1. Khái quát về hợp đồng thông minh
1.1. Khái niệm hợp đồng thông minh
Thuật ngữ “hợp đồng thông minh” (HĐTM) - được đề xuất lần đầu bởi Nick Szabo - đề cập đến “một tập hợp các thỏa thuận, được chỉ định ở dạng kỹ thuật số, bao gồm các giao thức trong đó các bên thực hiện các thỏa thuận này[1]”. Về cơ bản, HĐTM có những đặc điểm nền tảng của hợp đồng truyền thống. HĐTM được tạo ra bởi các chương trình phần mềm có thể “tự động thực hiện, xác minh và thực thi” các giao dịch, được kích hoạt bởi các sự kiện[2]. Szabo chỉ ra rằng HĐTM có thể “thông minh hơn” so với hợp đồng giấy vì chúng có thể tự động thiết lập một số bước được lập trình sẵn. Hơn nữa, HĐTM cũng được phân biệt với hợp đồng điện tử vì “thỏa thuận thực tế được tự động hóa và thể hiện bằng mã máy tính, thay vì bằng lời nói”[3]. Về mặt kỹ thuật, HĐTM là các chương trình tự động nên một giao dịch theo HĐTM sau khi được bắt đầu và đáp ứng tất cả các điều kiện của giao dịch, thì không một bên nào trong các bên tham gia hợp đồng có thể cản trở, sửa chữa, thay đổi nội dung hoặc tác động vào các bước vận hành tiếp theo của nó.
HĐTM đã dần hoàn thiện hơn khi có sự ra đời của công nghệ Blockchain Ethereum[4]. Do đó, HĐTM được kế thừa những điểm ưu việt của công nghệ chuỗi khối, đó là tính bất biến, tính bảo mật và tính minh bạch. HĐTM có thể được nhận diện thông qua hai đặc trưng cơ bản sau đây:
Một là, HĐTM là một giao thức giao dịch dựa trên công nghệ Blockchain Ethereum. HĐTM là một tập hợp các câu lệnh (hay các giao thức) được soạn thảo bằng ngôn ngữ máy dưới dạng “nếu/thì” để định hướng cho máy tính thực hiện một giao dịch cụ thể.
Hai là, HĐTM được dùng để tự động hóa việc thực hiện một thỏa thuận mà không cần thiết có sự can thiệp của con người. Đồng thời nó cũng được sử dụng để kích hoạt các hành động tiếp theo khi điều kiện được đáp ứng. Tuy nhiên, sự tự động hóa không thể dễ dàng thay đổi hoặc chấm dứt trừ khi các bên kết hợp các khả năng đó trong quá trình tạo HĐTM, đưa ra một số thách thức lớn nhất đối với việc áp dụng rộng rãi các HĐTM.
Trên thế giới có nhiều quan điểm khác nhau về phân loại HĐTM dựa vào mức độ tự động hóa của nó. Nhóm tác giả hoàn toàn đồng tình với cách phân loại do Ủy ban Pháp luật Anh đưa ra[5]: (i) Hợp đồng truyền thống với nghĩa vụ được tự động hóa; (ii) HĐTM hỗn hợp; (iii) HĐTM duy nhất bằng mã.
1.2. Một số khía cạnh pháp lý của hợp đồng thông minh dưới góc độ luật hợp đồng
Mặc dù các khu vực tài phán khác nhau có định nghĩa khác nhau về hợp đồng, nhưng theo khảo sát của tác giả Ngô Huy Cương[6], “tất cả các định nghĩa đó đều có chung một hạt nhân hợp lý” thể hiện hai vấn đề lớn: (i) Sự trao đổi và thống nhất giữa các ý chí hay sự thỏa thuận; (ii) Việc tạo lập ra một hậu quả pháp lý. Tự do ý chí là yếu tố cơ bản không thể thiếu để hình thành nên hợp đồng và làm phát sinh ra các nghĩa vụ pháp lý. Ngoài ra, các yếu tố khác được sử dụng để xem xét điều kiện có hiệu lực của hợp đồng thường xoay quanh năng lực chủ thể, nội dung và hình thức hợp đồng.
Việc xem xét HĐTM dưới góc độ các khía cạnh pháp lý của hợp đồng truyền thống sẽ giúp chúng ta làm sáng tỏ hơn vấn đề xác định giá trị pháp lý của loại hợp đồng này theo luật hợp đồng, cụ thể như sau:
Thứ nhất, yêu cầu đầu tiên để hình thành một hợp đồng ràng buộc về mặt pháp lý là một thỏa thuận, bao gồm một đề nghị bị ràng buộc theo các điều khoản cụ thể và sự chấp nhận các điều khoản đó. Trong hầu hết các trường hợp, việc ký kết HĐTM thường được bắt đầu bằng các cuộc đàm phán bằng ngôn ngữ tự nhiên hoặc các thông tin liên lạc giữa các bên: Thư điện tử, bản chào hàng, hoặc đối thoại qua lời nói. Trong trường hợp này, lời nói và hành vi của các bên hoàn toàn có thể cấu thành một đề nghị giao kết và chấp nhận giao kết hợp đồng.
