Từ các vụ thao túng thị trường chứng khoán: Kiến nghị hoàn thiện pháp luật điều chỉnh giao dịch chứng khoán trực tuyến

(Pháp lý) - Nghiên cứu các vụ án, vụ việc thao túng thị trường chứng khoán cho thấy, thủ đoạn chính mà các đối tượng thường sử dụng là dùng nhiều tài khoản để liên tục thực hiện giao dịch mua bán; mua, bán khối lượng lớn nhằm tạo cung cầu giả mạo. Do đó, các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần sớm hoàn thiện quy định pháp luật điều chỉnh giao dịch chứng khoán trực tuyến đảm bảo tuân thủ quy định Luật Giao dịch điện tử mới vừa được Quốc hội sửa đổi.

Hoàn thiện pháp luật để chủ động phòng ngừa hành vi thao túng

Nhận diện thủ đoạn chính trong các vụ thao túng thị trường chứng khoán

Thời gian gần đây, vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán Việt Nam diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp. Đáng chú ý, cơ quan chức năng liên tục phát hiện và xử lý được nhiều vụ án liên quan đến hành vi thao túng thị trường.

Điển hình như mới đây nhất, ngày 28/6, Công an TP Hà Nội ra quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với 5 bị can về tội “Thao túng thị trường chứng”, xảy ra tại 3 doanh nghiệp: CTCP chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (APS), CTCP Đầu tư Châu Á Thái Bình Dương (API) và CTCP đầu tư IDJ Việt Nam (IDJ), thường được biết đến là “họ APEC”, liên quan tới hệ sinh thái APEC Group. Trong đó có ông Nguyễn Đỗ Lăng, Tổng Giám đốc CTCP chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (APS); bà Huỳnh Thị Mai Dung (vợ ông Lăng) và ông Phạm Duy Hưng, Chủ tịch APS.

Trước đó, vào ngày 9/12/2022, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Phạm Thanh Tùng, Chủ tịch CTCP Chứng khoán Trí Việt - TVSC (TVB), về tội thao túng thị trường chứng khoán căn cứ theo ngày 20/4.

Tháng 4/2022, Bộ Công an đã Quyết định khởi tố vụ án xảy ra tại CTCP Louis Holdings, CTCP Louis Capital (TGG), CTCP Louis Land (BII), CTCP Chứng khoán Trí Việt (TVB), đồng thời khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với: ông Đỗ Thành Nhân (Chủ tịch Louis Holdings), ông Đỗ Đức Nam (TGĐ Chứng khoán Trí Việt)… tiếp đó, vào ngày 9/12/2022, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Phạm Thanh Tùng, Chủ tịch CTCP Chứng khoán Trí Việt - TVSC (TVB). Các bị can đều bị khởi tố về tội thao túng thị trường chứng khoán, cụ thể các bị can đã thao túng giá cổ phiếu TGG, BII và các mã chứng khoán khác.

https://static-images.vnncdn.net/files/publish/2023/6/28/thao-tung-chung-khoang-1463.jpg

Các bị can bị khởi tố vì thao túng chứng khoán (từ trái qua phải: Nguyễn Đỗ Lăng, bị can trong vụ thao túng chứng khoán xảy ra tại APEC Group; Đỗ Thành Nhân và  Phạm Thanh Tùng bị can trong vụ thao túng chứng khoán xảy ra tại Louis Holdings)

Một vụ án khác không thể không kể đến đó là vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán” liên quan đến Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC). Theo đó, Ngày 25/8/2022, Bộ Công an đã khởi tố Trịnh Văn Quyết và các cá nhân có liên quan về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại CTCP Xây dựng FLC Faros và các công ty có liên quan.

Ngày 29/3/2022, Bộ Công an thông tin về việc quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với ông Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC) để điều tra hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán”. Mới đây nhất, ngày 23/6, Bộ Công an khởi tố thêm 15 bị can giúp sức Trịnh Văn Quyết “Thao túng thị trường chứng khoán” xảy ra tại CTCP Chứng khoán BOS, Tập đoàn FLC và các công ty liên quan…

Đáng nói, thời gian qua, cơ quan chức năng không chỉ phát hiện và xử lý các vụ án thao túng thị trường chứng khoán nói trên mà còn rất nhiều những vụ việc khác tuy nhiên, do chưa đến mức xử lý hình sự nên các đối tượng chỉ bị xử phạt hành chính.

