Chủ tịch QH Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp thứ 26 của UBTVQH
Tán thành đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội
Nội dung được dư luận xã hội quan tâm nhất trong sửa đổi luật BHXH lần này là đề xuất giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm. Với đề xuất giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu, Bộ Lao động–Thương binh và Xã hội, (LĐTB&XH) cho rằng, quy định mới sẽ tạo cơ hội cho những người tham gia muộn hoặc quá trình tham gia không liên tục được hưởng lương hưu.
Tuy nhiên cũng không ít ý kiến băn khoăn cho rằng, do cách tính mức lương hưu dựa trên thời gian đóng góp và mức thu nhập làm căn cứ đóng BHXH nên việc giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH sẽ làm xuất hiện thêm nhiều trường hợp người nghỉ hưu ở mức lương thấp. Đặc biệt, với những người tham gia BHXH tự nguyện với mức thu nhập thấp thì mức hưởng lương hưu khi đủ tuổi hưu sẽ càng thấp, không đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu. Điều này sẽ không khuyến khích được người dân tham gia BHXH tự nguyện, ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu bao phủ BHXH.
Hiện nay, theo Luật BHXH năm 2014, nếu đóng BHXH tối thiểu 20 năm để hưởng lương hưu, lao động nữ sẽ được hưởng tỷ lệ 55%, lao động nam được hưởng 45%. Còn với đề xuất tại dự thảo mới, khi chỉ đóng tối thiểu 15 năm BHXH, lao động nữ được hưởng 45%, lao động nam được hưởng 15 x 2,25% = 33,75%.
Tại phiên họp thứ 26 của UBTVQH mới đây, thay mặt cơ quan thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo một số ý kiến của Thường trực Ủy ban Xã hội về việc tiếp thu, giải trình dự án Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) (sửa đổi).
Về nội dung được dư luận quan tâm đó là số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu, Chủ nhiệm Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết Thường trực Ủy ban Xã hội tán thành với việc giảm thời gian tối thiểu để được hưởng lương hưu xuống còn 15 năm và thấy rằng việc bảo đảm số năm tối thiểu tham gia BHXH mới chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ để được hưởng chế độ hưu trí tối thiểu đầy đủ mà còn phải bảo đảm cả điều kiện về tuổi nghỉ hưu. Quy định giảm số năm đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí sẽ hấp dẫn người lao động hơn, tỉ lệ bao phủ đối tượng thụ hưởng BHXH sẽ tăng trong trung và dài hạn. Từ đó tạo điều kiện cho người lao động nhiều tuổi có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH, cải thiện tính công bằng.
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội, việc điều chỉnh giảm thời gian tham gia BHXH để được hưởng chế độ hưu trí với mức tối thiểu là cần thiết. Từ đó khuyến khích người lao động có quá trình tham gia BHXH không liên tục bảo lưu thời gian, chờ nhận lương hưu khi đến tuổi quy định, tạo cơ hội giữ người lao động ở lại trong hệ thống BHXH.
Như vậy, trong trường hợp khi hưởng mức lương hưu tương ứng với thời gian đóng BHXH tối thiểu sẽ khiêm tốn hơn những người có thời gian đóng dài và đầy đủ. Tuy nhiên, với mức lương hưu hàng tháng ổn định, định kỳ được Nhà nước điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng và trong thời gian hưởng lương hưu còn được Quỹ BHXH đóng bảo hiểm y tế, khi mất có chế độ tiền tuất thì sẽ góp phần bảo đảm tốt hơn cuộc sống khi về già của người lao động và nhiều người cao tuổi được hưởng lợi từ chính sách.
Việc rút BHXH 1 lần là vấn đề lớn nhất: Cân nhắc thật kỹ lưỡng việc sửa đổi
Về chính sách rút BHXH một lần, Ban soạn thảo đang đề xuất 02 phương án. Phương án 1 giữ nguyên quy định hiện hành. Cụ thể, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm, NLĐ sẽ được rút BHXH một lần.
Phương án 2 được đưa ra là, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà NLĐ có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để NLĐ hưởng chế độ BHXH khi đủ tuổi nghỉ hưu.
Theo ý kiến đánh giá của các chuyên gia thì cả hai phương án trên đều có những điểm hạn chế. Đặc biệt phương án 1 không có sửa đổi về chính sách nên phương án này không thể hạn chế được tình trạng rút BHXH một lần như hiện nay, ảnh hưởng đến việc đảm bảo an sinh xã hội cho NLĐ khi đến tuổi nghỉ hưu.
