Thực tiễn có nhiều trường hợp, một bên cần tiền nhưng không có tài sản để bảo đảm, do đó đã nhờ một bên thứ ba (có thể là người thân, đối tác, bạn bè…) đứng ra dùng tài sản của họ để bảo đảm cho việc tiếp cận vốn vay.
Trước đây, cách hiểu của cơ quan xét xử về vấn đề này còn chưa thống nhất, nên khi tranh chấp xảy ra, tòa án trong nhiều trường hợp đã tuyên các giao dịch này vô hiệu. Nguyên nhân theo tòa án đó là việc bảo đảm bằng tài sản của bên thứ ba, chỉ có thể là bảo lãnh, do đó, các bên phải ký hợp đồng bảo lãnh thay vì hợp đồng cầm cố, thế chấp. ( Tham khảo Bản án kinh tế sơ thẩm số 26/2011/KT-ST ngày 05/08/2011 và Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 48/2011/KDTM-ST ngày 22/09/2011 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi.) . Quan điểm này sau đó đã gây không ít khó khăn và tạo nhiều rủi ro cho bên nhận bảo đảm, đặc biệt là các tổ chức tín dụng.
Hiện nay, việc bên thứ ba sử dụng tài sản để bảo đảm cho bên khác là phù hợp với quy định trong Bộ luật Dân sự (BLDS), do đó cần được chấp nhận khi xảy ra tranh chấp. Cụ thể dựa trên các căn cứ sau:
Thứ nhất, pháp luật cho phép bên thứ ba có thể dùng tài sản của mình để bảo đảm nghĩa vụ. Có thể thấy, trong định nghĩa về thế chấp, cầm cố thế chấp tài sản quy định theo hướng bên cầm cố, thế chấp dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm nghĩa vụ và không đề cập đến việc bên cầm cố, thế chấp có phải là bên có nghĩa vụ hay không.
Điều 317 BLDS quy định về thế chấp như sau: “Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp)”;
Điều 309 BLDS quy định về cầm cố như sau: “Cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ”.
Như vậy, bản chất luật chỉ yêu cầu bên thế chấp, cầm cố dùng các tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm nghĩa vụ, chứ không giới hạn việc bên thứ ba dùng tài sản của mình đứng ra bảo đảm cho bên có nghĩa vụ là một bên khác. Điều này được làm rõ hơn tại Điều 3 Nghị định 21/2021/NĐ-CP hướng dẫn về các biện pháp bảo đảm (Nghị định 21), cụ thể: Người có nghĩa vụ được bảo đảm có thể đồng thời hoặc không đồng thời là bên bảo đảm.
Ngoài ra, bên cạnh cầm cố, thế chấp tài sản, thì ngay cả trong quan hệ bảo lãnh, pháp luật vẫn cho phép các bên thể sử dụng tài sản của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh (khoản 3 Điều 336 BLDS năm 2015).
Thứ hai, nguyên tắc áp dụng pháp luật trong trường hợp bên thứ ba dùng tài sản để bảo đảm cũng đã được pháp luật điều chỉnh tại Nghị định 21 theo hướng: trường hợp chủ sở hữu tài sản và bên nhận bảo đảm thỏa thuận dùng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của người khác thì áp dụng quy định về cầm cố tài sản, thế chấp tài sản (Điều 4 khoản 3).
Như vậy, việc bên thứ ba sử dụng tài sản của mình để bảo đảm là có cơ sở và thực tế, khi có xảy ra tranh chấp thì thỏa thuận này vẫn được công nhận giá trị. Chẳng hạn trong một bản án, Hội đồng xét xử đã nhận định:“Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Ông Ch, bà H, buộc Ngân hàng TMCP N trả lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Ông Ch, bà H là đúng. Nhưng tại phần nhận định và quyết định của bản án sơ thẩm lại tuyên Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất của bên thứ ba số 42/2012/TCTN ngày 07/6/2012 vô hiệu về nội dung là không đúng, cần sửa lại hợp đồng có hiệu lực và đã chấm dứt nên buộc Ngân hàng TMCP N trả lại 02 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Ông Ch, bà H…” (Trích Bản án số 06/2021/DS-PT ngày 16/04/2021 về tranh chấp hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất của Tòa án nhân dân tỉnh Hà Nam ).