Điển hình như, đầu tháng 6/2023, UBCK ban hành quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân bà Lê Thị Hải Bình (Hà Nội) với tổng số tiền 1,5 tỷ đồng và cấm giao dịch 2 năm do có hành vi vi phạm thao túng thị trường chứng khoán.

Hay, tháng 11/2022, UBCK cũng đã xử phạt bà Vũ Thị Ngọc Ánh (Thái Nguyên) 550 triệu đồng do đã sử dụng 20 tài khoản để liên tục thực hiện giao dịch mua, bán cổ phiếu của CTCP Tập đoàn Khách sạn Đông Á (DAH), tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu DAH.

Gần đây, ngày 13/4, UBCK xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Đoàn Bá Hồng (Hải Dương) cũng bị phạt 550 triệu đồng do đã sử dụng 24 tài khoản để giao dịch tạo cung, cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu CTCP Xây dựng 1369 (C69)…

Khoản 3 Điều 12 Luật Chứng khoán và khoản 2 Điều 3 Nghị định 156/2020/NĐ-CP quy định một số hành vi thao túng thị trường chứng khoán gồm:

Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo; Đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua, bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá chứng khoán, cung cầu giả tạo. Liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường; Giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh mua, bán chứng khoán gây ảnh hưởng lớn đến cung cầu và giá chứng khoán, thao túng giá chứng khoán…

Theo dõi và nghiên cứu các vụ án, vụ việc thao túng thị trường chứng khoán nói trên, chúng tôi nhận thấy điểm chung trong các vụ án là các đối tượng thường sử dụng nhiều tài khoản, liên tục thực hiện giao dịch mua bán; mua, bán khối lượng lớn nhằm tạo cung cầu giả mạo, đẩy giá cổ phiếu lên cao nhiều lần so với giá trị thực để tạo ra “bẫy thao túng cổ phiếu”, thu hút nhà đầu tư ưa mạo hiểm, thích lướt sóng thiếu kinh nghiệm đầu tư .

Cụ thể, trong vụ thao túng chứng khoán xảy ra tại Louis Holdings, bị cáo Đỗ Thành Nhân và Đỗ Đức Nam chỉ đạo cấp dưới sử dụng 17 tài khoản chứng khoán liên tục thực hiện giao dịch đặt lệnh, khớp lệnh mua, bán cổ phiếu mã BII và TGG để tạo ra cung, cầu giả tạo. Trong khi đó, vụ FLC, kết quả điều tra ban đầu, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo các đối tượng sử dụng 450 tài khoản tại 41 công ty chứng khoán để thực hiện các hành vi thao túng giá cổ phiếu nhằm tạo ra cung cầu giả với 6 mã chứng khoán FLC.

Còn trong các vụ việc thao túng thị trường mà UBCK xử lý cũng cho thấy các đối tượng sử dụng hàng chục tài khoản để thực hiện hành vi vi phạm. Cụ thể, ở vụ bà Lê Thị Hải Bình, đã sử dụng 46 tài khoản bao gồm 1 tài khoản của mình và 45 tài khoản của 34 nhà đầu tư để liên tục mua, bán cổ phiếu CTCP Chứng khoán APG (APG) nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo, thao túng giá cổ phiếu APG; vụ bà Vũ Thị Ngọc Ánh (Thái Nguyên) đã sử dụng 20 tài khoản để liên tục thực hiện giao dịch mua, bán cổ phiếu của CTCP Tập đoàn Khách sạn Đông Á (DAH), tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu DAH; vụ ông Đoàn Bá Hồng (Hải Dương) cũng đã sử dụng 24 tài khoản để giao dịch tạo cung, cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu CTCP Xây dựng 1369 (C69)…

