Chữ tín trong cuộc sống quan trọng bao nhiêu thì trong kinh doanh, giá trị định đoạt của nó gấp nhiều lần hơn như thế
Cái giá phải trả khi để mất niềm tin khách hàng và “vượt rào” pháp luật
Mặc dù đến nay câu chuyện diễn viên Ngọc Lan mua 2 gói BH của Công ty TNHH BHNT Aviva VN đã được khép lại với kết thúc có hậu cho cả hai phía, song những thông tin mà Ngọc Lan cung cấp trước đó cho báo chí và các cơ quan có chức năng không thể nói là Bảo hiểm Aviva VN đề cao chữ tín trong kinh doanh.
Câu chuyện mua BHNT của diễn viên Ngọc Lan, hay của nghệ sĩ Kim Tử Long… là “giọt nước tràn ly” khi mà trước đó truyền thông đã đưa tin với tần suất đậm đặc về tình trạng khách hàng bị ngân hàng SCB ép mua BHNT kèm khoản vay, thậm chí còn cho rằng bị “lừa” từ gửi tiết kiệm sang mua BHNT.
Đại diện Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam vừa qua cũng thông tin doanh thu phí mới quý I.2023 sụt giảm mạnh. Đến cuối tháng 3/2023, có khoảng 13,68 triệu hợp đồng BHNT, giảm gần 250.000 hợp đồng so với cuối 2022. Đặc biệt là doanh thu từ bảo hiểm của nhiều nhà băng trong quý I.2023 chỉ bằng 50% cùng kỳ, sau nhiều năm liên tục tăng trưởng cao. …
Hình minh họa
Trước đó từ giữa năm 2022, thị trường TPDN riêng lẻ chứng kiến “cú sốc” tâm lý lan rộng khi nhà đầu tư chứng kiến các vụ việc xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát và FLC. Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cho biết, tổng lượng TPDN đáo hạn trong 02 năm 2022 và 2023 ước khoảng 540 nghìn tỉ đồng, chiếm khoảng 36% lượng TPDN lưu hành, riêng giá trị trái phiếu riêng lẻ đáo hạn năm 2023 vào khoảng 300 nghìn tỉ đồng, tăng 90% so với năm 2022; trong đó lĩnh vực bất động sản và tài chính - ngân hàng lần lượt chiếm 30% và 40%. Tính chung cả năm 2022, VN-Index giảm 35%, với mức đỉnh 1.536,45 điểm vào ngày 10/01/2022 và về đáy ở 873,78 điểm vào ngày 16/11/2022, kéo theo hầu hết các chủ thể tham gia thị trường chứng khoán phải chấp nhận thua lỗ…
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang mong kì vọng phục hồi
Nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán, trái phiếu trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 gặp khó có một phần từ việc lãi suất ngân hàng tăng, nhưng phần nhiều là do niềm tin của nhà đầu tư và thanh khoản thị trường trong nước giảm, tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước những bất ổn và triển vọng kém tích cực về tình hình kinh tế - chính trị thế giới. Từ đó kéo theo sự suy giảm huy động vốn qua thị trường TPDN, làm gia tăng áp lực thiếu hụt vốn đầu tư và thanh khoản của nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có khối lượng trái phiếu đáo hạn lớn.
Chỉ với 3 ví dụ trong 3 lĩnh vực kinh doanh trên, cho thấy cái giá phải trả khi để mất niềm tin khách hàng và “vượt rào” pháp luật là vô cùng lớn. Bài học giữ chữ tín và tuân thủ 3 “ nguyên tắc vàng” trong kinh doanh vẫn còn nguyên giá trị
Bí quyết kinh doanh thành công của người nước ngoài
a) Người Nhật: Uy tín là chìa khóa dẫn dắt thành công
Bí quyết kinh doanh của người Nhật có thể nói nó đến từ sự cẩn thận, cẩn mẫn và những điều nhỏ nhặt nhất. Nó không quá lớn lao, cao sang nhưng nó lại làm nên nước Nhật phát triển một cách vượt bậc như ngày hôm nay. Trong kinh doanh, điều tối thượng của các doanh nghiệp chính là uy tín và sự tin cậy của khách hàng. Chữ “tín” luôn được người Nhật đặt lên hàng đầu trong 5 điều: “Nhân – Lễ – Nghĩa – Trí – Tín”. Nếu như ở Việt Nam, hai từ “thông cảm” thường được dùng để biện minh cho những lỗi lầm, những lần sai phạm thì đối với người Nhật, chữ tín và cam kết thực hiện đúng những gì đã hứa luôn được đặt lên hàng đầu. Dù đôi lúc, việc giữ chữ tín có thể gây ảnh hưởng đến quyền lợi của công ty, nhưng chữ “tín” là điều cần giữ để công ty có thể tồn tại.
