Nhận diện và phòng, chống tác động chuyển hóa chính sách pháp luật và “lợi ích nhóm” trong xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Vấn đề tác động chuyển hóa chính sách pháp luật Việt Nam và “lợi ích nhóm” trong xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật là yếu tố khách quan và chủ quan, tác động cản trở quá trình hoàn thiện thể chế, làm cho pháp luật của Việt Nam “chệch hướng”, gây tổn hại đến lợi ích quốc gia - dân tộc và đe dọa sự tồn vong của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Do vậy, nhận diện và phòng chống sự tác động chuyển hóa và “lợi ích nhóm” trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật luôn là vấn đề mang tính thời sự cả về lý luận và thực tiễn.

1-1698726707.jpg

Hình minh họa

Việc xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần từng bước hoàn thiện thể chế, thúc đẩy đất nước phát triển. Tuy nhiên, quá trình hội nhập quốc tế đã mang đến nhiều thời cơ thuận lợi để Việt Nam phát triển nhưng cũng đưa đến không ít thách thức, trong đó “tác động chuyển hóa thay đổi chính sách pháp luật” luôn là mục tiêu hướng đến của các thế lực thù địch, phản động, các quốc gia thù địch với Việt Nam để từng bước thay đổi chế độ chính trị xã hội của nước ta. Bên cạnh đó, “lợi ích nhóm” và các yếu tố chủ quan khác cũng đã tác động không nhỏ đến quá trình xây dựng, ban hành, bổ sung và hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật. Do vậy, nhận diện và phòng chống sự tác động chuyển hóa và lợi ích nhóm trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật luôn là vấn đề mang tính thời sự cả về lý luận và thực tiễn.

Sự tác động chuyển hóa chính sách pháp luật và “lợi ích nhóm” trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Để tác động chuyển hóa chính sách pháp luật của Việt Nam, các thế lực thù địch, phản động, các quốc gia thù địch với Việt Nam đã sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau, phổ biến là: Tiếp xúc, tạo dựng quan hệ, sử dụng các lợi ích để mua chuộc, khống chế, buộc cán bộ công tác tại các cơ quan tham mưu, hoạch định chính sách thực hiện các biện pháp tác động thay đổi chính sách pháp luật của Việt Nam. Thực tiễn công tác kiểm tra của lực lượng chức năng đã “phát hiện một số chuyên gia, cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “chệch hướng tư tưởng””[1]. Tuyển lựa, tạo dựng, hình thành, nuôi dưỡng và thúc đẩy các đối tượng bất mãn, cơ hội chính trị, các đối tượng “trở cờ” trong hệ thống chính trị, các đối tượng công tác có liên quan đến pháp luật, nhất là luật sư đưa ra các “yêu sách” trong xây dựng pháp luật bằng nhiều hình thức khác nhau, như “kiến nghị”, “thư ngỏ”, “thỉnh nguyện thư”… có nội dung xuyên tạc chính sách pháp luật Việt Nam, cài cắm các quan điểm pháp quyền tư sản, gây mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ, nhất là hệ thống pháp luật Việt Nam. Lợi dụng quá trình Việt Nam hội nhập quốc tế, nhất là trong quan hệ đối ngoại, khi nước ta ký kết các hiệp định thương mại, thỏa thuận quốc tế để đưa ra các điều khoản hướng đến thay đổi chính sách pháp luật Việt Nam; thậm chí còn công khai yêu cầu Việt Nam “phải” sửa đổi một số điều luật nhất định trong một thời gian cụ thể, nhất là các điều luật thuộc tội danh xâm phạm an ninh quốc gia. Thông qua các chương trình hợp tác, tài trợ về giáo dục và đào tạo, hỗ trợ tư pháp để thay đổi quan điểm tư tưởng của cán bộ, học viên được học tập, công tác ở nước ngoài và tác động vào quá trình xây dựng, ban hành luật pháp của Việt Nam. Những thủ đoạn này được diễn cả bí mật và công khai, bí mật tác động, phá vỡ từ bên trong, công khai gây sức ép từ bên ngoài, cao nhất là cấp quốc gia. Sự tác động, chuyển hóa này làm cho chính sách pháp luật Việt Nam thay đổi từ nhỏ đến lớn, xa rời sự lãnh đạo của Đảng, không đúng định hướng xã hội chủ nghĩa, gây bất lợi cho lợi ích quốc gia - dân tộc, từng bước chuyển hóa chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa thành chế độ tư bản chủ nghĩa.

