Toàn cảnh Phiên họp thứ 26 của UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Tòa án nhân dân (sửa đổi)
Sự cần thiết sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân
Đề cập về sự cần thiết sửa đổi dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến nhấn mạnh: Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới (sau đây gọi là Nghị quyết số 27-NQ/TW) và các nghị quyết, văn kiện của Đảng đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp về cải cách tư pháp, cần phải thể chế hóa để đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án.
Tại Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2019, đồng chí Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo “Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp trong Tòa án. Chủ động nghiên cứu và sẵn sàng ứng phó với những vấn đề đặt ra cho Tòa án trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng và kinh tế số phát triển mạnh mẽ.”; “Các Tòa án phải sắp xếp lại tổ chức tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.”
Các chủ trương lớn nêu trên là những định hướng, chỉ đạo quan trọng, đặt ra yêu cầu phải sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 theo Chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tổng kết 08 năm thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 cho thấy, bên cạnh những thành tựu đạt được, còn tồn tại những vướng mắc, bất cập và chưa hợp lý về những vấn đề như: (1) Nhận thức về vị trí, vai trò của Tòa án là “cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp” và việc xác định đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án; (2) Tổ chức và hoạt động độc lập theo thẩm quyền xét xử của các Tòa án; (3) Tổ chức các đơn vị và nhân lực giúp việc Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao; (4) Việc phân chia các ngạch Thẩm phán; (5) Chức năng, nhiệm vụ, thành phần của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia; (6) Chế độ trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật cần tăng cường hơn; (7) Cơ chế pháp lý đầy đủ để xây dựng và triển khai Tòa án điện tử; (8) Cơ chế bảo vệ cho các Thẩm phán, Tòa án;…
Hệ thống Tòa án đang đứng trước những thách thức lớn như: yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, trách nhiệm ngày càng lớn; số lượng vụ việc phải giải quyết ngày càng tăng, với tính chất ngày càng đa dạng, phức tạp; yêu cầu nội luật hóa cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, giải quyết vụ việc có yếu tố nước ngoài phát sinh nhiều vấn đề mới;… Thực trạng đó đang đặt ra yêu cầu phải nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động, đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng Tòa án điện tử. Do vậy, phải xây dựng hành lang pháp lý phù hợp thông qua việc sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, pháp luật liên quan và bố trí các điều kiện bảo đảm để các Tòa án hoàn thành nhiệm vụ. Từ đó, nâng cao vị thế, uy tín, tạo điều kiện để Tòa án Việt Nam phát triển ngang tầm với trình độ phát triển chung của các Tòa án trong khu vực và trên thế giới.
Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến
Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến khẳng định: Kết quả nghiên cứu khoa học pháp lý trong nước và quốc tế về tư pháp đang đặt ra yêu cầu phải ứng dụng những thành tựu khoa học tiến bộ, phù hợp, tiếp tục hoàn thiện, đổi mới tổ chức và hoạt động để Tòa án thực hiện đầy đủ chức năng “là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”. Từ những căn cứ trình bày trên, việc sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 là khách quan và cần thiết.
Nhiều chế định quan trọng cần được nghiên cứu, làm rõ
Nội hàm Quyền tư pháp: Vấn đề hết sức lớn, đặc biệt quan trọng
Tại phiên họp UBTV Quốc hội lần thứ 26, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga - đại diện cơ quan thẩm tra cho biết, về nội hàm quyền tư pháp (khoản 1 Điều 2), dự thảo Luật quy định: “Quyền tư pháp bao gồm quyền xét xử, phán quyết về các tranh chấp, vi phạm pháp luật; về những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân; quyền giải thích áp dụng pháp luật và bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử”.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga phát biểu.
Về vấn đề này, Ủy ban Tư pháp có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, việc làm rõ nội hàm quyền tư pháp là cần thiết, nhưng đây là vấn đề lớn, đặc biệt quan trọng, liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân và các cơ quan tư pháp khác. Vì vậy, chưa nên quy định vấn đề này trong dự thảo Luật, mà chỉ nên quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án để thực hiện đầy đủ, đúng đắn quyền tư pháp.
Loại ý kiến thứ hai tán thành cần quy định nội hàm quyền tư pháp trong dự thảo Luật, vì làm rõ được nội hàm quyền tư pháp sẽ là cơ sở để quy định đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án.
