Điều tra các vụ án liên quan chứng khoán: Bộ Công an kiến nghị bổ sung nhiều qui định pháp luật hình sự, đầu tư, chứng khoán

(Pháp lý). Theo C01 (Bộ Công an), tội phạm thao túng chứng khoán ngày càng tinh vi, có tổ chức gây ảnh hưởng lớn đến thị trường và thiệt hại cho nhà đầu tư. Thế nhưng Bộ luật Hình sự hiện hành quy định mức phạt còn thấp, phạt tiền cao nhất 4 tỷ đồng, tù cao nhất 7 năm, không đảm bảo phòng ngừa. C01 cũng đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Tư pháp, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao sớm ban hành hướng dẫn cơ sở pháp lý trong việc xác định thiệt hại cho nhà đầu tư.

Tội phạm thao túng chứng khoán ngày càng tinh vi, có tổ chức

Mới đây, C01 đã có kết luận điều tra, theo đó cáo buộc ông Trịnh Văn Quyết không đủ tiền nhưng đã chỉ đạo Công ty Chứng khoán BOS cấp hạn mức ảo 170.500 tỷ đồng để đặt 15.000 lệnh khớp lệnh mua bán 2,8 tỷ cổ phiếu "họ nhà" FLC.

Trước hành vi thao túng này, cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết, hai em gái Trịnh Thị Thúy Nga và Trịnh Thị Minh Huế cùng bà Hương Trần Kiều Dung (cựu phó chủ tịch thường trực HĐQT Tập đoàn FLC), Nguyễn Quỳnh Anh (cựu tổng giám đốc Công ty Cổ phần chứng khoán BOS) và 15 người khác bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đề nghị truy tố về tội Thao túng thị trường chứng khoán. Ông Quyết cùng bà Thúy Nga, Minh Huế, Kiều Dung, Quỳnh Anh và Nguyễn Thiện Phú (cựu phó tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng FLC Faros) còn bị đề nghị về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

a1-1698725934.jpg

Cảnh sát khám xét , niêm phong, thu giữ nguồn chứng cứ, tang vật tại trụ sở tập đoàn FLC, tháng 3/2022. Ảnh: CAND

Trong hơn bốn năm, từ tháng 5/2017 đến 1/2022, ông Quyết chỉ đạo em gái Minh Huế mượn giấy tờ của người thân để mở 500 tài khoản chứng khoán sau nhằm thao túng giá cổ phiếu. Để có tiền giao dịch, ông Quyết chỉ đạo cấp dưới ở Công ty CP Chứng khoán BOS cấp hạn mức sức mua chứng khoán khống cho số tài khoản trên mở tại công ty này. Phòng giao dịch chứng khoán "cấp hạn mức khách hàng" theo yêu cầu của em gái ông Quyết. Khi được cấp, các tài khoản chứng khoán của nhóm ông Quyết sẽ hiện lên số dư cho dù thực tế không có tiền. Đây là số tiền tự điền vào nên chỉ có thể dùng để mua cổ phiếu chứ không rút được khỏi tài khoản.

Kết luận điều tra chỉ ra cách ông Quyết sử dụng để chi phối là khớp lệnh thông thường và khớp lệnh thỏa thuận. Trong các phiên giao dịch, nhóm ông Quyết đặt mua 25-70% tổng khối lượng đặt mua của thị trường sau đó hủy lệnh nhằm tạo ra cung cầu giả, thu hút nhà đầu tư. Tiếp đến, "đội lái" sẽ khớp lệnh nội bộ nhóm để không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu. Trong đợt khớp lệnh định kỳ xác định giá đóng cửa (ATC), nhóm tài khoản FLC sở hữu sẽ liên tục đặt lệnh mua và bán để chiếm ưu thế toàn thị trường. Mục đích để chi phối thị trường vào thời điểm đóng cửa. Giá ngày hôm trước sẽ là giá tham chiếu cho phiên sau.