Trong khi đó với phương án 2, việc cho phép NLĐ được rút tối đa 50% thời gian đóng BHXH thì số tiền BHXH bảo lưu còn lại sẽ là rất thấp, đặc biệt là với những người có mức thu nhập đóng BHXH thấp, hệ quả là mức lương hưu khi về già không đáng kể, không có nhiều ý nghĩa về mặt an sinh xã hội. Phương án hai cũng được cho là rào cản ngăn NLĐ rút BHXH một lần. Ví dụ lao động đóng 10 năm BHXH mà rút một lần thì còn 5 năm bảo lưu trong quỹ. Nếu sau này họ đi làm và quay trở lại hệ thống thì phải tích lũy thêm 15 năm đóng BHXH để hưởng lương hưu. Mục tiêu của phương án chỉ đạt được là giảm tối đa tình trạng rút một lần, đảm bảo an sinh cho NLĐ khi về già.
Đây là phương án đang nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều của NLĐ. Vấn đề cốt lõi của việc nhiều NLĐ lựa chọn phải rút BHXH một lần không nằm ở việc tăng giảm thời gian đóng BHXH, mà vấn đề nằm ở việc tuổi nghỉ hưu quá cao dẫn đến chính sách BHXH không phù hợp với nhiều lao động.
Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến NLĐ rút BHXH một lần, trong đó có nguyên nhân thời gian đóng BHXH quá dài. Vì vậy để giải quyết căn cơ tình trạng này, quan trọng nhất là tạo được niềm tin và sự đồng thuận của NLĐ. Muốn vậy cần tăng quyền lợi BHXH cho người tham gia, đặc biệt mức lương hưu phải đảm bảo mức sống tối thiểu của NLĐ khi về già.
Đáng chú ý, Dự thảo mới nhất đã rút đề xuất miễn phí thẻ BHYT nếu không nhận bảo hiểm một lần.
Trong tờ trình hồi tháng 7, Ban soạn thảo đề xuất người lao động sau một năm nghỉ việc mà chọn bảo lưu thời gian đóng, không rút một lần thì được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, chi trả từ Quỹ Bảo hiểm xã hội. Thời gian hưởng tối đa bằng thời gian đóng BHXH. Đây là chính sách bổ sung nhằm khuyến khích lao động không rút BHXH một lần.
Sau quá trình lấy ý kiến, Ban soạn thảo rút đề xuất này trong dự thảo mới nhất. Thay vào đó, Chính phủ nghiên cứu hoặc đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội các giải pháp hỗ trợ lao động trong thời gian bị mất việc trong quá trình sửa Luật Việc làm, nhất là chế độ hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Người lao động làm việc trong 1 cơ sở sản xuất kinh doanh
Về vấn đề rút BHXH một lần, mới đây Thường trực Ủy ban Xã hội tại phiên họp thứ 26 của UBTVQH cho rằng, đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, có ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động và vấn đề an sinh xã hội lâu dài, tác động nhất định đến tâm lý xã hội, người lao động. Do đó, cần tiếp tục đánh giá tác động, cân nhắc kỹ lưỡng, bao quát đối với nội dung sửa đổi, bổ sung quy định về hưởng bảo hiểm xã hội một lần, tham vấn công chúng rộng rãi hơn về các phương án dự kiến sửa đổi, bổ sung. Bên cạnh đó, cần hết sức lưu ý quan tâm việc tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo hiểm xã hội, đặc biệt là quy định về bảo hiểm xã hội một lần để thống nhất nhận thức về mục tiêu của chính sách.
Đó là khi có việc làm thì người lao động và người sử dụng lao động có trách nhiệm hàng tháng trích một phần tiền lương, thu nhập (người lao động 8%, người sử dụng lao động 14%) để đóng vào quỹ bảo hiểm hưu trí, bảo đảm khi đến tuổi nghỉ hưu hoặc suy giảm khả năng lao động thì người lao động được hưởng lương hưu hàng tháng (rút từ tiền của người lao động, người sử dụng lao động đã đóng và tích lũy). Vì vậy, phải “chặt chẽ hơn trong quy định hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần” như Nghị quyết 28-NQ/TW đã xác định, hướng tới hạn chế tối đa việc người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần, thì mới có thể thực hiện được mục tiêu mở rộng độ bao phủ của chính sách bảo hiểm xã hội, bảo đảm an sinh xã hội lâu dài cho người dân sau độ tuổi lao động.