Cho ý kiến về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, lần đầu tiên khái niệm quyền tư pháp được quy định trong Hiến pháp năm 1992, sửa đổi, bổ sung năm 2001, trong đó quy định: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp".
Hiến pháp năm 2013 đã bổ sung quy định chủ thể thực hiện quyền tư pháp là Tòa án nhân dân tối cao. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Thanh Tùng, nội hàm của quyền tư pháp như thế nào cho đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể trong các văn bản luật cũng như trong văn kiện của Đảng. Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “Về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới” chỉ yêu cầu: “Xác định thẩm quyền của tòa án để thực hiện đầy đủ, đúng đắn quyền tư pháp”, mà không yêu cầu làm rõ nội hàm quyền tư pháp. Đây là vấn đề lớn, không chỉ liên quan đến hoạt động của các Toà án nhân dân trong tổng thể hoạt động các cơ quan tư pháp mà rộng hơn là các cơ quan trong hệ thống chính trị. Luật Tổ chức Quốc hội không quy định nội hàm quyền lập hiến, quyền lập pháp; Luật Tổ chức Chính phủ cũng không quy định nội hàm quyền hành pháp.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu.
Cho rằng nếu quy định nội hàm quyền tư pháp trong dự thảo Luật sẽ là một bước tiến lớn nhưng đây là vấn đề hết sức quan trọng, còn ý kiến khác nhau, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, lập luận rõ, đầy đủ, có lý lẽ thuyết phục để báo cáo Quốc hội cho ý kiến về vấn đề này.
Điểm mới đáng chú ý là dự thảo bổ sung nhiều quy định để hoàn thiện tổ chức bộ máy của toà án. Trong đó, dự thảo luật quy định Tòa án nhân dân phúc thẩm thay cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh; Tòa án nhân dân sơ thẩm thay cho Tòa án nhân dân cấp huyện.
Theo Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, quy định trên để thể chế hóa nhiệm vụ “bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử” được đề ra tại Nghị quyết số 27 của Trung ương.
Việc thay đổi nêu trên không ảnh hưởng đến hoạt động và quan hệ phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp nhưng sẽ góp phần thực hiện nguyên tắc độc lập xét xử và khẳng định địa vị pháp lý của toà án trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Chánh án tối cao Nguyễn Hòa Bình (bên phải) và Phó Chánh án tối cao Nguyễn Văn Tiến
Văn bản tham gia ý kiến đối với dự thảo do Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long thừa uỷ quyền của Thủ tướng ký ngày 6.9 cho biết, Chính phủ nhất trí với chủ trương xây dựng hệ thống toà án độc lập theo thẩm quyền xét xử. Nhưng Chính phủ nhận thấy dù dự thảo luật đổi tên, Tòa án nhân dân sơ thẩm, Tòa án nhân dân phúc thẩm vẫn sắp xếp theo đơn vị hành chính và không làm giảm số lượng các toà án, chưa thể hiện đặc thù của mô hình tổ chức toà án theo thẩm quyền xét xử. Ngoài ra, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các toà án này không thay đổi mà vẫn giữ nguyên như quy định hiện hành.
Bên cạnh đó, thay đổi này của dự thảo luật mới chỉ dừng lại ở thay đổi tên gọi của các TAND mà chưa có sự thay đổi nào về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của hệ thống toà án để đáp ứng với chủ trương của Đảng được nêu tại Nghị quyết số 27.
Tham gia đóng góp ý kiến vấn đề trên, nhiều đại biểu cho rằng dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) lần này vẫn chưa khắc phục được tình trạng bất cập, hạn chế mà luật hiện hành đã thể hiện. Các ý kiến đề nghị, cần sửa theo hướng Tòa án nhân dân cấp sơ thẩm sẽ giải quyết sơ thẩm tất cả các vụ việc, Tòa án nhân dân phúc thẩm sẽ xét xử phúc thẩm tất cả các vụ án bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm và Tòa án nhân dân cấp cao sẽ xét xử giám thẩm, tái thẩm tất cả các vụ án bị kháng nghị theo quy định của pháp luật tố tụng. Việc sửa đổi theo hướng này sẽ đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp về tổ chức hệ thống Tòa án nhân dân theo cấp xét xử đã được Bộ chính trị, Ban chấp hành trung ương Đảng xác định rõ, vừa bảo đảm được tính độc lập của các cấp tòa án, vừa tạo điều kiện để mỗi cấp tòa án chuyên sâu nghiên cứu án và xét xử một loại án trong phạm vi thẩm quyền được giao.
