Một số đề xuất xây dựng hành lang pháp lý cho hoạt động Fintech

(Pháp lý). Từ nghiên cứu thực tế, bài viết của tác giả LS. Nguyễn Nhật Dương sau đây đề cập đến một số vấn đề pháp lý hiện nay trong hoạt động Fintech đối với một số dịch vụ nhất định, đồng thời, nêu ra một số gợi ý nhằm hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh hoạt động Fintech tại Việt Nam.

1-1696496679.jpg

Ảnh minh họa

Fintech (Financial Technology) – công nghệ tài chính, là sự kết hợp, ứng dụng các công nghệ kỹ thuật hiện đại vào việc cung cấp và sử dụng các dịch vụ tài chính. Tính đến năm 2022, số lượng startup trong lĩnh vực Fintech tại Việt Nam đã tăng gần 13% so với năm 2021, từ 156 lên 176 công ty, và ước tính sẽ ngày càng tăng trong các năm sắp tới[1]. Sự phát triển mạnh mẽ của các công ty Fintech cũng đặt ra một thách thức lớn với Việt Nam trong việc quản lý và kiểm soát hoạt động Fintech, bởi hiện nay Việt Nam chỉ đang ở giai đoạn đang xây dựng Nghị định cho việc thử nghiệm kiểm soát hoạt động Fintech mà chưa có một văn bản pháp lý nào hoàn thiện để điều chỉnh hoạt động này.

Tồn tại của hoạt động Fintech tại Việt Nam và những “điểm mờ” về pháp lý

Như đã đề cập, Việt Nam hiện nay vẫn chưa có một văn bản pháp lý nào hoàn thiện để điều chỉnh hoạt động Fintech, do đó, về cơ bản, có thể nói hoạt động này mặc dù đang rất phát triển nhưng vẫn chưa thực sự chịu sự điều chỉnh cụ thể, chi tiết bởi một quy định pháp luật nào.

Đơn cử như hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending), nhà đầu tư có thể thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp và đăng ký các mã ngành 6619 Hoạt động hỗ trợ dịch vụ tài chính chưa được phân vào đâu, 6312 – Cổng thông tin, 7020 – Hoạt động tư vấn quản lý; hoặc đăng ký các mã ngành 6201 – Lập trình máy tính, 6202 – tư vấn máy tính và quản trị hệ thống máy tính, 6209 –Hoạt động dịch vụ công nghệ thông tin và dịch vụ khác liên quan đến máy vi tính,… nếu doanh nghiệp phát triển công nghệ blockchain. Mặc dù hoạt động của các doanh nghiệp này sau khi được thành lập phần nào đó liên quan đến các khía cạnh về tài chính, ngân hàng, nhưng hoạt động của các doanh nghiệp này lại không thể bị điều chỉnh bởi Luật Các Tổ chức tín dụng. Một khi không bị điều chỉnh chi tiết bởi pháp luật chuyên ngành, hoạt động Fintech rất dễ nảy sinh các vấn đề pháp lý phức tạp, thậm chí dẫn đến nhiều hệ lụy pháp lý nghiêm trọng.

Đơn cử như trường hợp của Emas Fintech, giải pháp tài chính này xuất hiện một cách đầy hứa hẹn trong giai đoạn căng thẳng của đại dịch Covid-19, với hy vọng trở thành giải pháp tài chính tối ưu cho người dùng. Bằng việc sử dụng thuật toán ma trận thông minh để ghép nối các cặp tiền ảo, dự án này cam kết mang lại lợi nhuận 30%/tháng, tương đương 360%/năm nên đã thu hút sự tham gia của rất nhiều nhà đầu tư. Đồng thời, mô hình này còn cung cấp chế độ hoa hồng cao, môi giới sẽ được hưởng 15% tổng lợi nhuận giao dịch nhóm, càng mời được nhiều người tham gia càng nhận được hoa hồng lớn hơn. Hệ thống này sau đó đã bị “sập” khiến tiền gốc và tiền lãi đều không thể rút ra được, những người vào sau cùng hầu như mất trắng.

Có thể thấy, đây là một biến tướng của hình thức kinh doanh đa cấp theo mô hình kim tự tháp, tiền đầu tư của những người tham gia sau sẽ là nguồn lãi cho những người tham gia trước đó.

 Cần lưu ý rằng, hiện nay Việt Nam vẫn chưa công nhận và chưa có các quy định pháp lý cụ thể để điều chỉnh các hoạt động phát hành, mua bán, và trao đổi tiền ảo, tài sản ảo. Vậy nên, việc đầu tư vào các hệ thống không được Nhà nước bảo đảm sẽ có rất nhiều rủi ro, không những có nguy cơ bị lừa đảo, mà còn khó có thể khó lấy lại được vốn vì cơ chế bảo vệ của pháp luật chưa đầy đủ.

