TS. Trần Công Phàn, Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch HLGVN: Báo chí ngày càng có vai trò quan trọng trong truyền thông, phản biện chính sách, thúc đẩy cải cách môi trường đầu tư kinh doanh

(Pháp Lý). Những năm qua, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đang từng bước được cải thiện. Nhưng để thực sự bứt phá, trở thành điểm đến thuận lợi và an toàn cho cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư thì vẫn còn nhiều việc phải làm. Trong đó, cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu lực hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật. Đặc biệt cần quan tâm hơn nữa cho công tác báo chí, truyền thông chính sách…

Nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/06/1925 – 21/06/2023), TS. Trần Công Phàn, Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam (HLGVN) đã dành thời gian trả lời phỏng vấn Tạp chí Pháp lý về vai trò và những yêu cầu đặt ra đối với báo chí tham gia truyền thông, phản biện chính sách, thúc đẩy cải cách môi trường đầu tư kinh doanh trong bối cảnh tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới.

anh-1-1686199845.jpg

Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch HLGVN, TS. Trần Công Phàn trả lời phỏng vấn TCPL

Báo chí - cầu nối quan trọng giữa Đảng, Nhà nước với người dân và doanh nghiệp

Phóng viên: Với cương vị Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), ông đánh giá như thế nào về vai trò của báo chí trong việc thúc đẩy các cơ quan chức năng hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt pháp luật về đầu tư kinh doanh thời gian qua?

TS. Trần Công Phàn: Báo chí đã và ngày càng khẳng định vai trò của mình trong đời sống xã hội. Báo chí luôn là công cụ sắc bén để tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới người dân. Đồng thời, báo chí cũng là cầu nối, phản ánh tâm tư, nguyện vọng cũng như nhu cầu cấp thiết của nhân dân tới Đảng và Nhà nước. Trong công tác xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung, pháp luật về đầu tư kinh doanh nói riêng, báo chí đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Trước tiên, với lợi thế thông tin nhanh, cập nhật hàng ngày, hàng giờ, báo chí giúp các cơ quan xây dựng và hoạch định chính sách pháp luật kịp thời nắm bắt tình hình, có cái nhìn tổng quan về các vấn đề của đất nước, trên thế giới, từ đó xây dựng phương án và đề ra các biện pháp xử lý, giúp quá trình ban hành chính sách diễn ra thuận lợi, sát thực tế.

Trong suốt quá trình cơ quan chức năng tìm hiểu, khảo sát để xây dựng chính sách, báo chí thường xuyên đồng hành, bám sát vấn đề, cung cấp số liệu, nêu lên nhiều vấn đề thực tiễn phát sinh, cung cấp nhiều thông tin có giá trị để các cơ quan có thẩm quyền tham khảo, củng cố thêm cơ sở khoa học phục vụ hiệu quả công tác xây dựng cơ chế, chính sách pháp luật nói chung và pháp luật kinh tế nói riêng….

Báo chí còn là kênh phát hiện những bất cập, bất hợp lý trong các văn bản pháp luật, những quy định không phù hợp, lỗi thời, chồng chéo của hệ thống pháp luật để kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện. Bên cạnh đó, báo chí còn phát hiện những vấn đề còn bỏ ngỏ, thiếu sự điều chỉnh của pháp luật để các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện.

Những vướng mắc pháp lý mà cộng đồng doanh nghiệp phản ánh thông qua báo chí giúp các cơ quan chức năng nhận diện. Kết quả là hàng loạt các quy định pháp luật đầu tư kinh doanh như: Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Thuế, … đã và đang được các cơ quan chức năng tích cực nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.

Gần đây nhất sau những thông tin phản ánh của báo chí về những khó khăn của thị trường bất động sản, trái phiếu, vốn, … hàng loạt các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn đã được các cơ quan chức năng cấp bách triển khai.

anh-2-1686199856.jpg

Hội Luật gia VN chủ trì Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Đóng góp tích cực thúc đẩy hoàn thiện pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Phóng viên: Nhiệm vụ trọng tâm của HLGVN trong nhiều thập kỷ qua là tham gia xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Xin ông cho biết các cơ quan báo chí trực thuộc HLGVN nói chung và Tạp chí Pháp lý nói riêng đã có những đóng góp quan trọng gì vào công tác quan trọng này của HLGVN?

TS. Trần Công Phàn: Những năm qua, HLGVN nhận được sự tin tưởng, ghi nhận và đánh giá cao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ. Công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của các cấp Hội tiếp tục được đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng, chất lượng, bám sát yêu cầu thực tế, đóng góp tích cực vào việc xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

HLGVN là một trong số ít những Hội được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng Luật (Luật Trưng cầu ý dân và Luật Trọng tài Thương mại). Đồng thời nhiều ý kiến của HLGVN đối với việc xây dựng, phản biện chính sách, pháp luật được các cơ quan có thẩm quyền ghi nhận, tiếp thu…

Đóng góp vào những kết quả quan trọng đó không thể không kể đến vai trò quan trọng của các cơ quan báo chí trực thuộc HLGVN. Các cơ quan báo chí của Hội không chỉ tích cực tuyên truyền các chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới người dân, các thành phần kinh tế, mà còn tham gia tích cực vào các hoạt động pháp lý của HLGVN. Các cơ quan báo chí của Hội đã thực sự tạo diễn đàn để các cấp Hội và gần 80.000 Hội viên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tham gia góp ý, phản biện chính sách, xây dựng pháp luật.

