Từ vụ Vạn Thịnh Phát: Hoàn thiện hệ thống pháp luật, kiểm soát sở hữu chéo, chặn thao túng hoạt động ngân hàng là vấn đề cấp bách

(Pháp lý) Nghiên cứu từ kết quả điều tra “đại án” Vạn Thịnh Phát - SCB cho thấy vi phạm trong sở hữu chéo, cho vay sân sau của ngân hàng vẫn còn phức tạp, ngày càng tinh vi. Đây là một thách thức rất lớn với cơ quan quản lý trong bài toán chống chi phối hoạt động ngân hàng. Đặt ra vấn đề cấp bách hoàn thiện hệ thống pháp luật, bít các kẽ hở trong hoạt động tín dụng ngân hàng.

1-1700468320.png

Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan (ngoài cùng bên trái) và 7 cựu cán bộ ngân hàng SCB đang bị Bộ Công an truy nã - Ảnh: Bộ Công an

Nhận diện những chiêu thức thủ đoạn tinh vi, lách quy định pháp luật, nhằm chiếm đoạt tiền của Ngân hàng

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án Tham ô tài sản, vi phạm hoạt động ngân hàng, đưa, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị, tổ chức liên quan.

Theo kết luận của CQCSĐT, Trương Mỹ Lan đã sử dụng quyền hạn để chỉ đạo các đồng phạm hợp thức hồ sơ để chiếm của SCB đoạt số tiền hơn 304 nghìn tỷ đồng, phục vụ cho mục đích cá nhân.

Bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc đã chi phối, lũng đoạn và chỉ đạo hoàn toàn hoạt động của SCB, có vai trò là người tổ chức, chủ mưu, cầm đầu để thực hiện hành vi tham ô tài sản với số tiền đặc biệt lớn.

Hành vi phạm tội của bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm được thực hiện với lỗi "cố ý trực tiếp", có dự mưu từ trước, được chuẩn bị, tổ chức thực hiện hết sức công phu, tỉ mỉ và có "kịch bản". Các bị can đã thao túng, lũng đoạn, bất chấp các quy định pháp luật để thực hiện phạm tội.

"Đây là tổ chức tội phạm có quy mô rất lớn, hoạt động hết sức manh động nhưng cũng rất tinh vi, xảo quyệt, hậu quả mà tổ chức tội phạm này gây ra là đặc biệt lớn về kinh tế, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của ngành ngân hàng, uy tín của Nhà nước trong quản lý kinh tế", kết luận nêu.

Nghiên cứu vụ án cho thấy hàng loạt những thủ đoạn tinh vi, phức tạp mà các đối tượng sử dụng nhằm lách quy định của pháp luật để chiếm đoạt tiền của ngân hàng, đồng thời trốn tránh sự truy vết của cơ quan chức năng:

Thứ nhất, nhờ nhiều người thân tín đứng tên sở hữu cổ phần, nhằm thâu tóm,  thao thúng, sử dụng ngân hàng như một công cụ tài chính để huy động tiền

Với chủ trương lợi dụng hoạt động của ngân hàng trong việc huy động nguồn vốn đáp ứng nhu cầu kinh doanh của tập đoàn và các công ty kể trên, Trương Mỹ Lan là chủ sở hữu 3 ngân hàng gồm: Ngân hàng TMCP Sài Gòn (cũ); Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa; Ngân hàng TMCP Đệ Nhất. Từ đây, Lan đã thao túng hoạt động của các ngân hàng này, phục vụ cho các mục đích cá nhân.

Từ tháng 12/2011, bằng hình thức nhờ người đứng tên sở hữu cổ phần, Trương Mỹ Lan nắm giữ 81,43% cổ phần của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (cũ) dưới tên của 32 cổ đông; 98,74% cổ phần của Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa dưới tên của 36 cổ đông và 80,46% cổ phần của Ngân hàng TMCP Đệ Nhất dưới tên của 24 cổ đông.

Sau khi 3 ngân hàng này được hợp nhất vào ngày 10/1/2012, với tên gọi là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (Ngân hàng SCB), Trương Mỹ Lan tiếp tục nhờ 73 cổ đông đứng tên sở hữu 85,606% cổ phần của SCB. Đồng thời, tiếp tục mua và sử dụng cá nhân đứng tên cổ phần tại Ngân hàng SCB để tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại ngân hàng này lên 91,545% vào ngày 1/1/2018.

