Đề xuất bổ sung quy định người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương được phân cấp cho cơ quan nhà nước trực thuộc quyết định đầu tư đối với các dự án sử dụng nguồn thu hợp pháp của cơ quan nhà nước.
Xuất phát từ thực tiễn, Bộ Tài chính cho biết, việc người đứng đầu bộ trực tiếp quyết định đầu tư sẽ gặp nhiều khó khăn, bất cập, trong khi cơ quan quản lý như Kho bạc Nhà nước Trung ương, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không được phân cấp thẩm quyền quyết định đầu tư.
Cụ thể, cơ quan này lý giải, đặc thù của ngành Tài chính là có các đơn vị hệ thống dọc trải dài tại 63 tỉnh, thành (cấp tỉnh và cấp huyện), với số lượng dự án sử dụng vốn từ nguồn thu hợp pháp của các đơn vị thực hiện hàng năm tương đối lớn, chủ yếu là dự án nhóm C, dự án cải tạo, sửa chữa (khoảng 200 dự án/năm).
Tuy nhiên, tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 13 Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 6.4.2020 của Chính phủ quy định: Người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương quyết định đầu tư, chương trình, dự án nhóm A, B, C của cơ quan nhà nước thuộc cấp mình quản lý. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quyết định đầu tư chương trình, dự án nhóm A, B, C do đơn vị mình quản lý. Nghị định số 40/2020/NĐ-CP (điểm a Khoản 1) không cho phép người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương được phân cấp cho cơ quan nhà nước trực thuộc quyết định đầu tư đối với các dự án sử dụng vốn từ nguồn thu hợp pháp của cơ quan nhà nước.
Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị bổ sung quy định người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương được phân cấp cho cơ quan nhà nước trực thuộc quyết định đầu tư đối với các dự án sử dụng nguồn thu hợp pháp của cơ quan nhà nước.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đề nghị quy định: Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập được quyết định thời gian bố trí vốn thực hiện dự án, quyết định cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch hàng năm vốn từ nguồn thu hợp pháp của đơn vị sự nghiệp công lập, để phù hợp với việc phân cấp về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án.
Bộ Tài chính cho biết, Luật Đầu tư công không có quy định về cấp có thẩm quyền quyết định thời gian bố trí vốn cũng như trường hợp kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn hằng năm, thẩm quyền kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn hằng năm từ nguồn thu hợp pháp của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư.
Theo đó, về lâu dài để giải quyết triệt để vấn đề này, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội xem xét, quyết định sửa Luật Đầu tư công liên quan đến nội dung trên.
Đề xuất xây dựng khung pháp lý phù hợp làm nền tảng hỗ trợ cho việc quản lý hiệu quả lĩnh vực quản lý rủi ro.
Đề xuất trên cũng là một đề xuất mới của Bộ Tài chính. Thông tin được nêu ra tại Hội thảo “Dữ liệu số: Nền tảng phát triển và tài chính số bền vững” do Bộ Tài chính tổ chức diễn ra tại Hà Nội ngày 21.9, cho thấy hiện 99,9% doanh nghiệp sử dụng khai, nộp và hoàn thuế điện tử. 100% doanh nghiệp triển khai hoá đơn điện tử, số lượng hoá đơn điện tử cơ quan thuế nhận và xử lý đạt hơn 4,22 tỉ hoá đơn. 21,4 nghìn doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền.
Về dữ liệu của hoá đơn điện tử rất lớn, nhưng việc phân tích, đánh giá dữ liệu cho công tác quản lý thuế vẫn còn hạn chế, chưa khai thác được nhiều. Ngoài ra, cơ sở dữ liệu chưa được kết nối tự động với các bên thứ 3 như các ngân hàng, cơ quan chính phủ, Trung tâm dữ liệu quốc gia để tích hợp, phát hiện đầy đủ các thông tin định danh về đăng ký thuế thu nhập, đưa ra các yêu cầu khai báo đầy đủ.
Quang cảnh Hội thảo “Dữ liệu số: Nền tảng phát triển và tài chính số bền vững” do Bộ Tài chính tổ chức diễn ra tại Hà Nội ngày 21.9
Trình bày báo cáo tại hội thảo, ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Thuế cho biết, tính đến hiện tại, dữ liệu hoá đơn điện tử được lưu trữ trên hệ thống thuế đã lên đến hơn 5 tỉ hoá đơn và sẽ tiếp tục gia tăng. Để quản lý rủi ro, đại diện Tổng cục Thuế cho rằng, cần bổ sung thêm quyền cho cơ quan thuế.
Theo ông Minh, dữ liệu hoá đơn điện tử như mạch máu của nền kinh tế. Dữ liệu này không chỉ có ích trong việc phân tích xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp, mà còn hỗ trợ về mặt vĩ mô, thống kê cho sự phát triển của nền kinh tế.
Để dữ liệu và phân tích dữ liệu có thể phục vụ quản lý rủi ro của ngành thuế một cách hiệu quả, ông Minh cho rằng, điều quan trọng nhất là cần có một khung pháp lý phù hợp làm nền tảng hỗ trợ cho việc quản lý hiệu quả lĩnh vực quản lý rủi ro. Trong đó, cơ quan thuế cần được bổ sung các quyền như yêu cầu cung cấp thông tin và các tài liệu khác từ người nộp thuế và các bên thứ ba để xác minh nghĩa vụ thuế.
Bên cạnh đó, ông Minh cho rằng cơ quan thuế cần được tiếp cận không giới hạn với các thông tin do ngân hàng nắm giữ; kiểm tra và ấn định thuế bằng các phương pháp gián tiếp; có đầy đủ các biện pháp xử phạt hành chính và các chế tài khác; giảm nhẹ mức độ xử phạt đối với trường hợp người nộp thuế khai báo tự nguyên hoặc có hành vi hợp tác.
Minh Anh