Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được soạn thảo bao gồm 07 Chương, 62 Điều. Một trong những vấn đề nhận được nhiều quan tâm của người dân và toàn xã hội đó là quản lý và sử dụng đất trên địa bàn Thủ đô. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến - Phó Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Luật Hà Nội.
NĐT: Thưa PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, ông đánh giá thế nào về sự cần thiết sửa đổi Luật Thủ đô nói chung và quy định về quản lý, sử dụng đất tại Luật này nói riêng?
Ông Nguyễn Quang Tuyến: Trải qua thời gian thi hành Luật Thủ đô cho thấy đạo luật này đã góp phần quan trọng vào việc phát triển Hà Nội. Qua 10 năm thực hiện, Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết đã góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của chính quyền các cấp và nhân dân về vị trí, vai trò, nhiệm vụ xây dựng, phát triển Thủ đô; các chính sách, cơ chế quy định trong Luật đã góp phần giúp thành phố đạt được một số thành tựu quan trọng trong nhiều lĩnh vực như: y tế, văn hóa, giáo dục, an sinh xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Luật Thủ đô đã giúp cho Hà Nội có công cụ pháp luật riêng để tăng cường quản lý phát triển đô thị; tạo cơ chế để các cá nhân, tổ chức cùng tham gia với chính quyền. Việc thực hiện các chính sách đặc thù theo quy định của Luật bước đầu đã giúp cho Thành phố chủ động trong quy hoạch, xây dựng, phát triển và quản lý phát triển Thủ đô…
Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như việc triển khai lập Chương trình phát triển đô thị còn chậm; còn thiếu giải pháp huy động nguồn lực trong cải tạo, chỉnh trang tại các khu vực đô thị cũ (về hạ tầng kỹ thuật, công trình kiến trúc, nhà ở…);
Bên cạnh đó, việc bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại tại Thủ đô còn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, không đạt mục tiêu đề ra;
Cùng với đó là công tác di dời và quản lý quỹ đất sau khi di dời của một số cơ quan, tổ chức chưa được thực hiện đầy đủ, hoàn thành theo Quyết định số 130/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Điều này đặt ra yêu cầu cần thiết phải sửa đổi Luật Thủ đô để đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn phát triển đất nước nhanh, bền vững góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Nghị quyết số 15/NQ-TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra.
NĐT: Tại Điều 30 dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có nội dung Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định “Hỗ trợ, ưu đãi cho phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao; các hoạt động xử lý, tái chế sử dụng phụ phẩm, chất thải nông nghiệp”. Theo ông, quy định như vậy đã thực sự giúp người dân dễ hiểu, dễ tiếp cận chưa?
Ông Nguyễn Quang Tuyến: Theo Tôi, cụm từ “nông nghiệp công nghệ cao” là thuật ngữ mà một bộ phận người dân hạn chế về trình độ dân trí; đặc biệt là người dân sinh sống ở vùng sâu, vùng xa hoặc một số người dân tộc thiểu số dường như còn chưa hiểu rõ, hiểu chính xác về nội hàm.
Mặt khác, thuật ngữ này có nhiều cách giải thích khác nhau và cách hiểu không giống nhau. Để xác định cách hiểu thống nhất làm cơ sở áp dụng thống nhất trong triển khai thực hiện khi Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có hiệu lực thi hành, tôi cho rằng cần bổ sung một khoản giải nghĩa về nội hàm thuật ngữ “nông nghiệp công nghệ cao” (trong nội hàm khái niệm này cần đưa ra một số tiêu chí cơ bản để nhận diện về nông nghiệp công nghệ cao) tại Điều 3. Giải thích từ ngữ của Dự thảo Luật, bên cạnh việc giải nghĩa khái niệm “nông nghiệp sinh thái”.
NĐT: Tại Khoản 4 Điều 31 dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có quy định một số nguyên tắc trong việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trên địa bàn Thủ đô. Ông đánh giá sao về các nguyên tắc này?
Ông Nguyễn Quang Tuyến: Theo Khoản 4 Điều 31 dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trên địa bàn Thủ đô phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây:
Hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi có nơi ở, có thu nhập, có việc làm và đời sống ổn định;
Việc bồi thường về đất được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi; nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; đối với hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi có nhu cầu được bồi thường bằng tiền thì được bồi thường bằng tiền theo nguyện vọng đã đăng ký khi lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư;
Đối với hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi nếu có nhu cầu bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với đất thu hồi hoặc bằng nhà ở và địa phương có điều kiện về quỹ đất, quỹ nhà ở thì được xem xét bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi hoặc bằng nhà ở.
Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quyết định tỷ lệ quy đổi, điều kiện bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với đất thu hồi hoặc bằng nhà ở phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Theo đánh giá của tôi, quy định các nguyên tắc như trên khiến chúng ta chưa thấy được rõ ràng cơ chế đặc thù mà Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) dành cho Hà Nội trong quản lý và sử dụng đất. Hay nói cách khác, dường như nội dung về quản lý và sử dụng đất của Dự thảo Luật chưa thể chế hóa và làm nổi bật cơ chế đặc thù được thể hiện trong Nghị quyết số 15/NQ-TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Quy định về nguyên tắc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất của Dự thảo Luật có nội hàm hẹp hơn quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất của Điều 61, Điều 62; từ Điều 74 - Điều 94 Luật Đất đai năm 2013. Các điều luật này của Luật Đất đai năm 2013 quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất sử dụng vào mục đích quốc phòng-an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng.
Như vậy, Luật Đất đai năm 2013 quy định việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư không chỉ trong trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng mà còn đối với trường hợp thu hồi đất sử dụng vào mục đích quốc phòng - an ninh. Hơn nữa, theo pháp luật đất đai hiện hành thì người bị thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng không chỉ được bồi thường mà còn được hỗ trợ, tái định cư.
Để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ với quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất của Luật Đất đai năm 2013 và đảm bảo sự tương thích trong nội dung quy định của khoản 4 Điều 31 thì “vế” đầu tiên của khoản này nên sửa đổi, bổ sung như sau: “Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất sử dụng vào mục đích quốc phòng - an ninh; để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trên địa bàn Thủ đô phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây: …”.
NĐT: Trân trọng cảm ơn ông!
Link nội dung: https://phaply.net.vn/sua-luat-thu-do-can-lam-ro-cac-nguyen-tac-boi-thuong-khi-thu-hoi-dat-a257570.html