Những khoảng trống pháp luật trong phòng ngừa tội phạm chứng khoán

1. Đầu tiên phải kể đến đó chính là kẽ hở trong quy định về thiết lập và quản lý tài khoản giao dịch. Cụ thể, nhà đầu tư muốn tham gia giao dịch trái phiếu trên thị trường chứng khoán phải mở tài khoản giao dịch chứng khoán tại công ty chứng khoán là thành viên giao dịch để thực hiện giao dịch chứng khoán và phải chịu trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin nhận biết khách hàng khi mở tài khoản giao dịch chứng khoán và tuân thủ các quy định theo quy định tại Điều 6, Thông tư 120/2020/TT-BTC quy định giao dịch cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch và chứng chỉ quỹ, trái phiếu doanh nghiệp, chứng quyền có bảo đảm niêm yết trên hệ thống giao dịch chứng khoán.

Theo đó, nhà đầu tư được mở nhiều tài khoản giao dịch chứng khoán theo nguyên tắc tại mỗi công ty chứng khoán nhà đầu tư chỉ được mở 01 tài khoản giao dịch chứng khoán, ngoại trừ các trường hợp: Công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán; Chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam; Công ty chứng khoán; Tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài; Doanh nghiệp bảo hiểm được mở từ 02 tài khoản giao dịch chứng khoán tại mỗi công ty chứng khoán theo quy định cụ thể tại các khoản (4), (5), (6), (7), (8), Điều 9, Điều 10 và Điều 11 Thông tư 120/2020/TT-BTC.

Đồng thời, theo quy định tại Điều 15, Nghị định 121/2020/TT-BTC quy định về hoạt động của công ty chứng khoán, khi mở tài khoản cho nhà đầu tư, công ty chứng khoán phải ký hợp đồng mở tài khoản với khách hàng, hợp đồng mở tài khoản phải đáp ứng các quy định hiện hành và có các nội dung tối thiểu theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư 121/2020/TT-BTC.

Công ty chứng khoán có nghĩa vụ giải thích nội dung hợp đồng mở tài khoản giao dịch và các thủ tục có liên quan khi thực hiện giao dịch chứng khoán cho khách hàng, tìm hiểu khả năng tài chính, khả năng chịu đựng rủi ro và kỳ vọng lợi nhuận thu được của khách hàng. Hợp đồng mở tài khoản giao dịch chứng khoán quy định tại Khoản 1 Điều này không được chứa đựng những thoả thuận sau: Thoả thuận nhằm trốn tránh nghĩa vụ pháp lý công ty chứng khoán mà không có lý do chính đáng; Thoả thuận hạn chế phạm vi bồi thường của công ty chứng khoán mà không có lý do chính đáng hoặc chuyển rủi ro từ công ty chứng khoán sang khách hàng; Thoả thuận buộc khách hàng thực hiện nghĩa vụ bồi thường một cách không công bằng; Các thoả thuận gây bất lợi một cách không công bằng cho khách hàng...

Tồn tại kẽ hở trong quy định về thiết lập và quản lý tài khoản giao dịch chứng khoán.

Với những quy định nêu trên về việc mở tài khoản giao dịch chứng khoán, theo nhận định của chúng tôi, việc mở tài khoản chứng khoán hiện nay rất dễ dàng, dường như không có điều kiện đặc thù nào. Ngoài ra với quy định, nhà đầu tư được mở nhiều tài khoản giao dịch chứng khoán theo nguyên tắc tại mỗi công ty chứng khoán nhà đầu tư chỉ được mở 01 tài khoản giao dịch chứng khoán, trong khi  tại Việt Nam, có hơn 70 công ty chứng khoán đang hoạt động.  Điều này đồng nghĩa với 1 cá nhân có thể mở trên 70 tài khoản giao dịch chứng khoán để tham gia vào thị trường chứng khoán và cũng không loại trừ trường hợp các đối tượng sử dụng những tài khoản mở tại các công ty chứng khoán khác nhau để thao túng chứng khoán.