Trong loại hợp đồng hỗn hợp, ngôn ngữ tự nhiên và các điều khoản được mã hóa có thể xung đột với nhau nhưng nó hoàn toàn có thể được giải quyết bằng quá trình tố tụng thông thường, thông qua việc giải thích hợp đồng của Tòa án. Vấn đề đặt ra là, các bên có thể đạt được thỏa thuận trên nền tảng của HĐTM bằng cách triển khai và tương tác với mã mà không cần tham gia giao tiếp ngôn ngữ tự nhiên hoặc hạn chế ngôn ngữ tự nhiên hay không. Liệu rằng, có thể xem xét hành vi của các bên trong việc triển khai và tương tác với mã để đạt được thỏa thuận hay không, bởi trong trường hợp này, toàn bộ các nội dung tương tác, thỏa thuận đều đã được mã hóa bằng chương trình máy tính.
Thứ hai, về chủ thể: Các bên giao dịch với nhau trên hệ thống nền tảng của HĐTM có thể sử dụng bút danh, nghĩa là danh tính người dùng có thể không xác định (ẩn danh), các bên ký kết HĐTM mà không cần biết danh tính thực sự đối tác của họ. Điều này đặt ra vấn đề pháp lý về năng lực chủ thể giao kết hợp đồng. Các hệ thống nền tảng không thể kiểm tra năng lực pháp lý và bất kỳ ai cũng có thể mở tài khoản ngay cả khi họ bị pháp luật coi là không có đủ năng lực pháp lý. Hậu quả pháp lý xảy ra là hợp đồng vô hiệu khi ít nhất một trong hai bên không đủ năng lực pháp lý khi tham giao dịch.
Thứ ba, về hình thức: Nhìn chung, hợp đồng không nhất thiết phải được lập dưới bất kỳ hình thức nào trừ trường hợp luật chuyên ngành có quy định hình thức là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng (chẳng hạn hợp đồng phải được lập thành văn bản và có chữ ký đầy đủ các bên là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng). Các hình thức phổ biến của hợp đồng là văn bản, lời nói và hành vi. Để xem xét một HĐTM có thể đáp ứng các yêu cầu “bằng văn bản” và có “chữ ký” hay không, nhóm tác giả phân tích dựa vào ba hình thức hợp đồng đã nêu. Với hình thức thứ nhất, HĐTM có dạng thỏa thuận ngôn ngữ tự nhiên được thực hiện bằng mã sẽ đáp ứng được yêu cầu bằng “văn bản”. Tuy nhiên, với hình thức thứ hai và thứ ba, trong phạm vi mà các điều khoản của HĐTM được xác định bằng mã, câu hỏi đặt ra là liệu “mã” có thể cấu thành văn bản hay không? Theo những lập luận mà Ủy ban Tư pháp Anh đưa ra[7], mã nguồn[8] có thể đáp ứng yêu cầu “bằng văn bản” theo luật cụ thể hay không sẽ phụ thuộc vào quan điểm của cơ quan lập pháp vào thời điểm ban hành quy định đó.
Thứ tư, về chữ ký: Với loại hợp đồng hỗn hợp, việc ký kết thành phần ngôn ngữ tự nhiên của hợp đồng đủ để xác thực được các điều khoản được mã hóa. Lấy dẫn chứng trong vụ Golden Ocean Group Ltd v Salgaocar Mining Industries PVT Ltd. 215[9], Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng các bên đã “ký” hợp đồng bảo lãnh bằng cách ký một email đề cập đến, nhưng bản thân nó không phải là hợp đồng bảo lãnh. Bằng cách ký tên email, các bên đã chỉ ra ý định xác thực hợp đồng bảo lãnh. Bằng cách lập luận tương tự, khi các bên ký một tài liệu ngôn ngữ tự nhiên đề cập và giải thích tác dụng của các điều khoản được mã hóa, các bên có thể được coi là đã xác thực điều khoản được mã hóa.
