Nghị định 75/2023/NĐ-CP, Chính phủ bổ sung thêm 1 nhóm được hưởng BHYT do ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng
Thêm nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng
Tại điểm c khoản 2 điều 1 Nghị định 75/2023/NĐ-CP, Chính phủ bổ sung thêm 1 nhóm được hưởng BHYT do ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng.
Đó là "người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020 mà các xã này không còn trong danh sách các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ".
Mức hưởng chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT đối với nhóm này là 95%.
Thêm phương thức đăng ký khám chữa bệnh BHYT
Tại khoản 6 điều 1 Nghị định 75/2023/NĐ-CP, Chính phủ bổ sung thêm một loại giấy tờ được sử dụng khi làm thủ tục khám bệnh, chữa bệnh BHYT.
Đó là "giấy tờ được định danh điện tử mức độ 2 theo quy định tại Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 5/9/2022 của Chính phủ".
Hiện nay người dân có thể dùng ảnh thẻ BHYT trong VssID hoặc VNeID mức độ 2 đi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế
Thêm quyền và trách nhiệm cho cơ sở y tế
Tại điểm a khoản 7 điều 1 Nghị định 75/2023/NĐ-CP, Chính phủ bổ sung thêm nhiều quyền và trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong thực hiện hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT.
lose
Thứ nhất, cơ sở y tế được cung cấp thông tin kịp thời khi hệ thống thông tin giám định BHYT phát hiện có gia tăng chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT cao so với mức chi phí bình quân của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cùng hạng, cùng tuyến, cùng chuyên khoa để kịp thời rà soát, kiểm tra xác minh, thực hiện giải pháp điều chỉnh phù hợp.
Thứ 2, cơ sở y tế phải thiết lập hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện để thực hiện đúng quy định của pháp luật về chuẩn dữ liệu đầu vào, chuẩn dữ liệu đầu ra, trích chuyển dữ liệu điện tử, chuyển đổi số và giao dịch điện tử trong lĩnh vực y tế.
Thứ 3, cơ sở y tế phải rà soát, ban hành kịp thời các quy trình, hướng dẫn chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh BHYT, các biện pháp phòng chống lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT theo thẩm quyền.
Tổ chức kiểm tra, rà soát việc thực hiện thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo đúng quy định của pháp luật; chủ động phát hiện, rà soát, kiểm tra xác minh các chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT tăng cao tại cơ sở theo kiến nghị, cảnh báo của cơ quan bảo hiểm xã hội và điều chỉnh phù hợp.
Điều chỉnh nguyên tắc thanh toán
Tại khoản 8 điều 1 Nghị định 75/2023/NĐ-CP, Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về nguyên tắc thanh toán theo giá dịch vụ khi khám bệnh, chữa bệnh BHYT.
Thứ nhất, chi phí dịch vụ khám bệnh, chi phí dịch vụ ngày giường bệnh và chi phí dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm đã được sử dụng cho người bệnh trong phạm vi được hưởng và mức hưởng của người tham gia BHYT được thanh toán theo số lượng thực tế sử dụng cho người bệnh và mức giá theo quy định hiện hành.
Thứ 2, chi phí thuốc, hóa chất, vật tư y tế chưa được tính trong giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT hoặc sử dụng trong các dịch vụ kỹ thuật chưa được ban hành giá khám bệnh, chữa bệnh BHYT đã được sử dụng cho người bệnh trong phạm vi được hưởng và mức hưởng của người tham gia BHYT được thanh toán theo số lượng thực tế sử dụng và giá mua theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Luật hiện hành quy định tiền đóng BHYT bằng 4,5% mức lương cơ sở. Với hộ gia đình, người thứ nhất đóng như mức trên, tức 81.000 đồng. Từ người thứ hai đến người thứ năm đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50%, 40% mức phí của người thứ nhất. Tiền đóng BHYT theo năm với các thành viên hộ gia đình lần lượt hiện là 972.000 đồng; 680.400 đồng; 583.200 đồng; 486.000 đồng và 388.800 đồng.
Cả nước hiện có khoảng 91 triệu người tham gia BHYT, bao phủ 92% dân số. Việt Nam đặt mục tiêu năm 2025 bao phủ BHYT trên 95% dân số.
Thành Chung
Link nội dung: https://phaply.net.vn/mo-rong-dien-mien-phi-the-bao-hiem-y-te-a257528.html