Tính đến tháng 10/2022, Ngân hàng SCB có vốn điều lệ 15.231,688 tỷ đồng với tổng số 4.129 cổ đông được Ngân hàng Nhà nước công nhận. Trong đó, Trương Mỹ Lan đã sở hữu, chi phối gần 91,536% vốn điều lệ, do 27 pháp nhân, cá nhân đứng tên giúp. Trương Mỹ Lan trực tiếp đứng tên sở hữu 4,982% vốn điều lệ.

Với việc sở hữu/nắm quyền chi phối số cổ phần ngân hàng SCB nêu trên, Trương Mỹ Lan đã đưa người của mình hoặc sử dụng các cá nhân Lan tin trưởng, thân tín vào các vị trí thuộc Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc, Giám đốc Chi nhánh lớn, Trưởng ban kiểm soát.

Họ đều là những người có trình độ, hoạt động lâu năm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, nghe theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan. Họ được trả mức lương cao từ 200 đến 500 triệu đồng/tháng.

Bằng cách thâu tóm, nắm giữ cổ phần chi phối, điều hành hoạt động ngân hàng thông qua các đối tượng chủ chốt tại Ngân hàng SCB, Trương Mỹ Lan đã sử dụng ngân hàng SCB với chức năng của một ngân hàng thương mại cổ phần như một công cụ tài chính để huy động tiền gửi của người dân và các tổ chức, huy động vốn từ các nguồn khác theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, trong hoạt động cho vay, ngân hàng SCB lại chủ yếu phục vụ cho mục đích cá nhân của Trương Mỹ Lan.

Theo Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Trương Mỹ Lan mặc dù không nắm giữ chức vụ nào tại Ngân hàng SCB nhưng lại là người có quyền hạn rất lớn tại SCB.  Từ khi sáp nhập (2012) đến nay, Trương Mỹ Lan luôn nắm giữ cổ phần chi phối tại Ngân hàng SCB (từ 85% đến 91,5% tổng số cổ phần của SCB do chính Trương Mỹ Lan, các cá nhân thân tín và pháp nhân của Lan sở hữu đứng tên sở hữu). Số cổ phần còn lại (dưới 10%) do khoảng hơn 4.000 cổ đông nhỏ lẻ nắm giữ. Từ đó, bà Trương Mỹ Lan đã thông qua các cá nhân thân tín, giữ vai trò chủ chốt tại đây và các cán bộ chủ chốt tại Vạn Thịnh Phát triển khai các hoạt động rút tiền của ngân hàng dưới hình thức giải ngân cho các hồ sơ vay được lập khống…
2-1700468329.jpg

Bằng cách thâu tóm SCB, Trương Mỹ Lan đã sử dụng ngân hàng SCB như một công cụ tài chính để huy động tiền gửi của người dân và các tổ chức

Thứ hai, lập đơn vị có chức năng cho vay riêng đối với các khoản vay của Trương Mỹ Lan để tránh sự kiểm soát của NHNN

Theo kết luật điều tra, điểm chung của các khoản vay bà Lan đưa ra là "số tiền vay rất lớn", từ vài chục tỷ đồng trở lên, chênh lệch "đặc biệt lớn" với các khoản vay thông thường; giải ngân trước hợp thức hồ sơ sau; tài sản đảm bảo giống nhau...

Trên hệ thống, các khoản vay này được ghi chú ký hiệu "HSTT" - tức Hội sở tiếp thị. Nghĩa là không thẩm định khách hàng, không thẩm định tài sản bảo đảm, không quan tâm phương án vay vốn. Thông thường, các khoản vay này sẽ duyệt ngay khi chưa hoàn thiện hồ sơ, trái với quy định cho vay thông thường, kết luận điều tra nêu.

Nhóm bị can nguyên là lãnh đạo, nhân viên SCB khai đều biết các khoản vay của cá nhân bà Lan là trái quy định pháp luật. Mỗi khi cần huy động tiền, bà Lan sẽ tổ chức cuộc họp ở tòa nhà Times Square chứ không phải trụ sở SCB. Tại đây, nữ chủ tịch thông báo cần bao nhiêu tiền, dùng tài sản gì để thế chấp, thời gian giải ngân để lãnh đạo SCB chia nhau thực hiện.