Câu chuyện của Fujita, một công ty chuyên sản xuất dao, nĩa để cung cấp cho các công ty thực phẩm là một ví dụ điển hình về chữ “tín” của người Nhật. Theo hợp đồng, Fujita sẽ phải giao 3 triệu chiếc dao nĩa cho một công ty thực phẩm ở bang Chicago (Mỹ) vào ngày 3/9. Tuy nhiên, do một vài sự cố thiết bị xảy ra khiến lô hàng chỉ hoàn thành trước ngày giao đúng một ngày tức 30/8. Nếu áp dụng cách giao hàng bằng tàu như thỏa thuận thì phải mất đến một tháng, đồng nghĩa với việc lô hàng sẽ đến không đúng hạn, nhưng nếu áp dụng cách vận chuyển bằng máy bay thì sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của công ty. Dù số tiền bỏ ra cao gấp trăm lần so với giá cước thuê tàu, dẫn đến lợi nhuận của Fujita bị sụt giảm một cách nghiêm trọng, nhưng họ vẫn quyết định làm vì chữ “tín”. Fujita quyết định thuê hẳn một chiếc Boeing 707 để chở toàn bộ lô hàng đến Chicago.
Người Nhật luôn coi khách hàng là thượng đế
Chữ tín của người Nhật còn xuất phát từ việc tôn trọng khách hàng, coi khách hàng là thượng đế. Một câu thành ngữ nổi bật của các doanh nghiệp Nhật Bản là: “Bông lúa chín là bông lúa cúi đầu”, nó được hiểu là muốn thành công và chạm đích bạn cần phải biết ơn và thể hiện sự tôn trọng. Các doanh nhân Nhật luôn quan niệm người bán hàng phải đứng trên lập trường của người mua, hiểu được mong muốn của khách hàng, luôn suy nghĩ lợi ích cho khách hàng của mình. Với nguyên tắc “tất cả suy nghĩ cho khách hàng”, Công ty Honda đã chấp nhận mạo hiểm, dù có nguy cơ phải đóng cửa. Trong số tất cả các hãng xe hơi, Honda là hang đầu tiên khai báo với chính phủ Mỹ về các khiếm khuyết tồn tại ở dòng xe CT2000 của mình…
b) Người Trung Quốc: Có uy tín là có tất cả
Tư tưởng “buôn có bạn, bán có phường” là truyền thống kinh doanh của cộng đồng người Hoa khi định cư ở bất cứ quốc gia nào. Ngay tại Việt Nam, chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp cả một dãy phố toàn bán thuốc Đông y, hủ tiếu, hay văn phòng phẩm... Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, càng đông người bán một mặt hàng, thì tỷ lệ cạnh tranh càng cao, nhưng người Hoa thì nghĩ ngược lại: Khi tập trung buôn bán cùng một mặt hàng tại một khu vực nhộn nhịp, thì tạo sức hút khách hàng cao hơn, khả năng lan truyền nhanh hơn. Nhưng đó chỉ mới là một yếu tố. Trong kinh doanh, người Hoa tâm niệm, có uy tín thì có tất cả. Đây là quy ước bất thành văn, người nào cố ý phá vỡ quy ước này thì mất tất cả. Chữ tín chính là cách họ xác lập niềm tin với nhau, bảo lãnh bằng hành động sau lời hứa. Quan niệm “một lần thất tín vạn lần bất tin”, nên ít có những vụ kiện tụng, tranh chấp khi kinh doanh trong tập thể người Hoa. Họ cũng mạnh dạn đơn giản hóa các thủ tục giấy tờ về hợp đồng, giao kèo dựa trên nền tảng là lòng tin.
Trước khi có tín dụng ngân hàng, người Hoa triển khai tín dụng cho người mới muốn ra lập nghiệp. Sau khi giúp vốn, người Hoa còn tích cực ủng hộ mua sản phẩm cho người mới khởi nghiệp. Nếu là hàng ăn thì họ kéo nhau đến ăn, nếu sản xuất giày dép thì đến mua giày dép… Nhiều người thuộc thế hệ trước vẫn còn lưu giữ ký ức về câu chuyện một chủ ngân hàng lớn ở Chợ Lớn hay cấp tín dụng cho những người có uy tín, để họ có vốn làm ăn. Giao dịch tín dụng trị giá mấy chục tỷ đồng mà không cần ký kết hợp đồng. Các khoản cho vay lớn không cần thế chấp tài sản mà căn cứ tín chấp ghi chi chít trong một quyển vở mà không mất đồng nào. Những doanh nhân người Hoa có thương hiệu lớn mạnh như giày dép Bình Tiên, bánh ngọt Kinh Đô, bút bi Thiên Long, gấm Thái Tuấn…thừa nhận khi khởi nghiệp họ đã nhờ những doanh nhân người Hoa giúp đỡ, tương trợ.