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhìn nhận việc rút BHXH một lần là vấn đề lớn nhất trong sửa đổi Luật BHXH lần này. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội, để hạn chế tình trạng này thì có nhiều cách. Trong đó, biện pháp lớn nhất là giảm thời gian đóng hưởng BHXH từ 20 năm xuống 15 năm và tới đây sẽ có lộ trình để giảm xuống còn 10 năm. Bởi, đây là yếu tố quan trọng nhất về kinh tế để giảm việc rút BHXH một lần. Còn quyền rút hay không vẫn là quyền của người lao động.
Về phương án đối với rút BHXH một lần, Chủ tịch Quốc hội cho hay, có nhiều phương án, song cho rằng có thể trình Quốc hội trên cơ sở Chính phủ đang tiếp thu. Còn cơ quan thẩm tra vẫn có quyền đưa ra các ý kiến, Chính phủ tiếp thu được đến đâu là quyền của Chính phủ chứ không nên rút lại là phương án nào.
Bỏ đề xuất tiền lương tính đóng BHXH theo thu nhập thực tế
Trước đó, hồi tháng 3, Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đưa ra hai phương án tiền lương để làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) đối với NLĐ.
Thực tế cho thấy phương án 1 (cách tính lương đóng BHXH hiện hành) chưa bảo đảm quyền lợi tốt cho NLĐ. Quy định cứng phụ cấp tính đóng BHXH chỉ có thể thực hiện với doanh nghiệp có thang bảng lương thể hiện các khoản cố định (đa số là doanh nghiệp nhà nước). Nhưng hiện nay mới tính đóng được trên ba loại phụ cấp bao gồm chức vụ, thâm niên nghề và thâm niên vượt khung (nếu có).
Ở một số doanh nghiệp vẫn xảy ra tình trạng tách thành nhiều khoản trợ cấp, bổ sung để "lách, né" đóng BHXH. Không ít doanh nghiệp tồn tại ba loại thu nhập của NLĐ là loại làm căn cứ đóng BHXH, loại để quyết toán và thu nhập thực tế. Điều này ảnh hưởng nhất định đến việc thụ hưởng các chế độ BHXH của NLĐ, đặc biệt là mức hưởng lương hưu khi về già.
Với phương án 2, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH sẽ bao gồm thêm cả các khoản phụ cấp lương, bổ sung khác gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của NLĐ. Các khoản này gồm xác định từ trước và biến động trong quá trình làm việc. Về ý nghĩa, phương án 2 sẽ bảo vệ tốt hơn cho quyền lợi của NLĐ.
Tuy nhiên, tính khả thi và khả năng tổ chức thực hiện phương án 2 sẽ rất khó thực hiện. Bởi tiền lương, phụ cấp lương của NLĐ có thể biết trước được theo hằng tháng nhưng những khoản thu nhập khác lại khó xác định trước. Trong khi đó, tiền BHXH sẽ thu theo tháng, nếu như không có được cơ sở dữ liệu đủ tốt về thu nhập của NLĐ sẽ rất khó cho việc đảm bảo thu chính xác. Từ đó, có thể gây khó cho cả người sử dụng lao động cũng như cơ quan BHXH. Một vấn đề quan trọng khác là nếu tính nộp BHXH theo phương án 2 thì Doanh nghiệp sẽ phát sinh thêm khoản chi phí không hề nhỏ.
Thực tế hiện nay, theo ước tính, chi phí lao động (bao gồm cả bảo BHXH, BHYT, BHTN và kinh phí công đoàn) chiếm khoảng 25% tổng chi phí sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Tỷ trọng chi phí đóng BHXH, BHYT, BHTN và kinh phí công đoàn có xu hướng tăng do gắn với mức lương tối thiếu. Như vậy, có thể thấy chi phí lao động trong các doanh nghiệp tăng trong tổng chi phí của doanh nghiệp. Như vậy, bất kỳ sự thay đổi nào trong căn cứ đóng BHXH luôn được doanh nghiệp quan tâm.
Với hai phương án được đề xuất quy định về tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc cho người lao động trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), cho thấy nếu phương án 2 được lựa chọn sẽ làm gia tăng chi phí lao động của doanh nghiệp và như vậy sẽ tạo thêm áp lực, góp phần gia tăng khó khăn cho doanh nghiệp. Điều này sẽ tiếp tục tác động trực tiếp đến giá thành sản phẩm và là một trong những yếu tố làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường.
