Quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam về quốc tịch phán quyết trọng tài
Trong thông lệ quốc tế, việc xác định địa điểm trọng tài (“seat of arbitration”) rất quan trọng, bởi nó sẽ xác định Lex Arbitri, nghĩa là pháp luật áp dụng cho quá trình tố tụng trọng tài, tòa án có thẩm quyền can thiệp hoặc hỗ trợ quá trình tố tụng trọng tài, cũng như tòa án có thẩm quyền để xem xét hủy phán quyết trọng tài. Trong pháp luật của hầu hết các quốc gia trên thế giới cũng như theo quan điểm tiếp cận của Luật mẫu UNCITRAL, một phán quyết sẽ được xem là được ban hành tại nơi có địa điểm trọng tài, bất kể trên thực tế nó được ký ở đâu hay các quy tắc tố tụng trọng tài là của tổ chức nào.
Ông Nguyễn Trung Nam phát biểu tại “Hội thảo góp ý Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Trọng tài thương mại” ngày 17/11 vừa qua do Hội Luật gia Việt Nam và Viện IBLA tổ chức
Ở Việt Nam, việc xác định quốc tịch của phán quyết trọng tài quốc tế là một vấn đề gây ra nhiều bất cập bởi sự khác biệt của quy định pháp luật cũng như thực tiễn so với thực tiễn quốc tế. Tại Điều 3.11 Luật Trọng Tài Thương Mại 2010 (“Luật TTTM”), trọng tài nước ngoài được định nghĩa là “trọng tài thành lập theo quy định của pháp luật trọng tài nước ngoài do các bên thỏa thuận lựa chọn để tiến hành giải quyết tranh chấp ở ngoài hoặc trong lãnh thổ Việt Nam.” Theo đó, phán quyết của trọng tài nước ngoài là phán quyết do trọng tài nước ngoài tuyên ở ngoài lãnh thổ Việt Nam hoặc ở trong lãnh thổ Việt Nam để giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận lựa chọn.[1] Mặt khác, Điều 3.8 của Luật TTTM định nghĩa địa điểm giải quyết tranh chấp như sau:
“Địa điểm giải quyết tranh chấp là nơi Hội đồng trọng tài tiến hành giải quyết tranh chấp theo sự thỏa thuận lựa chọn của các bên hoặc do Hội đồng trọng tài quyết định nếu các bên không có thỏa thuận. Nếu địa điểm giải quyết tranh chấp được tiến hành trên lãnh thổ Việt Nam thì phán quyết phải được coi là tuyên tại Việt Nam mà không phụ thuộc vào nơi Hội đồng trọng tài tiến hành phiên họp để ra phán quyết đó.”
Định nghĩa ở trên không làm rõ sự khác biệt giữa “địa điểm vật lý”, tức là nơi diễn ra các hoạt động tố tụng trọng tài, bao gồm cả việc tiến hành phiên xét xử, với “địa điểm trọng tài” (hay Lex arbitri). Tuy không có sự phân biệt rõ ràng, trong ngôn ngữ diễn giải của Điều 3.8 đã có hàm ý rằng “địa điểm giải quyết tranh chấp” (tức địa điểm trọng tài) có thể khác với nơi Hội đồng trọng tài tiến hành phiên họp giải quyết tranh chấp. Đáng tiếc là sự phân biệt này đã bị xóa nhòa bởi định nghĩa trọng tài nước ngoài và phán quyết trọng tài nước ngoài theo Luật TTTM. Chính sự lẫn lộn trên khiến cho cách tiếp cận trong thực tế của Việt Nam về quốc tịch trọng tài hiện nay khác xa với thực tiễn quốc tế.
