Chính sách ngoại thương 2023 của Ấn Độ: Các doanh nghiệp Việt Nam có thể hưởng lợi gì?

Chính sách Ngoại thương 2023 của Ấn Độ có hiệu lực từ ngày 01/4/2023. Các quy định trong chính sách được thực hiện nhằm khuyến khích xuất khẩu và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu đang hoạt động tại quốc gia này.

Ngày 31/3/2023 Ấn Độ đã công bố Chính sách Ngoại thương (Foreign Trade Policy - FTP) 2023. Chính sách có hiệu lực từ ngày 01/4/2023, bắt đầu năm tài chính 2023 - 2024.

Chính sách Ngoại thương 2023 được xây dựng trên các nguyên tắc về tín nhiệm và quan hệ đối tác với các nhà xuất khẩu trên cơ sở 04 trụ cột: Từ Ưu đãi đến Miễn giảm; Khuyến khích xuất khẩu thông qua Hợp tác; Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp; và Các khu vực mới nổi. Cụ thể, các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu đang hoạt động tại Ấn Độ sẽ được hưởng lợi từ một số chính sách sau:

- Triển khai việc tái thiết và tự động hóa thủ tục hành chính: Chính sách này làm giảm bớt các chi phí không đáng có bằng việc sử dụng các hệ thống công nghệ thông tin tự động và quản lý rủi ro cho việc phê duyệt, cấp phép và thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường mạng. Điều này giúp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiết kiệm được chi phí và thời gian, dễ dàng thực hiện và hưởng lợi từ hoạt động xuất khẩu.

- Kế hoạch Ân xá một lần (one time Amnesty Scheme): Được thực hiện để giúp giảm bớt các gánh nặng về thuế và lãi suất cho các nhà xuất khẩu. Những doanh nghiệp hoạt động tại Ấn Độ đang trong tình trạng chờ xử lý đơn hàng do không thực hiện được nghĩa vụ về thuế xuất khẩu có thể được kéo dài thời gian nộp thuế đến ngày 30/9/2023, đồng thời không phải trả lãi đối với phần Thuế Hải quan bổ sung và Thuế Hải quan bổ sung đặc biệt. Để được hưởng chính sách trên, các doanh nghiệp cần đăng ký với cơ quan có thẩm quyền trước ngày 30/6/2023.

- Thuận lợi hóa xuất khẩu thông qua thương mại điện tử: Nhằm thúc đẩy xuất khẩu qua việc sử dụng thương mại điện tử, Chính sách Ngoại thương 2023 của Ấn Độ đã phác thảo lộ trình phát triển thương mại điện tử tại quốc gia này bao gồm xây dựng các điểm kết nối thương mại điện tử và hoàn thiện các cơ chế có liên quan như đối chiếu thanh toán, lưu trữ sổ sách, chính sách hoàn trả, nâng hạn mức tối đa cho các loại hàng hóa được chuyển phát nhanh và các quyền lợi về xuất khẩu.

Như vậy, các nhà đầu tư Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động tại Ấn Độ có thể tận dụng những ưu đãi từ Chính sách nêu trên. Đồng thời các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu hàng hóa từ Ấn Độ cũng có cơ hội được tiếp cận nguồn hàng từ nước bạn với số lượng, giá cả hợp lý và cạnh tranh hơn so với trước. Các mặt hàng Ấn Độ xuất khẩu sang Việt Nam chủ yếu là sắt thép các loại (đạt 774,68 triệu USD trong năm 2022), máy móc thiết bị, công cụ (đạt 549,31 triệu USD)… và gần đây nhất phải kể đến lúa mì khi giá trị nhập khẩu của mặt hàng này đã đạt mức 27,21 triệu USD vào năm 2022, tăng hơn 1700% so với năm 2021. Ngoài các mặt hàng kể trên thì Ấn Độ còn được biết đến là quốc gia xuất khẩu dược phẩm lớn trên thế giới với giá thành hợp lý.

Ở chiều ngược lại, phía Ấn Độ cũng tăng cường nhập khẩu các nguyên liệu thô, nguyên liệu phục vụ cho việc sản xuất các mặt hàng xuất khẩu như nhóm hàng nông thủy sản, gia vị, nhóm hàng phục sản xuất nông nghiệp, máy móc thiết bị nông nghiệp. Nhằm tạo điều kiện cho việc nhập khẩu các nguyên liệu trên, Chính phủ Ấn Độ đã có Kế hoạch Xúc tiến Xuất khẩu thông qua Tư liệu sản xuất (Export Promotion of Capital Goods - EPCG Scheme), theo đó xem xét và cho phép nhập khẩu các nguyên liệu phục vụ cho việc sản xuất các mặt hàng xuất khẩu với mức thuế Hải quan bằng không. Việc triển khai Kế hoạch trên là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm và mong muốn thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ, đặc biệt là đối với các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như nông sản gồm: cà phê, hạt tiêu, hạt điều, quế, hồi, gừng, nghệ…, thủy sản nguyên liệu, phân bón, hóa chất, máy móc nông nghiệp…

Ấn Độ hiện là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Việt Nam. Kim ngạch thương mại Việt Nam - Ấn Độ chiếm khoảng 80% tổng kim ngạch của Việt Nam với các nước Nam Á khác. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 23 trên thế giới và lớn thứ 4 trong khu vực ASEAN của Ấn Độ. Năm 2022, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ đạt 15,05 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay. Việt Nam và Ấn Độ còn nhiều tiềm năng và lợi thế hợp tác trong các lĩnh vực như nông, thủy sản, sản xuất công nghiệp, dệt may, da giày.

Link nội dung: https://phaply.net.vn/chinh-sach-ngoai-thuong-2023-cua-an-do-cac-doanh-nghiep-viet-nam-co-the-huong-loi-gi-a256973.html