Khi bị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM giám sát, Đinh Văn Thành, Chủ tịch HĐQT và Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng Giám đốc SCB đã làm theo chỉ đạo của bà Lan để thành lập ba đơn vị cho vay mới tại hội sở để phục vụ riêng nữ chủ tịch gồm: Trung tâm kinh doanh khách hàng Wholesale, Kênh kinh doanh trực tiếp thuộc Khối doanh nghiệp (có đơn vị trực thuộc là Hub kinh doanh trực tiếp khách hàng doanh nghiệp), Kênh kinh doanh trực tiếp thuộc Khối Dịch vụ ngân hàng và tài chính cá nhân (có đơn vị trực là Hub cho vay bất động sản Hồ Chí Minh 2). Điểm khác biệt của các đơn vị này là thuộc quản lý của hội sở, không có con dấu riêng mà dùng dấu của đơn vị khác, không có bộ phận kho quỹ riêng.

Từ 03/06/2020-24/06/2022, 3 đơn vị đã giải ngân cho nhóm Trương Mỹ Lan với 296 khách hàng với 396 khoản vay. Tính đến ngày 17/10/2022, nợ gốc và lãi 213 nghìn tỷ đồng (chiếm 38.27% dư nợ gốc).

Thứ ba, tạo lập các công ty “ ma”, khách hàng vay vốn khống, thuê nhờ người đứng tên tài sản, che dấu, đối phó cơ quan thanh kiểm tra

Kết quả điều tra xác định, Trương Mỹ Lan đã trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các bị can như Nguyễn Phương Hồng, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung...  chỉ đạo các nhân vật tại SCB, Vạn Thịnh Phát cùng đơn vị thẩm định để thực hiện nhiều thủ đoạn khác nhau, bao gồm: tạo lập khách hàng vay vốn khống; thuê, nhờ người đứng tên tài sản; tạo lập hồ sơ vay vốn khống; đưa tài sản đảm bảo được định giá trị.

Tất cả nhằm tạo ra một bộ hồ sơ đúng như quy định để che giấu, đối phó với các cơ quan thanh tra, kiểm tra, phục vụ mục đích “rút ruột” SCB.

Hầu hết các khoản vay của Trương Mỹ Lan - Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được giải ngân trước và thực hiện hợp thức sau. Mặc dù trên hồ sơ thể hiện thời điểm giải ngân cùng thời điểm ký hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp, nhưng thực tế việc rút tiền tại SCB đã được thực hiện trước khi các hợp đồng được hoàn thiện.

3-1700468330.jpeg

Trong hệ sinh thái hơn 1.000 doanh nghiệp, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát giữ vai trò trung tâm.

Gần 1300 khoản vay của Trương Mỹ Lan và Vạn Thịnh Phát do 875 khách hàng vay vốn đứng tên, gồm 440 cá nhân, 435 pháp nhân. Tất cả đều do Trương Mỹ Lan chỉ đạo nhóm đối tượng tại Vạn Thịnh Phát thành lập, thuê hoặc nhờ người đứng tên.

Các pháp nhân hầu hết là các pháp nhân “ma", do Trương Mỹ Lan chỉ đạo hai đối tượng chính là Nguyễn Ngọc Dương và Nguyễn Phương Anh, Tổng Giám đốc (TGĐ) và Phó TGĐ Công ty Sài gòn Peninsula thực hiện. Các Công ty này thành lập thực chất không có hoạt động kinh doanh gì, nhưng để tránh sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan có thẩm quyền, Dương và Phương Anh giao cho một số nhân viên kế toán quản lý, báo cáo thuế, nghe điện thoại theo số đã đăng ký, quản lý con dấu như một công ty đang hoạt động.

Đối với cá nhân, Trương Mỹ Lan cũng chỉ đạo nhân viên Vạn Thịnh Phát đứng tên hoặc nhờ người họ đứng tên. Ngoài ra, gián tiếp thông qua 2 đối tượng Dương và Phương Anh chỉ đạo các đối tượng tìm thuê người đứng tên các khoản vay, đứng tên tài sản đảm bảo để đưa vào thế chấp tại ngân hàng.

Với phương thức, thủ đoạn nêu trên, Trương Mỹ Lan và Vạn Thịnh Phát đã thành lập hàng nghìn pháp nhân, sử dụng hàng nghìn cá nhân làm đại diện pháp luật, đứng tên cổ đông, đứng tên ký hồ sơ vay vốn, đứng tên tài sản bảo đảm để hợp thức rút tiền của Ngân hàng SCB.