Hoặc trường hợp khác, liên quan đến hoạt động cho vay ngang hàng. Đây là giải pháp Fintech nở rộ trong giai đoạn khó khăn của đại dịch, xuất phát từ nhu cầu tài chính tiêu dùng của người dân. Tuy nhiên, cũng chính vì nắm bắt được tính cấp thiết về nhu cầu tài chính tiêu dùng của người vay, người cho vay hoặc thậm chí chính các công ty Fintech lại cung cấp các gói vay tiêu dùng với lãi suất cao, nhiều trường hợp còn thuộc diện cho vay nặng lãi, là hành vi bị cấm theo quy định pháp luật. Không những thế, việc cho vay thông qua nền tảng ứng dụng công nghệ số để kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay còn khiến người cho vay không thể đòi được nợ từ người vay, bởi lúc này, người cho vay thiếu các biện pháp bảo đảm cho khoản vay, đồng thời cũng không có các chế tài đủ sức nặng theo quy định của pháp luật để thu hồi khoản nợ vay. Chính vì lẽ đó, hoạt động cho vay ngang hàng là hoạt động tiềm ẩn cực kỳ nhiều rủi ro cho cả người vay và người cho vay, có thể ẩn chứa các hành vi vi phạm pháp luật.

Sự cần thiết phải có hành lang pháp lý để điều chỉnh hoạt động Fintech

Những điểm mờ pháp lý kể trên chỉ là một số vấn đề tiêu biểu phát sinh do thiếu hành lang pháp lý điều chỉnh hoạt động Fintech. Với sự phát triển chóng mặt như hiện nay, việc quản lý, kiểm soát đối với hoạt động này là điều thật sự cần thiết, và cũng là bài toán đặt ra đối với các cơ quan có thẩm quyền.

Nhằm thực thi Nghị quyết số 100/NQ-CP ngày 06/9/2021 của Chính phủ về việc thông qua đề nghị xây dựng nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng, đảm bảo thực hiện chủ trương của Nhà nước trong việc hướng đến phát triển Chính phủ số một cách toàn diện[2], Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hiện là cơ quan được giao chủ trì xây dựng Dự thảo Nghị định của Chính phủ về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động fintech trong lĩnh vực ngân hàng (“Dự thảo Nghị định”).

Theo đó, Dự thảo Nghị định dự kiến sẽ thử nghiệm việc điều chỉnh và kiểm soát hoạt động Fintech giới hạn trong lĩnh vực ngân hàng. Trong đó, Điều 7 của Dự thảo Nghị định đã đưa ra 06 giải pháp Fintech được thử nghiệm mà theo Ngân hàng Nhà nước đó là những giải pháp Fintech cơ bản đã được nhiều tổ chức triển khai trên thị trường, bao gồm: (1) Cấp tín dụng trên nền tảng công nghệ; (2) Chấm điểm tín dụng, (3) Chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng (API), (4) P2P Lending, (5) Ứng dụng công nghệ chuỗi khối, sổ cái phân tán (Blockchain Technology, DLT) trong hoạt động ngân hàng và (6) Ứng dụng các công nghệ khác trong hoạt động nghiệp vụ ngân hàng, triển khai mô hình hợp tác kinh doanh đổi mới sáng tạo phù hợp với mục tiêu của cơ chế thử nghiệm.

Bên cạnh đó, Dự thảo cũng đặt ra giới hạn về thời gian thử nghiệm, số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ, cũng như điều kiện của các tổ chức tín dụng và các công ty Fintech để tham gia thử nghiệm[3].

Theo thông tin gần nhất từ đại diện của Ngân hàng Nhà nước, Dự thảo Nghị định dự kiến sẽ được hoàn thiện, trình Chính phủ và ban hành trong năm 2023[4]. Như vậy, về cơ bản, trong thời gian ngắn sắp tới, hoạt động Fintech có thể sẽ được điều chỉnh một phần bởi Nghị định về cơ chế thử nghiệm.

Một số gợi ý nhằm hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh hoạt động Fintech

Thứ nhất, mặc dù Nghị định về cơ chế thử nghiệm sắp được ban hành trong thời gian tới, tuy nhiên cần lưu ý rằng, theo Dự thảo Nghị định này, chỉ các công ty Fintech hoặc các tổ chức tín dụng có nhu cầu tham gia vào cơ chế thử nghiệm thì mới thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định.