Đối với người Hoa, chữ “tín” được coi là số 1 trong làm ăn, kinh doanh, thậm chí chữ “tín” còn được xem là chiến lược, là phương pháp kinh doanh. Nhờ coi trọng chữ tín mà người Hoa hình thành nên tập quán kinh doanh bỏ gối đầu hàng mà không sợ rủi ro. Từ những năm 70, các chủ doanh nghiệp người Hoa mạnh dạn mang hàng ra chợ sỉ Bình Tây, Kim Biên, Soái Kình Lâm, An Đông bỏ gối đầu từng lô hàng cho tiểu thương. Nhận thanh toán lô hàng cũ rồi bỏ tiếp lô hàng mới. Thương lái được tiểu thương bán lại hàng gối đầu từng lô hàng nguyên phụ liệu để chào hàng. Tập quán buôn bán gối đầu như những mắt xích liền mạch với nhau. Hàng hóa giao dịch trị giá bạc tỷ mà chỉ bảo đảm bằng những cuốn sổ bỏ hàng, bán hàng cầm tay. Một khi bị thất tín, thông tin lan rất nhanh. Kẻ thất tín bị cộng đồng tẩy chay.
Muốn kinh doanh thành công phải tuân thủ 3 “nguyên tắc vàng”
Đến thời điểm này hẳn các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo hiểm, thị trường chứng khoán và phát hành TPDN đã “thấm đòn”. Để vươn ra biển lớn sánh vai cùng với các doanh nghiệp trên toàn cầu, từ bí quyết kinh doanh thành công của người Nhật và người Trung Quốc, chúng tôi cho rằng các doanh nghiệp Việt cần nghiêm túc thực hiện và tuân thủ 3 “nguyên tắc vàng” dưới đây:
a) Đạo đức trong kinh doanh là kim chỉ nam
Chữ tín trong kinh doanh được đặt ra như một chuẩn mực hình thành và phát triển thương hiệu. Nó thể hiện ở việc tạo lòng tin cho người lao động, khách hàng và đối tác. Đó cũng chính là thước đo đạo đức của doanh nhân và doanh nghiệp. Một hành vi vi phạm đạo đức kinh doanh sẽ tác động đến cảm nhận tích cực về uy tín, hình ảnh và thương hiệu, có thể dẫn đến phản ứng của khách hàng bằng cách chuyển sang mua sản phẩm, dịch vụ của đối thủ cạnh tranh.
Thực tế đã chứng minh, doanh nghiệp phát triển được là nhờ sự ủng hộ của khách hàng trung thành. Các khách hàng luôn có xu hướng thích mua hàng của các công ty liêm chính và tẩy chay những thương hiệu có biểu hiện vi phạm đạo đức kinh doanh. Trong quá khứ người Việt từng thực hiện nhiều cuộc tẩy chay thương hiệu rung động thị trường. Giữa năm 2010, hàng loạt siêu thị, chợ và người tiêu dùng đã đồng loạt tẩy chay các sản phẩm của Công ty Vedan vì công ty này đầu độc môi trường và không chịu bồi thường cho người dân. Năm 2013, sau gần 20 năm đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, Coca-Cola đối mặt với chiến dịch tẩy chay của người tiêu dùng khi dính nghi án trốn thuế, chuyển giá….
Vậy nên chỉ khi doanh nghiệp tối đa hóa lợi ích cho khách hàng, gây dựng niềm tin và làm cho khách hàng hài lòng nhiều hơn là coi trọng lợi ích của mình, khi đó mới có thể nói đến đạo đức kinh doanh. Bằng việc chú trọng vào sự hài lòng của khách hàng, doanh nghiệp làm cho khách hàng gắn kết ngày càng sâu sắc hơn, và khi niềm tin của khách hàng tăng lên thì doanh nghiệp sẽ hiểu biết sâu hơn về việc phục vụ khách hàng như thế nào để phát triển mối quan hệ đó.
