Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi): Đại biểu QH đề nghị bổ sung loạt qui định để chống tham nhũng và chặn thao túng thị trường BĐS

Thực tế thời gian qua, trong hoạt động kinh doanh bất động sản (BĐS) đã xuất hiện tình trạng trốn thuế, phát sinh tiêu cực, tham nhũng trong giao dịch. Đáng chú ý là dấu hiệu thao túng thị trường kinh doanh BĐS.

Vì vậy, sửa đổi Luật kinh doanh BĐS kì này, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung quy định mọi giao dịch bất động sản phải qua ngân hàng để chống tham nhũng, trốn thuế. Bên cạnh đó, cho rằng thao túng bất động sản nguy hiểm không kém hành vi tương tự trong chứng khoán, đại biểu Quốc hội đề nghị cấm để tránh thị trường bị làm giá, bong bóng.

1-1698743759.jpg

Sửa luật để thị trường bất động sản phát triển ổn định, minh bạch và bền vững

Đề nghị bổ sung quy định mọi giao dịch bất động sản phải qua ngân hàng để chống tham nhũng, trốn thuế.

Đề nghị này được các đại biểu Quốc hội nêu khi thảo luận một số điều còn ý kiến khác nhau tại dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), sáng 31/10.

Quy định hiện nay không bắt buộc việc giao dịch mua bán, chuyển nhượng bất động sản phải thanh toán qua ngân hàng. Việc này, theo các đại biểu, khiến xuất hiện tình trạng trốn thuế, phát sinh tiêu cực, tham nhũng trong giao dịch.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng khi sửa luật lần này, Nhà nước cần đưa ra chính sách bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt với giao dịch bất động sản. "Cần thực hiện qua ngân hàng để đảm bảo mục tiêu phòng chống tham nhũng", ông nêu.

2-1698743769.jpg

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp phát biểu tại phiên thảo luận dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), sáng 31/10. Ảnh: Media Quốc hội

Ông Trịnh Xuân An (Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh) cũng đồng tình với quy định này. Tức là giao dịch mua bán, chuyển nhượng hay cho thuê giữa các cá nhân nhưng có tính chất kinh doanh cũng bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng, không riêng giao dịch giữa doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án với người mua.

Giải trình sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói sẽ tiếp thu ý kiến các đại biểu, rà soát kỹ lưỡng, nhằm thể chế hóa các chính sách lớn liên quan đến bất động sản, kinh doanh bất động sản, cũng như quyền, nghĩa vụ các bên liên quan và quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Riêng với thanh toán trong bán, cho thuê nhà ở hình thành trong tương lai, dự thảo luật đưa ra hai phương án. Phương án 1, bên bán chỉ được thu tối đa 95% giá trị hợp đồng mua bán nếu bên mua, thuê mua chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. 5% giá trị còn lại sẽ được thanh toán khi các giấy chứng nhận được cơ quan có thẩm quyền cấp cho bên mua.

Phương án 2, bên bán chỉ được thu tối đa 95% giá trị hợp đồng mua bán nếu bên mua, thuê mua chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. 5% giá trị còn lại của hợp đồng được khách hàng chuyển vào tài khoản của chủ đầu tư mở tại ngân hàng để quản lý và chủ đầu tư không được dùng số tiền này. Các chi phí, lợi tức phát sinh liên quan đến khoản tiền này do chủ đầu tư và ngân hàng tự thỏa thuận.

Chủ đầu tư chỉ được sử dụng số tiền này cùng với lợi tức (nếu có) khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho bên mua, thuê.

Góp ý, bà Nguyễn Việt Nga (Phó trưởng đoàn chuyên trách tỉnh Hải Dương) nói chọn phương án 1, bởi bên mua được phép giữ lại 5% giá trị hợp đồng để bên bán có trách nhiệm hoàn thành các thủ tục giấy tờ là phù hợp, tăng trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Bà nói, thực tế trong giao dịch mà bên mua đã thanh toán đến 95% hợp đồng thì hầu hết họ đều muốn hoàn thiện các thủ tục để kết thúc hợp đồng. Việc bên bán chưa được thanh toán 5% giá trị còn lại sẽ không ảnh hưởng quá lớn tới phát triển của doanh nghiệp so với việc bên mua bị chậm, chưa được nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất.