Bên cạnh đó, cơ chế kiểm soát việc lập tài khoản giao dịch chứng khoán, đặc biệt là cơ chế kiểm tra giám sát hoạt động này của các công ty chứng khoán hiện nay cũng chưa thực sự chặt chẽ. Điều này tạo nên kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng thuê, nhờ người khác mở tài khoản để sử dụng các tài khoản này để mua, bán tạo cung cầu giả, đẩy giá lên cao để thu lợi bất hợp pháp.

Thực tế các vụ án, vụ việc thao thao túng thị trường chứng khoán bị phát hiện và xử lý thời gian qua đã minh chứng cho điều này. Điển hình như, trong vụ FLC, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế mượn chứng minh nhân dân của 26 cá nhân lập 20 doanh nghiệp, mở 450 tài khoản tại 41 công ty chứng khoán để thực hiện các hành vi thao túng giá cổ phiếu. Trong vụ thao túng chứng khoán xảy ra tại Louis Holdings, Đỗ Thành Nhân đã chỉ đạo nhân viên và một số người thân mở 17 tài khoản chứng khoán, trong đó 16 tài khoản được mở tại Công ty Chứng khoán Trí Việt…

2. Hiện nay, bên cạnh việc thực hiện đặt lệnh giao dịch trực tiếp tại quầy giao dịch của công ty chứng khoán, nhà đầu tư còn có thể thực hiện  khi giao dịch mua, bán cổ phiếu, nhà đầu tư có thể thực hiện lệnh giao dịch thông trực tuyến qua điện thoại, fax, internet và các đường truyền khác. Theo quy định tại Thông tư 73/2020/TT-BTC  phải thực hiện xác thực mỗi khi giao dịch chứng khoán trực tuyến. Cụ thể, khi đặt lệnh qua điện thoại, nhà đầu tư phải sử dụng số điện thoại đặt lệnh và phải cung cấp thông tin để xác thực hai yếu tố theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 8 Thông tư 134/2017; Giao dịch chỉ được thực hiện khi thông tin nhà đầu tư cung cấp trùng khớp với thông tin nhà đầu tư đã đăng ký và lưu trong hệ thống giao dịch chứng khoán trực tuyến.

Nhà đầu tư được lựa chọn giải pháp xác thực do tổ chức cung cấp dịch vụ giao dịch chứng khoán trực tuyến cung cấp khi đăng ký sử dụng dịch vụ giao dịch chứng khoán trực tuyến và được đăng ký lại giải pháp xác thực khi có nhu cầu…

Mặc dù quy định như vậy song việc xác thực, định danh khi thực hiện nhận lệnh giao dịch trong thực tế vẫn chưa thực sự chặt chẽ dẫn đến việc các đối tượng dễ dàng sử dụng tài khoản giao dịch của người khác để thực hiện hành vi thao túng. Điển hình như bà Lê Thị Hải Bình đã sử dụng 46 tài khoản bao gồm 1 tài khoản của mình và 45 tài khoản của 34 nhà đầu tư để liên tục mua, bán cổ phiếu CTCP Chứng khoán APG (APG) nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo, thao túng giá cổ phiếu APG…

3. Hiện nay thực tế, trên thị trường có rất nhiều lời mời chào từ các môi giới, nhóm môi giới, nhóm cá nhân tới các nhà đầu tư về dịch vụ uỷ thác đầu tư chứng khoán. Tuy nhiên, các quy định về ủy thác đầu tư có thể là khái niệm còn khá mới trong hệ thống pháp luật tại Việt Nam. Chính sự lỏng lẻo về tính pháp lý trong hoạt động nhận uỷ thác đầu tư giữa các cá nhân/nhóm cá nhân là khoảng trống để một số đối tượng lợi dụng lách luật giao tiền, giao tài khoản giao dịch cho 1 hoặc một nhóm người toàn quyền sử dụng để thao túng.

Bên cạnh đó, việc thiếu kiểm soát hoạt động của các mạng xã hội, để các đối tượng lợi dụng thành lập các hội, nhóm kín để hô hào, kích động, lôi kéo nhà đầu tư; để điều khiển và thao túng thị trường, thu lợi bất chính cho cá nhân và gây thiệt hại cho các nhà đầu tư bị lôi kéo và thiếu thông tin.