Cụ thể, theo định nghĩa của Luật TTTM, và BLTTDS 2015, nếu hội đồng trọng tài được các bên chọn để xử lý vụ kiện được thành lập theo pháp luật trọng tài nước ngoài, thì phán quyết được ban hành bởi hội đồng trọng tài đó sẽ được xem là phán quyết trọng tài nước ngoài, bất kể là địa điểm nơi phán quyết được tuyên ở trong hay ngoài lãnh thổ Việt Nam. “Pháp luật trọng tài nước ngoài” được các tòa án tại Việt Nam diễn giải bao gồm cả các bộ nguyên tắc trọng tài của các tổ chức trọng tài nước ngoài như ICC, UNCITRAL hay SCMA. Theo đó, một phán quyết của hội đồng trọng tài được thành lập theo quy tắc trọng tài của ICC hoặc UNCITRAL, dù có địa điểm giải quyết tranh chấp tại Việt Nam, sẽ được coi là phán quyết trọng tài nước ngoài. Cách tiếp cận này không phù hợp với Luật Mẫu của UNCITRAL (“Luật Mẫu”) hoặc Công ước New York 1958, theo đó phán quyết trọng tài trong nước hay nước ngoài được phân biệt theo địa điểm pháp lý nơi giải quyết tranh chấp.[2] Quy định này cũng được ghi nhận tại bởi luật pháp nhiều quốc gia, đơn cử như Luật Anh[3] hoặc Singapore, Hàn Quốc (các quốc gia áp dụng Luật Mẫu).
Hiện đã có tình trạng nhiều phán quyết ICC, UNCITRAL có địa điểm giải quyết tranh chấp tại Việt Nam nhưng bị xem xét là phán quyết trọng tài nước ngoài. Bên tranh chấp phải thực hiện thủ tục hợp thức hóa lãnh sự tại một quốc gia thứ ba (như Singapore) thông qua văn phòng của tổ chức trọng tài tại quốc gia đó, sau đó đưa về Việt Nam để xin thi hành như một phán quyết trọng tài nước ngoài. Trong khi đó pháp luật Singapore (cũng như bất kỳ quốc gia nào trên thế giới) đều không thừa nhận phán quyết này là phán quyết trọng tài trong nước của họ vì địa điểm giải quyết tranh chấp nằm ở Việt Nam. Nói cách khác phán quyết này sẽ không có quốc tịch và các bên sẽ không có được sự hỗ trợ của tòa án cũng như hệ thống pháp luật của Việt Nam đối với quá trình tố tụng trọng tài. Tình trạng này sẽ dẫn tới việc các bên tranh chấp không muốn đưa tranh chấp về Việt Nam để giải quyết, vì phán quyết sau khi ban hành sẽ không quốc tịch và khó công nhận cũng như thi hành tại Việt Nam.
Toàn cảnh Hội thảo góp ý Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Trọng tài thương mại do Hội Luật gia VN và Viện Khoa học pháp lý và kinh doanh Quốc tế tổ chức ngày 17.11 tại TPHCM
Thực tiễn xác định quốc tịch phán quyết trọng tài tại Việt Nam
Tại Quyết định số 11/2019/QĐ-PQTT ngày 11/9/2019 (“Quyết định 11”),[4] Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội (“TAND Hà Nội”) đã hủy Phán quyết trọng tài ngày 10/4/2019 của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (“VIAC”) liên quan đến tranh chấp phát sinh từ Hợp đồng cung cấp thiết kế và xây dựng dự án thủy điện tại Việt Nam (“Hợp đồng”) giữa Công ty cổ phần thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh (“VSH”) và tổ hợp nhà thầu Trung Quốc. Hợp đồng không thỏa thuận cụ thể địa điểm giải quyết của trọng tài, nhưng sau đó các bên đã đồng ý thỏa thuận đề xuất địa điểm giải quyết tranh chấp tại Hà Nội, Việt Nam với quy tắc tố tụng là VIAC. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết tranh chấp, VSH đã khởi kiện hai trọng tài viên của hội đồng trọng tài (“HĐTT”) ra TAND Hà Nội, nên HĐTT đã quyết định tiến hành phiên họp giải quyết tranh chấp tại Osaka, Nhật Bản để ban hành Phán quyết. Trong vụ kiện này, một trong những lý do hủy phán quyết là bởi các bên đã có thỏa thuận về nơi giải quyết tranh chấp là Hà Nội, nhưng HĐTT đã tổ chức phiên xét xử tại Osaka và vì thế bị xem là trái với thỏa thuận các bên. Theo tác giả, trong trường hợp này đã có sự nhầm lẫn giữa hai khái niệm địa điểm giải quyết tranh chấp và địa điểm vật lý nơi tiến hành phiên xét xử. Các bên đã có sự thỏa thuận về địa điểm giải quyết tranh chấp ở Hà Nội (như định nghĩa tại Điều 3.8 Luật TTTM) nhưng không đồng nghĩa với việc họ thỏa thuận địa điểm vật lý để tiến hành phiên xét xử tại Hà Nội. Vì vậy, việc HĐTT tổ chức tiến hành phiên xét xử tại Osaka không vi phạm thỏa thuận của các bên về địa điểm giải quyết tranh chấp. Trong bối cảnh của sự phát triển hình thức trọng tài trực tuyến sau covid-19, rất nhiều phiên xét xử trọng tài đã và đang được tiến hành qua mạng internet, rất khó xác định được đâu là địa điểm vật lý diễn ra phiên giải quyết tranh chấp. Vì vậy, việc phân biệt rõ hai khái niệm này càng cấp thiết để tránh những sự nhầm lẫn như trên.