Theo kết luận điều tra của Cơ quan điều tra Bộ Công an, quá trình hoạt động, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã xây dựng hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát với hơn 1.000 doanh nghiệp gồm các công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước, để lấy pháp nhân góp vốn đầu tư vào các dự án, vay vốn ngân hàng, thực hiện việc đảo nợ… với hàng trăm cá nhân được thuê đứng tên đại diện pháp luật hoặc là người có quan hệ họ hàng, cán bộ, công nhân viên.

Thứ tư, thao túng công ty thẩm định giá, nâng khống tài sản, đưa tài sản không đủ pháp lý vào thế chấp

Thủ đoạn của Trương Mỹ Lan muốn thành công phải có sự tiếp tay của các đối tượng tại các công ty thẩm định giá. Cơ quan điều tra kết luận các công ty này đã thông đồng với nhóm đối tượng tại SCB để phát hành các Chứng thư Thẩm định giá, nhằm hợp thức các hồ sơ vay vốn của nhóm Trương Mỹ Lan.

Trong đó, lãnh đạo Ngân hàng SCB gồm TGĐ Võ Tấn Hoàng Văn, Quyền TGĐ Trương Khánh Hoàng, Phó TGĐ Nguyễn Phương Hồng, Trần Thị Mỹ Dung đã chỉ đạo trực tiếp hoặc gián tiếp cho cấp dưới là Lê Văn Chánh, Lê Anh Phương, Bùi Ngọc Sơn để liên hệ với các Công ty Thẩm định giá gửi thông tin về tài sản, trị giá tài sản bảo đảm cần định giá theo yêu cầu của SCB.

Nhóm đối tượng liên quan tại các Công ty Thẩm định giá, thẩm định viên, cá nhân môi giới dù không thực hiện thẩm định nhưng đã phát hành các Chứng thư Thẩm định giá tài sản theo yêu cầu để thông đồng, hợp thức thủ tục vay vốn, nâng khống giá trị.

Kết quả điều tra xác định, có 7 cá nhân là đại diện pháp luật, thẩm định viên của 5 Công ty Thẩm định giá - gồm Công ty Tầm Nhìn Mới, Công ty MHD, Công ty Thiên Phú, Công ty Exim và Công ty DATC – đã có hành vi thông đồng giúp sức cho các đối tượng tại SCB để lập hồ sơ vay vốn khống.

Bên cạnh đó, Trương Mỹ Lan và các đồng phạm đã dùng tài sản đảm bảo chưa đủ điều kiện pháp lý, nâng khống giá trị lên nhiều lần sử dụng để rút vốn vay tại SCB. Trong các khoản vay của nhóm Trương Mỹ Lan, có 1,166 mã tài sản có giá trị sổ sách được SCB ghi nhận, phân bổ là gần 1.3 triệu tỷ đồng.

Ngoài ra, Trương Mỹ Lan còn thực hiện việc rút ruột SCB thông qua việc hoán đổi, rút tài sản đảm bảo ra khỏi ngân hàng dể sử dụng cho mục đích cá nhân. Kết quả điều tra xác định có 240 tài sản đảm bảo trên 430 khoản vay bị hoán đổi, giá trị từ 487 nghìn tỷ đồng bị hoán đổi thành 278 tài sản đảm bảo, giá trị là 352 nghìn tỷ đồng. 67 tài sản được xuất hẳn ra khỏi hệ thống quản lý của SCB, chuyển cho nhóm Vạn Thịnh Phát sở hữu.

Thứ năm, thiết lập "ma trận" các pháp nhân, chuyển tiền lòng vòng, rút tiền mặt, cắt đứt dòng tiền để che dấu cơ quan chức năng phát hiện sai phạm

Để hợp thức việc rút tiền, tránh các cơ quan chức năng phát hiện, truy vết theo dòng tiền, Trương Mỹ Lan chỉ đạo Phương Hồng, Khánh Hoàng, Mỹ Dung phía SCB phối hợp với Dương và Phương Anh (phía Vạn Thịnh Phát) sử dụng các phương án vay vốn khống để giải ngân, chuyển tiền vào tài khoản của các cá nhân, pháp nhân “ma”, hoặc cho cá nhân, pháp nhân rút tiền mặt nhằm cắt đứt dòng tiền.

