Hoàn thiện hành lang pháp lý để thị trường kinh doanh bảo hiểm phát triển minh bạch, bảo vệ quyền lợi của các bên

(Pháp lý) – Sau khi có kết luận thanh tra chỉ ra một số sai phạm tại 4 DN bảo hiểm, Bộ Tài chính tiếp tục có kế hoạch thanh tra chuyên đề tại 10 doanh nghiệp bảo hiểm khác. Nghiên cứu bước đầu của chúng tôi nhận thấy qui định pháp luật hiện hành có khá nhiều kẽ hở, khuyết thiếu. Việc nhận diện những kẽ hở để từ đó có giải pháp khắc phục, nhằm thúc đẩy thị trường kinh doanh bảo hiểm phát triển minh bạch, bảo vệ cả bên bán và bên mua là cần thiết.

1-1689671102.png

Vi phạm nguyên tắc trung thực, nhưng lại không rơi vào trường hợp quy định hợp đồng vô hiệu

Theo kết luận thanh tra của Bộ Tài chính, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tỷ lệ huỷ HĐBH nhân thọ sau năm đầu tiên của khách hàng lên tới hơn 70% của 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ (gồm: Prudential, MB Ageas, BIDV Metlife và Sunlife) là do việc triển khai bán bảo hiểm qua kênh đại lý là các ngân hàng có nhiều sai phạm, đặc biệt là khâu tư vấn của nhân viên ngân hàng, nhân viên môi giới không đầy đủ về sản phẩm bảo hiểm, dẫn đến khách hàng không hiểu rõ về sản phẩm bảo hiểm…

Có thể thấy, những hành vi vi phạm nói trên đã phạm vào các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự bắt buộc phải tuân thủ khi giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm (HĐBH), đặc biệt là nguyên tắc các bên phải cùng nhau hợp tác, thiện chí, trung thực khi xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự (theo quy định tại Điều 16 Luật KDBH 2022 và khoản 3 Điều 3 Bộ luật Dân sự 2015). Được hiểu là trong quá trình xác lập, thực hiện quan hệ dân sự, các bên không được lừa dối mà phải giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho nhau thực hiện quyền và nghĩa vụ dân sự, không bên nào được lừa dối bên nào, nếu vi phạm phải nhận lỗi và bồi thường nếu có thiệt hại. Tại khoản 1 Điều 16 Luật KDBH còn đề cao nguyên tắc trung thực tuyệt đối: “Các bên tham gia HĐBH phải cung cấp thông tin, thực hiện các quyền và nghĩa vụ một cách trung thực nhất, trên cơ sở tin tưởng tuyệt đối lẫn nhau trong quá trình giao kết và thực hiện HĐBH”…

Tuy nhiên, theo phân tích của Luật sư Lê Hoài Sơn – Trưởng VP Luật sư Trung Sơn (Đoàn Luật sư tỉnh Bình Định) thì những hành vi vi phạm đó lại không rơi vào các trường hợp quy định làm vô hiệu hợp đồng theo quy định tại Điều 407 Bộ luật Dân sự 2015 và Điều 25 Luật KDBH 2022. Do đó không có căn cứ để người mua bảo hiểm yêu cầu Trọng tài hoặc Tòa án tuyên bố vô hiệu hợp đồng để nhận lại khoản tiền đã nộp năm thứ nhất.

Kẽ hở pháp lý khi để Bên bán chọn hủy bỏ HĐBH thay vì phải chọn đơn phương chấm dứt HĐBH

Luật sư Sơn phân tích: Theo quy định tại điểm c, khoản 1 Điều 20 Luật KDBH, doanh nghiệp bảo hiểm nói chung chỉ được quyền hủy bỏ HĐBH khi phạm vào quy định tại khoản 2 Điều 22 Luật KDBH. Đó là  trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có căn cứ xác định bên mua bảo hiểm cố ý cung cấp không đầy đủ thông tin hoặc cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết HĐBH để được bồi thường, trả tiền bảo hiểm. Trong khi đó tại khoản 1 Điều 26 Luật KDBH quy định, trường hợp khách hàng vi phạm nghĩa vụ không đóng phí bảo hiểm hoặc không đóng đủ phí bảo hiểm theo thời hạn thỏa thuận hoặc sau thời gian gia hạn đóng phí, thì doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có quyền đơn phương chấm dứt HĐBH. Như vậy nếu khách hàng bỏ ngang năm đầu không tiếp tục đóng phí bảo hiểm theo thỏa thuận tại HĐBH, thì doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện quyền đơn phương chấm dứt HĐBH chứ không phải quyền hủy bỏ HĐBH.