Hay trong một phán quyết khác, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã xác định hiệu lực của hai hợp đồng thế chấp của bên thứ ba. Theo đó, “Ông Thành và bà Nữa đã thế chấp với Ngân hàng nhà, đất thuộc sở hữu của mình tại số 25/2 Hồ Văn Ngà và tại xã Long Hương để bảo đảm cho 02 khoản vay của Công ty Điện Triều Nguyên theo các Hợp đồng thế chấp số 052 (bảo đảm cho khoản vay 1.960.000.000 đồng) và Hợp đồng thế chấp số 053 (bảo đảm cho khoản vay 1.540.000.000 đồng). Tòa án sơ thẩm xác định 2 hợp đồng thế chấp này có hiệu lực và quyết định xử lý tài sản trong phạm vi bảo đảm theo hợp đồng thế chấp là đúng pháp luật” ( Theo Quyết định số 07/2015/KDTM-GĐT ngày 17-4-2015 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao) .
Như vậy, căn cứ các quy định như đã phân tích trên thì những thỏa thuận về việc bên thứ ba dùng tài sản của mình để bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật vẫn có hiệu lực và không thể bị tuyên vô hiệu.
Ảnh minh hoạ
Khó khăn trong việc xác định bản chất của biện pháp bảo đảm
Việc bên thứ ba sử dụng tài sản của mình để bảo đảm nghĩa vụ là có cơ sở, tuy nhiên, việc xác định bản chất của giao dịch dường này dường như không dễ dàng và có nhiều quan điểm khác nhau, cụ thể như sau:
Quan điểm 1: Việc bảo đảm bằng tài sản của bên thứ ba được hiểu là việc bảo đảm theo quy định tại Điều 336 khoản 3 BLDS - tức là trước hết phải có sự bảo lãnh từ bên thứ ba, sau đó, bên thứ ba sẽ dùng tài sản của mình để cầm cố, hay thế chấp để bảo đảm nghĩa vụ bảo lãnh.
Quan điểm 2: Việc bảo đảm bằng tài sản của bên thứ ba được hiểu là biện pháp cầm cố, thế chấp tài sản của bên thứ ba, chứ không tồn tại quan hệ bảo lãnh.
Hai cách hiểu nêu trên đều phù hợp với quy định của pháp luật và có nét tương đồng ở điểm: có sự tham gia của bên thứ ba dùng tài sản của mình để bảo đảm. Tuy nhiên, về bản chất, sự khác nhau trong cách hiểu sẽ dẫn đến các hệ quả khác nhau.
Xuất phát sinh từ quy định tại Điều 336 khoản 3 BLDS – các bên có thể thỏa thuận sử dụng biện pháp bảo đảm bằng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Theo quy định nêu trên thì cần tồn tại hai quan hệ bảo đảm, trước hết đó là quan hệ bảo lãnh của bên bảo lãnh và bên nhận bảo lãnh (bên có quyền); và thứ hai là quan hệ bảo đảm cho bảo lãnh đó là cầm cố, thế chấp tài sản. Đồng nghĩa với việc bên có nghĩa vụ một khi không thực hiện được nghĩa vụ, bên nhận bảo đảm phải yêu cầu bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ. Trường hợp bên bảo lãnh không thực hiện được nghĩa vụ, lúc này mới xử lý tài sản bảo đảm. Trường hợp tài sản bảo đảm không đủ, bên bảo lãnh vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ còn thiếu đối với bên nhận bảo lãnh.
Ngược lại, đối với cách hiểu thứ hai, khi bên có nghĩa vụ không thực hiện được nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ, bên cầm cố, thế chấp tài sản để bảo đảm không phải cam kết trả nợ thay cho bên nhận bảo đảm, mà việc trả nợ chỉ dừng lại ở việc xử lý tài sản bảo đảm của bên bảo đảm (trong phạm vi tài sản bảo đảm). Trường hợp nếu tài sản bảo đảm vẫn không đủ, bên có quyền sẽ tiếp tục đòi bên có nghĩa vụ, thay vì bên bảo lãnh như cách hiểu thứ nhất.