Theo kết luận điều tra, trong giai đoạn từ ngày 26/5/2017 đến 10/01/2022, ông Trịnh Văn Quyết chỉ đạo hai em gái Trịnh Thị Thúy Nga và Trịnh Thị Minh Huệ cùng một số người dùng nhiều tài khoản chứng khoán liên tục thực hiện giao dịch để thao túng thị trường chứng khoán. Việc này nhằm đẩy giá cổ phiếu FLC từ 15.500 lên 24.050 đồng/cổ phiếu, tăng 64%. Ngày 10/1/2022, ông Quyết chỉ đạo đặt bán hơn 76,7 triệu cổ phiếu FLC và khớp lệnh 74,8 triệu cổ phiếu với giá trung bình 22.586 đồng nhưng không công bố thông tin trước khi giao dịch. Tổng số tiền thu về sau khi bán chui cổ phiếu là 1.689 tỷ đồng. Kết luận xác định, ông Quyết cùng đồng phạm đã thao túng 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART thu lợi bất chính 723 tỷ đồng.

Trước ông Quyết, một cái tên đình đám khác trong làng chứng khoán là Chủ tịch Louis Holdings Đỗ Thành Nhân đã bị phạt hơn 5 năm tù cùng với cáo buộc thao túng thị trường. Thủ đoạn của ông Nhân là mua cổ phiếu "rác" giá 1.000-1.800 đồng sau đó thổi giá tăng gấp 42 lần rồi bán tháo, thu lời 152 tỷ đồng.

Kiến nghị sớm sửa đổi, bổ sung các qui định pháp luật hình sự, kinh tế, đầu tư

Quá trình điều tra một số vụ án liên quan chứng khoán, C01 đã chỉ ra nhiều lỗ hổng của chính sách pháp luật liên quan, từ đó C01 đưa ra nhiều kiến nghị đề xuất.

Thứ nhất, cần đình chỉ giao dịch đối với hành vi cho mượn tài khoản:

Việc mở tài khoản chứng khoán dễ dàng và không kiểm soát dẫn đến bị lợi dụng để thuê, nhờ người khác đứng tên. Nhóm thao túng thị trường sử dụng các tài khoản này để mua bán, tạo cung cầu giả, đẩy giá lên cao rồi bất ngờ bán. Với các hành vi cho mượn tài khoản chứng khoán, C01 đề nghị Ủy ban Chứng khoán xử phạt hành chính bằng hình thức đình chỉ giao dịch tài khoản 6-12 tháng.

Thứ hai, sớm sửa đổi các văn bản hướng dẫn thi hành liên quan đến cổ phiếu:

C01 đề nghị Bộ Tài chính đẩy mạnh tuyên truyền, kịp thời cung cấp thông tin chính thống về chủ trương điều hành và tình hình kinh tế vĩ mô để ổn định tâm lý nhà đầu tư. Làm được điều này sẽ tạo niềm tin vào thị trường cho nhà đầu tư và nâng cao nhận thức, hiểu biết và kỹ năng tài chính của họ. Bộ Tài chính cũng cần tăng cường kiểm tra, yêu cầu các doanh nghiệp niêm yết, công bố thông tin theo quy định; sửa đổi các văn bản hướng dẫn thi hành liên quan đến cổ phiếu như: cấm tổ chức, cá nhân cho mượn pháp nhân hoặc cho mượn giấy tờ để thành lập pháp nhân, mở tài khoản chứng khoán; cấm công ty chứng khoán cho vay tiền để mua cổ phiếu khi tài khoản không có tiền.

a1-1698725922.png

Theo Bộ Công an, việc quy định thêm trách nhiệm của các đơn vị quản lý, kiểm toán trong công bố thông tin, niêm yết chứng khoán là cần thiết. Hơn nữa phải có cơ chế giám sát các khâu tăng vốn điều lệ, kiểm toán, đăng ký niêm yết và quản lý giao dịch chứng khoán. Bộ Tài chính cần tăng cường nắm tình hình để phối hợp xử lý hành vi đưa thông tin không chính xác gây mất an toàn thị trường.

Thứ ba, bít các kẽ hở qui định pháp luật liên quan hoạt động hợp tác đầu tư:

Việc kiểm soát vay vốn theo hình thức hợp tác đầu tư còn nhiều kẽ hở. Nhiều nhóm nghi phạm lợi dụng công ty chứng khoán và công ty thứ ba để lách luật ký hợp đồng cho khách hàng vay với lãi suất cố định để thu lợi. Từ đó, họ có nguồn tiền để giao dịch, đẩy giá chứng khoán thu lời. Do đó cần nghiên cứu rà soát để bít các kẽ hở liên quan hoạt động hợp tác đầu tư