Còn Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành, nói cả hai phương án đều có điểm chưa hợp lý, nhưng ông nghiêng về phương án 2. Bên cạnh đó, ông Thành đề nghị bổ sung nội dung cấm thu phí, lệ phí và các khoản liên quan đến kinh doanh bất động sản.

Còn bà Huỳnh Thị Phúc (Phó trưởng đoàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị bổ sung cấm hành vi thu tiền, đặt cọc trái quy định của luật này và các luật liên quan để đảm bảo chặt chẽ. Bà cũng muốn bổ sung quy định chủ đầu tư dự án bất động sản không được ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác ký hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, cho thuê nhà ở.

Liên quan tới giao dịch bất động sản nên qua sàn hay không?, tại thảo luận hôm nay, ông Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân, cho rằng hợp đồng mua bán không nên chỉ bắt buộc qua công chứng mà có thể qua sàn. Ông cũng đề xuất nếu có giấy xác nhận giao dịch qua sàn thì không cần qua công chứng, tức là trao cho sàn đúng chức năng tư vấn cho khách hàng và cung cấp thông tin thị trường cho nhà nước. Ông lập luận, sàn giao dịch bất động sản là 1 trong 3 yếu tố cấu thành thị trường bất động sản. Nếu sàn không chuyên nghiệp thì thị trường sẽ méo mó, nên cần điều chỉnh quy định trong luật để đưa môi giới bất động sản về đúng chức năng môi giới, tư vấn thay vì vừa mua vừa bán, "tay tung tay hứng gây nhiễu loạn thị trường" như trước đây. "Luật mới phải quy định chặt chẽ hơn, sàn chỉ được thực hiện chức năng làm trung gian và phải chịu trách nhiệm trước các thông tin cung cấp cho khách hàng và cơ quan nhà nước", ông Cường nêu và đề xuất sàn không được tham gia vào mua bán mà chỉ được hưởng phí xác nhận giao dịch, tương đương phí công chứng; thù lao môi giới do hai bên thỏa thuận.

Tranh luận với ông Cường, ông Nguyễn Văn Thân (Chủ tịch Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ), cho rằng vai trò xác nhận của công chứng như bên thứ 3 cần thiết, vì thế đề nghị xác nhận mua bán chỉ thông qua công chứng. "Không thể tư duy theo kiểu lý thuyết như thế, có rất nhiều cách mua bán thông qua giá cả. Trước đây nhà cao tầng thông báo bán thì ngày hôm sau hỏi hết hàng. Nhưng ra sàn có ngay và giá cao gấp rưỡi hoặc gấp đôi", ông nói. Do đó, ông đề nghị giữ nguyên quy định trong dự thảo, giao dịch bất động sản được tự do, không bắt buộc qua sàn. Nếu giao dịch tốt khách hàng sẽ thông qua sàn, ngược lại họ sẽ không tham gia.

Đề nghị bổ sung hành vi thao túng, làm giá bất động sản vào danh mục cấm trong kinh doanh BĐS

Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) bổ sung một số hành vi bị cấm trong kinh doanh bất động sản, như giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch và không công khai thông tin về bất động sản đưa vào kinh doanh; gian lận, lừa đảo khách hàng...

Nêu ý kiến tại phiên thảo luận Quốc hội ngày 31/10, ông Trịnh Xuân An (Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng an ninh) đề nghị bổ sung hành vi thao túng, làm giá bất động sản vào danh mục cấm trong kinh doanh lĩnh vực này.

Ông An phân tích, thao túng thị trường bất động sản nguy hiểm không kém so với hành vi tương tự trong chứng khoán. Thao túng không chỉ thông qua đấu thầu bỏ giá cao rồi bỏ cọc, còn có hành vi dùng dự án này để "kích" giá dự án khác, dẫn tới bong bóng và tạo mặt bằng giá trên trời so với thực tế. "Nếu không xử lý triệt để sẽ tạo thành bong bóng, giống trường hợp của Hãng địa ốc Trung Quốc China Evergrande Group", ông An nói, và thêm rằng cần quy định cấm hành vi thao túng, làm giá bất động sản trong luật và trường hợp cụ thể loại trừ.