Một số ý kiến khác đề nghị, cân nhắc việc đổi tên tòa án cấp tỉnh thành tòa án trung cấp và tòa án cấp huyện thành tòa án sơ cấp; đề nghị quy định rõ, cụ thể nội hàm các vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xét xử của TAND tại khoản 3, khoản 4 Điều 26 dự thảo Luật để tăng cường tính minh bạch, tránh sự trùng lặp với thẩm quyền quyết định xử phạt vi phạm hành chính của các cơ quan khác và tạo thuận lợi cho việc đánh giá sâu sắc, sát thực về tác động của chính sách và tính khả thi trong thực tiễn;…
Về quy định tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt để xử lý các vụ án đặc thù, dự thảo luật quy định việc thành lập tòa án này do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trên cơ sở đề nghị của Chánh án tòa án nhân dân tối cao tùy thuộc vào tình hình thực tế. Đa số ý kiến đồng tình với sự cần thiết thành lập tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt để đảm bảo tính chuyên biệt, chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động, phát huy trình độ chuyên môn sâu của thẩm phán, hội thẩm trong xét xử, từ đó nâng cao hiệu quả giải quyết các vụ việc này. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị cần giải trình, bổ sung quy định rõ tiêu chí, điều kiện thành lập các tòa án này, bảo đảm không tăng biên chế, tổ chức.
Vấn đề quan trọng nhất là đổi mới mô hình Tòa án, đòi hỏi phải đổi mới về thực chất trong cách tổ chức, hoạt động chứ không chỉ dừng lại ở đổi tên gọi các cấp Tòa.
Nâng cao tính chuyên nghiệp của Thẩm phán
Trình bày tờ trình tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao cho biết, lần sửa đổi này bổ sung tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm thẩm phán, thẩm phán TAND tối cao, bao gồm độ tuổi, thâm niên giữ ngạch, phẩm chất đạo đức và tín nhiệm, chất lượng công việc đã hoàn thành.
“Việc bổ sung quy định này nhằm bảo đảm nguồn bổ nhiệm thẩm phán, thẩm phán TAND tối cao không chỉ có kiến thức chuyên sâu về pháp luật, thông thạo chuyên môn mà còn phải có kinh nghiệm sống, có tầm hiểu biết rộng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội”, ông Tiến nêu.
Nhiều ý kiến cũng tán đồng việc thành lập các toà chuyên biệt nhằm bảo đảm tính chuyên môn hoá, phát huy trình độ chuyên môn sâu của Thẩm phán, Hội thẩm trong hoạt động xét xử đối với một số loại vụ việc có tính chất đặc thù như Tòa sở hữu trí tuệ, Tòa phá sản DN. Đồng thời bảo đảm tính độc lập của Thẩm phán, Hội thẩm khi xét xử các vụ án hành chính. Tuy nhiên các ý kiến cũng đề nghị nghiên cứu kỹ về số lượng các toà chuyên biệt.
PGS.TS. Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TANDTC đánh giá cao những đề xuất mới của TANDTC trong dự thảo sửa đổi luật lần này. Tuy nhiên ông Độ cho rằng việc thành lập các Toà chuyên biệt vẫn cần nghiên cứu kỹ lưỡng.
PGS. TS Trần Văn Độ phân tích: chẳng hạn đối với Toà chuyên biệt về phá sản, cần phải xem hiện có nhiều vụ việc phá sản hay không? nếu thành lập cả một hệ thống Toà án chuyên biệt mà một năm chỉ xử vài ba chục vụ sẽ gây lãng phí nguồn lực. Thứ hai là việc thành lập thí điểm Toà sở hữu trí tuệ tại Hà Nội, có đảm bảo được những vụ tranh chấp sở hữu trí tuệ ở Kiên Giang, An Giang… sẽ khởi kiện tại Toà Sở hữu trí tuệ Hà Nội hay không?... rất nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng.
Khi thành lập các Toà chuyên biệt cũng đòi hỏi những người làm Thẩm phán, cán bộ trong Toà án phải thực sự chuyên nghiệp từng lĩnh vực cụ thể nào đó. Điều này đặt ra yêu cầu đối với công tác tổ chức, công tác đào tạo cán bộ, đào tạo nguồn nhân lực phải chuyên môn hoá cao; việc luân chuyển cán bộ Thẩm phán cũng chỉ được luân chuyển trong phạm vi chuyên biệt… Ví dụ như Toà án quân sự hiện này là chuyên biệt, chuyên biệt ở chỗ, họ là những người được đào tạo đủ các tiêu chuẩn về pháp lý nhưng họ phải là những người đào tạo trong quân đội, nắm vững được điều kiện trong quân đội để xét xử, ông Độ nhấn mạnh.