Trong trường hợp HĐTM chỉ bao gồm mã, trong bối cảnh triển khai công nghệ sổ cái phân tán (Distributed ledger technology - DLT)[10], các bên có thể ký một đoạn mã bằng cách áp dụng chữ ký số của họ cho giao dịch được mã hóa có liên quan. Chữ ký số là loại chữ ký điện tử được tạo bằng cách sử dụng mật mã khóa công khai. Mỗi người dùng trong hệ thống DTL được cấp một “khóa riêng tư”, chỉ họ mới có thể dùng để bắt đầu giao dịch và giữ bí mật và được cấp một “khóa công khai” được chia sẻ với người tham gia khác. Khóa riêng của người tham gia được kết hợp với dữ liệu của cuộc giao dịch để tạo ra một chữ ký cho người tham gia, được xác thực bằng khóa công khai của chính người đó. Một chủ thể khi muốn chấp nhận tham gia một giao dịch, để được xác thực sẽ yêu cầu phải có chữ ký điện tử. Thỏa thuận này có thể được coi là đã được “ký” bởi chủ thể đó.
2. Pháp luật điều chỉnh hợp đồng thông minh tại Hoa Kỳ
2.1. Cấp độ toàn liên bang
Ở Hoa Kỳ, không có luật hợp đồng liên bang điều chỉnh vấn đề HĐTM, thay vào đó, khả năng thực thi và giải thích HĐTM được xác định ở cấp tiểu bang. Do đó, mặc dù một số nguyên tắc cốt lõi nhất định được áp dụng nhất quán giữa các bang nhưng với bất kỳ kết luận nào liên quan đến HĐTM, các bang có thể áp dụng các quan điểm khác nhau.
Một số đạo luật của liên bang Hoa Kỳ có thể được áp dụng để xác định vấn đề cụ thể các loại triển khai HĐTM như sau:
- Về chữ ký điện tử, Đạo luật Thương mại toàn cầu và quốc gia về chữ ý điện tử năm 2000 (E-Sign Act)[11] quy định rằng, chữ ký điện tử, hợp đồng và hồ sơ sẽ có hiệu lực pháp lý giống như chữ ký trên giấy, nêu rõ rằng “chữ ký, hợp đồng hoặc hồ sơ khác liên quan đến giao dịch đó có thể không bị từ chối hiệu lực pháp lý, hiệu lực hoặc khả năng thực thi chỉ vì nó là ở dạng điện tử” và “một hợp đồng liên quan đến giao dịch đó có thể không bị từ chối hiệu lực pháp lý, hiệu lực hoặc khả năng thực thi chỉ vì chữ ký điện tử hoặc hồ sơ điện tử được sử dụng trong quá trình hình thành hợp đồng”.
Với quy định như trên, việc thực thi các HĐTM có thể thuộc thẩm quyền của Đạo luật E-Sign như bất kỳ “hợp đồng điện tử” nào khác. Theo đó, HĐTM hoàn toàn không mất hiệu lực khi tồn tại dưới dạng điện tử và vẫn có khả năng được công nhận như một “hợp đồng pháp lý thông minh”[12]. Tuy nhiên, vẫn chưa có hướng dẫn rõ ràng về vấn đề này ở cấp liên bang, tình trạng pháp lý của HĐTM vẫn chưa được làm rõ.
Ủy ban Luật Thống nhất Hoa kỳ đã ban hành Đạo luật Giao dịch điện tử thống nhất (UETA) vào năm 1999[13], kể từ đó đã được 47 bang thông qua. Lưu ý rằng, các tiểu bang không phê duyệt UETA vẫn duy trì giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử theo yêu cầu ESIGN. Đạo luật Giao dịch điện tử thống nhất quy định rằng, một bản ghi hoặc chữ ký có thể không bị từ chối hiệu lực pháp lý hoặc khả năng thực thi chỉ vì nó ở dạng điện tử và một hợp đồng có thể không bị từ chối hiệu lực pháp lý hoặc khả năng thực thi chỉ vì một hồ sơ điện tử đã được sử dụng để hình thành nó (Phần 7). Như vậy, theo đạo luật này, các giao dịch có thể được thực hiện bằng phương tiện điện tử, sao cho đạo luật này công nhận hợp pháp chữ ký, hồ sơ và hợp đồng điện tử.