Kiến nghị hoàn thiện pháp luật phòng ngừa thao túng chứng khoán

Hành vi thao túng thị trường chứng khoán sẽ không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến tính bền vững, công khai, minh bạch, an toàn của thị trường chứng khoán mà nó còn gây thiệt hại nặng nề cho các nhà đầu tư, làm cản trở việc xác định giá trị doanh nghiệp, nhiễu loạn các phân tích về khoản đầu tư của các nhà đầu tư.

Từ thực tế nghiên cứu các vụ án, vụ việc thao túng thị trường chứng khoán, TCPL đã có nhiều bài viết phân tích nhận nhiện những chiêu thức thủ đoạn thao túng thị trường chứng khoán; nhận diện những bất cập pháp luật liên quan đến việc ngăn chặn, xử lý tội thao túng thị trường chứng khoán… Qua đó, kiến nghị giải pháp hoàn thiện pháp luật góp phần vào công tác đấu tranh tội đối với loại tội phạm này.

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng việc phát hiện và xử lý nghiêm minh được bao nhiêu vụ án, vụ việc đi chăng nữa thì đó cũng chỉ là phần ngọn. Vấn đề đặt ra là để xử lý được tận gốc thì phải làm sao ngăn ngừa được các hành vi thao túng trong tương lai. Để làm được điều đó, chúng tôi cho rằng pháp luật phải thực sự hoàn thiện, phải thiết kế cho được những chế định thực sự chặt chẽ để các đối tượng không có cơ hội thực hiện hành vi thao túng. Theo đó các cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật (Luật Chứng khoán, Luật giao dịch điện tử, Bộ luật hình sự, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành…) liên quan đến hoạt động của thị trường chứng khoán để bịt kín sơ hở, bất cập; tăng tính răn đe và phòng ngừa chung. Trong đó, cần đặc biệt lưu ý một số vấn đề sau:

1. Hoàn thiện các quy định liên quan đến việc thiết lập tài khoản giao dịch chứng khoán theo hướng quy định chặt chẽ hơn về điều kiện, quy trình tài khoản giao dịch; quy định mỗi số điện thoại/email chỉ được sử dụng để mở duy nhất 01 tài khoản chứng khoán/Công ty chứng khoán.

2. Tăng cường cơ chế giám sát, kiểm tra hoạt động mở mới tài khoản giao dịch của các công ty chứng khoán. Đặc biệt tăng nặng chế tài đối với hành vi vi phạm quy định về mở tài khoản giao dịch chứng khoán cho khách hàng. Hiện nay mức xử phạt cao nhất đối với hành vi này chỉ 100 đồng theo quy định tại Điều 26 Nghị định 156/2020/NĐ-CP về vi phạm quy định về hoạt động của công ty chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam vẫn còn quá nhẹ.

3. Giao dịch chứng khoán trực tuyến cũng là một giao dịch điện tử và phải tuân thủ các quy định về giao dịch điện tử, theo đó các cơ quan chức năng cũng đã ban hành nhiều quy định pháp luật liên quan đến giao dịch chứng khoán trực tuyến đảm bảo tuân thủ quy định Luật Giao dịch điện tử 2005. Tuy nhiên, kể từ thời điểm ban hành đến nay Luật Giao dịch điện tử đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Chính vì vậy để đáp ứng yêu cầu thực tế, mới đây Quốc hội đã thông quan Luật giao dịch điện tử (sửa đổi), sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024, với nhiều quy định mới. Do đó, các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần gấp rút hoàn thiện quy định pháp luật liên quan đến giao dịch chứng khoán trực tuyến đảm bảo tuân thủ quy định Luật Giao dịch điện tử mới, trong đó có quy định về xác thực, định danh giao dịch, đảm bảo không để xảy ra tình trạng dễ dàng sử dụng tài khoản giao dịch của người khác để thực hiện hành vi thao túng./.

Đinh Chiến – Thái Dương

Link nội dung: https://phaply.net.vn/tu-cac-vu-thao-tung-thi-truong-chung-khoan-kien-nghi-hoan-thien-phap-luat-de-chu-dong-phong-ngua-toi-pham-a257107.html