Kinh nghiệm một số quốc gia và gợi mở nghiên cứu xây dựng khung pháp lý phát triển thị trường các-bon ở Việt Nam

(Pháp lý) - Việt Nam đặt mục tiêu thí điểm sàn giao dịch các-bon vào năm 2025 và vận hành chính thức vào năm 2028, nhằm nắm bắt những cơ hội, đồng thời tăng khả năng tương thích với các cơ chế định giá các-bon quốc tế. Nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia đã phát triển thành công thị trường các - bon sẽ giúp cho Việt Nam xây dựng và hoàn thiện khung chính sách pháp luật đối với thị trường này.

Sẽ vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon tại Việt Nam

Cơ chế giao dịch hạn ngạch phát thải của thị trường các-bon (ảnh minh hoạ)

Kinh nghiệm một số quốc gia trong phát triển thị trường các-bon

Trong những năm gần đây, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, sự suy thoái của môi trường sống đã không chỉ tác động tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của người dân, mà có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của quốc gia, khu vực và thế giới. Nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, Liên Hiệp Quốc đã tổ chức nhiều Hội nghị về biến đổi khí hậu để tìm ra các phương án hiệu quả và thiết thực nhất. Theo đó, trao đổi các–bon được coi là một trong những công cụ quan trọng nhất trong việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Và việc mua bán sự phát thải khí CO2 hay mua bán carbon trên thị trường sẽ được thực hiện thông qua tín chỉ hay còn gọi là tín chỉ các - bon.

Trao đổi các–bon được coi là một trong những công cụ quan trọng nhất trong việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Và việc mua bán sự phát thải khí CO2 hay mua bán carbon trên thị trường sẽ được thực hiện thông qua tín chỉ hay còn gọi là tín chỉ các - bon. Tín chỉ carbon là thuật ngữ chung cho tín chỉ có thể kinh doanh hoặc giấy phép đại diện cho 1 tấn carbon dioxide (CO2) hoặc khối lượng của một khí nhà kính khác tương đương với 1 tấn CO2 (tCO2e).

Thông qua cơ chế thị trường giao dịch tín chỉ các–bon, các bên tham gia có thể tăng cường giảm nhẹ phát thải khí nhà kính một cách hiệu quả và tiết kiệm. Nguyên tắc cơ bản của thị trường giao dịch tín chỉ các–bon là bên phát thải lớn sẽ trả phí để nhận thêm các tín chỉ, hạn ngạch phát thải nhằm đạt được các mục tiêu giảm nhẹ.

Trên thực tế, thị trường các–bon trên thế giới tồn tại dưới hai hình thức: thị trường các–bon bắt buộc và  thị trường các–bon tự nguyện. Thị trường các–bon bắt buộc được thành lập và quản lý bởi các hiệp định, thỏa thuận giảm phát thải các–bon quốc gia và quốc tế, ví dụ như Nghị định thư Kyoto, thị trường trao đổi phát thải của Liên minh châu Âu.

Cơ chế vận hành tiêu biểu cho thị trường các–bon bắt buộc là thông qua thiết lập hệ thống thương mại phát thải (Emission Trading Scheme–ETS). Cụ thể, chính phủ có nhiệm vụ phân bổ, hoặc giao bán một số lượng hữu hạn các tín chỉ, giấy phép phát thải một lượng các–bon nhất định (thường được quy định là 1 tấn CO2) trong một khoảng thời gian. Bên phát thải chỉ có quyền phát thải tương đương với số lượng tín chỉ hoặc giấy phép đang sở hữu. Các doanh nghiệp phát thải có nguyện vọng tăng lượng phát thải, tương ứng tăng lượng sản xuất, sẽ phải mua tín chỉ từ những bên có nguyện vọng bán lại.

Thị trường các–bon tự nguyện hoạt động bên lề thị trường bắt buộc, và hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhân mua và bán tín chỉ các–bon theo cơ chế tự nguyện. Một số tiêu chuẩn trong thị trường các–bon tự nguyện như: Tiêu chuẩn các-bon chứng nhận (VCS), Tiêu chuẩn vàng (GS)... Điểm đặc biệt của thị trường các–bon tự nguyện là sự đa dạng của các dự án của các bên, và thường được coi là nơi thử nghiệm trước khi đưa vào thị trường các–bon bắt buộc.

