Đề xuất mới về ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu và 7 hành vi sẽ bị cấm trong đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước

Bộ Tài chính hiện đang đề nghị xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi), theo đó đề xuất 7 hành vi bị cấm trong lĩnh vực quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, theo đó đề xuất một số qui định mới về ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu .

Đề xuất 7 hành vi bị cấm trong quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp - Ảnh 1.

Đề xuất 7 hành vi bị cấm trong lĩnh vực quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp gồm:

1. Đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp không đúng mục tiêu, thẩm quyền, phạm vi, trình tự và thủ tục quy định của pháp luật.

2. Can thiệp không đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

3. Thực hiện không đúng quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, người đại diện chủ sở hữu vốn trong việc quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

4. Giám sát, kiểm tra, thanh tra việc đầu tư vốn tại doanh nghiệp không đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.

5. Cung cấp thông tin, báo cáo không trung thực, không chính xác, không đầy đủ theo quy định của pháp luật.

6. Tiết lộ, sử dụng thông tin của doanh nghiệp, cơ quan đại diện sở hữu vốn, cơ quan quản lý nhà nước không đúng quy định của pháp luật.

7. Vi phạm các quy định gây thiệt hại cho doanh nghiệp, chủ sở hữu vốn và nhà nước.

3 trong số 7 hành vi bị đề xuất cấm trong đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước: Can thiệp không đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; Cung cấp thông tin, báo cáo không trung thực, không chính xác, không đầy đủ theo quy định của pháp luật;  Tiết lộ, sử dụng thông tin của doanh nghiệp, cơ quan đại diện sở hữu vốn, cơ quan quản lý nhà nước không đúng quy định của pháp luật….

Dự thảo Luật nêu rõ, nguyên tắc quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp là đảm bảo doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm về hoạt động sản xuất, kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng; công bố, công khai thông tin và trách nhiệm giải trình theo quy định; lấy mục tiêu, nhiệm vụ và hiệu quả đầu tư vốn làm tiêu chí đánh giá chủ yếu.

Vốn nhà nước sau khi đã đầu tư vào doanh nghiệp được xác định là tài sản, vốn của pháp nhân doanh nghiệp; Nhà nước thông qua cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn và người đại diện chủ sở hữu vốn thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu vốn theo đúng phần vốn được đầu tư tại doanh nghiệp, bình đẳng với các nhà đầu tư khác; không làm hạn chế quyền của doanh nghiệp, không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản trị của doanh nghiệp; tách bạch, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước với cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Sắp xếp, cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp được thực hiện thường xuyên, liên tục, theo cơ chế thị trường, linh hoạt, kịp thời, phù hợp với hình thức, phương thức, giải pháp thực hiện và lộ trình hợp lý.

Công khai, minh bạch hoạt động của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp và doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giám sát, kiểm tra, kiểm soát và trách nhiệm giải trình đối với hoạt động của doanh nghiệp.

Đề  xuất  quy  định  mới  về  ưu  đãi  trong  lựa  chọn  nhà  thầu

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 (Luật Đấu thầu) đã quy định đối tượng, nguyên tắc tính ưu đãi trong đấu thầu và giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này. Để khuyến khích sản xuất hàng hóa trong nước, ưu tiên lao động nữ, dân tộc thiểu số và người yếu thế, dự thảo Nghị định đưa ra tỷ lệ về chi phí sản xuất trong nước với 2 mức ưu đãi.

Đối với hàng hoá có xuất xứ Việt Nam dưới 50%: được thực hiện theo như quy định hiện nay tại Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, hàng hoá được hưởng mức ưu đãi cộng thêm khoản tiền hoặc cộng điểm ưu đãi vào điểm tổng hợp với mức tỷ lệ là 7,5%.

Đối với mức hàng hoá có xuất xứ Việt Nam từ trên 50% dự kiến mức tỉ lệ này là: Phương án 1: 10%; Phương án 2: 12%.  Đồng thời, nhà thầu chào hàng hoá xuất xứ Việt Nam và nhà thầu có sử dụng lao động là nữ, người khuyến tật, thương binh, dân tộc thiểu số từ 50% trở lên thì được tính ưu đãi theo tỷ lệ ưu đãi là: Phương án 1: 12%; Phương án 2: 15%.

Đối với nhà sản xuất trong nước được chuyển giao công nghệ để sản xuất hàng hóa có xuất xứ Việt Nam, dự thảo Nghị định quy định về ưu đãi theo hướng ưu tiên khi đánh giá về năng lực, kinh nghiệm và được sử dụng các tài liệu, kết quả thử nghiệm của bên chuyển giao công nghệ để chứng minh tính kiểm chứng và phù hợp của loại hàng hóa sản xuất đối với những nội dung được chuyển giao theo hợp đồng chuyển giao công nghệ.

