Nghiên cứu hoàn thiện quy định pháp luật tố tụng hình sự, nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm trên không gian mạng

(Pháp lý) - Tội phạm sử dụng công nghệ cao trên môi trường không gian mạng có xu hướng tăng nhanh về số lượng, mức độ nguy hiểm và hậu quả thiệt hại. Do đó, cần đặt ra yêu cầu mới với công tác đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này, trong đó cần sớm nghiên cứu hoàn thiện các qui định pháp luật tố tụng hình sự tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động điều tra, thu thập, chứng cứ chứng minh tội phạm, đặc biệt là các chứng cứ điện tử…

1-1692245878.jpg

Cần sớm nghiên cứu hoàn thiện các qui định pháp luật tố tụng hình sự tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động điều tra, thu thập, chứng cứ chứng minh tội phạm, đặc biệt là các chứng cứ điện tử…

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, tội phạm sử dụng công nghệ cao trên môi trường không gian mạng có xu hướng tăng nhanh về số lượng, phương thức, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, nguy hiểm hơn. Theo thống kê của Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, đơn vị đã đấu tranh, triệt phá, phối hợp cơ quan các cấp  khởi tố 38 vụ án với gần 180 bị can.

Nổi lên là tội phạm đánh bạc, tổ chức đánh bạc, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, hoạt động kinh doanh đa cấp trái phép trên không gian mạng... Bên cạnh đó, các đối tượng còn lợi dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi phạm tội khác như: tấn công mạng nhằm vào hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, hệ thống thông tin của các ngành tài chính, ngân hàng, điện lực, dầu khí... để chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước, bí mật kinh doanh, dữ liệu khách hàng...

Điều đáng nói là, không như các loại tội phạm truyền thống, hành vi của tội phạm này được thực hiện trong môi trường vật lý đơn thuần, thì hành vi của tội phạm mạng được thực hiện trên môi trường không gian mạng. Điều này gây không ít khó khăn, thách thức đối với các cơ quan chức năng trong công tác điều tra, xử lý đối với loại tội phạm này.

Quy định pháp luật tố tụng hiện hành

Để đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 đã có nhiều quy định nhằm tạo hành lang pháp lý cho các cơ quan chức năng trong công tác tố tụng, điều tra xử lý đối với loại tội phạm mạng.

Cụ thể, Bộ luật Tố tung Hình sự 2015 đã bổ sung dữ liệu điện tử là một nguồn chứng cứ và có giá trị như các nguồn chứng cứ khác trong quy định tại Điều 87 để làm cơ sở xác định hành vi phạm tội và xử lý tội phạm; đây là lần đầu tiên Bộ luật Tố tụng hình sự công nhận loại nguồn chứng cứ này.

Điều 99 của Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định, dữ liệu điện tử là ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử; dữ liệu điện tử được thu thập từ phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông, trên đường truyền và các nguồn điện tử khác; giá trị chứng cứ của dữ liệu điện tử được xác định căn cứ vào cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi dữ liệu điện tử; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của dữ liệu điện tử; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác.

Ngoài ra, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cũng quy định cách thức thu thập dữ liệu điện tử, phương tiện điện tử thông qua các biện pháp, hoạt động như: Khám nghiệm hiện trường (Điều 201); khám xét (chương XIII); yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp (khoản 1, Điều 88); các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt (Điều 223, Điều 224) và trưng cầu giám định để phục hồi, tìm kiếm, giám định dữ liệu điện tử (khoản 3 Điều 107, các Điều 206, 207)…

Đây là những quy định có ý nghĩa quan trọng trong điều tra, khám phá tội phạm, đặc biệt là khi tội phạm lợi dụng công nghệ cao, mạng viễn thông, mạng internet...

Một số hạn chế, khuyết thiếu của pháp luật tố tụng

Nghiên cứu các quy định liên quan đến hoạt động điều tra, thu thập, chứng cứ chứng minh tội phạm trên không gian mạng cho thấy, mặc dù các quy định liên quan đến công tác này về cơ bản đã được ban hành. Tuy nhiên, còn tồn tại một số hạn chế, bất cập, khuyết thiếu, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu hoàn thiện nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm trên môi trường mạng.