Khi cần tiền, Trương Mỹ Lan cho Phương Hồng và Mỹ Dung chỉ đạo Bùi Văn Dũng (lái xe của Lan) đến SCB Chi nhánh Sài Gòn để nhận tiền. Trong đó, Phương Hồng, Mỹ Dung liên hệ với Phương Anh để yêu cầu cung cấp pháp nhân, cá nhân nhận tiền, rút tiền, đồng thời chỉ đạo Thái Thị Thanh Thảo, Giám đốc Phòng dịch vụ khách Wholesale, SCB Chi nhánh Sài Gòn phối hợp thực hiện.

Thảo sau khi nhận thông tin sẽ lập phiếu chi và các thủ tục để hoàn tất nghiệp vụ rút tiền mặt. Phương Anh chỉ đạo các nhân viên kế toán được giao quản lý các công ty “ma” lập các chứng từ rút tiền (ủy nhiệm chi, Giấy rút tiền...) đồng thời hẹn các cá nhân hoặc đại diện pháp nhân đến Ngân hàng để ký chứng từ rút tiền.

Kết quả điều tra cho thấy, số tiền được rút ra theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan thông qua Uyên là gần 109 nghìn tỷ đồng và hơn 14.7 triệu USD. Các khoản tiền không chỉ từ khoản vay tín dụng, mà còn từ phát hành trái phiếu. 

Lúc chưa cần sử dụng tiền mặt, Trương Mỹ Lan chỉ đạo cấp dưới sử dụng các pháp nhân/cá nhân mở tài khoản tại Ngân hàng SCB để nhận tiền, chuyển tiền từ các Công ty được giải ngân sang tài khoản của các pháp nhân, cá nhân này, khi cần sử dụng sẽ lập ra các phương án chuyển tiền lòng vòng, chuyển đến các tài khoản theo mục đích sử dụng của Trương Mỹ Lan.

Thứ sáu, bán nợ xấu làm đẹp hồ sơ, mua chuộc cán bộ

Với các thủ đoạn như vậy, các khoản nợ gốc và lãi ngày càng phình to, phải hạch toán nợ xấu nhóm 5 và tỷ lệ tăng trưởng tín dụng bị hạn chế.

Để che giấu một phần số nợ xấu, giảm dư nợ tín dụng và có thể tiếp tục cho vay, giải ngân theo các hồ sơ “khống”, nhóm Trương Mỹ Lan đã thực hiện thủ đoạn bán nợ xấu cho VAMC (Công ty quản lý tài sản) và bán nợ trả chậm cho chính các Công ty “ma” do nhóm Vạn Thịnh Phát thành lập.

Theo kết quả điều tra, giai đoạn từ ngày 01/01/2012 đến ngày 07/10/2022, nhóm Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo các đối tượng tại SCB bán nợ xấu cho VAMC, gồm nợ các khoản cấp tín dụng trả chậm, cấn trừ nợ 269 khoản vay với số tiền 133.3 nghìn tỷ đồng. Đến ngày 17/10/2022, tổng dư nợ là 200.4 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, do quá trình hoạt động của SCB thường xuyên bị thanh tra, giám sát, nên để không bị phát hiện, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo các đối tượng tại SCB mua chuộc cán bộ, Lãnh đạo Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng, Lãnh đạo NHNN Chi nhánh TPHCM, Tổ trưởng Tổ giám sát tăng cường SCB để bưng bít, che giấu sai phạm. Theo đó, khi bị thanh tra, bà Trương Mỹ Lan đã cho người đưa hối lộ 5,2 triệu USD (khoảng 118 tỉ đồng) cho trưởng đoàn thanh tra lúc đó là bà Đỗ Thị Nhàn (nguyên cục trưởng cục II thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát NH - NH Nhà nước) để bưng bít, che giấu sai phạm. Ngoài cựu cục trưởng Ngân hàng Nhà nước nhận hối lộ, các thành viên trong đoàn thanh tra SCB cũng đều nhận tiền, người ít nhất là hơn 100 triệu và người nhận nhiều nhất 8,7 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, chỉ đạo phân bổ các khoản vay của Trương Mỹ Lan, từ việc tập trung giải quyết cho vay ở một số chi nhánh chính của SCB sang một số chi nhánh khác (gồm: Đông Sài Gòn, Củ Chi, Tân Định...) để làm giảm mức độ chú ý của lực lượng chức năng.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật, kiểm soát sở hữu chéo, siết cho vay sân sau là vấn đề cấp bách

Mặc dù Luật các tổ chức tín dụng hiện hành đã quy định tỷ lệ giới hạn sở hữu cổ phần của các cá nhân, tổ chức và người có liên quan nhằm tăng sự an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, thực tế tình trạng “sở hữu chéo”, cho vay “sân sau” còn phức tạp.