- Về hình thức, theo luật pháp Hoa Kỳ, hình thức mà hợp đồng được ghi lại thường không phải là yếu tố quyết định liệu một hợp đồng ràng buộc pháp lý tồn tại, miễn là chúng đáp ứng được các điều kiện cần thiết để có hiệu lực[14]. Bên cạnh đó, Theo Đạo luật Chữ ký điện tử liên bang trong Đạo luật Thương mại toàn cầu và quốc gia (2000), một hợp đồng, chữ ký hoặc hồ sơ không bị coi là không thể thi hành chỉ dựa trên cơ sở ở định dạng điện tử (nhưng hồ sơ vẫn phải có khả năng được sao chép để tham khảo sau này). Vậy, không có lý do gì để kết luận rằng một hợp đồng điện tử dưới dạng mã và không phải văn xuôi sẽ không thể thực thi được, miễn là các bên, chủ đề và các điều khoản được trình bày rõ ràng theo cách về cơ bản có thể dịch được sang tiếng Anh, giống như một ngoại ngữ và có bằng chứng về sự đồng ý của cả hai bên trong việc triển khai mã được đề cập, với sự cân nhắc của mỗi bên.
- Về ý chí của các bên, E-sign Act yêu cầu phải có giấy chứng minh sự đồng thuận (consent) của các bên ký kết trước khi hợp đồng được thực hiện[15]. Do đó, một bên không thể đơn phương thực hiện hợp đồng nếu không có giấy đồng thuận của bên còn lại. Giấy đồng thuận này cũng có thể trở thành minh chứng thể hiện ý chí của chủ thể trong hợp đồng được giao kết.
2.2. Cấp độ tiểu bang
Trong vài năm qua, nhiều bang đã giải quyết luật HĐTM với mức độ chi tiết và thành công khác nhau. Arizona là tiểu bang duy nhất đã thông qua luật phê duyệt HĐTM một cách rõ ràng. Hai tiểu bang khác của Hoa Kỳ đã ban hành luật công nhận hợp pháp dữ liệu được lưu trữ trên chuỗi khối, điều này cũng có thể áp dụng cho các HĐTM: Nevada và Vermont. Các luật này có thể tạo tiền lệ để làm rõ quan điểm về trạng thái của dữ liệu chuỗi khối và HĐTM, có thể tóm tắt như sau:
Một là, sự thừa nhận giá trị pháp lý của HĐTM: Đạo luật HB 2417 của Bang Arizona đã đưa ra định nghĩa HĐTM là “một chương trình hướng sự kiện, có trạng thái, chạy trên sổ cái phân tán, phi tập trung, được chia sẻ và sao chép thành nhiều bản, đồng thời có thể giám sát hoạt động và đưa ra chỉ dẫn chuyển giao tài sản trên sổ cái đó” và “HĐTM có thể tồn tại trong thương mại. Một hợp đồng liên quan đến một giao dịch có thể không bị từ chối hiệu lực pháp lý, hiệu lực hoặc khả năng thực thi chỉ vì hợp đồng đó có điều khoản HĐTM”. Có vẻ như đây là sự chứng thực mạnh mẽ nhất cho HĐTM trong bất kỳ luật tiểu bang nào của Hoa Kỳ được đưa ra tại bài viết này.
Bên cạnh Arizona, tại Vermon[16] và bang Illinois cũng công nhận tính hợp lệ của HĐTM cũng như hồ sơ và chữ ký dựa trên chuỗi khối trong thương mại (Điều 5 Financial regul ation (205 ILCS 730/1/) Blockchain Technology Act). Luật pháp cũng ngăn chặn các HĐTM bị từ chối hiệu lực pháp lý và bị loại trừ làm bằng chứng trong một thủ tục pháp lý chỉ vì một chuỗi khối được sử dụng để tạo, lưu trữ hoặc xác minh hợp đồng. Khác với luật pháp tiểu bang có thể so sánh khác, Đạo luật Công nghệ chuỗi khối đặt ra một số hạn chế đối với việc sử dụng chuỗi khối như các trường hợp từ chối hiệu lực pháp lý của HĐTM.
Hai là, sự công nhận hình thức và chữ ký điện tử của HĐTM. Đạo luật HB 2417 của bang Arizona đã nêu ra rằng, “một bản ghi hoặc hợp đồng được bảo mật thông qua công nghệ chuỗi khối được coi là ở dạng điện tử và là một bản ghi điện tử”. Đạo luật giao dịch điện tử Nevada (NETA) của Bang Nevada cũng đã mở rộng sự công nhận hợp pháp hiện tại đối với hồ sơ điện tử, chữ ký và hợp đồng đối với hồ sơ được lưu trữ trên chuỗi khối, theo đó, “HĐTM, hồ sơ hoặc chữ ký được tạo ra, lưu trữ hoặc được xác minh trên Blockchain: (a) Có thể được thi hành và có hiệu lực pháp lý; (b) Có thể được thừa nhận làm bằng chứng”[17].