Điển hình như, theo quy định tại Điều 201 BLTTHS 2015, việc khám nghiệm hiện trường tiến hành tại nơi xảy ra, nơi phát hiện tội phạm để phát hiện dấu vết của tội phạm, thu giữ vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử khác liên quan và làm sáng tỏ những tình tiết có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án…

Tuy nhiên, như chúng tôi đã nêu ra ở trên, khác với tôi phạm truyền thống, đối với tội phạm trên môi trường không gian mạng, chúng sử dụng các thiết bị kỹ thuật số, mạng máy tính và chương trình phần mềm để làm công cụ thực hiện hành vi phạm tội. Do đó, hiện trường, tài liệu, chứng cứ, dấu vết tội phạm này… đều mang tính đặc thù, nó không tồn tại như dạng vật chất cụ thể bên ngoài, mà tồn tại trong các thiết bị kỹ thuật số, máy tính, mạng máy tính. Hiện trường, tài liệu, chứng cứ, dấu vết loại tội phạm này đặc thù như vậy, song chúng ta lại thiếu các quy định đặc thù điều chỉnh công tác khám nghiệm hiện trường, thu thập chứng cứ, dấu vết, tài liệu trên môi trường kỹ thuật số, trên không gian mạng.

2-1692245888.jpg

Chứng cứ, dấu vết của tội phạm trên không gian mạng đều mang tính đặc thù, nó không tồn tại như dạng vật chất cụ thể bên ngoài. Do đó, công tác điều tra, thu thập chứng cứ đối với tội phạm này cũng cần có các qui định, biện pháp đặc biệt

Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 cũng đã có những quy định đặc thù về thu thập phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử tại Điều 107 Bộ luật Tố tung Hình sự 2015. Theo đó, phương tiện điện tử phải được thu giữ kịp thời, đầy đủ, mô tả đúng thực trạng và niêm phong ngay sau khi thu giữ. Việc niêm phong, mở niêm phong được tiến hành theo quy định của pháp luật. Trường hợp không thể thu giữ phương tiện lưu trữ dữ liệu điện tử thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng sao lưu dữ liệu điện tử đó vào phương tiện điện tử và bảo quản như đối với vật chứng, đồng thời yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan lưu trữ, bảo toàn nguyên vẹn dữ liệu điện tử mà cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã sao lưu và cơ quan, tổ chức, cá nhân này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Khi thu thập, chặn thu, sao lưu dữ liệu điện tử từ phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc trên đường truyền, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiến hành phải lập biên bản và đưa vào hồ sơ vụ án…

Tuy nhiên việc kiểm tra, đánh giá, bảo quản, niêm phong.... đối với chứng cứ điện tử được thực hiện theo quy định chung hiện hành, trong khi chứng cứ điện tử có những đặc điểm khác biệt với các chứng cứ truyền thống cần phải có những quy định chặt chẽ của pháp luật về việc kiểm tra, đánh giá, bảo quản, niêm phong nhằm bảo vệ tính toàn vẹn của dữ liệu, giữ nguyên giá trị chứng cứ của dữ liệu.

Ngoài ra, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, dữ liệu điện tử còn được thu thập thông qua hoạt động trưng cầu giám định (Điều 206, Điều 207 của Bộ luật). Theo đó, trưng cầu giám định về dữ liệu điện tử là một biện pháp thu thập dữ liệu điện tử quan trọng, góp phần xác lập chứng cứ từ kết luận giám định về dữ liệu điện tử, phương tiện điện tử trong điều tra vụ án có đối tượng sử dụng công nghệ thông tin, không gian mạng thực hiện hành vi phạm tội.

Tuy nhiên, trong quy định về các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định (Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự) không có trường hợp về dữ liệu điện tử. Theo đó, trưng cầu giám định về dữ liệu điện tử thuộc trường hợp cơ quan điều tra “xét thấy cần thiết”, điều này có thể dẫn đến tùy nghi trong áp dụng biện pháp trưng cầu giám định.