Tại Quyết định số 1499/2012/KDTM-QĐ ngày 28/9/2012 (“Quyết định 1499”), Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (“TAND HCM”) đã ra quyết định tuyên Hội đồng trọng tài Quốc tế ICC (“HĐTT ICC”) của vụ kiện ICC số 18158/CYK không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa công ty Obayashi (Nhật Bản) và Ủy ban Nhân dân thành phố H liên quan đến Thỏa thuận Hợp đồng xây dựng gói thâù. Theo hợp đồng, luật nội dung áp dụng giải quyết tranh chấp là luật Việt Nam. Địa điểm trọng tài là thành phố Hồ Chí Minh. HĐTT ICC bao gồm 3 trọng tài viên với ngôn ngữ giải quyết tranh chấp bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, tại Quyết định 1499, TAND HCM đã nhận định rằng, HĐTT ICC được thành lập theo pháp luật của nước Cộng hòa Pháp, tức thành lập theo pháp luật nước ngoài (theo Điều 3.11 Luật TTTM), do vậy kết luận là trọng tài nước ngoài mặc dù địa điểm giải quyết tranh chấp bằng trọng tài là tại Việt Nam.
Ảnh minh hoạ
Từ Quyết định 11 và Quyết định 1499 đã phân tích phía trên, có thể hiểu rằng Việt Nam đang xác định quốc tịch của phán quyết trọng tài dựa vào “quốc tịch” của hội đồng trọng tài hoặc trung tâm trọng tài thay vì dựa vào địa điểm nơi mà phán quyết đó được ban hành, điều này là không đúng so với cách tiếp cận của Công ước New York 1958 hay thông lệ quốc tế như đã phân tích trước đó. Đây là một ví dụ rõ ràng của việc phán quyết dù có địa điểm tại Việt Nam, nhưng lại không mang “quốc tịch” Việt Nam, và không có bất kỳ quốc tịch nào. Nếu một bên muốn hủy phán quyết trọng tài sẽ không thể hủy vì không tìm được tòa án có thẩm quyền và cũng không thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ tòa án của bất kỳ quốc gia nào, vì các quốc gia này không thừa nhận phán quyết được ban hành trong lãnh thổ của mình.
Đề xuất hoàn thiện quy định liên quan đến quốc tịch phán quyết trọng tài
Tóm lại, việc phân biệt phán quyết trọng tài Việt Nam hay phán quyết trọng tài nước ngoài cần được xác lập dựa theo tiêu chí của Lex Arbitri, tức là địa điểm giải quyết tranh chấp, để xác định quá trình tố tụng trọng tài diễn ra tại lãnh thổ quốc gia nào, cũng như quốc tịch của phán quyết trọng tài. Đây là một vấn đề rất quan trọng liên quan đến việc công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam theo Công ước New York 1958 mà Việt Nam là thành viên.
