ" ra các kịch bản, dự án không đúng thực tế; đưa ra lãi suất cao, cam kết lợi nhuận hấp dẫn... để thu hút nhà đầu tư.

Nhận diện những khoảng trống pháp luật

Trong quá trình hoạt động của mình, các doanh nghiệp sẽ liên tục phải huy động vốn để phù hợp với hoạt động kinh doanh và quản trị công ty và pháp luật hiện nay cũng cho phép doanh nghiệp thực hiện điều này. Theo đó,  Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định doanh nghiệp có quyền “lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn”.

Doanh nghiệp có thể huy động vốn bằng nhiều hình thức như: Vốn góp ban đầu; huy động vốn bằng tín dụng ngân hàng huy động vốn bằng phát hành trái phiếu; huy động vốn bằng phát hành cổ phiếu; huy động vốn từ lợi nhuận không chia; huy động vốn bằng tín dụng thương mại; huy động vốn bằng cách thỏa thuận vay tiền từ tổ chức, cá nhân khác trong nền kinh tế.

Tuy nhiên, để có thể huy động vốn ở mỗi hình thức, lĩnh vực khác nhau, pháp luật cũng quy định cụ thể các điều kiện khác nhau. Điển hình như khi huy động vốn từ việc phát hành cổ phiếu, trái phiếu, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện cụ thể theo quy định luật chứng khoán. Hay trong lĩnh vực đầu tư BĐS, để huy động vốn cho dự án BĐS doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện luât kinh doanh BĐS…

Mặc dù pháp luật đã có nhiều quy định liên quan đến hoạt động huy động vốn của doanh nghiệp. Song thực tế vẫn còn không ít những khoảng trống để các đối tượng lợi dụng, “lách luật” để lừa đảo huy động vốn để chiếm đoạt tiền, tài sản.

Điển hình như, hiện nay pháp luật Việt Nam chưa có khung pháp lý cụ thể về uỷ thác nói chung, uỷ thác đầu tư nói riêng, đặc biệt hành lang pháp luật bảo vệ nhà đầu tư còn nhiều sơ hở. Khái niệm ủy thác đầu tư được quy định chỉ duy nhất trên thị trường chứng khoán, tuy nhiên cũng chưa thật chặt chẽ. Theo Luật Chứng khoán, hoạt động kinh doanh sinh lời, chuyên nghiệp trong hoạt động uỷ thác là một hoạt động nghiệp vụ chứng khoán, chỉ cho phép tồn tại dưới hình thức công ty quản lý quỹ. Lợi dụng điều này, không ít đối tượng đã huy động vốn thông qua các hợp đồng uỷ thác đầu tư với cam kết lãi suất, tỉ suất sinh lời cao.

Nhìn vào hoạt động huy động vốn của Tập đoàn Mỹ Hạnh, công ty Nhật Nam… thực chất là một dạng biến tướng của hoạt động gọi vốn cộng đồng (hình thức huy động vốn mới xuất hiện tại Việt Nam). Theo đó, các doanh nghiệp thường đưa ra những dự án đầu tư kinh doanh sau đó kêu gọi tài trợ, góp vốn của các nhà đầu tư để triển khai dự án. Người góp vốn được mời tham gia các hội thảo giới thiệu về viễn cảnh sản phẩm, dự án, khả năng làm giàu và trở thành cổ đông của doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn... Những dự án này thực tế đã kêu gọi được lượng nhà đầu tư rất lớn, hầu hết là cá nhân lên tới hàng nghìn người và vốn huy động đến hàng nghìn tỷ đồng (Tập đoàn Mỹ Hạnh huy động hơn 1.200 tỷ đồng của 1.000 người cho các dự án dự án trồng sâm; Công ty Nhật Nam huy động được khoảng 8.900 tỷ đồng của 20.000 cá nhân thông qua hơn 45.000 hợp đồng kinh doanh).