2-1689671109.jpg

Luật sư Lê Hoài Sơn cho rằng Bên bán chọn hủy bỏ HĐBH là né tránh trách nhiệm giải quyết hậu quả pháp lý (Ảnh minh họa)

Việc các doanh nghiệp bảo hiểm lựa chọn quyền hủy bỏ HĐBH thay thế cho quyền đơn phương chấm dứt HĐBH sẽ hạn chế nghĩa vụ giải quyết hậu quả pháp lý. Bởi theo quy định tại khoản 2 Điều 22 Luật KDBH, nếu lựa chọn quyền hủy bỏ HĐBH, bên bán không phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm cho bên mua, ngoài trách nhiệm hoàn lại phí bảo hiểm cho bên mua. Song việc hoàn lại phí này được quyền trừ đi các chi phí hợp lý và được yêu cầu bên mua phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho doanh nghiệp bảo hiểm. Mà chi phí hợp lý và các thiệt hại phát sinh thì bên bán không khó để hợp thức hóa chứng từ. “Trong khi đó nếu lựa chọn quyền đơn phương chấm dứt HĐBH, theo quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 27 Luật KDBH, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phải có trách nhiệm trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm xảy ra trước thời điểm đơn phương chấm dứt thực hiện HĐBH và chỉ có quyền khấu trừ phí bảo hiểm đến thời điểm đơn phương chấm dứt thực hiện HĐBH”, Luật sư Sơn cho biết.

Khó xác định hành vi ép khách hàng

Ngoài các hành vi vi phạm của các doanh nghiệp bảo hiểm (theo kết luận của thanh tra Bộ Tài chính), dư luận còn bức xúc trước việc nhân viên của một số ngân hàng giới thiệu, chào mời, ép buộc khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm liên kết đầu tư khi tới gửi tiền hoặc vay vốn tại các ngân hàng. Nhưng làm cách nào để xác định hành vi ép buộc, khi mà người vay đang rất cần được vay vốn và việc ép buộc này không phải bằng lời nói mà có thể đó là động tác “ngâm” hồ sơ vay không bằng chứng. Ngay cả văn bản của Bộ Tài chính gửi các cơ quan báo chí xác nhận về việc đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát hoạt động thị trường bảo hiểm (hồi tháng 2/2023), cũng chỉ nêu hành vi nhân viên ngân hàng ép khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn là hiện tượng để cảnh báo…

Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, hành vi ép buộc khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm liên kết đầu tư khi tới gửi tiền hoặc vay vốn tại các ngân hàng là vi phạm nguyên tắc “tự nguyện” được quy định tại các văn bản pháp luật về kinh doanh bảo hiểm. Trong trường hợp này, nếu có căn cứ xác định, thì HĐBH sẽ bị vô hiệu, theo đó sẽ được xử lý hậu quả theo quy định tại khoản 9 Điều 25 Luật KDBH. Khi đó doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài và bên mua bảo hiểm hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường. Việc xác định mức bồi thường sẽ căn cứ vào thiệt hại vật chất thực tế xác định được như: tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút; khoản lợi ích mà lẽ ra bên có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại được hưởng do hợp đồng mang lại…

Tuy nhiên trên thực tế rất khó có căn cứ để xác định nhân viên ngân hàng ép khách hàng mua bảo hiểm nên không thể xem xét dưới góc độ vô hiệu HĐBH.

3-1689671108.jpg

Rất khó để xác định hành vi ép khách hàng mua BH

Qui định và chế tài xử phạt vừa yếu, vừa thiếu

Đến thời điểm này chế tài xử phạt được cho là có sức răn đe nhất liên quan đến các hành vi vi phạm của các doanh nghiệp bảo hiểm vừa được Bộ Tài chính kết luận, đó là quy định tại khoản 2, Điều 17, Nghị định số 98/2013/NĐ-CP của Chính phủ định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, được sửa đổi bởi khoản 7, Điều 1, Nghị định 48/2018/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về triển khai BHNT và bảo hiểm sức khỏe.