“Lợi ích nhóm”, một quan niệm đã được đưa ra khá phổ biến trong thời gian gần đây; được luận giải đa dạng trên các phương diện tiếp cận khác nhau, nhưng đều thống nhất chung với ý nghĩa là “lợi ích riêng”, không phải lợi ích chung, đi ngược với lợi ích quốc gia - dân tộc. “Lợi ích nhóm” chỉ thỏa mãn lợi ích của một vài cá nhân, địa phương, cơ quan, tổ chức, ngành nghề nhất định, không thỏa mãn lợi ích quốc gia - dân tộc. “Lợi ích nhóm” trong xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật là thủ đoạn “tạo cơ chế” đáp ứng lợi ích riêng trong công tác xây dựng pháp luật, bằng cách cá nhân, nhóm cá nhân có thẩm quyền, vai trò trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã “cố ý” đưa vào các điều khoản có lợi hoặc không đưa vào các điều khoản gây bất lợi cho “lợi ích nhóm”.

2-1698726713.jpg

Ảnh minh họa

Sự tồn tại của “lợi ích nhóm” trong xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã đưa đến nhiều hệ lụy ghê gớm cho quá trình xây dựng và phát triển đất nước; làm cho hệ thống pháp luật Việt Nam “chồng chéo”, “thiếu đồng bộ”, tồn tại nhiều văn bản “trái pháp luật” về nội dung và thẩm quyền: “Từ năm 2017-2021, có 554/25.670 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật về nội dung và thẩm quyền. Trong số đó, có 80 văn bản cấp bộ ban hành và 474 văn bản do chính quyền địa phương cấp tỉnh ban hành”[2], quá trình triển khai, thực hiện Luật gặp nhiều vướng mắc; tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho hành vi tham nhũng nói chung, “tham nhũng chính sách” nói riêng tồn tại và phát triển, gây tổn hại đến lợi ích quốc gia - dân tộc; “làm ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch và tác động tiêu cực đến hoạt động quản lý nhà nước mà còn gây tốn kém thời gian, công sức, nguồn kinh phí, ngân sách của Nhà nước và gây thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp, từ đó có thể làm gia tăng bức xúc trong dư luận xã hội”[3].

Có thể khẳng định, sự tác động chuyển hóa chính sách pháp luật Việt Nam từ các thế lực thù địch, phản động, các quốc gia thù địch với Việt Nam và “lợi ích nhóm” trong xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã và đang tác động đến quá trình hoàn thiện thể chế, gây trở ngại cho quá trình xây dựng và phát triển đất nước, gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước và Nhân dân, gây tổn hại đến lợi ích quốc gia - dân tộc và đe dọa sự tồn vong của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Phòng, chống sự tác động chuyển hóa chính sách pháp luật và “lợi ích nhóm” trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Một là, phát huy vai trò của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo pháp luật luôn cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng.

Giải pháp có vị trí đặc biệt quan trọng trong, góp phần phòng ngừa có hiệu quả hoạt động tác động chuyển hóa chính sách pháp luật của Việt Nam từ các thế lực thù địch, phản động, các quốc gia thù địch với nước ta. Đòi hỏi lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tham mưu và tổ chức các biện pháp nghiệp vụ, phát hiện, ngăn chặn các hoạt động tác động chuyển hóa chính sách pháp luật của Việt Nam. Định kỳ hằng năm, lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí, truyền thông trong tổ chức các đợt tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, quần chúng nhân dân, học viên, sinh viên về âm mưu, phương thức, thủ đoạn tác động chuyển hóa chính sách pháp luật của Việt Nam từ các đối tượng. Đặc biệt, công tác tuyên truyền cần hướng tới nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công tác tại các cơ quan, đơn vị trọng yếu, có chức năng, nhiệm vụ xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bởi vì: “Nhận thức của một số cán bộ, lãnh đạo cơ quan, ban, ngành về âm mưu, hoạt động, phương thức, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” trong xây dựng pháp luật ở Việt Nam của các thế lực thù địch vẫn còn chưa đầy đủ, sâu sắc, thậm chí còn lơ là, mất cảnh giác trước các hoạt động có dấu hiệu can thiệp, tác động, chuyển hóa”[4].

Lực lượng nòng cốt về bảo vệ an ninh quốc gia, theo phân cấp, cần làm tốt công tác tham mưu cho Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc hoạch định, ban hành các chủ trương, chính sách, hoàn thiện thể chế, chính sách, cải cách tư pháp nói chung và xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật nói riêng. Đồng thời, thực hiện tốt các biện pháp công tác nghiệp vụ trong phát hiện các hoạt động có dấu hiệu tác động chuyển hóa chính sách pháp luật từ các đối tượng và các cá nhân có dấu hiệu bị móc nối, khống chế; qua đó thực hiện tốt các biện pháp ngăn chặn. Tập trung rà soát, phát hiện cán bộ có dấu hiệu “bất minh, bị tác động, khống chế” công tác tại các ban, bộ, ngành, địa phương để có biện pháp “vô hiệu hóa” kịp thời. Chủ động phát hiện các chương trình, dự án hợp tác với nước ngoài trên các lĩnh vực có dấu hiệu tác động chuyển hóa chính sách pháp luật để làm tốt công tác ngăn chặn, đảm bảo chính sách pháp luật Việt Nam đúng định hướng xã hội chủ nghĩa. Ngoài ra, cần làm tốt công tác tham mưu, ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngăn chặn các hoạt động tác động chuyển hóa chính sách pháp luật của Việt Nam từ các đối tượng, đảm bảo tính ổn định, lâu dài.