Liên quan đến quy định về thành lập Hội đồng Tư pháp quốc gia, các ý kiến góp ý đề nghị cần làm rõ địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Tư pháp quốc gia. Dự thảo Luật quy định thành lập Hội đồng tư pháp quốc gia trên cơ sở kế thừa tổ chức và hoạt động của Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia. Nếu như vậy không nên thay đổi tên gọi của Hội đồng. Việc thành lập Hội đồng Tư pháp quốc gia phải có tính đột phá. Mô hình Hội đồng Tư pháp quốc gia cần tham khảo kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga cho biết, đa số ý kiến cho rằng, việc thành lập Hội đồng Tư pháp quốc gia là một vấn đề rất lớn, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng. Nghị quyết 27 và Hiến pháp 2013 đều không quy định Hội đồng Tư pháp quốc gia. TANDTC đề xuất thành lập Hội đồng tư pháp quốc gia trên cơ sở kế thừa tổ chức và nhiệm vụ của Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia và bổ sung một số nhiệm vụ mới so với Luật hiện hành.
Tuy nhiên, các nhiệm vụ mới được bổ sung trong Dự thảo Luật có thể giao cho Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia theo Luật hiện hành thực hiện. Thực tiễn cho thấy, Hội đồng này từ khi được thành lập đến nay đã và đang hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Do đó, đề nghị không thành lập Hội đồng Tư pháp quốc gia, mà giữ quy định về Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia.
Một số ý kiến thống nhất với Dự thảo Luật về thành lập Hội đồng Tư pháp quốc gia trên cơ sở kế thừa về tổ chức và nhiệm vụ hiện nay của Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia và bổ sung một số nhiệm vụ mới để bảo đảm cho Hội đồng hoạt động hiệu quả; trong đó có nhiệm vụ, quyền hạn giám sát việc phân bổ biên chế, kinh phí, nguồn lực cho các Tòa án; bảo vệ thẩm phán...
Cho ý kiến về Hội đồng Tư pháp quốc gia, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Hoàng Thanh Tùng tán thành về nguyên tắc việc củng cố, kiện toàn Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia. Tuy nhiên, việc tổ chức Hội đồng Tư pháp quốc gia về thành phần Hội đồng, phương thức hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm… như Dự thảo Luật chưa đáp ứng được mục đích, yêu cầu đặt ra của Nghị quyết 27. Theo ông Tùng, nếu vẫn quy định thì cần làm rõ, đầy đủ các ưu, khuyết điểm của từng phương án: phương án tăng cường thêm nhiệm vụ cho Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia và phương án quy định Hội đồng Tư pháp quốc gia.
Mới đây, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi). Tại Hội thảo, một số đại biểu tán thành dự thảo luật quy định Hội đồng tư pháp quốc gia trên cơ sở kế thừa tổ chức và hoạt động của Hội đồng tuyển chọn giám sát thẩm phán quốc gia; đồng thời bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng tư pháp quốc gia. Theo đó, Hội đồng tư pháp quốc gia có trách nhiệm trình Chủ tịch nước quyết định miễn nhiệm, bãi nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phán. Xem xét các khiếu nại liên quan đến bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm, khen thưởng, kỷ luật Thẩm phán để đề nghị Chủ tịch nước quyết định theo quy định của pháp luật. Giám sát việc phân bổ biên chế, kinh phí, nguồn lực cho các Tòa án nhân dân… Có ý kiến cho rằng, quy định dự thảo là phù hợp, đồng thời đề nghị quy định Chủ tịch nước là Chủ tịch hội đồng; bổ sung đại diện Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tham gia Hội đồng này.
Tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội mới đây khi cho ý kiến góp ý đối với dự thảo của Luật tổ chức TAND tối cao, một số ý kiến đại biểu đồng tình, nhưng cũng nhiều đại biểu băn khoăn xung quanh việc có nên bãi bỏ nghĩa vụ thu thập chứng cứ của tòa án.