3-1698743769.jpg

Ông Trịnh Xuân An (Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng an ninh) phát biểu tại phiên thảo luận dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), sáng 31/10. Ảnh: Media Quốc hội

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Thông (Phó trưởng đoàn chuyên trách tỉnh Bình Thuận) và Trình Lam Sinh (Phó trưởng đoàn chuyên trách tỉnh An Giang) đề nghị bổ sung quy định cấm hành vi thao túng, làm nhiễu loạn thị trường bất động sản. Ông Thông lưu ý, hành vi cấu kết trong đấu giá quyền sử dụng đất, đấu giá nhằm thổi giá ở khu vực xung quanh đang diễn ra phổ biến. Việc này khiến giá đất tăng cao, người dân thật sự có nhu cầu về nhà ở không thể mua đất, xây nhà.

Trong khi đó, cũng đề cập tới hành vi cấm trong kinh doanh bất động sản, ông Nguyễn Văn Mạnh (Ủy viên Ủy ban Kinh tế) nêu, quy định thu, sử dụng tiền mua bán thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai của bên mua, thuê mua trái pháp luật. So với quy định hiện hành, dự luật lần này bỏ hành vi huy động chiếm dụng trái phép vốn, theo ông Mạnh, vô tình tạo khẽ hở trong sử dụng vốn của chủ đầu tư, cũng như tạo các kênh khác để huy động vốn. Ông đề nghị giữ nguyên quy định liên quan tới việc cấm chiếm dụng trái phép để hạn chế hành vi này xảy ra trên thực tế.

Quy định hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất khi chuyển nhượng dự án bất động sản cũng được thảo luận. Tại kỳ họp 5 (tháng 6), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh khi trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho biết, nhiều ý kiến nhất trí yêu cầu "bắt buộc hoàn thành nghĩa vụ" mới được chuyển nhượng dự án. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng nên tạo điều kiện cho chủ đầu tư không còn đủ năng lực.

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị hai phương án. Một là, trường hợp chủ đầu tư chuyển nhượng chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất của dự án, phần dự án chuyển nhượng với Nhà nước, hai bên có thể thỏa thuận việc thực hiện tiếp nghĩa vụ tài chính chưa hoàn thành.

Hai là, chủ đầu tư chuyển nhượng có quyết định giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất của dự án (tiền sử dụng đất, thuê đất, thuế, phí...) thì không bắt buộc phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với toàn bộ, hoặc phần dự án chuyển nhượng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội chọn phương án 1. Phương án này dể đảm bảo quy định chặt chẽ, ngăn ngừa tình trạng lựa chọn nhà đầu tư không đủ năng lực chuyển nhượng dự án, kiếm lợi nhuận.

Ông Phạm Văn Hòa đồng tình chọn phương án 1, tức là khi chủ đầu tư chuyển nhượng dự án, phần dự án cho người khác thì người nhận lại sẽ phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Ông Hòa nói, như vậy Nhà nước không mất gì, do nghĩa vụ tài chính vẫn được tiếp tục thực hiện. "Chủ đầu tư "suy dinh dưỡng", không còn khả năng làm tiếp dự án mới phải chuyển nhượng, mà bắt buộc họ hoàn thành nghĩa vụ tài chính mới được giao dịch thì không nên", ông nêu quan điểm.

Ông Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng an ninh cũng cho rằng, cần linh hoạt trong chuyển nhượng dự án bất động sản. Ông đề nghị, nên cho phép các bên tự thỏa thuận việc thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.

Còn ông Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Nguyễn Ngọc Sơn băn khoăn khi hiện có nhiều cách hiểu khác nhau về nội hàm "chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản".

Ông Sơn dẫn thực tế, cơ quan điều tra, thanh tra cũng gặp khó khi xử lý các dự án thay đổi chủ đầu tư qua các hình thức như chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, bán tài sản gắn liền với đất. Do đó, ông đề nghị dự thảo luật cần phân định rõ khái niệm, phương thức chuyển giao tài sản để tránh bị lợi dụng.

Dự kiến, Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) ngày 27/11.

Minh Anh (tổng hợp)

Link nội dung: https://phaply.net.vn/luat-kinh-doanh-bds-sua-doi-dai-bieu-qh-de-nghi-bo-sung-loat-qui-dinh-de-chong-tham-nhung-va-chan-thao-tung-thi-truong-bds-a257534.html