Theo tác giả, trường hợp nếu các bên không có thỏa thuận minh thị về việc bảo lãnh, thì cách hiểu thứ nhất chưa thực sự phù hợp với ý chí của bên thứ ba khi dùng tài sản của mình để bảo đảm trong trường hợp này. Bởi lẽ, trong nhiều trường hợp, ý chí của bên bảo đảm đa phần chỉ muốn sử dụng tài sản của mình để bảo đảm và phạm vi bảo đảm sẽ chỉ giới hạn trong tài sản bảo đảm đó (hay còn gọi là bảo đảm trong phạm vi tài sản), chứ không phải muốn nhận nợ thay cho bên có nghĩa vụ một khi nghĩa vụ không được thực hiện hoặc thực hiện không đúng như bản chất của việc bảo lãnh.
Thực tiễn cho thấy, đôi khi trong hợp đồng các bên thường có thói quen dùng thuật ngữ “bảo lãnh” trong trường hợp có một bên thứ ba sử dụng tài sản để bảo đảm nghĩa vụ cho khác, sự nhầm lẫn này đôi khi xảy ra chính tại các tổ chức tín dụng. Chính cách gọi như trên đã làm cho các cơ quan xét xử có xu hướng xem xét các biện pháp bảo đảm bằng tài sản của người thứ ba là bảo lãnh. Tuy nhiên, theo quan điểm của tác giả, việc gọi tên các biện pháp bảo đảm cũng chỉ là hình thức, việc xác định bản chất của biện pháp bảo đảm cần căn cứ theo thỏa thuận giữa các bên, chứ không phải tên gọi.
Thực tế, để tránh việc hiểu nhầm này, mà Nghị định 21 có một quy định tương đối tiến bộ, theo đó: Trường hợp thỏa thuận có nội dung về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ nhưng các bên không xác định rõ hoặc xác định không chính xác tên biện pháp bảo đảm mà nội dung thỏa thuận phù hợp với biện pháp bảo đảm quy định tại Bộ luật Dân sự (BLDS) thì áp dụng quy định về biện pháp bảo đảm tương ứng với nội dung thỏa thuận này (Điều 4).
Từ phân tích trên, thiết nghĩ, nếu trường hợp bên thứ ba dùng tài sản của mình để bảo đảm cho bên có nghĩa vụ, trường hợp này phải hiểu là cầm cố, thế chấp của bên thứ ba và nên áp dụng các quy định pháp luật tương ứng để giải quyết sẽ hợp hơn so với bảo lãnh.
Việc bảo đảm nghĩa vụ bằng tài sản của người thứ ba xảy ra tương đối phổ biến trên thực tế tại nhiều quốc gia. Chính vì vậy, pháp luật các nước cũng có những điều chỉnh pháp lý tương đối cụ thể về vấn đề này. Chẳng hạn theo pháp luật Pháp, Đài Loan và Nhật Bản việc cầm cố, thế chấp có thể được thực hiện bởi bên thứ ba hoặc bên có nghĩa vụ ( Điều 2334 BLDS Pháp, Điều 860 BLDS Đài Loan, Điều 369 khoản 1 BLDS Nhật Bản ).
Trong trường hợp biện pháp bảo đảm được lập bởi người thứ ba, người có quyền chỉ được xử lý tài sản đã được đưa ra làm bảo đảm.
Khi so sánh với pháp luật các nước, chế định bảo đảm bởi người thứ ba tại Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều vướng mắc. Đặc biệt thiếu các cơ chế để bảo vệ quyền lợi của bên bảo đảm, mà chỉ lo tập trung bảo vệ bên nhận bảo đảm, nhất là khi bên này thường không nhận được lợi ích gì (đặc biệt về mặt thương mại) khi đưa tài sản của mình vào bảo đảm cho khoản vay của một bên khác. Điều này vô hình trung đã tạo ra nhiều rủi ro cho bên bảo đảm.
Nếu với bảo lãnh, khi bên bảo lãnh có quyền yêu cầu bên được bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ đối với mình trong phạm vi nghĩa vụ bảo lãnh đã thực hiện, được hưởng thù lao nếu có thỏa thuận. Ngược lại, đối với thế chấp, cầm cố để bảo đảm cho bên thứ ba, hiện nay pháp luật chưa làm rõ quyền yêu cầu của bên cầm cố, thế chấp sau khi thực hiện xong nghĩa vụ được bảo đảm hoặc sau khi đã xử lý xong tài sản bảo đảm. Ngoài ra, phạm vi của quyền yêu cầu này cũng không được đề cập đến, nếu như giữa hai bên không có thỏa thuận riêng biệt.