EU chính thức “bật đèn xanh” đối với cải cách thị trường carbon - Ảnh 1.

Nguyên lý hoạt động của giao dịch tín chỉ các -bon của EU là theo nguyên tắc hạn mức và thương mại (ảnh minh hoạ: nhà máy điện than tại Garzweiler, Đức)

Thị trường các -bon của Liên minh châu Âu (EU ETS) là thị trường đa quốc gia lớn nhất thế giới. Nguyên lý hoạt động của giao dịch tín chỉ các -bon của EU là theo nguyên tắc hạn mức và thương mại, theo đó việc giao dịch hạn ngạch phát thải và tín chỉ các-bon trên thị trường các-bon tại EU cũng như các đối tượng giao dịch hạn ngạch phát thải và tín chỉ các-bon đều được quản lý theo các quy tắc của thị trường tài chính và các pháp luật có liên quan khác, như chống gian lận và minh bạch thị trường. Quy định này là cần thiết để ngăn chặn các rủi ro về thao túng, giao dịch nội gián, thông tin sai lệch, tin đồn,…

Qua đó, đảm bảo việc giao dịch hạn ngạch phát thải và tín chỉ các-bon trên thị trường các-bon tại EU thông suốt, an toàn, minh bạch và hiệu quả, nâng cao niềm tin của các chủ thể vào thị trường các-bon.

Đồng thời, do hạn ngạch phát thải và tín chỉ các-bon được phân loại là công cụ tài chính tại EU, các công cụ, sản phẩm đòn bẩy từ các ngân hàng thương mại cho hạn ngạch phát thải và tín chỉ các-bon cũng được cung cấp như đối với các sản phẩm tài chính khác để giúp nhà đầu tư, đầu cơ nâng cao hiệu suất đầu tư hoặc đầu cơ của mình.

Các quy định về vay mượn, gửi ngân hàng tín chỉ các-bon, hạn ngạch phát thải cũng đã được EU quy định cụ thể với thời hạn 1 năm, tuy nhiên không được chồng chéo giữa các giai đoạn.

Nguyên lý hoạt động của giao dịch tín chỉ các -bon của EU là theo nguyên tắc hạn mức và thương mại, theo đó việc giao dịch hạn ngạch phát thải và tín chỉ các-bon trên thị trường các-bon tại EU cũng như các đối tượng giao dịch hạn ngạch phát thải và tín chỉ các-bon đều được quản lý theo các quy tắc của thị trường tài chính và các pháp luật có liên quan khác, như chống gian lận và minh bạch thị trường. Quy định này là cần thiết để ngăn chặn các rủi ro về thao túng, giao dịch nội gián, thông tin sai lệch, tin đồn,…

Tại Trung Quốc, năm 2011, sau khi các quy định thị trường các-bon của Nghị định thư Kyoto được công bố, Trung Quốc đã thiết lập thí điểm 7 thị trường các-bon. Trong năm 2013 và 2014, 7 thị trường các-bon đã được thử nghiệm tại 5 thành phố và 2 tỉnh với 57 triệu tấn các-bon được giao dịch.

Mỗi thị trường thử nghiệm được xây dựng bằng cách liên kết và phối hợp các cơ quan cấp tỉnh, thành phố và thiết lập các sàn giao dịch phát thải khí thải tại địa phương, với các nhà lãnh đạo, chuyên gia từ các trường đại học và viện nghiên cứu đồng thời tham vấn với các lãnh đạo cấp cao tại Bắc Kinh. Tất cả 7 tỉnh đã đặt mục tiêu giảm phát thải ở các nhà máy khoảng 15-20% trong tất cả các giai đoạn. Năm 2021, Trung Quốc đã triển khai thị trường các-bon quốc gia đối với ngành Điện.

Thị trường các-bon của Trung Quốc hoạt động dựa trên cơ chế hạn mức và thương mại. Tính toán và phân bổ tín chỉ các-bon là vấn đề quan trọng trong thị trường các-bon để đảm bảo giá các-bon ở mức giá phải chăng. Trung Quốc điều chỉnh quyền phát thải dựa trên sản lượng hàng năm. Đặc biệt, Trung Quốc cũng cung cấp hạn ngạch linh hoạt dựa trên mức hoạt động bình thường - phụ thuộc vào tình hình hoạt động của các doanh nghiệp hàng đầu trong từng lĩnh vực.