Thứ tư, sửa đổi BLHS theo hướng tăng chế tài phạt tù và tiền đối với tội phạm chứng khoán:

Theo C01, tội phạm thao túng chứng khoán ngày càng tinh vi, có tổ chức gây ảnh hưởng lớn đến thị trường và thiệt hại cho nhà đầu tư. Thế nhưng Bộ luật Hình sự hiện hành quy định mức phạt còn thấp, phạt tiền cao nhất 4 tỷ đồng, tù cao nhất 7 năm nên gây khó khăn cho điều tra, không đảm bảo phòng ngừa. Do đó, tới đây sửa BLHS cần tăng chế tài phạt tiền và phạt tù đối với tội phạm chứng khoán

Thứ năm, sớm ban hành hướng dẫn cơ sở pháp lý trong việc xác định thiệt hại cho nhà đầu tư:

Kết luận điều tra của C01 nêu, theo trả lời của Bộ Tài chính, pháp luật hình sự hiện hành chưa có quy định hướng dẫn về xác định thiệt hại cho nhà đầu tư phát sinh từ hành vi thao túng chứng khoán. Hơn nữa, giá cổ phiếu được xác lập trên cơ sở khớp lệnh của hàng triệu tài khoản trên thị trường, trong đó có tài khoản của nhà đầu tư thông thường và cả tài khoản của nhóm thao túng như ông Quyết. Giao dịch của nhà đầu tư diễn ra thường xuyên, mua bán liên tục một mã trong thời gian dài. "Việc nhà đầu tư phát sinh nhiều giao dịch mua bán với cùng một mã cổ phiếu nên không thể xác định họ mua của ai, thời điểm nào".

"Do đó không thể đánh giá chính xác nhà đầu tư bị lỗ vì bán cổ phiếu đã mua của nhóm thao túng", Bộ Tài chính nêu và cho rằng ông Quyết thao túng thị trường chứng khoán, có nhà đầu tư giao dịch có lãi nhưng cũng có người bị thua lỗ. Nguyên nhân thua lỗ của nhà đầu xuất phát từ các nguyên nhân khác nhau nên không thể khẳng định "thua lỗ do bị ông Quyết thao túng".

Từ vụ án này, C01 nhận thấy nhiều lỗ hổng trong thị trường chứng khoán như mở tài khoản dễ dàng và không kiểm soát nên nhóm tội phạm lợi dụng để tạo cung cầu giả, đẩy giá lên cao. Đặc biệt, hiện nay chưa có quy định để xác định thiệt hại cho nhà đầu tư tham gia mua bán các mã chứng khoán trong giai đoạn bị thao túng để có căn cứ xác định thiệt hại. Cho rằng chưa có quy định để xác định thiệt hại cho nhà đầu tư tham gia mua bán các mã chứng khoán trong giai đoạn bị thao túng để có căn cứ xác định thiệt hại, C01 đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Tư pháp, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao sớm ban hành hướng dẫn cơ sở pháp lý trong việc xác định thiệt hại cho nhà đầu tư.

Thứ sáu, giám sát các cổ phiếu tăng mạnh và  tăng cường giám sát để kiểm tra dòng tiền đầu tư tăng vốn:

Với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, C01 đề nghị tập trung giám sát các giao dịch của mã cổ phiếu có biến động mạnh về giá, các mã được lôi kéo, hô hào trong các hội nhóm. Ủy ban Chứng khoán tăng cường thanh tra các doanh nghiệp đăng ký công ty đại chúng, làm thủ tục niêm yết trên sàn chứng khoán; thu thập thông tin các công ty có dấu hiệu như FLC để chuyển hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) xử lý.

C01 nhận thấy nhiều doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của pháp luật để dùng các thủ thuật nghiệp vụ kế toán chỉnh sửa, tăng vốn mà cổ đông không phải góp thêm tiền thật. Để ngăn chặn tình trạng tăng vốn ảo, C01 đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho Chính phủ hoàn thiện chính sách pháp luật, tăng cường giám sát để kiểm tra dòng tiền đầu tư tăng vốn.

Minh Anh

Link nội dung: https://phaply.net.vn/dieu-tra-cac-vu-an-lien-quan-chung-khoan-bo-cong-an-kien-nghi-bo-sung-nhieu-qui-dinh-phap-luat-hinh-su-dau-tu-chung-khoan-a257529.html