Nhận thức rõ về những khó khăn, tồn tại trong quá trình kiểm soát hoạt động hệ thống ngân hàng, ngày 18/9/2023, giải trình tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề sở hữu chéo; các cổ đông lớn thao túng, chi phối hoạt động ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, "sở hữu chéo, sân trước, sân sau" là những hạn chế, được Trung ương, Quốc hội, Chính phủ quan tâm và yêu cầu sớm xây dựng cơ sở pháp lý điều chỉnh.

Chính vì thế, trong Dự thảo luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 6 tiếp tục có những điều chỉnh nhằm siết chặt hơn các quy định về tỉ lệ sở hữu cổ phần; cấm cho vay “nội bộ”, người có liên quan và siết hạn mức dư nợ cấp tín dụng… nhằm bít các lỗ hổng trong hoạt động của tổ chức tín dụng, xử lý hiệu quả tình trạng sở hữu chéo, hạn chế lạm dụng quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của tổ chức tín dụng.

4-1700468330.jpg

Luật các tổ chức tín dụng hiện hành cũng đã quy định tỷ lệ giới hạn sở hữu cổ phần của các cá nhân, tổ chức và người có liên quan

Theo đó,  Dự thảo Luật quy định một cổ đông là cá nhân không được sở hữu vượt quá 3% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng (hiện là 5%), tỷ lệ sở hữu đối với cổ đông là tổ chức không quá 10% (quy định hiện tại là 15%). Cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng.

Ngoài ra tại Điều 134 của Dự thảo còn quy định, công ty con, công ty liên kết của cùng một công ty kiểm soát không được góp vốn, mua cổ phần của nhau. Công ty con, công ty liên kết của một tổ chức tín dụng không được góp vốn, mua cổ phần của chính tổ chức tín dụng đó. Tổ chức tín dụng đang là công ty con, công ty liên kết của công ty kiểm soát không được góp vốn, mua cổ phần của công ty kiểm soát đó.

Đặc biệt, Điều 124 và 126 dự Luật sửa đổi quy định các tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài không được cấp tín dụng đối với các đối tượng là thành viên trong HĐQT (HĐTV); các chức danh lãnh đạo của các tổ chức tín dụng; pháp nhân là cổ đông có người đại diện phần vốn góp là thành viên HĐQT, thành viên ban kiểm soát của tổ chức tín dụng là công ty cổ phần, pháp nhân là thành viên góp vốn, chủ sở hữu của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn… Tổng mức dư nợ cấp tín dụng không được vượt quá 10% vốn tự có của NH/ một khách hàng; không được vượt quá 15% vốn tự có của NH/ một khách hàng và người có liên quan; không được vượt quá 25% vốn tự có của tổ chức tín dụng phi NH/một khách hàng; không được vượt quá 50% vốn tự có của tổ chức tín dụng phi ngân hàng/một khách hàng và người có liên quan.

Các chuyên gia kinh tế nhận xét, Dự thảo đã có một bước tiến đáng kể trong việc nỗ lực xử lý các lỗ hổng trong hoạt động của tổ chức tín dụng, xét trên nhiều bình diện như giải quyết vấn đề sở hữu chéo, nâng cao tính đại chúng, minh bạch, quy định về mở rộng kinh doanh giữa ngân hàng với các loại hình dịch vụ tài chính... Qua đó đã thiết lập được rào cản tốt hơn về sở hữu chéo, giảm tỷ lệ sở hữu của cá nhân và tổ chức trong một tổ chức tín dụng để hạn chế khả năng một cá nhân hoặc một tổ chức có thể ảnh hưởng tới quyết định cấp tín dụng của tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, nhìn vào vụ Vạn Thịnh Phát cho thấy, rõ  ràng tất cả những quy định hiện hành và những điều chỉnh trong Dự luật có lẽ chưa thực sự lấp hết được những sơ hở thiếu sót, chưa đủ để ngăn sở hữu chéo ngân hàng, chưa thể chặn thao túng…