Một điểm nữa là, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cũng như các văn bản pháp luật khác cho đến nay chưa có quy định cụ thể về hoạt động phục hồi dữ liệu điện tử, dữ liệu điện tử sau khi được phục hồi có được coi là nguồn chứng cứ hay không? Thực tế công tác điều tra tội phạm liên quan đến công nghệ thông tin cho thấy, nhiều đối tượng đã tẩy xóa, sửa chữa, tiêu hủy dữ liệu điện tử liên quan đến hành vi phạm tội ngay trước khi bị bắt giữ. Để xác định rõ hành vi phạm tội của đối tượng, cơ quan chức năng bắt buộc phải phục hồi lại những dữ liệu điện tử này. Do chưa có quy định cụ thể về hoạt động phục hồi dữ liệu điện tử nên việc khai thác, sử dụng các dữ liệu điện tử sau khi phục hồi làm tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của tội phạm còn nhiều bất cập…

Kiến nghị

Có thể thấy, đối với tội phạm trên không gian mạng, hành vi phạm tội không đơn thuần được thực hiện trong môi trường vật lý như các loại tội phạm truyền thống mà chúng chủ yếu thực hiện trên môi trường không gian mạng, các đối tượng tội phạm sử dụng các thiết bị kỹ thuật số, mạng máy tính và chương trình phần mềm để làm công cụ thực hiện hành vi phạm tội. Điều này gây không ít khó khăn, thách thức đối với các cơ quan chức năng trong công tác điều tra, xử lý đối với loại tội phạm này, đặc biệt công tác khám xét, khám nghiệm hiện trường, thu thập, chứng cứ phạm tội…

Từ những phân tích, nghiên cứu trên chúng tôi cho rằng, để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm trên không gian mạng trong thời gian tới các cơ quan chức năng cần phải sớm nghiên cứu hoàn thiện các quy định pháp luật như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật An ninh mạng, Luật Công nghệ thông tin, Luật Giao dịch điện tử và nhiều văn bản pháp luật khác. Trong đó đặc biệt hoàn thiện các quy định tố tụng hình sự liên quan đến công tác điều tra, xử lý đối với loại tội phạm trên môi trường không gian mạng.

Cần sớm bổ sung, quy định cụ thể về công tác khám nghiệm hiện trường kỹ thuật số, điện tử trong BLTTHS. Bởi, với đặc thù của loại tội phạm trên môi trường không gian mạng, hiện trường, tài liệu, chứng cứ, dấu vết tội phạm… đều mang tính đặc thù của loại tội phạm này, nó không tồn tại như dạng vật chất cụ thể bên ngoài, mà nó tồn tại trong các thiết bị kỹ thuật số, máy tính, mạng máy tính, đòi hỏi phải có những quy định đặc thù liên quan đến hoạt động khám nghiệm hiện trường trên môi trường kỹ thuật số, trên không gian mạng.

Bên cạnh đó cần bổ sung những quy định rõ ràng, cụ thể về việc kiểm tra, đánh giá, bảo quản, niêm phong nhằm bảo vệ tính toàn vẹn của dữ liệu, giữ nguyên giá trị chứng cứ của dữ liệu.

Ngoài ra, các cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện thu thập, bảo quản, sử dụng dữ liệu điện tử. Quy định rõ về trường hợp cụ thể bắt buộc trưng cầu giám định đối với dữ liệu điện tử, nhất là trường hợp phương tiện điện tử được dùng để khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi dữ liệu điện tử bị đối tượng phạm tội cố tình tác động tiêu hủy hoặc không hợp tác trong tìm kiếm, phục hồi, phát hiện, sao lưu, phân tích dữ liệu điện tử.

Mặt khác, tội phạm mạng là loại tội phạm phi truyền thống, hành vi phạm tội, tài liệu, chứng cứ, dấu vết tội phạm… tồn tại trên không gian mạng, sự tồn tại đó có thể vượt ra khỏi phạm vi của một quốc gia. Do vậy, cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh với loại tội phạm này.

Đinh Chiến – Thái Dương

Link nội dung: https://phaply.net.vn/nghien-cuu-hoan-thien-quy-dinh-phap-luat-to-tung-hinh-su-de-nang-cao-hieu-qua-phong-chong-toi-pham-tren-khong-gian-mang-a257273.html