Hai là, thực hiện đúng nguyên tắc, quy trình và xây dựng cơ chế “kiểm soát quyền lực”, quy định trách nhiệm, nghĩa vụ của những người có thẩm quyền trong xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đây là giải pháp rất quan trọng, tạo ra “lồng cơ chế để nhốt quyền lực”, ngăn chặn, loại trừ môi trường và điều kiện phát sinh “lợi ích nhóm” trong xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nội dung của giải pháp đòi hỏi công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần thực hiện đúng quy trình và xây dựng cơ chế “kiểm soát quyền lực”, quy định trách nhiệm, nghĩa vụ của những người có thẩm quyền trong xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Thực hiện đúng nguyên tắc, quy trình trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật là đòi hỏi tất yếu trong công tác xây dựng luật pháp ở mỗi quốc gia, dân tộc nói chung và Việt Nam nói riêng. Quá trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đòi hỏi các ban, bộ ngành, địa phương cần thực hiện đúng Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; thực hiện triệt để công tác kiểm tra, thẩm định và phát huy vai trò của các lực lượng, đội ngũ cán bộ chuyên gia, cán bộ chuyên trách và phản biện xã hội trong đánh giá về ý nghĩa, tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật. Đặc biệt, quá trình thông qua văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan chủ trì cần tiếp thu các ý kiến góp ý của các tổ chức, cá nhân, nhất là ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản quy phạm pháp luật.

Xây dựng cơ chế “kiểm soát quyền lực” để phòng chống “lợi ích nhóm” trong xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật là đặc biệt quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Cơ chế “kiểm soát quyền lực” cần quy định chi tiết về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; nguyên tắc và các hoạt động kiểm soát quyền lực; khái quát rõ các hành vi vi phạm trong quá trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật và hình thức xử lý; trách nhiệm, quyền hạn của các tổ chức, cá nhân có liên quan, nhất là trách nhiệm và nghĩa vụ của người có thẩm quyền trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Khi cơ chế “kiểm soát quyền lực” được ban hành, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, nhất là người có thẩm quyền trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật sẽ tăng cao, tính minh bạch cao hơn, góp phần đẩy lùi “lợi ích nhóm” trong xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Ba là, nghiên cứu, luật hóa các tội danh “tham nhũng chính sách”, “vận động hành lang” trong xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật và làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý những cá nhân, nhóm người vi phạm pháp luật trong xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Hiện nay, Bộ luật Hình sự hiện hành chỉ quy định chi tiết về các tội danh tham nhũng, gồm: Tội tham ô tài sản; Tội nhận hối lộ; Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Tội lạm dụng quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi. Trong khi đó, các hành vi nhằm thỏa mãn “lợi ích nhóm” của người, nhóm người có thẩm quyền trong xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật thực chất là “tham nhũng chính sách” đã, đang và sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến quá trình xây dựng và phát triển của đất nước. Tính tích cực của các quy phạm pháp luật là điều dễ nhận thấy, nhưng tính tiêu cực của nó khi ẩn chứa bên trong là yếu tố “lợi ích nhóm” thì không thể “cân, đong, đo, đếm” được tác hại của nó. Bên cạnh đó, các dấu hiệu “vận động hành lang” trong xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong thực tiễn đời sống xã hội hiện nay không phải không tồn tại. Vậy nên, thời gian tới, cơ quan nghiên cứu lập pháp cần nghiên cứu, đề xuất, luật hóa tội danh về “tham nhũng chính sách” và tội danh “vận động hành lang” trong xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật để mọi cá nhân, nhất là những người có thẩm quyền trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật “không thể” tham nhũng. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng cần làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý những cá nhân, nhóm người vi phạm pháp luật trong xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật là đặc biệt cần thiết để những cá nhân, nhóm người có ý định tiêu cực thực sự “không giám” thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật./.

…………………………

 Tài liệu tham khảo:

(1), (4): Chu Quang Thiện, “Phòng, chống “diễn biến hòa bình” trong xây dựng pháp luật, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 23/11/2022.

(2), (3): Thiện Văn, “Lọc bỏ tận gốc “lợi ích nhóm” trong các văn bản quy phạm pháp luật”, Báo Quân đội nhân dân điện tử, ngày 01/10/2022.

 

Trung tá, ThS Nguyễn Phú Phương (Cục Bảo vệ an ninh Quân đội - Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân VN )

Link nội dung: https://phaply.net.vn/nhan-dien-va-phong-chong-tac-dong-chuyen-hoa-chinh-sach-phap-luat-va-loi-ich-nhom-trong-xay-dung-va-ban-hanh-van-ban-quy-pham-phap-luat-a257530.html