 Bởi thực tế, sở hữu chéo rất khó nhận diện trong trường hợp cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông lớn cố tình che giấu, nhờ cá nhân, tổ chức khác đứng tên số cổ phần sở hữu để lách quy định của pháp luật. Điều này dẫn tới tiềm ẩn nguy cơ hoạt động của tổ chức tín dụng thiếu công khai, minh bạch, đồng thời, việc này chỉ có thể được phát hiện và nhận diện thông qua công tác điều tra, xác minh của cơ quan điều tra theo quy định của pháp luật.

Điều này nhìn thấy rõ trong vụ Vạn Thịnh Phát, khi mà bà Trương Mỹ Lan có thể dễ dàng thao túng, chi phối và chỉ đạo toàn bộ hoạt động của NH Thương mại CP Sài Gòn (NH SCB), biến NH này trở thành công cụ tài chính để bà tổ chức huy động tiền gửi phục vụ cho những mục đích cá nhân với thủ đoạn nhờ người đứng tên và tăng tỉ lệ sở hữu cổ phần thực tế tại đây lên hơn 91%. Từ đó, dùng quyền hạn của mình để chỉ đạo các cá nhân ở Ngân hàng SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát triển khai hoạt động rút tiền ngân hàng dưới hình thức giải ngân cho các hồ sơ vay khống của "hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát" với hơn hơn 1.000 doanh nghiệp….

Trả lời trên báo Thanh Niên, TS Lê Đạt Chí - Trưởng khoa Tài chính trường Đại học Kinh tế TP.HCM nhận xét: Qua vụ việc xảy ra tại SCB cho thấy quy định về sở hữu của nhà đầu tư tại ngân hàng bị vô hiệu hóa khi những người thực hiện mong muốn thâu tóm ngân hàng nào đó. Bà Trương Mỹ Lan thông qua nhiều cá nhân đứng tên cổ phần với tỷ lệ dưới 5% nên không bị phát hiện, trong khi quyền kiểm soát lên đến 90%.

Một trong những giải pháp được Ngân hàng Nhà nước đưa ra gần đây là sửa đổi luật Các tổ chức tín dụng. Theo đó, tỷ lệ sở hữu tối đa của một cá nhân, tổ chức nhóm cổ đông và người liên quan đều được đề xuất giảm… Tuy nhiên, các quy định về tỷ lệ này cũng sẽ không thể nào ngăn chặn được sở hữu chéo, đầu tư chéo trong các nhà băng. Bởi, hệ sinh thái các công ty ma, các cá nhân đứng thay cổ phần sẽ tăng lên hơn trước, tinh vi hơn trước...

Từ đó, TS Lê Đạt Chí kiến nghị giải pháp khi sửa đổi luật các tổ chức tín dụng là đặt nặng trách nhiệm nhiều hơn đối với thành viên Hội đồng quản trị của các ngân hàng. Đồng thời, thành viên Hội đồng quản trị độc lập được NHNN đề cử tham gia vào các ngân hàng và giúp NHNN có thể giám sát và phát hiện những dấu hiệu bất thường trong hoạt động ngân hàng. Đồng thời, cơ quan này phải thường xuyên luân chuyển cán bộ để sớm phát hiện sai sót hay bao che trong các hợp đồng vay vốn.

Thay lời kết

Qua nhiều vụ đại án thao túng ngân hàng đã được phanh phui thời gian qua, có thể thấy, thực tế một cá nhân vẫn có thể nắm quyền chi phối ngân hàng có tỷ lệ sở hữu "ngầm" lên tới 60-70%, thậm chí là trên 90% như vụ Trương Mỹ Lan – Vạn Thịnh Phát. Các cá nhân này đôi khi không trực tiếp nắm giữ chức vụ nào tại ngân hàng nhưng lại là người đưa ra quyết định về hoạt động cấp tín dụng, cho vay và sử dụng vốn không đúng mục đích. Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng, đặc biệt là NHNN cần có giải pháp thực sự hiệu quả để ngăn ngừa sở hữu chéo, thao túng hoạt động ngân hàng, cho vay sân sau…

Thiết nghĩ, việc “hạn chế sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng” thì yếu tố hàng đầu là phải xác định được cá nhân/tổ chức là chủ sở hữu thực sự của ngân hàng. Nói cách khác, khuôn khổ pháp lý cần thiết kế nhằm xác định được cá nhân/tổ chức nắm quyền chi phối, ảnh hưởng đến việc ra quyết định trong hoạt động của ngân hàng đó, tức là làm minh bạch thông tin của tất cả các cá nhân, tổ chức là cổ đông của ngân hàng thương mại.