Trung Quốc thiết lập Quỹ dự trữ thị trường để mua quyền phát thải khi dư thừa và bán khi thiếu. Khi triển khai thị trường các-bon quốc gia, phân bổ hạn mức miễn phí được thực hiện dựa trên định mức của 4 loại nhà máy: nhà máy điện than dưới 300MW, nhà máy điện than trên 300MW, nhà máy điện than mới; và khí thiên nhiên. Đấu giá hạn mức cũng được giới thiệu và dần mở rộng việc áp dụng nhưng chưa có thời hạn cho việc thực hiện việc này.

Đồng thời, Trung Quốc thiết lập các điều khoản linh hoạt và cơ chế hỗ trợ để thực hiện để cho phép người tham gia gửi tín chỉ giảm phát thải vào ngân hàng các-bon để sử dụng trong tương lai. Cơ chế cơ chế Đo lường - Báo cáo - Giám sát của Trung Quốc rất thành công với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới và chính phủ.

Tại New Zealand, thị trường các–bon New Zealand (NZ–ETS) chính thức hoạt động từ năm 2008 và bao gồm hầu hết các lĩnh vực trong nền kinh tế. Chính phủ New Zealand đã hai lần tiến hành rà soát và điều chỉnh thị trường. Lần thứ nhất vào năm 2011 và lần thứ hai được tiến hành vào năm 2015 và kết thúc vào năm 2017.

Điểm đặc biệt của thị trường là bao gồm cả lĩnh vực lâm nghiệp, lĩnh vực chủ yếu hấp thụ khí nhà kính thay vì phát thải. Phương thức vận hành thị trường cũng tuân theo phương thức hạn mức và thương mại. Các tín chỉ hoặc giấy phép phát thải sẽ được phân bổ miễn phí hoặc theo cơ chế đấu giá. Chính phủ New Zealand yêu cầu tất cả các ngành phải báo cáo lượng phát thải hằng năm để mua hoặc nộp lại theo hạn mức chính phủ đề ra. Ngoài ra, Chính phủ New Zealand cũng áp dụng các mức phạt cho các tổ chức không hoàn thành nghĩ vụ về thu thập số liệu hoặc cố tình chỉnh sửa sai sót thông tin báo cáo.

Đồng thời, trong giai đoạn đầu, thị trường trao đổi phát thải được xây dựng để liên kết với thị trường các– bon quốc tế theo Nghị định thư Kyoto. Tuy nhiên bắt đầu từ năm 2015, Chính phủ New Zealand chỉ tập trung vào thị trường nội địa và các tín chỉ theo thị trường quốc tế sẽ không được công nhận. Tính đến năm 2019, đã có hơn 2.360 tổ chức và doanh nghiệp đăng ký, chiếm khoảng 52% tổng lượng phát thải toàn quốc gia. Ngoài ra, chính phủ New Zealand cũng ban hành cơ chế giá sàn, với mức giá 25 NZD cố định cho thị trường các–bon.

Một số chính sách hiện tại của Việt Nam đối với thị trường các-bon

Việc các quốc gia, trong đó có Việt Nam, thực hiện cắt giảm khí nhà kính hướng theo các cam kết khí hậu trước đây và đặc biệt là mục tiêu giảm phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 theo thỏa thuận chung tại Hội nghị Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), đã hình thành thị trường các-bon, nơi các quốc gia có dư thừa quyền phát thải được bán cho hoặc mua từ các quốc gia phát thải nhiều hơn hoặc ít hơn mục tiêu đã cam kết.

Tại Việt Nam, thị trường các-bon trong nước gồm các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon thu được từ cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Theo quy định Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, tín chỉ các-bon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một tấn khí CO2 hoặc một tấn khí CO2 tương đương. Để hướng dẫn cụ thể hơn về việc giảm phát thải khí nhà kính, ngày 7/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon.

Xây dựng tín chỉ carbon rừng ở Việt Nam -

Việt Nam sẽ chính thức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon vào năm 2028 (ảnh minh hoạ)

Trên cơ sở đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng dự thảo Đề án “Phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam”. Theo đó, đến năm 2025, Việt Nam sẽ bắt đầu thí điểm và đến năm 2028 sẽ vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ các-bon.