Từ những vấn đề nêu trên, tác giả đề xuất sửa đổi một số quy định về định nghĩa “Địa điểm giải quyết tranh chấp”, “Trọng tài nước ngoài”, “Phán quyết trọng tài nước ngoài” và “Địa điểm giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài” được quy định lần lượt tại Điều 3.8; 3.11; 3.12 và Điều 11 của Luật TTTM, cụ thể:
Thứ nhất, đối với khái niệm “Địa điểm giải quyết tranh chấp” Điều 3.8 Luật TTTM, tác giả đề xuất sửa đổi ngắn gọn hơn thành “địa điểm trọng tài”, và bổ sung như sau “Địa điểm trọng tài là địa điểm pháp lý nơi Hội đồng trọng tài tiến hành giải quyết tranh chấp theo sự thỏa thuận lựa chọn của các bên hoặc do Hội đồng trọng tài quyết định nếu các bên không có thỏa thuận. Nếu địa điểm trọng tài được tiến hành trên lãnh thổ Việt Nam thì phán quyết phải được coi là tuyên tại Việt Nam mà không phụ thuộc vào nơi Hội đồng trọng tài tiến hành phiên để ra phán quyết đó”.
Thứ hai, đối với khái niệm “Trọng tài nước ngoài” Điều 3.11 Luật TTTM. Tác giả đề xuất sửa đổi như sau“Trọng tài nước ngoài là Trọng tài có địa điểm trọng tài ở ngoài lãnh thổ Việt Nam”.
Thứ ba, đối với khái niệm “Phán quyết trọng tài nước ngoài” Điều 3.12 Luật TTTM. Tác giả đề xuất sửa đổi như sau “Phán quyết của trọng tài nước ngoài là phán quyết do Trọng tài nước ngoài tuyên”.
Thứ tư, đối với quy định “Địa điểm giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài” Điều 11 Luật TTTM. Tác giả đề xuất sửa đổi như sau:
“1. Các bên có quyền thoả thuận địa điểm giải quyết tranh chấp (ở trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam); trường hợp không có thoả thuận thì Hội đồng trọng tài quyết định;
2. Trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác, Hội đồng trọng tài có thể tiến hành phiên họp giải quyết tranh chấp tại địa điểm và cách thức được xem là thích hợp cho việc trao đổi ý kiến giữa các thành viên của Hội đồng trọng tài, việc lấy lời khai của người làm chứng, tham vấn ý kiến các chuyên gia hoặc tiến hành việc giám định hàng hoá, tài sản hoặc tài liệu khác, mà không làm ảnh hưởng tới địa điểm trọng tài”.
Những đề xuất trên theo tác giả sẽ giúp giải quyết chính xác và toàn vẹn vấn đề pháp luật và thực tiễn Việt Nam đang gặp phải về vấn đề xác định địa điểm giải quyết tranh chấp, phân biệt nó với nơi tiến hành phiên xét xử, cũng như cách thức xác định quốc tịch phán quyết.
Trọng tài viên Nguyễn Trung Nam
(TTV VIAC, SIAC, KCAB, THAC..., HGV, Phó giám đốc Trung tâm Hòa giải Việt Nam, Giám đốc Viện Trọng tài quốc tế VN, thành viên Ban biên tập Sửa đổi Luật TTTM)
Tài liệu tham khảo:
[1] Điều 3.12, Luật Trọng Tài Thương Mại 2010.
[2] James Hope, ‘Awards: Form, Content, Effect’ (Global Arbitration Review, 2021) <https://globalarbitrationreview.com/guide/the-guide-challenging-and-enforcing-arbitration-awards/2nd-edition/article/awards-form-content-effect> truy cập ngày 15/11/2023.
[3] Điều 100 thuộc Chương III của Đạo Luật Trọng Tài Anh 1996 (Arbitration Act 1996) về việc công nhận và cho thi hành các phán quyết trọng tài nước ngoài đã phản ánh cách tiếp cận phù hợp với Công ước New York 1958 rằng một phán quyết sẽ được phân biệt là trong nước hay nước ngoài dựa trên nơi phán quyết được tuyên. Theo đó, một phán quyết nước ngoài sẽ được phán, theo thỏa thuận của các bên, tại lãnh thổ của một quốc gia không phải là Anh Quốc.
[4] Quyết định số 11/2019/QĐ-PQTT ngày 11/9/2019 của Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội, <https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta428188t1cvn/chi-tiet-ban-an>.
Link nội dung: https://phaply.net.vn/xac-dinh-quoc-tich-phan-quyet-trong-tai-quoc-te-bat-cap-va-gop-y-hoan-thien-a257601.html