Nhiều tên tuổi lớn trên thương trường đã đút rút ra bài học về đạo đức trong kinh doanh. Amancio Ortega (người Tây Ban Nha), một trong những tỷ phú giàu nhất hành tinh đã thành công trong việc tạo dụng đế chế Zara, phát biểu: “Là một doanh nhân, tôi quan tâm đến một số các nguyên tắc giá trị trong kinh doanh, trong đó hàng đầu là lòng trung tín”. Còn Lý Gia Thành (Hồng Kông), được coi là người đàn ông quyền lực và giàu có nhất Châu Á: “Cả đời tôi làm kinh doanh, cũng chẳng có thành tựu gì lớn lao ngoài việc làm bất cứ việc gì cũng phải giữ chữ tín”…
b) Thượng tôn pháp luật sẽ tạo nên giá trị doanh nghiệp
Không thể phủ nhận, đạo đức doanh nhân còn tồn tại những bất cập nêu trên do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ hệ thống pháp luật của Việt Nam chưa hoàn thiện; tính thực thi của các quy định pháp luật còn thấp, công cụ giám sát, quản lý thực thi pháp luật còn chưa đồng bộ. Những nỗ lực của Đảng và Nhà nước, pháp luật kinh doanh dần được hoàn thiện, tiệm cận với tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng, nhưng đâu đó vẫn còn hạt sạn. Song không phải vì thế mà các doanh nhân cố tìm những “kẽ hở” để “lách” luật, làm lợi bất chính, vi phạm các chuẩn mực đạo đức, để dẫn tới các giá phải trả quá đắt.
Mỗi doanh nhân phải luôn ý thức được rằng, kinh doanh là đem đến cho thị trường một giá trị và lấy lại từ thị trường một giá trị nhỏ hơn. Để làm được điều ấy, điều kiện bắt buộc phải làm đúng pháp luật và không gây phương hại đến người khác. Muốn làm đúng pháp luật, không có cách nào khác là phải luôn giữ vững tinh thần “thượng tôn pháp luật”, thường xuyên tìm hiểu pháp luật, biết vận dụng pháp luật để tạo nên giá trị cho doanh nghiệp.
c) Đề cao văn hóa doanh nghiệp, tạo dựng nền tảng vững chắc
Lễ kỷ niệm và tôn vinh Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2022
Nói đến văn hóa doanh nghiệp, nhiều người sẽ nghĩ đến văn hóa giao tiếp, ứng xử giữa lãnh đạo và các nhân viên, giữa doanh nghiệp với đối tác hay các hoạt động văn hóa, từ thiện, chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động…Tuy nhiên, đó mới chỉ là yếu tố bề nổi. Văn hóa doanh nghiệp còn bao gồm cả văn hóa kinh doanh, được xây dựng dựa trên triết lý, chiến lược kinh doanh, ý thức tôn trọng pháp luật, giữ gìn uy tín, đạo đức kinh doanh và cạnh tranh lành mạnh. Việc Tập đoàn Honda của Nhật Bản thu hồi hàng triệu xe bị lỗi không bung túi khí (1/2020), hay Tập đoàn Samsung của Hàn Quốc thu hồi 12.600 điện thoại Galaxy Note 7 (10/2016) tại Việt Nam bị lỗi pin gây cháy nổ… là những ví dụ điển hình cho thấy những doanh nghiệp này coi phát triển bền vững, ứng xử văn minh với người tiêu dùng. Đó là triết lý kinh doanh và là yếu tố quyết định thành bại trên thương trường.
Cùng với sự thay đổi nhanh chóng của kinh tế thế giới, Việt Nam cũng đã và đang tham gia nhiều hiệp định kinh tế quốc tế đa phương, song phương. Yếu tố văn hóa luôn hình thành song song với quá trình phát triển của doanh nghiệp. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp là tạo dựng một nền tảng bền vững, giúp doanh nghiệp tạo dựng uy tín, thương hiệu, khẳng định mình và tự tin hơn, vững vàng hơn trong hội nhập. Văn hóa ấy thể hiện từ việc tạo dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, năng động và sáng tạo, cho đến phong cách ứng xử với đối tác, với khách hàng. Đặc biệt, là luôn đặt chữ “tín” và tinh thần “thượng tôn pháp luật” lên hàng đầu, thể hiện từ trong nội bộ doanh nghiệp đến ngoài thị trường, đưa ra những sản phẩm đảm bảo chất lượng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng./
Vũ Lê Minh
Link nội dung: https://phaply.net.vn/tu-cac-vu-kinh-doanh-gian-doi-ngam-ve-nhung-bai-hoc-nguyen-tac-vang-cho-doanh-nghiep-a256983.html