Việt Nam hiện chưa có quy định pháp luật trực tiếp điều chỉnh vấn đề “gọi vốn cộng đồng”. Do đó,  các quan hệ liên quan chủ yếu phụ thuộc vào pháp luật dân sự. Việc thiếu quy định cụ thể về tư cách, quyền hạn và trách nhiệm của các bên trong quan hệ gọi vốn cộng đồng dẫn đến tình trạng thiếu một cơ sở pháp lý cụ thể và phù hợp để áp dụng trong trường hợp phát sinh tranh chấp, đặc biệt trong việc quản lý tiền đóng góp từ cộng đồng, tính minh bạch trong hoạt động công bố thông tin và mức độ tuân thủ cam kết của bên gọi vốn.

Bên cạnh đó, cơ chế thẩm định chất lượng dự án hoặc ý tưởng kinh doanh và năng lực của bên gọi vốn cũng chưa được làm rõ. Do đó, không thể loại trừ trường hợp các dự án chỉ là “bánh vẽ” để lừa đảo tiền từ cộng đồng hoặc sử dụng tiền không đúng mục đích huy động. Chỉ khi bên gọi dự án có dấu hiệu phạm tội và cơ quan chức năng vào cuộc thì nhà đầu tư mới biết và hình dung phần nào các rủi ro đang phải đối diện.

Hay như trong các quy định về phát hành tránh phiếu cũng còn nhiều kẽ hở để các đối tượng lợi dụng. Trước tiên, pháp luật chứng khoán còn thiếu quy định cụ thể về cơ chế kiểm tra, giám sát đảm bảo các tổ chức thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình và tuân thủ nghiêm quy định pháp luật.

Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế đã có quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của các tổ chức đấu thầu, bảo lãnh và đại lý phát hành trái phiếu như: Phải cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin cho nhà đầu tư; không cung cấp thông tin sai sự thật, không cung cấp thông tin dễ gây hiểu lầm về trái phiếu cho nhà đầu tư; không được chào mời, hỗ trợ nhà đầu tư không thuộc đối tượng nhà đầu tư mua TPDN phát hành riêng lẻ…

Tuy nhiên, có thể thấy rằng vẫn còn thiếu những quy định cụ thể về cơ chế kiểm tra, giám sát đối với các đơn vị này, đảm bảo họ thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình và tuân thủ nghiêm quy định pháp luật.

Thứ hai, hiện nay, cũng chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về tính độc lập của doanh nghiệp phát hành, đơn vị tư vấn thẩm định, đơn vị phát hành, đơn vị bảo lãnh…Nhiều trái phiếu doanh nghiệp kém chất lượng được bán ra, không ít trong số đó là trái phiếu “ba không” được các doanh nghiệp khi bán trái phiếu quảng cáo mập mờ là phát hành thông qua ngân hàng lớn, công ty chứng khoán khiến khách hàng lầm tưởng là ngân hàng “đứng sau lưng”.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 11 Luật Chứng khoán 2019 cũng như các quy định hiện hành liên quan, chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp. Quy định này là để bảo vệ các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, không có kinh nghiệm.

Bởi, việc mua trái phiếu riêng lẻ nhưng không đủ năng lực đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; không phân tích được rủi ro; không nắm rõ điều kiện, điều khoản của trái phiếu (nhầm tưởng là được công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại bảo lãnh, trong khi các tổ chức này chỉ cung cấp và hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành trái phiếu)... sẽ gây ra rủi ro cho nhà đầu tư.

Trên thực tế đã xuất hiện hiện hiện tượng một số đơn vị “lách luật” để trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp bằng cách ký các hợp đồng hợp tác đầu tư để “hỗ trợ” nhà đầu tư không đủ chuẩn (tài sản - tiền) theo quy định để tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.  Những điều này có thể thấy rõ trong vụ lừa đảo trái phiếu của Tân Hoàng Minh hay vụ lừa đảo trái phiếu của Tập đoàn Vạn Thị Phát.