Từ những phân tích trên có thể thấy, pháp luật Hoa kỳ cơ bản đã có những quy định cụ thể về yếu tố cấu thành một hợp đồng hợp pháp như: Chữ ký điện tử, bản ghi điện tử và hình thức của hợp đồng được quốc gia này điều chỉnh từ rất sớm để phù hợp với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ. Điểm mạnh mà Hoa Kỳ làm rất tốt đó là có hệ thống pháp luật chặt chẽ, có tính ổn định và dự đoán cao nên hầu hết các quy định cũ vẫn có thể được áp dụng điều chỉnh HĐTM và các công nghệ của tương lai. Bên cạnh đó, vấn đề về nhu cầu có một khung pháp lý cho HĐTM tiếp tục xuất hiện khi có những chuyển biến tích cực cả về số lượng các tiểu bang quan tâm nghiên cứu và phạm vi điều chỉnh của pháp luật được thông qua. Sự ủng hộ quyết liệt của các bang đối với việc hợp pháp hóa HĐTM là điểm nổi bật nhất của pháp luật Hoa Kỳ.
3. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật điều chỉnh hợp đồng thông minh tại Việt Nam
Thứ nhất, cần có sự thừa nhận chính thức giá trị pháp lý của HĐTM tại Việt Nam.
Tại Việt Nam, tính đến thời điểm hiện tại, HĐTM chưa chính thức được thừa nhận như một hợp đồng có giá trị pháp lý. Vì vậy, nhóm tác giả sẽ đánh giá các khía cạnh pháp lý của HĐTM theo một số quy định pháp luật hiện hành.
Điều 385 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, “hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”. Theo đó, hợp đồng được hiểu là sự thống nhất về mặt ý chí của các bên bằng việc thỏa thuận với nhau về quyền và nghĩa vụ của các bên, xác định khi nào và trong điều kiện nào thì các quyền và nghĩa vụ này được xác lập, được thay đổi và chấm dứt. HĐTM gồm các điều khoản và các thỏa thuận giữa các bên, tuy nhiên, nó sẽ thể hiện bằng mã máy tính kết hợp ngôn ngữ tự nhiên hay chỉ có mã máy tính, nó đều có thể thỏa mãn được yêu cầu sự thống nhất ý chí giữa các bên chủ thể.
Vậy, liệu việc HĐTM được viết ngôn ngữ lập trình riêng có ảnh hưởng đến tính hợp pháp của hợp đồng hay không? Điều 33 Luật Giao dịch điện tử năm 2005 quy định: “Hợp đồng điện tử là hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu theo quy định của Luật này”. Điều 4 Luật này đưa ra định nghĩa về “thông điệp dữ liệu” là “thông tin được tạo ra, được gửi đi, được nhận và lưu trữ bằng phương tiện điện tử” (khoản 12) và “phương tiện điện tử là các phương tiện hoạt động dựa trên công nghệ điện, điện tử, kỹ thuật số, từ tính, truyền dẫn không dây, quang học, điện tử hoặc công nghệ tương tự” (khoản 10). Với HĐTM, các bên thực hiện giao dịch trên một hệ thống mạng máy tính (các thiết bị điện tử) được kết nối ngang hàng, được số hóa, được lưu trữ, trao đổi tự động và không có sự can thiệp của con người. Như vậy, HĐTM đáp ứng được yêu cầu đặt ra đối với một hợp đồng điện tử, được thực hiện bằng các phương tiện điện tử thực chất chỉ là một dạng mới của hợp đồng điện tử. Bên cạnh đó, theo Điều 34 Luật Giao dịch điện tử năm 2005, “giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử không thể bị phủ nhận chỉ vì hợp đồng đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu”.
Như vậy, với quy định pháp luật hiện hành, HĐTM mang đầy đủ giá trị pháp lý với hình thức là một hợp đồng được thực hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu. Theo kinh nghiệm của Mỹ, tại một số bang lớn Arizona, tại Vermon và bang Illinois cho phép sử dụng HĐTM với quyền lợi được bảo vệ như hợp đồng truyền thống bằng việc nêu ra khái niệm và thừa nhận giá trị pháp lý của HĐTM. Vì vậy, việc pháp luật Việt Nam chính thức thừa nhận giá trị pháp lý của HĐTM là một điều cần thiết mà vẫn bảo đảm sự phù hợp với quan điểm lập pháp hiện hành.
Thứ hai, cần bổ sung các điều kiện có hiệu lực của HĐTM.
HĐTM mang bản chất là một giao dịch dân sự nên HĐTM có hiệu lực khi nó thỏa mãn điều kiện có hiệu lực của một giao dịch dân sự quy định tại Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015, gồm: Chủ thể, ý chí của chủ thể, mục đích, nội dung và hình thức của giao dịch.