Theo dự thảo Đề án, đến hết năm 2027, nước ta tập trung xây dựng quy định quản lý tín chỉ các-bon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon; triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ các-bon kể từ năm 2025; triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường các-bon.

Bên cạnh đó Đề án cũng đề ra mục tiêu, đến năm 2028, nước ta sẽ vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon chính thức; quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ các-bon trong nước với thị trường khu vực và thế giới.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, khi hình thành Sàn giao dịch tín chỉ các-bon sẽ mang lại rất nhiều lợi ích. Trước tiên, sàn giao dịch giúp kết nối những người mua, người bán trên thị trường với nhau. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sẽ không còn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đối tác, từ đó tối đa hoá các giao dịch trên thị trường.

Đồng thời, sàn giao dịch cũng sẽ tăng tính minh bạch của thị trường trong việc định giá các-bon. Khi tất cả người mua, người bán đều giao dịch trên thị trường tập trung, giá cả sẽ phản ánh chính xác cung-cầu của thị trường và được công khai, minh bạch. Nhờ đó, bảo đảm lợi ích của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong giao dịch được mua ở mức giá tối ưu, hiệu quả nhất.

Bên cạnh đó, sàn giao dịch tín chỉ các-bon tập trung cũng sẽ giúp các cơ quan chức năng kiểm soát, quản lý tốt được các giao dịch mua bán tín chỉ các-bon, từ đó làm cơ sở cho việc hoạch định các chính sách, quản lý, đề ra các mục tiêu, kế hoạch về triển khai các dự án góp phần cắt giảm lượng khí nhà kính theo hướng như cam kết khí hậu, đặc biệt là mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo thỏa thuận về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26).

Một số gợi mở cho Việt Nam

Để một thị trường các-bon hoạt động hiệu quả thì các yếu tố của thị trường này phải được điều chỉnh bởi một hành lang pháp lý phù hợp và tương thích. Hiện các cơ quan chức năng đang gấp rút nghiên cứu hoàn thiện hệ thống quy định, chính sách, hạ tầng, nền tảng cho thị trường giao dịch tín chỉ cac – bon để tiến hành đưa thí điểm thị trường các-bon vào năm 2025 và đưa vào vận hành chính thức vào năm 2028.

Tuy nhiên, xây dựng thị trường các-bon trong bối cảnh Việt Nam cần phải có những bài học kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước

Từ những kinh nghiệm của một số quốc gia, chúng tôi cho rằng khi xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường các-bon ở VN, trong đó có sàn giao dịch tín chỉ cac – bon, các cơ quan chức năng cần quan tâm một số vấn đều sau:

Thứ nhất, xây dựng các nguyên tắc sử dụng tín chỉ các-bon, nguyên tắc giao dịch cũng như các đối tượng tham gia giao dịch tín chỉ các-bon.

Thứ hai, điều kiện để vận hành thị trường cũng như các sàn giao dịch tín chỉ các-bon là các doanh nghiệp phải có khả năng sản xuất ra tín chỉ các-bon, nghĩa là phải có “hàng hóa” để bán. Muốn xác định được có bao nhiêu hàng hóa để bán, các cơ quan quản lý cần khẩn trương đưa ra đầy đủ các quy định về hướng dẫn đo lường, kiểm kê một cách chính xác, lượng khí thải thực tế của doanh nghiệp.

Thứ ba, quy định cụ thể về định giá hàng hóa các-bon hay nói cách khác là phải hình thành mức giá cho mỗi tấn khí nhà kính phát thải ra môi trường.

Thứ tư, xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu về thị trường các-bon; thiết lập cơ sở hạ tầng giao dịch, hậu giao dịch, tài chính và dữ liệu; hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon quốc tế và thiết lập cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước.

Thứ năm, bản chất không đồng nhất của các khoản tín chỉ các-bon tạo ra khả năng xảy ra sai sót và gian lận do đó cần phải thiết lập cơ chế để bảo vệ tính toàn vẹn, minh bạch của thị trường.  

Đinh Chiến – La Sơn

Link nội dung: https://phaply.net.vn/kinh-nghiem-mot-so-quoc-gia-va-goi-mo-nghien-cuu-xay-dung-khung-phap-ly-phat-trien-thi-truong-cac-bon-o-viet-nam-a257387.html