Đối với những tổ chức tín dụng, công ty Fintech không có nhu cầu tham gia cơ chế thử nghiệm hoặc không được tham gia cơ chế thử nghiệm do không đáp ứng đầy đủ các tiêu chí tham gia cơ chế thử nghiệm theo quy định tại Nghị định, các tổ chức này vẫn hoạt động và tuân thủ theo các quy định của pháp luật hiện hành. Hay nói cách khác, nếu công ty Fintech không tham gia vào cơ chế thử nghiệm, hoạt động của các công ty này gần như không có gì thay đổi, ít nhất cho đến trước khi Việt Nam có quy định điều chỉnh toàn diện đối với toàn bộ hoạt động này.

Cũng chính vì tập trung vào các quy định điều chỉnh hoạt động của công ty Fintech khi tham gia cơ chế thử nghiệm, Dự thảo Nghị định chưa hướng đến mục đích xây dựng các điều kiện để một doanh nghiệp có thể tham gia kinh doanh trong lĩnh vực Fintech. Bản chất hoạt động của công ty Fintech là cung cấp dịch vụ công nghệ, ứng dụng trong lĩnh vực tài chính. Vậy nên, việc xây dựng quy định về điều kiện để các công ty tham gia thị trường Fintech, đặt ra các yêu cầu tối thiểu về công nghệ, chuẩn mực hoạt động, cơ cấu quản lý, ngành nghề kinh doanh phù hợp để có thể bảo đảm các dịch vụ, giải pháp được cung cấp cho khách hàng bởi các chủ thể đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định pháp luật là điều vô cùng cần thiết.

Thứ hai, một vấn đề cần được lưu tâm là quy định liên quan đến bảo mật, an toàn dữ liệu và thông tin cá nhân. Như đã nêu trên, hiện nay Dự thảo Nghị định chỉ đang quy định khung tiêu chuẩn trình Chính phủ về điều kiện tham gia thử nghiệm, nghĩa vụ của các tổ chức tham gia phải bảo mật thông tin khách hàng, chủ yếu quy định dưới hình thức giao cho các tổ chức tham gia cơ chế thử nghiệm nghĩa vụ phải thực hiện các hoạt động bảo mật thông tin. Việc ban hành Nghị định 13/2023/NĐ-CP ngày 17/4/2023 về bảo vệ dữ liệu cá nhân, có hiệu lực vào ngày 01/7/2023 đã thể hiện sự quan tâm của Nhà nước về vấn đề bảo mật thông tin, dữ liệu của cá nhân. Đặc biệt, trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, dữ liệu cá nhân khách hàng càng quan trọng và không thể thiếu, được xem như một nguồn tài nguyên quan trọng giúp tạo ra giá trị cho chính các tổ chức sở hữu thông tin.

Tuy nhiên, theo chúng tôi, để tránh tình trạng lợi dụng lấy cắp thông tin cá nhân trục lợi, cũng như để tạo sự tin tưởng, đảm bảo cho các bên tham gia sử dụng dịch vụ, cần thiết phải có quy định rõ ràng và cụ thể, mang tính răn đe về nghĩa vụ bảo mật thông tin của khách hàng đối với các công ty Fintech để bảo đảm việc cung cấp dịch vụ được diễn ra an toàn và hiệu quả.

Tóm lại, việc hoàn thiện khung pháp lý để điều chỉnh các hoạt động Fintech tại Việt Nam là rất quan trọng và cần thiết. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, Dự thảo Nghị định từ lúc bắt đầu xây dựng đến nay đã trải qua một khoảng thời gian tương đối dài, trong khi đó, cơ chế thử nghiệm sẽ có thời hạn khoảng 02 năm. Như vậy, để có được đánh giá toàn diện về kết quả thực hiện cơ chế thử nghiệm, từ đó hoàn thiện bộ khung pháp lý điều chỉnh hoạt động Fintech sẽ không phải là chuyện một sớm một chiều.

Do đó, trong thời gian áp dụng cơ chế thử nghiệm, các cơ quan quản lý Nhà nước hoàn toàn có thể nghiên cứu kỹ lưỡng và toàn diện hơn trên nhiều khía cạnh của hoạt động Fintech, kết hợp kết quả của quá trình thử nghiệm và thực tiễn hoạt động từ các công ty không tham gia cơ chế thử nghiệm để hoàn thiện đầy đủ khung pháp lý điều chỉnh các hoạt động Fintech tại Việt Nam.


[1] Báo cáo thị trường Fintech Việt Nam 2022 (2022), <https://hyperlead.vn/blog/news/bao-cao-thi-truong-fintech-viet-nam-2022/>, truy cập ngày 01/8/2023.

[2] Quyết định 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

[3] Khoản 3 Điều 3 Dự thảo Nghị định.

Luật sư Nguyễn Nhật Dương (Công Ty Luật TNHH HM&P)

Link nội dung: https://phaply.net.vn/mot-so-de-xuat-xay-dung-hanh-lang-phap-ly-cho-hoat-dong-fintech-a257443.html