Dự thảo luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi mới nhất bỏ đề xuất tiền lương tính đóng BHXH theo thu nhập thực tế
Sau khi tiếp thu góp ý của các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp, cơ quan soạn thảo dự thảo Luật BHXH sửa đổi đã bỏ đề xuất tiền lương tính đóng bảo hiểm xã hội gồm hầu hết các khoản thu nhập thực tế của người lao động. Thay vào đó, dự luật mới vẫn cơ bản giữ quy định hiện hành, nhưng bổ sung thêm quyền cho Chính phủ quy định chi tiết tiền lương tính đóng bảo hiểm xã hội.
Dự thảo Luật BHXH sửa đổi vừa được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) gửi Bộ Tư pháp thẩm định sau khi đã tiếp thu ý kiến góp ý của các cơ quan, người dân, doanh nghiệp.
Cụ thể, với người lao động nhận lương do người sử dụng quyết định, tiền lương tính đóng BHXH gồm: Mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác, được trả thường xuyên và ổn định trong mỗi kỳ trả lương. Dự thảo mới bổ sung, tiền lương tính đóng BHXH do Chính phủ quy định chi tiết các khoản tính vào lương, nhưng theo khung tiền lương tính đóng BHXH. Khung tiền lương tính đóng BHXH bắt buộc thấp nhất bằng 50% tiền lương tối thiểu vùng, cao nhất bằng 8 lần lương tối thiểu vùng.
Tại Tờ trình tiếp thu, giải trình ý kiến dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi giữa tháng 9, Chính phủ đề xuất nhiều biện pháp xử lý với hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc. Một trong những chế tài mạnh được đề xuất là chủ doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH trên 6 tháng sẽ bị ngừng sử dụng hóa đơn, trên 12 tháng bị hoãn xuất cảnh.
Dự thảo mới nhất quy định thời hạn đóng BHXH bắt buộc chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng kế tiếp nếu doanh nghiệp chọn đóng theo tháng, đồng thời tách riêng và làm rõ các hành vi chậm đóng, trốn đóng.
Dự thảo cũng qui định rõ ba hành vi trốn đóng BHXH gồm: Chủ sử dụng chưa nộp hoặc nộp hồ sơ đăng ký tham gia BHXH bắt buộc sau thời gian quy định; đăng ký và đóng thấp hơn tiền lương làm căn cứ đóng bắt buộc; chủ doanh nghiệp đã đăng ký đóng BHXH cho lao động, có khả năng nhưng không đóng.
Riêng trường hợp bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh, suy thoái kinh tế... khiến doanh nghiệp bị ảnh hưởng, Ban soạn thảo đề xuất tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất trong 12 tháng và không phải nộp tiền lãi khi đóng bù.
Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội, Thường trực Ủy ban thống nhất quy định về hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tại một điều luật để bảo đảm thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự.
Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị nghiên cứu, xem xét vấn đề đối với người có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, nhưng không thể đóng đúng thời hạn quy định do trở ngại khách quan, hoặc sự kiện bất khả kháng như thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, tai nạn bất ngờ…, thì cần cân nhắc không xác định trường hợp này là trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Khởi kiện DN nợ BHXH: Nghiên cứu tối ưu các phương án nhằm đảm bảo tính khả thi
Câu chuyện khởi kiện doanh nghiệp nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội dù đã được luật hóa, nhưng đến thời điểm này vẫn “giậm chân tại chỗ” do vướng mắc đủ đường. Nên giao cơ quan bảo hiểm xã hội khởi kiện là đề xuất nhận được nhiều ý kiến ủng hộ tại phiên họp toàn thể lần thứ 10 của Ủy ban Xã hội khi thẩm tra dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Hiện việc khởi kiện doanh nghiệp nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội chịu chi phối của Luật Tố tụng dân sự, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Tuy nhiên, do các quy định và cách hiểu chưa đồng nhất về quyền khởi kiện đối với hành vi này, nên đến nay số hồ sơ được thụ lý và khởi kiện là “không đáng kể”.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đã có những điều chỉnh gắn trách nhiệm của bảo hiểm xã hội trong khởi kiện hành vi người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội. Đối với nội dung này, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát các luật có liên quan đảm bảo sự đồng bộ của hệ thống pháp luật. Đồng thời tiếp tục đánh giá kỹ tác động các chính sách, nghiên cứu tối ưu các phương án đề xuất nhằm đảm bảo tính khả thi.
Minh Anh – Thành Nguyễn