Doanh nghiệp còn nhiều vướng mắc
Qua 2 năm thực hiện đã thấy rất rõ tác động tích cực, đa chiều của chính sách giảm thuế VAT 2% đối với DN, người dân và nền kinh tế. Theo thống kê của Bộ Tài chính, qua 3 tháng thực hiện (tháng 7, 8, 9/2023) chính sách giảm thuế VAT theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 đã hỗ trợ cho DN và người dân tổng cộng khoảng 11.700 tỷ đồng.
Làm thủ tục hoàn thuế tại bộ phận “một cửa” Cục Thuế TP Hà Nội.
Ảnh: Đỗ Tâm
Việc giảm thuế đã góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo thêm công ăn việc làm, góp phần kích cầu tiêu dùng... Đây là cơ sở để Bộ Tài chính xây dựng phương án tiếp tục giảm thuế VAT 2% cho một số nhóm hàng hóa, dịch vụ trong 6 tháng đầu năm 2024.
Theo đề xuất của Bộ Tài chính, việc giảm thuế VAT sẽ tiếp tục được thực hiện từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 30/6/2024. Đối tượng giảm thuế sẽ trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ như: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản xuất kim loại, than cốc, dầu mỏ tinh chế...
Dự thảo này của Bộ Tài chính nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng DN. Trên các diễn đàn về kế toán, thuế bàn tán sôi nổi về thời gian áp dụng cũng như đối tượng được thụ hưởng chính sách. Nhưng nhìn chung, tất cả đều cho biết khó khăn, vướng mắc về việc phân loại xác định sản phẩm. Chị Dương Thị Hương, kế toán một công ty về xây dựng trên địa bàn quận Hà Đông bộc bạch:
“Mặc dù đã 2 năm triển khai chương trình giảm 2% thuế VAT nhưng tôi vẫn rất lúng túng. Bởi danh mục sản phẩm đầu vào của công ty xây dựng gồm rất nhiều nguyên vật liệu như cát, sỏi, sắt, thép, nhôm kính, gỗ… Trong đó, có sản phẩm được giảm 2% thuế VAT, có sản phẩm giữ nguyên 10%. Tuy nhiên, công trình nghiệm thu lại chịu mức thuế 10%. Nên, việc bóc tách từng hạng mục để bàn giao cho chủ đầu tư rất phức tạp và khó khăn”.
Đại diện cho cộng đồng DN, mới đây, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng vừa có kiến nghị Bộ Tài chính cân nhắc phương án giảm thuế VAT cho tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ từ mức 10% xuống mức 8%, thay vì chỉ giảm một số mặt hàng như trước đây.
Lý do được VCCI đưa ra bởi trong thực tế DN gặp nhiều vướng mắc khi phân loại hàng hóa nào phải chịu thuế 10%, hàng hóa nào được giảm thuế xuống 8%. Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2022/NĐ-CP và Nghị định 44/2023/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện.
Thực tế, việc phân loại hàng hóa, dịch vụ vào các mức thuế suất khác nhau vẫn còn lúng túng. Nhiều trường hợp, DN tra cứu Phụ lục của Nghị định 15 và Nghị định 44 nhưng không chắc, hàng hóa, dịch vụ của mình thuộc diện thuế suất 10% hay 8%.
"Khi DN gặp vướng mắc, cơ quan thuế và hải quan đều không dám khẳng định cho DN vì sợ sai. Nhiều DN phải thuê thêm người làm kế toán để điều chỉnh hóa đơn và sổ sách cho đúng với mức thuế mới. Có DN đàm phán mua bán hàng hóa, thỏa thuận xong với khách hàng về số lượng, chất lượng, giá cả nhưng không thống nhất về mức thuế 8% hay 10% nên không ký được hợp đồng – VCCI dẫn chứng.
Để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng có thêm nguồn lực hỗ trợ DN và đầu tư công nghệ chuyển đổi số, bảo đảm an ninh an toàn trong hoạt động, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng đề nghị bổ sung ngân hàng vào nhóm hàng hóa, dịch vụ được giảm 2% thuế VAT. Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, hoạt động của các tổ chức tín dụng hiện nay cũng hết sức khó khăn, nợ xấu, nợ rủi ro tiềm ẩn có xu hướng tăng cao, kết quả hoạt động năm 2023 và năm 2024 của các tổ chức tín dụng dự báo sẽ sụt giảm mạnh so với các năm trước.