Cụ thể là: Không cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến HĐBH, không giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm khi giao kết HĐBH; không thực hiện thông báo cho bên mua bảo hiểm về tình trạng HĐBH theo quy định của pháp luật; ép buộc giao kết HĐBH bổ trợ kèm theo HĐBH chính; ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức… Mức phạt tiền từ 40.000.000 - 50.000.000 đồng/ hành vi và tùy theo mức độ vi phạm.

Tại khoản 2, Điều 2, Nghị định 80/2019/NĐ-CP (sửa đổi điểm b, khoản 1, Điều 3, Nghị định số 98/2013/NĐ-CP) của Chính phủ đã điều chỉnh cho phép áp dụng mức phạt tiền đối với cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm tối đa là 100.000.000 đồng, đối với tổ chức tối đa là 200.000.000 đồng.

Ngoài hình thức phạt tiền, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động từ 02 tháng đến 03 tháng một phần nội dung, phạm vi liên quan trực tiếp đến hành vi vi phạm hành chính trong Giấy phép thành lập.

Trong khi đó nội dung điều chỉnh tại Điều 213 Bộ Luật hình sự 2015 về tội Gian lận kinh doanh bảo hiểm (điều luật duy nhất có liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm), chỉ gói gọn trong 4 hành vi: (i) Thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật; (ii) Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra; (iii) Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm; (iiii) Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm trừ trường hợp luật quy định khác.

Nếu soi chiếu qui định trên với các hành vi vi phạm của 4 doanh nghiệp bảo hiểm mà Bộ Tài chính vừa kết luận thì các DN này hoàn toàn  an toàn vì nằm ngoài phạm vi điều chỉnh.

Kiến nghị

Từ những phân tích trên, chúng tôi nhận thấy qui định pháp luật hiện hành có khá nhiều kẽ hở đang có lợi cho các DN bán bảo hiểm. Vì vậy việc nhận diện những kẽ hở để từ đó có giải pháp khắc phục, nhằm thúc đẩy thị trường kinh doanh bảo hiểm phát triển minh bạch, bảo vệ cả bên bán và bên mua là cần thiết. Trước mắt, theo chúng tôi cần phải sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật sau:

1. Bổ sung hành vi mới phát sinh là điều kiện hủy bỏ hoặc vô hiệu hợp đồng

Trước hết cần phải phải sửa đổi Luật KDBH hiện hành theo hướng bổ sung các hành vi vi phạm của các doanh nghiệp bảo hiểm vừa được Bộ Tài chính công bố cũng là hoặc tương đương với hành vi cố ý không thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm (theo quy định tại khoản 2 Điều 22 và điểm đ, khoản 1 Điều 21 Luật KDBH). Quy về hành vi này, thì không chỉ bên bán bảo hiểm chịu sự chế tài của pháp luật mà bên mua bảo hiểm có quyền được hủy bỏ HĐBH, được hoàn lại phí bảo hiểm đã đóng; doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài còn phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho bên mua bảo hiểm (nếu có). Ngoài ra bên mua bảo hiểm còn có thêm thời gian 21 ngày để cân nhắc quyền từ chối tiếp tục tham gia bảo hiểm (Điều 35 Luật KDBH). Hoặc cũng có thể coi các hành vi vi phạm của các doanh nghiệp bảo hiểm vừa được Bộ Tài chính kết luận là một trong những trường hợp phát sinh làm vô hiệu HĐBH được điều chỉnh tại Điều 25 Luật KDBH 2022, để bên mua bảo hiểm được giải quyết hậu quả pháp lý sau khi hợp đồng bị tuyên vô hiệu.

2. Bít khoảng trống pháp lý về điều chỉnh Hợp đồng bảo hiểm.                                

Từ việc lựa chọn quyền hủy HĐBH thay cho quyền đơn phương chấm dứt HĐBH (cho dù là cố ý hay ngẫu nhiên) của 04 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nhân thọ vừa được Bộ Tài chính công bố cũng cho thấy pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đang bộc lộ một khoảng trống pháp lý về hàng lang pháp lý về điều chỉnh Hợp đồng bảo hiểm.