Nhiều chuyên gia ngân hàng cũng nhận định, dù Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có sửa, giảm bớt tỷ lệ sở hữu cổ phần, siết quy định cho vay đối với cá nhân tổ chức liên quan… thì các tập đoàn sân sau vẫn dễ dàng “lách” quy định bằng việc nhờ đứng tên sở hữu cổ phần, thậm chí thành lập doanh nghiệp trong hệ sinh thái hàng nghìn doanh nghiệp để thao túng hoạt động ngân hàng … đây cũng là băn khoăn của nhiều đại biểu Quốc hội khi góp ý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) .

Do đó, để chặn tình trạng lũng đoạn ngân hàng, cần phải kết hợp với các quy định khác để làm sao hoạt động của các tổ chức, cá nhân minh bạch. Trong đó, cần có cơ chế giám sát hoạt động của các ngân hàng, và đặc biệt là phải giám sát cả các cơ quan giám sát, đồng thời tăng chế tài xử phạt.

Chia sẻ từ một vị chuyên gia có nhiều năm trong hoạt động thống kê, nghiên cứu ngân hàng cho thấy, kiểm soát cho vay sân sau cần một đội ngũ giám sát có trách nhiệm, thực sự liêm chính, chuyên môn cao và giàu kinh nghiệm để phát hiện những hoạt động cấp tín dụng bất thường, liên tục trong thời gian dài để các quy định hiện hành được thực hiện triệt để, giảm thiểu tình trạng cho vay sân sau góp phần minh bạch, giữ an toàn hoạt động hệ thống.

Trả lời trên Tiền Phong, ông Trịnh Xuân An - đại biểu chuyên trách Ủy ban Quốc phòng An ninh cho rằng, vụ Vạn Thịnh Phát – SCB là vụ án đặc biệt nghiêm trọng với rất nhiều những “kỷ lục” xảy ra: Kỷ lục về số tiền bị chiếm đoạt; kỷ lục về thời gian diễn ra; kỷ lục về số lượng các bị can; kỷ lục về số lượng người bị tác động; kỷ lục hệ lụy gây ra vô cùng lớn với nền kinh tế và niềm tin của người dân, khách hàng.

Theo đại biểu Trịnh Xuân An, qua vụ án này đặt ra cho chúng ta rất nhiều bài học:

Thứ nhất là bài học lớn trong xây dựng các chính sách, đặc biệt trong Luật Các tổ chức tín dụng.

Thứ hai, bài học kinh nghiệm về khâu phòng ngừa, kiểm soát, xử lý được từ sớm, từ xa. Chúng ta phải có một hệ thống cảnh báo thật sự khoa học, chuẩn mực. Đồng thời, phải thiết kế một mô hình giám sát, kiểm tra đủ mạnh, có thể độc lập, cũng có thể nằm trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước để phòng ngừa được từ xa.

Thứ ba, bài học rất đắt giá về công tác cán bộ và kiểm soát quyền lưc khi mà trưởng đoàn thanh tra liên ngành Ngân hàng Nhà nước lại vi phạm pháp luật, bị mua chuộc với hàng triệu USD để "xoá mờ" nhiều sai phạm nghiêm trọng của ngân hàng SCB

Bài học khác là chúng ta phải có một biện pháp mạnh tay, làm lành mạnh hóa các hoạt động tín dụng. Cần áp dụng hệ thống quản trị rủi ro theo chuẩn thế giới. Ngân hàng nào không đáp ứng được yêu cầu phải loại ra ngoài. Đây cũng là cơ hội để chúng ta thanh lọc lại hệ thống các tổ chức tín dụng…

Đinh Chiến – Thái Dương

Link nội dung: https://phaply.net.vn/tu-vu-van-thinh-phat-hoan-thien-he-thong-phap-luat-kiem-soat-so-huu-cheo-chan-thao-tung-hoat-dong-ngan-hang-la-van-de-cap-bach-a257603.html