Cân đối với cán cân thu - chi ngân sách
Xung quanh đề xuất của một số DN, hiệp hội, ngành hàng được mở rộng đối tượng giảm thuế VAT, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (giảng viên cao cấp Học viện Tài chính) nêu quan điểm, trong bối cảnh khó khăn như hiện tại càng áp dụng giảm thuế VAT ở nhiều ngành nghề, hàng hóa, dịch vụ thì càng tốt. Tuy nhiên, phải cân đối đến nguồn thu ngân sách Nhà nước. Việc mở rộng áp dụng giảm thuế VAT cho tất cả các ngành hàng, dịch vụ mà không nghiên cứu, suy xét kỹ lưỡng sẽ dẫn đến tác hại cho nền kinh tế.
Trong khi đó, một số ngành đặc thù như ngân hàng, chứng khoán… là những ngành khi được giảm thuế VAT sẽ không tác động nhiều đến nền kinh tế, thì không nên đưa vào nhóm được thụ hưởng chính sách. Còn đối với các ngành nghề về dịch vụ, khai thác tài nguyên khoáng sản… có thể có những tác động không tốt đến môi trường hoặc đến hoạt động kinh tế thì càng không nên miễn giảm.
Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia thuế Nguyễn Văn Được - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và tư vấn thuế Trọng Tín cho rằng, Bộ Tài chính đã tính toán, cân nhắc thận trọng, vừa bảo đảm mục tiêu hỗ trợ người dân, DN, vừa bảo đảm các nhiệm vụ tài chính, ngân sách đề ra.
Theo ước tính, việc thực hiện chính sách giảm thuế VAT 2% trong 6 tháng đầu năm 2024 dự kiến sẽ giảm thu ngân sách Nhà nước khoảng 25.000 tỷ đồng. Do đó, khi áp dụng giảm thuế đại trà phải có sự so sánh giữa lợi ích mang lại và tác động tới thu - chi ngân sách Nhà nước. Cần tính xem ngân sách Nhà nước sẽ thâm hụt bao nhiêu, liệu ngân sách có chống chọi được trong giai đoạn tiếp theo không.
Cùng với đó, phải đối chiếu ngược lại xem các ngành hàng còn lại có thực sự khó khăn đến mức cần được giảm thuế không. Vì mục tiêu của chính sách này là hỗ trợ cho đối tượng khó khăn vực dậy, việc giảm thuế là để bảo đảm sự công bằng, chứ không phải sự cào bằng. Vì thế, không chỉ vì vướng mắc thủ tục hành chính mà vi phạm quy tắc công bằng, làm giảm thu ngân sách Nhà nước.
Trên thực tế, đề xuất của Bộ Tài chính đã dựa trên sự đo lường, cân đối kỹ lưỡng từ trước. Nếu muốn bổ sung thêm các nhóm ngành khác vào đối tượng giảm thuế, cần phải nghiên cứu đánh giá tác động, xin ý kiến của nhiều bên mới thực hiện được. Do vậy, nếu phải làm gấp sẽ không kịp dự thảo trình Quốc hội, khi đó sẽ ảnh hưởng đến bài toán chung. Trong bối cảnh hiện nay để nhanh gọn nhất vẫn nên giảm theo phương án của Bộ Tài chính là phù hợp, an toàn nhất.
Để tháo gỡ vướng mắc cho DN khi triển khai, chuyên gia thuế Nguyễn Văn Được khuyến nghị, khi đưa ra Nghị định phải rõ ràng minh bạch, cụ thể, hướng dẫn chi tiết hơn. Hiện nay phương pháp tiếp cận trên mã hàng hóa dịch vụ đang khá phù hợp.
Trong thời gian tới, Chính phủ nên giao cho Bộ Tài chính hướng dẫn bằng thông tư hoặc trả lời trực tiếp hỗ trợ cho DN. Nên giao cho cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn cụ thể, cơ quan đó có trách nhiệm trả lời DN đúng thủ tục hành chính, đúng pháp luật, không nên quá an toàn, hoặc đùn đẩy cho DN. Nên trưng cầu ý kiến các chuyên gia, trên cơ sở tổng hợp ý kiến vướng mắc của DN, để ban hành một thông báo chung cho các địa phương cùng thực hiện.
Nếu không giảm hết các mặt hàng thì có nhiều khó khăn khi xác định hàng hóa dịch vụ. Tuy nhiên đó chỉ là thủ tục hành chính nên chúng ta vẫn có thể khắc phục được mà không ảnh hưởng tới thu ngân sách. Do đó theo tôi, trong bối cảnh hiện nay để nhanh gọn nhất vẫn nên giảm theo phương án của Bộ Tài chính là phù hợp, an toàn nhất.
Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và tư vấn thuế Trọng Tín Nguyễn Văn Được
Link nội dung: https://phaply.net.vn/mo-rong-doi-tuong-giam-2-thue-vat-phai-vi-loi-ich-chung-a257521.html