Các đại biểu dự khai mạc Phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Dự án Luật Đất đai (sửa đổi): dự án luật này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại một số phiên họp, gần nhất là phiên họp tháng 8. Do là dự án luật đặc biệt quan trọng nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có chủ trương đề nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cùng với Chính phủ tiếp tục rà soát các vấn đề quan trọng, các vấn đề còn có ý kiến khác nhau để có thể quán triệt, thể chế hóa một cách đầy đủ nhất các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta trong lĩnh vực đất đai.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bố trí thêm trong chương trình Phiên họp thường kỳ tháng Chín để cho ý kiến một lần nữa, chuẩn bị một cách chất lượng nhất trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định thông qua tại Kỳ họp thứ 6 sắp tới.
Với dự án Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi): Đây là dự án luật nhằm cụ thể hóa các nghị quyết của Trung ương, trực tiếp là Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.
Theo ý kiến đề xuất của Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý cho ý kiến lại một lần nữa tại Phiên họp tháng 9, chuẩn bị một dự án luật có chất lượng tốt nhất, thể hiện rõ trách nhiệm của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với vấn đề hết sức quan trọng này.
Trước đó, tại Phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), trong đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra, các cơ quan có liên quan tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung những nội dung quan trọng như: mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; quản lý thu quỹ bảo hiểm xã hội; mức thu bảo hiểm; thẩm quyền của cơ quan bảo hiểm xã hội; điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu; về quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần; xác định hành vi trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội và mức xử phạt; quy định bảo hiểm thất nghiệp; về quản lý quỹ bảo hiểm xã hội và các nội dung liên quan khác...
Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi): Dự án luật này đã được các đồng chí trong Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội trực tiếp làm việc với Tòa án Nhân dân Tối cao để cho ý kiến về một số định hướng lớn. Một số vấn đề lớn của dự luật cũng đang nhận được sự quan tâm góp ý của các ĐBQH, chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học pháp lý. Cụ thể như các nội dung liên quan chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tòa án, việc thành lập các tòa chuyên biệt, tên gọi các tòa án hiện nay, ngạch thẩm phán….
Ngoài ra, tại Phiên họp thứ 26, Uỷ ban Thường vụ sẽ cho ý kiến về các dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi), Luật Thủ đô (sửa đổi), Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng dự kiến sẽ tiếp tục xem xét cho ý kiến dự án Luật Các Tổ chức Tín dụng (sửa đổi).
Trong các dự án luật trên, một số dự án đã được Quốc hội cho ý kiến, đã được đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 4. Cơ bản, các dự án đã đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét. Tuy nhiên, để bảo đảm chất lượng dự án luật trước khi trình Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến chọn lọc về những vấn đề lớn, vấn đề còn có ý kiến khác nhau với những dự án luật dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp tới.
Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra trong 5 ngày, bố trí thành 3 đợt (đợt 1 từ ngày 12 đến sáng 14/9; đợt 2 từ ngày 18 và ngày 20/9; đợt 3 ngày 29/9).
Xuân Trường (tổng hợp)
Link nội dung: https://phaply.net.vn/uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-xem-xet-7-du-an-luat-trong-do-co-du-an-luat-dat-dai-tai-phien-hop-thu-26-a257371.html