Đối với đấu thầu trong nước, dự thảo Nghị định bổ sung quy định về ưu đãi đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, người có thẩm quyền quyết định việc gói thầu có giá gói thầu dưới 500 triệu đồng đối với dự toán mua sắm chỉ cho phép nhà thầu có từ 50% lao động có hợp đồng lao động tối thiểu 3 tháng trở lên là người khuyết tật, thương binh, dân tộc thiểu số tham dự thầu. Quy định này là không bắt buộc mà căn cứ theo quyết định của người có thẩm quyền xem xét.

https://bcp.cdnchinhphu.vn/334894974524682240/2022/6/16/hinh-thuc-dau-tu-tai-viet-nam-1655372064737709226603.jpg

Nhà thầu là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo chào sản phẩm đổi mới sáng tạo được hưởng ưu đãi khi tham gia đấu thầu gói thầu mua sắm hàng hóa, phi tư vấn

Đối với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, dự thảo Nghị định quy định về ưu đãi theo hướng ưu tiên khi đánh giá về năng lực, kinh nghiệm.

Đối với sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường, dự thảo bổ sung quy định đối với các lĩnh vực năng lượng, xử lý chất thải, nông nghiệp, thủy lợi, tùy tính chất, phạm vi gói thầu, chủ đầu tư quyết định dành một tỷ lệ nhất định để mua sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường hoặc phải có quy định ưu đãi về tiêu chí đánh giá về kỹ thuật đối với các sản phẩm thân thiện môi trường nhưng mức ưu tiên không được thấp hơn mức quy định của pháp luật liên quan. Đồng thời, Nghị định quy định các yếu tố của đấu thầu bền vững.

Đối với gói thầu cung cấp hàng hoá, gói thầu hỗn hợp tổ chức đấu thầu trong nước, đấu thầu nội khối, đấu thầu quốc tế, nhà thầu được hưởng ưu đãi khi cung cấp hàng hóa mà hàng hóa đó có chi phí sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ từ 30% trở lên.

Đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, xây lắp, hỗn hợp tổ chức đấu thầu nội khối, đấu thầu quốc tế, đối tượng được hưởng ưu đãi bao gồm: Nhà thầu trong nước tham dự thầu với tư cách độc lập hoặc liên danh với nhà thầu trong nước khác; nhà thầu nước ngoài liên danh với nhà thầu trong nước hoặc sử dụng nhà thầu phụ trong nước mà nhà thầu trong nước đảm nhận từ 30% trở lên giá trị công việc của gói thầu;

Đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, xây lắp, hỗn hợp tổ chức đấu thầu trong nước, đối tượng được hưởng ưu đãi bao gồm: Nhà thầu có từ 25% trở lên số lượng lao động là nữ giới; nhà thầu có từ 25% trở lên số lượng lao động là thương binh, người khuyết tật; nhà thầu là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ; nhà thầu là doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ và là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Về nguyên tắc ưu đãi, nhà thầu tham dự thầu thuộc đối tượng được hưởng nhiều hơn một loại ưu đãi mà được cộng thêm điểm vào điểm đánh giá của nhà thầu hoặc cộng thêm số tiền vào giá dự thầu hoặc giá đánh giá của nhà thầu không thuộc đối tượng được ưu đãi theo quy định tại điểm b, điểm c khoản 2 Điều 10 của Luật Đấu thầu thì khi tính ưu đãi chỉ được hưởng ưu đãi có lợi nhất cho nhà thầu trong việc so sánh, xếp hạng theo quy định của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.

Trường hợp tất cả các nhà thầu tham dự thầu đều được hưởng ưu đãi giống nhau thì không cần tính ưu đãi để so sánh, xếp hạng. Đối với gói thầu hỗn hợp, việc tính ưu đãi căn cứ tất cả các đề xuất của nhà thầu trong các phần công việc tư vấn, cung cấp hàng hóa, xây lắp. Nhà thầu được hưởng ưu đãi khi có đề xuất chi phí trong nước (chi phí tư vấn, hàng hóa, xây lắp) từ 25% trở lên giá trị công việc của gói thầu.

Việc tính ưu đãi được thực hiện trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất để so sánh, xếp hạng hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất theo một trong hai cách sau đây: Cộng thêm điểm vào điểm đánh giá của nhà thầu thuộc đối tượng được ưu đãi; cộng thêm số tiền vào giá dự thầu hoặc vào giá đánh giá của nhà thầu không thuộc đối tượng được ưu đãi.

Các đối tượng và nội dung ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu quy định này không áp dụng trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc thỏa thuận giữa Việt Nam với nhà tài trợ có quy định khác về ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu.

Để có cơ sở xác định giá gói thầu, dự thảo Nghị định hướng dẫn đưa ra 5 căn cứ để xác định giá gói thầu gồm: Thứ nhất, căn cứ dự toán nếu pháp luật chuyên ngành có quy định về việc lập dự toán;  Thứ hai, căn cứ kết quả lựa chọn nhà thầu đối với cùng chủng loại hàng hóa hoặc dịch vụ trong vòng 12 tháng trước ngày trình kế hoạch lựa chọn nhà thầu, trong đó có thể điều chỉnh kết quả này theo các thay đổi về khối lượng mua sắm hoặc giá thị trường của hàng hóa hay dịch vụ cần mua sắm; Thứ ba, thu thập báo giá của nhà thầu; Thứ tư, kết quả thẩm định giá; Thứ năm, giá kê khai, niêm yết của nhà sản xuất.

Công Dương ( T/h)

Link nội dung: https://phaply.net.vn/de-xuat-moi-ve-uu-dai-trong-lua-chon-nha-thau-va-7-hanh-vi-se-bi-cam-trong-dau-tu-kinh-doanh-von-nha-nuoc-a257336.html