Để ngăn chặn hành vi này (nếu có), Luật KDBH cần không có sự phân biệt trong điều chỉnh về giải quyết hậu quả pháp lý sau khi HĐBH bị hủy bỏ hay đơn phương chấm dứt. Có nghĩa cho dù thực hiện theo phương thức nào thì bên bán bảo hiểm cũng phải có trách nhiệm trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm xảy ra trước thời điểm đơn phương chấm dứt thực hiện HĐBH; và quyền được trừ đi các chi phí hợp lý và yêu cầu bên mua phải bồi thường thiệt hại phát sinh (trong thực hiện trách nhiệm hoàn lại phí bảo hiểm cho bên mua trong trường hợp hủy bỏ HĐBH) phải được giám sát bỡi một cơ quan độc lập thứ ba. Ngoài ra việc bên nào lựa chọn theo phương thức nào để chấm dứt HĐBH cũng đều phải thông báo cho bên kia biết về việc hủy bỏ hay đơn phương chấm dứt, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

3. Rút gọn quy trình tố tụng tuyên bố hợp đồng bảo hiểm vô hiệu

Theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Luật KDBH 2022, khi HĐBH vô hiệu thì doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài và bên mua bảo hiểm hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường. Trong khi đó theo quy định tại Điều 32 Luật KDBH 2022 (điều khoản duy nhất về phương thức giải quyết tranh chấp HĐBH), tranh chấp về HĐBH được giải quyết thông qua thương lượng giữa các bên. Trường hợp không thương lượng được thì tranh chấp được giải quyết thông qua hòa giải hoặc Trọng tài hoặc Tòa án theo thỏa thuận trong HĐBH và quy định của pháp luật.

Được hiểu là để bên có lỗi gây thiệt hại bồi thường (trong trường hợp không thương lượng được), người mua bảo hiểm phải nộp đơn khởi kiện đến Trọng tài hoặc Tòa án, tức là phải trải qua quy trình tố tụng theo Luật Trọng tài thương mại hoặc theo Luật Tố tụng dân sự rất phức tạp. Đó là chưa kể, chứng cứ mà nguyên đơn tự mình thu thập theo quy định thường rất bất lợi (nhất là chứng cứ chứng minh hành vi ép khách hàng mua bảo hiểm), nên khả năng thắng kiện chỉ là 50/50.

Phân tích như vậy để thấy rằng, hành trình để người mua bảo hiểm yêu cầu bên có lỗi gây thiệt hại bồi thường trong trường hợp HĐBH vô hiệu không hề đơn giản. Vì vậy để khuyến khích người mua bảo hiểm theo đuổi đến cùng khi HĐBH rơi vào trường hợp vô hiệu, quy trình tố tụng do Trọng tài và Tòa án thực hiện cần phải rút gọn và đơn giản hóa, dễ hiểu và dễ vận dụng.

4. Bổ sung chế tài hình sự trong kinh doanh bảo hiểm

Từ bất cập khuyết thiếu trong quy định của pháp luật hình sự như chúng tôi đã phân tích ở trên, để ngăn chặn các hành vi vi phạm của các doanh nghiệp bảo hiểm, đặc biệt là hành vi ép khách hàng mua bảo hiểm khi có nhu cầu vay tiền NH, theo chúng tôi không chỉ gia tăng mức xử phạt VPHC mà cần phải điều chỉnh, bổ sung kịp thời Điều 213 BLHS 2015 – điều khoản quy định về Tội gian lận kinh doanh bảo hiểm, để tạo ra sự răn đe cho xã hội. Theo đó, điều luật này có thể sửa đổi, bổ sung có nội dung: Người nào không tư vấn trực tiếp cho khách hàng hoặc không hướng dẫn đầy đủ thủ tục trong quá trình thực hiện quy trình, thủ tục hồ sơ yêu cầu theo quy định của doanh nghiệp; không đảm bảo chất lượng tư vấn về sản phẩm bảo hiểm, dẫn đến khách hàng không hiểu rõ về sản phẩm bảo hiểm; hoặc có hành vi ép khách hàng mua bảo hiểm để chiếm đoạt tiền bảo hiểm thì tuỳ theo mức độ vi phạm, ngoài hình thức bị phạt tiền còn phải bị phạt cải tạo không giam giữ có thời hạn hoặc phạt tù tối đa đến 7 năm. Đối với pháp nhân thương mại phạm tội, ngoài hình thức phạt tiền tăng gấp đôi, còn bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Minh Trung - Hoài Sơn

Link nội dung: https://phaply.net.vn/hoan-thien-hanh-lang-phap-ly-de-thi-truong-kinh-doanh-bao-hiem-phat-trien-minh-bach-bao-ve-duoc-quyen-loi-cua-cac-ben-a257169.html