Một số khuyến cáo và kiến nghị

Đối với nhà đầu tư

Thiết nghĩ, hoạt động đầu tư, tìm kiếm lợi nhuận là nhu cầu của mỗi tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, những năm gần đây đã có nhiều bài học cho nhà đầu tư được rút ra từ không ít các vụ án liên quan đến hành vi lừa đảo thông qua hoạt động huy động vốn, kêu gọi đầu tư vào bất động sản, chứng khoán, trái phiếu…

Do đó, đối với các nhà đầu tư, để tránh mắc vào những "cạm bẫy” đã giăng sẵn, nhà đầu tư cần tỉnh táo, thận trọng, cân nhắc kỹ càng trước khi quyết định góp vốn vào bất cứ doanh nghiệp, tổ chức nào... trong đó, chúng tôi cho rằng nhà đầu tư đặc biệt lưu ý những yếu tố sau đây:

Thứ nhất, trước khi tham gia  góp vốn đầu tư vào bất kỳ dự án nào hoặc mua bất kỳ cổ phiếu, trái phiếu nào nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ thông tin về các dự án đầu tư, các tổ chức huy động vốn, công ty phát hành, bao gồm: tình hình tài chính, năng lực quản lý, uy tín của công ty, các giấy tờ pháp lý như giấy phép thành lập và hoạt động, ngành nghề kinh doanh,... nhờ chuyên gia kiểm tra pháp lý, đánh giá những rủi ro để quyết định đầu tư.

Thứ hai, cần phải kiểm chứng thông tin công ty quảng cáo và đặc biệt cảnh giác trước mọi lời cam kết trả lợi nhuận “siêu cao”, trả thưởng “khủng” so với thị trường. bởi các chuyên gia kinh tế trao đổi trên báo báo chí từng nhiều lần khẳng định: những công ty đưa ra lãi suất khủng 34 - 46%, thậm chí 70 - 80% chắc chắn là “mồi bả chuột” để kêu gọi các nhà đầu tư.

Thứ ba, Nhà đầu tư chỉ nên đầu tư vào các sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp có tài sản đảm bảo. Tài sản đảm bảo có thể là bất động sản, dự án, hoặc các tài sản khác có giá trị. Đối với các dự án bất động sản, dự án đầu tư kinh doanh phải có những biện pháp theo dõi, giám sát, kiểm chứng mục đích sử dụng của nguồn tiền đã đầu tư.

Về phía các cơ quan chức năng

 Mặc dù pháp luật cũng đã có nhiều quy định điều chỉnh các hoạt động đầu tư kinh doanh ở mỗi ngành nghề lĩnh vực cụ thể. Tuy nhiên, thực tế vẫn luôn xảy ra các vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn ngày càng tinh vi, quy mô ngày càng lớn cho thấy hệ thống pháp luật đầu tư kinh doanh của việt nam vẫn luôn tồn tai những bất cập, kẽ hở để cho các đối tượng xấu lợi dụng, lách luật thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, lừa đảo.

Chính vì thế trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật liên quan đến hoạt đầu tư kinh doanh, đảm bảo một môi trường pháp lý đầu tư kinh doanh thực sự minh bạch, an toàn. Trong đó đặc biệt cần rà soát sửa đổi bổ sung các quy định liên quan đến hoạt động phát hành trái phiếu doanh, các hoàn thiện khung pháp lý đối với các hình thức huy động vốn mới như huy động vốn cộng đồng…

Đồng thời, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, đánh giá và kiểm soát các hoạt động đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp đảm bảo họ thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình và tuân thủ nghiêm quy định pháp luật; tăng cường xử lý nghiêm các vi phạm góp phần quan trọng trong bảo vệ lợi ích nhà đầu tư,

Đinh Chiến – Bùi Lộc

Link nội dung: https://phaply.net.vn/tu-nhung-vu-lua-dao-huy-dong-von-quy-mo-lon-kien-nghi-bit-cac-ke-ho-phap-luat-va-khuyen-cao-nha-dau-tu-a257618.html