- Về chủ thể tham gia giao dịch có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập: Đối với HĐTM, việc các bên ẩn danh có thể tham gia vào các HĐTM sẽ khiến cho việc xác thực liệu họ có đáp ứng được năng lực chủ thể và khả năng thực hiện các nghĩa vụ theo các hợp đồng đó hay không là điều không thể. Trên thực tế, HĐTM không yêu cầu người tham gia phải đạt bất kì điều kiện nào về năng lực cũng như không xác định rõ nhân thân. Do đó, nếu một bên đã giao kết khi không có đủ năng lực chủ thể, theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, Tòa án có thể tuyên vô hiệu đối với HĐTM kể trên.
Do vậy, pháp luật Việt Nam cần có những định hướng khắc phục hạn chế này, chẳng hạn: Có thể áp đặt các giới hạn pháp lý đối với những người có thể có quyền truy cập vào khóa riêng hoặc những người có thể ký một giao dịch trên hệ thống DLT. Bên cạnh đó, các bên cung cấp HĐTM trong một số ngành nhất định sẽ phải tuân thủ luật pháp và quy định áp dụng cho ngành đó. Ví dụ, khi các bên cung cấp dịch vụ được yêu cầu tuân thủ “xác minh danh tính khách hàng của bạn” thì đây sẽ là yêu cầu tiên quyết đối với người dùng để được truy cập vào các dịch vụ cụ thể.
- Về điều kiện về sự tự nguyện theo điểm b khoản 1 Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015: Bản chất của giao dịch dân sự là sự thống nhất về mặt ý chí, cho nên “tự nguyện” bao gồm các yếu tố cấu thành là tự do ý chí và bày tỏ ý chí. Trong trường hợp chất lượng ý chí của các bên trong quá trình giao kết hợp đồng thông thường không được bảo đảm bởi các yếu tố như nhầm lẫn, lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép thì Bộ luật Dân sự năm 2015 mở ra khả năng yêu cầu Tòa án tuyên vô hiệu đối với hợp đồng đó. Theo quan điểm của TS. Đỗ Giang Nam[18], để viện dẫn được các căn cứ này, Điều 126 và Điều 127 Bộ luật Dân sự năm 2015 yêu cầu phải chứng minh được có sự nhầm lẫn làm “mục đích của giao dịch không thể đạt được” hoặc đã có lỗi cố ý của người lập trình hoặc người thứ ba có tính quyết định khiến người tham gia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch hoặc có hành vi cố ý đe dọa, cưỡng ép thực hiện giao dịch. Không có sự khác biệt lớn giữa khả năng chứng minh được các nội dung trên của người sử dụng HĐTM so với người sử dụng hợp đồng thông thường để yêu cầu Tòa án tuyên vô hiệu giao dịch vi phạm yêu cầu về tính tự nguyện. Tuy nhiên, thách thức cơ bản đặt ra với pháp luật hợp đồng để dung hợp giữa đặc tính của HĐTM và khả năng điều chỉnh tính tự nguyện của giao dịch là HĐTM hiện không cho phép thay đổi việc thực hiện hợp đồng sau khi đã xác lập giao dịch nên kể cả khi một bên trong giao dịch bị nhầm lẫn, lừa dối, đe dọa hay cưỡng ép trên thực tế thì HĐTM vẫn thực hiện giao dịch trong chuỗi khối.
Để giải quyết vấn đề này, ít nhất là trong giai đoạn giao kết hợp đồng, có thể tham khảo kinh nghiệm pháp luật Mỹ, Đạo luật E-sign Act yêu cầu phải có giấy chứng minh sự đồng thuận (consent) của các bên ký kết trước khi hợp đồng được thực hiện. Do đó, một bên không thể đơn phương thực hiện hợp đồng nếu không có giấy đồng thuận của bên còn lại. Giấy đồng thuận này cũng có thể trở thành minh chứng thể hiện ý chí của chủ thể trong hợp đồng được giao kết. Việt Nam hoàn toàn có thể vận dụng được kinh nghiệm này cho hệ thống pháp luật của mình. Trong giai đoạn thực hiện hợp đồng, việc chứng minh tính tự nguyện có lẽ vẫn cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn, đặc biệt là liên quan đến việc sửa đổi, huỷ bỏ hoặc chấm dứt hợp đồng.
