Bị tước quyền bào chữa vì không trình thẻ luật sư?
Ông Trần Văn Tuấn – Giám đốc Công ty TNHH Luật Nhật Việt bị TAND tỉnh Quảng Nam hủy bỏ tư cách NBC do không xuất trình thẻ Luật sư? Ông Tuấn cho rằng bản thân ông không đăng ký NBC với tư cách Luật sư mà ông đăng ký NBC theo quy định tại điểm b, khoản 2 Điều 78 BLTTHS và đã được TAND tỉnh Quảng Nam chấp nhận. Chính vì vậy, việc huỷ bỏ thông báo NBC đã khiến bản thân ông Tuấn không đồng tình. Hiện có nhiều quan điểm trái chiều đối với quyết định này của TAND tỉnh Quảng Nam.
Ông Trần Văn Tuấn cho rằng bản thân ông không đăng ký NBC với tư cách Luật sư nên không cần phải xuất trình thẻ Luật sư! “Luật tố tụng hình sự quy định về Người bào chữa, tôi đăng ký thủ tục Người bào chữa chứ luật có quy định Luật sư bào chữa đâu mà tôi phải đăng ký thủ tục Luật sư”, ông Tuấn nói.
Quan điểm pháp lý của vụ việc dưới phân tích của một Luật gia
Vấn đề này, Luật gia – Thạc sĩ Nguyễn Hữu Tùng (Trưởng đại diện phía Nam – Trung tâm Tư vấn Pháp luật cộng đồng và Trợ giúp Pháp lý cho người chưa thành niên - thuộc Hội Luật gia Việt Nam) chia sẻ quan điểm pháp lý như sau: “Cần phải hiểu rõ rằng, Luật sư là một chủ thể trong chế định NBC, nhưng không phải là chế định duy nhất làm NBC.
Luật gia, Thạc sỹ Nguyễn Hữu Tùng - Trưởng chi nhánh phía Nam - Trung tâm TVPL Cộng đồng và TGPL (thuộc Hội Luật gia Việt Nam)
BLTTHS có quy định NBC (không phải Luật sư bào chữa) có thể là: Luật sư, Người đại diện của người bị buộc tội, Bào chữa viên nhân dân, Trợ giúp viên pháp lý. Tương tự, “Người đại diện” là một chủ thể. “Người được người khác đại diện” là một chủ thể khác. Cả hai chủ thể này được xác định khi và chỉ khi bằng ý chí”.
Tôi xin nêu ví dụ: “ trường hợp A phạm tội (tại thời điểm A đủ tuổi chịu TNHS, A không bị hạn chế về thể chất tâm thần và tội của A có khung hình phạt lên đến tử hình). A sẽ từ chối NBC do cơ quan tố tụng chỉ định và thể hiện ý chí bằng văn bản với mong muốn tôi là bạn của A sẽ làm người đại diện bào chữa cho A. Lúc đó, cơ quan tố tụng áp dụng theo luật tố tụng hình sự. Nếu A là trẻ vị thành niên hay hạn chế về mặt thể chất tâm thần thì có sẵn qui định luật rồi. Theo đó , Cơ quan tố tụng sẽ chọn người giám hộ là người thân thích, hoặc cử người giám hộ, thông qua người giám hộ sẽ chọn người đại diện để bào chữa. Vì vậy, cần áp dụng theo đúng quy định của pháp luật, hãy viện dẫn pháp luật để tranh luận chứ đừng suy diễn, luật nào qui định người đại diện phải chỉ được đại diện cho người dưới 18 tuổi hoặc bị hạn chế”.
Một số quan điểm cho rằng, trong hình sự không có đại diện, chỉ có dân sự mới có đại diện. Về quan điểm này, tôi cho rằng: pháp luật tố tụng là đường lối, là cơ sở để đảm bảo cho việc áp dụng pháp luật nội dung. Mà trong luật hình sự cũng có đại diện bị hại, đại diện nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự…, sao lại nói trong hình sự không có đại diện.
Về chế định Người bào chữa được nêu tại Điều 72 cũng như thủ tục đăng ký bào chữa theo điểm b, khoản 2 Điều 78 chưa được qui định rõ ràng, tại điểm b khoản 2 Điều 78 BLTTHS nêu rõ: “Người đại diện của người bị buộc tội xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân kèm theo bản sao có chứng thực và giấy tờ có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về mối quan hệ của họ với người bị buộc tội;”. Bộ luật tố tụng hình sự đã quy định rất rõ ràng như thế thì cứ theo đó mà làm chứ sao lại không được?
Về vụ việc của ông Tuấn, tôi cho rằng phải tách bạch và phân định rõ, ông Tuấn không phải đại diện cho bị can, bị cáo mà là người đại diện bào chữa cho bị can, bị cáo (người bị buộc tội). Hai vấn đề này hoàn toàn khác nhau, là hai nội hàm khác nhau, khác nhau rất xa về vị trí, vai trò và cả pháp luật viện dẫn. Tóm lại, Điều 72 và Điều 78 không chỏi nhau, chỉ là người ta tự suy diễn rồi áp dụng chỏi. Còn về “mối quan hệ”, thì quan hệ ở đây phải xác định đúng đắn và duy nhất là quan hệ đại diện giữa Người đại diện với Người bị buộc tội. Điều này có nghĩa rằng, không được và không có luật nào buộc phải hiểu “quan hệ” ở đây là quan hệ huyết thống hay quan hệ nào khác, bởi quan hệ huyết thống tức là quan hệ thân thích (đại diện theo pháp luật). Pháp luật là để áp dụng, là để viện dẫn. Thay vì ai đó nói tôi không đúng hoặc không đủ tư cách thì họ cần phải viện dẫn bằng căn cứ của pháp luật chứ không phải suy diễn nó. Không bất kỳ ai được phép suy diễn pháp luật”.