Cũng có thể vì vậy, khi có tranh chấp, nếu coi người thứ ba thế chấp trực tiếp cho người cho vay thì người cho vay (người có quyền) được quyền xử lý trực tiếp tài sản bảo đảm nhưng, sau khi tài sản của người thứ ba bị xử lý xong, người thứ ba không được bảo vệ. Thế nên, nhiều trường hợp, cơ quan xét xử đã xem đó là quan hệ bảo lãnh để bảo đảm quyền yêu cầu của bên bảo đảm sau khi đã thực hiện nghĩa vụ cho bên có quyền thông qua việc xử lý tài sản bảo đảm hoặc bằng tài sản của mình. Thí dụ, trong một phán quyết Giám đốc thẩm, Hội đồng thẩm phán cho rằng: “Giấy cam kết ngày 01/4/2009 của vợ chồng ông Bạch và bà Hồng với vợ chồng ông Thành và bà Nữa là quan hệ riêng giữa ông Bạch, bà Hồng với ông Thành, bà Nữa. Việc ông Thành và bà Nữa dùng tài sản của mình thế chấp cho Ngân hàng để bảo đảm cho khoản vay của Công ty Điện Triều Nguyên là quan hệ bảo lãnh của người thứ ba (bảo lãnh cho khoản vay của bên vay tại Ngân hàng). Sau khi thực hiện xong nghĩa vụ bảo lãnh này thì ông Thành, bà Nữa có quyền khởi kiện vụ án dân sự đối với ông Bạch và bà Hồng để đòi số tiền nêu trên (nếu có yêu cầu)”. ( Quyết định số 07/2015/KDTM-GĐT ngày 17/4/2015 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ).
Mặc dù trong bản án không đề cập đến cơ sở pháp lý cho quyền yêu cầu trên, song hướng giải quyết nêu trên là giải pháp tình thế tương đối phù hợp trong việc bảo vệ bên thứ ba sử dụng tài sản của mình để bảo đảm. Việc thiếu các quy định điều chỉnh dẫn đến quyền lợi của bên bảo đảm chưa thực sự được bảo đảm, cũng như tạo ra nhiều khó khăn cho cơ quan xét xử trong quá trình giải quyết tranh chấp, do đó, cần sớm được khắc phục trong thời gian tới.
Một số gợi mở hoàn thiện pháp luật
Từ các bất cập như đã phân tích nêu trên, trước hết, cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn liên quan đến nghĩa vụ hoàn lại sau khi bên thứ ba dùng tài sản của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ cho bên có nghĩa vụ. Cụ thể theo hướng trao cho bên bảo đảm bằng tài sản, sau khi thực hiện nghĩa vụ thay bên có nghĩa vụ sẽ có quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ hoàn lại cho mình trong phạm vi đã thực hiện thay bên có nghĩa vụ hoặc trong phạm vi giá trị tài sản đã xử lý để thực hiện nghĩa vụ. Trên thực tế, cách tiếp cận này được xem là tiến bộ trong bảo vệ quyền của bên bảo đảm được quy định trong pháp luật của nhiều quốc gia. Ví dụ, pháp luật Đài Loan quy định rằng sau khi bên thứ ba đã thực hiện nghĩa vụ trả nợ toàn bộ cho con nợ hoặc mất quyền sở hữu đối với tài sản thông qua việc xử lý tài sản bảo đảm, bên thứ ba được kế thừa các yêu cầu của bên có quyền (chủ nợ) chống lại con nợ trong phạm vi được yêu cầu thanh toán ( Điều 879 BLDS Đài Loan) . Hay theo pháp luật Nhật Bản, người thứ ba là chủ sở hữu bất động đã thực hiện nghĩa vụ theo yêu cầu của người nhận thế chấp thì việc thế chấp chấm dứt, trường hợp này người thứ ba đã trở thành chủ sở hữu thực hiện nghĩa vụ ( Xem Điều 351, 372 BLDS Nhật Bản) . Trong trường hợp này, pháp luật trao quyền cho bên thứ ba bảo lãnh cho bên có nghĩa vụ quyền đòi lại giá trị nghĩa vụ mà mình đã thực hiện. Quy định này cũng áp dụng tương tự đối với cầm cố tài sản.
Liên Đăng Phước Hải (Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. HCM)
Link nội dung: https://phaply.net.vn/ben-thu-ba-bao-dam-nghia-vu-bang-tai-san-quy-dinh-cua-phap-luat-va-thuc-tien-xet-xu-a257013.html