- Về điều kiện mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội theo điểm c khoản 1 Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015: Đối với HĐTM, các điều khoản được xây dựng trên các mã lệnh nên rất khó để kiểm soát những điều khoản này có phù hợp với pháp luật hay không, phải là người thực sự có chuyên môn và kiến thức (trong cả lĩnh vực công nghệ thông tin và pháp lý, trên thực tế để đòi hỏi được yêu cầu này là rất khó) mới có thể nhận thức được điều này. Bên cạnh đó, do HĐTM có độ tin cậy cao cùng khả năng tự thực thi mà không cần đến sự can thiệp của bất cứ bên thứ ba nào nên HĐTM có thể thực hiện giao dịch trái đạo đức xã hội và vi phạm điều cấm của pháp luật. Đương nhiên, hợp đồng được xác lập trong trường hợp này chắc chắn vô hiệu. Để giải quyết trường hợp này, nhóm tác giả kiến nghị cần có sự kết hợp giữa giải pháp công nghệ và giải pháp pháp lý để Tòa án có thể căn cứ vào kết quả giải thích hợp đồng (sau khi dịch các mã lệnh thành ngôn ngữ tự nhiên có thể đọc được) để giải quyết hậu quả pháp lý.
- Về hình thức giao dịch phù hợp với quy định của luật: Như đã phân tích ở phần trên, HĐTM thỏa mãn định nghĩa về hợp đồng điện tử, được thể hiện dưới dạng thông điệp điện tử. Các nhà lập pháp bang Arizona Hoa Kỳ cũng đồng ý với cách hiểu này trong Dự thảo 2417 khi ghi nhận các hợp đồng trên nền tảng chuỗi khối thuộc dạng hợp đồng điện tử. Bên cạnh đó, đối với yêu cầu về chữ ký của các bên trong giao dịch, Điều 24 Luật Giao dịch điện tử năm 2005 và Điều 8 Nghị định số 130/2018/NĐ-CP ngày 27/9/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số (Nghị định số 130/2018/NĐ-CP) đã thừa nhận giá trị pháp lý của chữ ký điện tử. Theo đó, trường hợp pháp luật quy định văn bản cần có chữ ký thì yêu cầu đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu thông điệp dữ liệu đó được ký bằng chữ ký số, trường hợp pháp luật quy định văn bản cần được đóng dấu của cơ quan, tổ chức thì yêu cầu đó với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu thông điệp dữ liệu đó được ký bởi chữ ký số cơ quan, tổ chức, miễn là chữ ký số đó được bảo đảm an toàn theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 130/2018/NĐ-CP. Như vậy, bản thân chữ ký số đã có giá trị xác minh danh tính của chủ thể sử dụng nó, bởi khóa bí mật chỉ thuộc sự kiểm soát của người ký tại thời điểm ký. Khóa bí mật của người tham gia giao dịch được kết hợp với dữ liệu giao dịch để tạo chữ ký số cho người tham gia và nó được xác thực bởi người nhận giao dịch bằng chính khóa công khai của người tham gia đó. Trường hợp giao dịch được thực hiện hoàn toàn trên hệ thống DLT, nghĩa là HĐTM chỉ bao gồm mã, các bên có thể “ký mã” bằng cách áp dụng chữ ký số của họ cho giao dịch mã hóa có liên quan và việc ký kết này hoàn toàn có giá trị pháp lý.
Tuy nhiên, HĐTM cũng bị hạn chế sử dụng trong một số hợp đồng yêu cầu bắt buộc về hình thức như phải được công chứng, chứng thực trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hợp dồng mua bán tàu bay, tàu biển và yêu cầu ngôn ngữ sử dụng trong hợp đồng xây dựng là tiếng Việt. Trường hợp này, chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo kinh nghiệm từ Hoa kỳ khi thừa nhận rằng, miễn là các bên, chủ đề và các điều khoản được trình bày rõ ràng theo cách về cơ bản có thể dịch được sang tiếng Việt, giống như một ngoại ngữ và có bằng chứng về sự đồng ý của cả hai bên trong việc triển khai mã được đề cập, với sự cân nhắc của mỗi bên, thì ngôn ngữ “mã máy tính” vẫn được thừa nhận. Bên cạnh đó, để giải quyết yêu cầu về hình thức công chứng, chứng thực văn bản, việc sử dụng loại HĐTM với công nghệ chuỗi khối nhằm thay cho sổ đăng ký của công chứng viên với tư cách là bên thứ ba trong lĩnh vực mua bán bất động sản hoàn toàn có thể giải quyết được vấn đề này. Mặc dù pháp luật hiện hành chưa quy định khung pháp lý về vấn đề công chứng, chứng thực điện tử, nhưng đây là vấn đề cần nghiên cứu và phát triển trong tương lai gần, khi mà giá trị pháp lý của HĐTM được thừa nhận, việc thay đổi các luật liên quan để bảo đảm sự đồng bộ, phù hợp là yêu cầu tất yếu.