Từ những phân tích trên đây, tôi cho rằng việc TAND tỉnh Quảng Nam ra một Thông báo hủy bỏ Thông báo Người bào chữa tham gia tố tụng mà toà án đã cấp cho ông Tuấn là hoàn toàn chưa đúng pháp luật. Trước đó, Tòa án đã cấp thông báo Người bào chữa cho ông Tuấn để tham gia bào chữa cho bị cáo NĐM, nhưng sau đó thẩm phán lại ra một thông báo khác hủy bỏ thông báo NBC của ông Tuấn là không có căn cứ, không thuộc trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 78 BLTTHS, và vượt quá thẩm quyền của người tiến hành tố tụng.
Phân tích thêm về một khía cạnh pháp lý nữa, tôi cho rằng: “Luật sư” là một định chế, nhưng không phải duy nhất là “Người bào chữa” theo tố tụng hình sự. Và theo nguyên tắc của Bộ luật này, thì Luật sư bào chữa hay Người đại diện bào chữa đều có tư cách ngang nhau trong các hoạt động của tố tụng hình sự.
Ông Trần Văn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Luật Nhật Việt – Người đã tham gia bào chữa cho bị cáo NĐM trong phiên toà hình sự xét xử về tội “Vi phạm các qui định về quản lý đất đai”
Người bào chữa bị hủy bỏ, chấm dứt quyền bào chữa khi nào?
Để thông tin đầy đủ hơn, rõ ràng hơn, chúng ta cùng đi tìm hiểu về việc NBC bị hủy bỏ, chấm dứt quyền bào chữa khi nào?
Theo quy định cụ thể tại khoản 7 Điều 78 BLTTHS 2015 thì: “Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hủy bỏ việc đăng ký bào chữa và thông báo cho NBC, cơ sở giam giữ khi thuộc một trong các trường hợp: Khi phát hiện NBC thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 72 BLTTHS 2015. Hoặc có vi phạm pháp luật khi tiến hành bào chữa.
Khoản 4 Điều 72 BLTTHS quy định về NBC không được bào chữa như sau:
“a) Người đã tiến hành tố tụng vụ án đó; người thân thích của người đã hoặc đang tiến hành tố tụng vụ án đó;
b, Người tham gia vụ án đó với tư cách là người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật;
c, Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người bị kết án mà chưa được xoá án tích, người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc”
Cũng theo quy định thì trường hợp NBC nếu có hành vi vi phạm nội qui trong phòng xử án thì có thể bị mời ra ngoài, nhưng phải được lập biên bản chứ không thể mời ra ngoài mà phiên tòa vẫn tiếp tục diễn ra. Điều đó đã được nêu rõ trong Nội quy phiên tòa được quy định tại Điều 256 BLTTHS 2015. Cụ thể, như sau:
1. Mọi người vào phòng xử án phải mặc trang phục nghiêm túc, chấp hành việc kiểm tra an ninh và thực hiện đúng hướng dẫn của Thư ký Tòa án.
2. Mọi người trong phòng xử án phải tôn trọng Hội đồng xét xử, giữ gìn trật tự và tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa.
3. Mọi người trong phòng xử án phải đứng dậy khi Hội đồng xét xử vào phòng xử án và khi tuyên án. Bị cáo phải đứng khi Kiểm sát viên công bố cáo trạng hoặc quyết định truy tố. Người được Tòa án triệu tập đến phiên tòa muốn trình bày ý kiến phải được chủ tọa phiên tòa đồng ý; người trình bày ý kiến phải đứng khi trình bày ý kiến, khi được hỏi. Những người vì lý do sức khỏe có thể được chủ tọa phiên tòa cho phép ngồi.
4. Tại phiên tòa, bị cáo đang bị tạm giam chỉ được tiếp xúc với người bào chữa cho mình. Việc tiếp xúc với những người khác phải được chủ tọa phiên tòa cho phép.
5. Người dưới 16 tuổi không được vào phòng xử án, trừ trường hợp được Tòa án triệu tập đến phiên tòa.”
Như vậy, nếu NBC đang tham gia tố tụng không có hành vi vi phạm pháp luật hay vi phạm nội quy phiên toà thì Chủ tọa phiên tòa không có quyền tước quyền bào chữa.
Từ những phân tích trên, đối chiếu với các qui định của Bộ luật TTHS, đề nghị TAND tỉnh Quảng Nam xem xét lại tính pháp lý của Thông báo hủy bỏ Thông báo Người bào chữa tham gia tố tụng mà toà án đã cấp cho LS. Tuấn .
Luật gia – Thạc sĩ Nguyễn Hữu Tùng
Link nội dung: https://phaply.net.vn/luat-su-la-mot-dinh-che-nhung-khong-phai-duy-nhat-la-nguoi-bao-chua-theo-to-tung-hinh-su-a256986.html