Thông tư liên tịch này áp dụng đối với các đối tượng sau đây:
1. Người trưng cầu giám định bao gồm: Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự; người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự.
2. Cá nhân, tổ chức giám định tư pháp bao gồm: Giám định viên tư pháp; người giám định tư pháp theo vụ việc; tổ chức giám định tư pháp công lập; tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập và tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc.
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động trưng cầu giám định tư pháp và tiến hành giám định tư pháp về hình sự.
Nguyên tắc phối hợp thực hiện như sau: Việc trưng cầu giám định và tiến hành giám định phải tuân thủ pháp luật, tuân theo quy chuẩn chuyên môn và quy trình giám định của từng cơ quan mà pháp luật quy định để làm rõ những vấn đề phải chứng minh trong vụ án, vụ việc. Người trưng cầu giám định phải căn cứ theo yêu cầu của pháp luật để ra quyết định trưng cầu giám định. Không được lạm dụng việc trưng cầu giám định để kéo dài thời hạn tố tụng. Cá nhân, tổ chức giám định tư pháp chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết luận giám định. Không được đùn đẩy trách nhiệm, né tránh, cản trở hoạt động điều tra. Bảo đảm tính chủ động, thường xuyên, chặt chẽ, kịp thời, tạo điều kiện hỗ trợ nhau trong thực hiện nhiệm vụ.
Người trưng cầu giám định và cá nhân, tổ chức giám định phải phối hợp chặt chẽ, kịp thời để xác định đúng thẩm quyền, lĩnh vực hoặc chuyên ngành cần giám định, nội dung trưng cầu, thời hạn giám định theo quy định của pháp luật. Bảo đảm bí mật nhà nước, bí mật công tác theo quy định của pháp luật và quy định của mỗi cơ quan. Trường hợp người trưng cầu giám định và cá nhân, tổ chức giám định vi phạm hoạt động trưng cầu giám định tư pháp về hình sự thì tùy tính chất, mức độ có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.
Quá trình trưng cầu giám định, người trưng cầu giám định và cá nhân, tổ chức giám định phối hợp thực hiện các nội dung sau:
1. Phối hợp trong chuẩn bị trưng cầu giám định.
2. Phối hợp trong việc ban hành quyết định trưng cầu giám định.
3. Phối hợp trong quá trình tiến hành giám định.
4. Phối hợp đánh giá, sử dụng kết luận giám định.
Phương pháp phối hợp như sau: 1. Trao đổi trực tiếp. 2. Trao đổi, thông báo bằng văn bản. 3. Hình thức khác liên quan đến công tác giám định tư pháp.
Bộ Công an đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an.
Link nội dung: https://phaply.net.vn/phoi-hop-trong-hoat-dong-trung-cau-giam-dinh-tu-phap-ve-hinh-su-a257095.html