ThS. Nguyễn Thị Diễn
Viện pháp luật kinh tế, Trường đại học Tài chính - Ngân hàng Hà Nội
Nguyễn Quốc Việt & Đoàn Thị Hồng Ninh
Sinh viên Viện pháp luật kinh tế, Trường đại học Tài chính - Ngân hàng Hà Nội
[1]. Nick Szabo, Smart Contracts: Building Blocks for Digital Markets, EXTROPY (1996) (partial rewrite), Xem tại: https://www.fon.hum.uva.nl/rob/Courses/InformationInSpeech/CDROM/Literature/LOTwinterschool2006/szabo.best.vwh.net/smart_contracts_2.html.
[2]. Jeffrey Neuburger, The Cross-Industry Promise of Blockchain, NEW MEDIA AND TECHNOLOGY LAW BLOG (Mar. 15, 2017), http://perma.cc/K76E-LAZ6. See also Megan Frydel, How to Use Ethereum Smart Contracts, BITEMYCOIN (Sept. 21, 2018), http://perma.cc/F88N-JEYF.
[3]. Tlđd.
[4]. Blockchain là công nghệ chuỗi - khối, cho phép truyền tải dữ liệu một cách an toàn dựa trên hệ thống mã hóa vô cùng phức tạp, tương tự như cuốn sổ cái kế toán của một công ty, nơi mà tiền được giám sát chặt chẽ và ghi nhận mọi giao dịch trên mạng ngang hàng.
[5]. UKJT, Law Comission, Smart legal contracts - Advice to Governmen https://s3-eu-west-2.amazonaws.com/lawcom-prod-storage-11jsxou24uy7q/uploads/2021/11/6.7776_LC_Smart_Legal_Contracts_2021_Final.pdf.
[6]. PGS.TS. Ngô Huy Cương (2013), Giáo trình Pháp luật hợp đồng (phần chung), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 12.
[7]. UKJT, Law Comission, Smart legal contracts - Advice to Governmen, https://s3-eu-west-2.amazonaws.com/lawcom-prod-storage-11jsxou24uy7q/uploads/2021/11/Smart-legal-contracts-accessible.pdf.
[8]. Trong quá trình soạn thảo một chương trình máy tính, gồm hai bước: Đầu tiên mã thường được soạn thảo bằng ngôn ngữ lập trình cấp cao, được gọi là “mã nguồn”. Mã nguồn sử dụng kết hợp các từ và ký hiệu và có thể được đọc bởi một chuyên gia viết mã; thứ hai, mã nguồn cuối cùng được chuyển đổi thành ngôn ngữ lập trình “cấp thấp” thường được gọi là mã máy. Thông thường, “mã máy” ở dạng nhị phân mà ngay cả một chuyên gia lập trình cũng không thể đọc được.
[9]. https://www.lexology.com/library/detail.aspx?g=ff33c1a8-4c80-4b03-b57f-9cd0dff87527.
[10]. Xem: https://mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDocName=MOFUCM269090, truy cập ngày 21/5/2023.
[11]. Đã ký thành Luật, 2000.
[12]. Theo sách trắng của Phòng Thương mại kỹ thuật số, (2018), “Smart contract – Is the Laws ready?”, Hợp đồng pháp lý thông minh được định nghĩa là “Một hợp đồng thông minh rõ ràng và có khả năng tự thực hiện, trên một cơ sở có hiệu lực pháp lý, các điều khoản của thỏa thuận giữa hai hoặc nhiều bên”, tr. 12.
[13]. Uniform Electronic Transactions Act (1999), Draft By The National Conference Of Commissioners On Uniform State Laws And By It Approved And Recommended For Enactment In All The States, http://euro.ecom.cmu.edu/program/law/08-732/Transactions/ueta.pdf.
[14]. Tlđd.
[15]. 15 U.S.C §7001(c)(1).
[16]. H868 Phần I.1. 12 VSA § 1913. Thông qua tháng 6/2017.
[17]. Nev. Rev. Stat. Ann $719.045, as amended by 2019 Nev. S.B. 162. Note that the amended version of this statute will become effective on October 1. 2019.
[18]. Đỗ Giang Nam, Đào Trọng Khôi, (2020), Nhận diện khía cạnh pháp lý của hợp đồng thông minh dưới góc nhìn của pháp luật Việt Nam, Tạp chí Luật học số 08/2021, tr. 48 - 63.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 384), tháng 7/2023)
Link nội dung: https://phaply.net.vn/hoan-thien-phap-luat-ve-hop-dong-thong-minh-theo-kinh-nghiem-phap-luat-hoa-ky-a257575.html