Đại biểu QH Trần Công Phàn – Phó Chủ tịch Hội Luật gia VN
Đại biểu Quốc hội Trần Công Phàn, Phó Chủ tịch chuyên trách kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia VN, cho rằng đây là vấn đề rất quan trọng, cần phải bàn kỹ. Xưa nay, xã hội vẫn quan niệm "việc dân sự cốt ở đôi bên", nghĩa là đề cao sự hòa giải và vai trò thu thập tài liệu, chứng cứ của đương sự nhằm tự chứng minh cho quan điểm của mình. Nhưng đó là với đương sự có đủ trình độ, điều kiện để tự giải quyết; còn với đương sự yếu thế (người nghèo, ít hiểu biết…) lại là câu chuyện khác. ĐB Phàn đặt vấn đề, "người ta không tự xử được mới phải cầu cứu đến cơ quan tư pháp, đến Viện kiểm sát, đến tòa án"; thậm chí "tòa thu thập chứng cứ còn khó, huống chi đẩy cho dân ?".
Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim, Ủy viên Ủy ban Tư pháp, dẫn câu chuyện mà ông được tìm hiểu, thực tế tại nhiều quốc gia, đó là "người dân kè kè luật sư bên cạnh". Để có được điều này, trình độ pháp luật là yếu tố quyết định. Còn ở VN, số vụ việc do tòa án giải quyết có sự tham gia của luật sư chỉ vỏn vẹn 8,15%, là rất thấp; đồng nghĩa số vụ án còn lại, đương sự sẽ phải trông chờ vào sự hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi từ cơ quan nhà nước.
"Không thể so sánh cứng nhắc với các nước, vì họ tiên tiến còn mình thì chưa thể. Cũng không thể lấy lý do ảnh hưởng tới sự khách quan khi phán quyết, bởi khách quan là trách nhiệm và nghĩa vụ của thẩm phán, trong mọi trường hợp", ông Kim nói.
Cũng như đại biểu Phàn, đại biểu Kim lo ngại cho quyền lợi của nhóm đương sự yếu thế. Họ sẽ "kiệt quệ" nếu không được giúp đỡ (về việc thu thập chứng cứ), hoặc có thể không muốn ra tòa mà chấp nhận thiệt thòi, thua kiện luôn. Vì thế, ông Kim đề nghị tiếp tục xác định vai trò chủ động của tòa án trong việc thu thập chứng cứ, giữ nguyên như hiện nay.
Nhân dân tham gia giám sát toà án
Để tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ tòa án trong sạch, vững mạnh, dự thảo luật đã quy định nhiều nội dung mới nhằm đề cao trách nhiệm, tăng cường kỷ luật, kỷ cương và giám sát đối với thẩm phán. Cụ thể bổ sung những quy định: Nhân dân giám sát hoạt động của tòa án và thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị với tòa án theo quy định của pháp luật; Pháp điển hóa Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của thẩm phán; Đồng thời quy định việc tham gia của nhân dân và truyền thông trong xét xử; Tòa án thực hiện công khai hoạt động xét xử và hoạt động khác theo quy định của pháp luật…
Bỏ quy định Tòa án có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa
Báo cáo tại phiên họp thứ 26, UBTV Quốc hội, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến cho biết, Dự thảo Luật sửa đổi theo hướng bỏ quy định Tòa án có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa. Nếu tại phiên tòa, Hội đồng xét xử phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì thực hiện quyền kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự. Nếu tại phiên tòa, Hội đồng xét xử phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì thực hiện quyền kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự.
“Toà án là cơ quan xét xử nếu ra quyết định khởi tố vụ án hình sự sau đó lại xét xử vụ án do mình khởi tố sẽ không vô tư, khách quan, làm thay cơ quan hành pháp, không phù hợp với nguyên tắc tranh tụng và trên thực tế là không hiệu quả”, ông Tiến cho hay.
Đa số các đại biểu cho rằng việc ra quyết định khởi tố vụ án thuộc chức năng của cơ quan điều tra, công tố. Toà án là cơ quan xét xử nhưng ra quyết định khởi tố vụ án hình sự sẽ ảnh hưởng đến tính vô tư, khách quan trong quá trình xét xử vụ án đó. Vì vậy, các đại biểu đề nghị sửa đổi theo hướng bỏ quy định Tòa án có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa.
Thành Chung – Minh Anh
Link nội dung: https://phaply.net.vn/du-an-luat-to-chuc-toa-an-nhan-dan-sua-doi-va-nhieu-che-dinh-quan-trong-duoc-nghien-cuu-lam-ro-a257384.html