Nhiều giải pháp, kiến nghị có chất lượng của các cấp Hội, Hội viên được các cơ quan báo chí của Hội kịp thời đưa tin, phản ánh, truyền tải đến các cơ quan chức năng trong quá trình xây dựng pháp luật, cải cách tư pháp, cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN,TC), cải cách môi trường đầu tư kinh doanh...

Đặc biệt, các cơ quan báo chí của Hội còn tích cực chủ động nghiên cứu thực tế, trực tiếp tham gia góp ý xây dựng phản biện chính sách pháp luật thông qua tổ chức thực hiện hàng loạt các chuyên đề nội dung, tổ chức các Hội thảo, Toạ đàm pháp luật chuyên sâu... nhằm góp ý sửa đổi, bổ sung các Dự án Luật; góp ý phản biện chính sách pháp luật nói chung và pháp luật kinh tế.

Điển hình hôm nay trao đổi với Phóng viên Tạp chí Pháp lý và qua theo dõi nội dung Tạp chí Pháp lý (TCPL), tôi nhận thấy, chỉ tính riêng thời gian 1 năm trở lại đây, TCPL đã xuất bản và phát hành nhiều số chuyên đề đặc biệt với những bài viết phân tích, bình luận, góp ý phản biện chính sách, pháp luật chuyên sâu, trong đó có nhiều chuyên đề nội dung góp ý cho công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

anh-3-1686199856.png

Thời gian qua TCPL đã dày công tổ chức phát hành nhiều số chuyên đề đặc biệt với nhiều tuyến bài nghiên cứu, phân tích, góp ý, phản biện chính sách pháp luật chuyên sâu

Đáng chú ý như các chuyên đề “Hành lang pháp lý quan trọng tạo môi trường đầu tư kinh doanh an toàn”; “Sửa đổi Luật Đất đai 2013, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế”; “Giải quyết những “điểm nghẽn” pháp lý cho thị trường bất động sản du lịch’; “Góp ý hoàn thiện khung pháp lý để điều chỉnh các xu hướng đầu tư kinh doanh mới như kinh tế số, thương mại điện tử, đầu tư - tài chính - kinh doanh số”; “Hoàn thiện môi trường pháp lý minh bạch, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế”; Chuyên đề dài kỳ phân tích chỉ rõ những bất cập, kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định pháp luật trong 29 Luật cản trở hoạt động kinh doanh. Thông qua các chuyên đề, TCPL đề xuất kiến nghị sửa đổi nhiều đạo luật quan trọng như: Luật Đất đai; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật về PPP; Luật Doanh nghiệp; Luật quản lý thuế, Luật Đấu giá; Luật giá, Luật Chứng khoán; Luật kinh doanh Bất động sản; Luật Trọng tài thương mại…

Bên cạnh đó, TCPL còn có nhiều bài viết phân tích, bình luận chuyên sâu, phỏng vấn, đối thoại cùng các ĐBQH, nhà khoa học pháp lý, Luật gia, chuyên gia kinh tế, lãnh đạo Bộ ngành chỉ rõ những bất cập và kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định pháp luật về trái phiếu doanh nghiệp; thuế; ngân hàng; chứng khoán;...

Từ công tác nghiên cứu thực tế, TCPL đã đăng tải hàng trăm bài viết phân tích bình luận sâu về thực thi chính sách pháp luật kinh tế, đầu tư kinh doanh và nêu ra loạt kiến nghị nhằm sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật, đặc biệt là chính sách pháp luật về đầu tư, kinh doanh như: Kiến nghị xây dựng khung pháp lý cho ngân hàng số, công nghệ tài chính và những nội dung cần quan tâm luật hóa; Kiến nghị “bịt lỗ hổng” chính sách “ưu đãi” về thuế, phí, đất đai trong thu hút đầu tư; Kiến nghị hoàn thiện chính sách pháp luật để quyền lợi của doanh nghiệp được bảo vệ khi tham gia thương mại điện tử;…

Tôi cũng rất quan tâm các bài viết tham gia góp ý cải cách tư pháp được TCPL đăng tải. Đáng chú ý là các bài: Giải pháp để ngành Tòa án không hình sự hóa các quan hệ kinh tế;  Góp ý nâng cao chất lượng giải quyết tranh chấp tín dụng bằng Tòa án; Giải pháp tháo gỡ những khó khăn trong thi hành các quyết định, bản án liên quan đến vi phạm trong quản lý đất đai, công sản; Để thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả cần chú trọng cơ chế phòng ngừa và chặt chẽ trong các biện pháp tố tụng; Kiến nghị các giải pháp phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực tư pháp; Cần nghiên cứu kỹ lưỡng khi thành lập Tòa án chuyên biệt; Tăng cường phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong điều tra tội phạm rửa tiền…

Đây thực sự là những nguồn tư liệu quý báu giúp các cơ quan có thẩm quyền, các Đại biểu Quốc hội là các Luật gia và các chuyên gia pháp luật,… tham khảo, củng cố thêm cơ sở trong việc tham gia góp ý xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật.

Truyền thông chính sách hiệu quả sẽ tác động rất lớn đến phát triển kinh tế xã hội

Phóng viên: Những năm qua, Đảng và Nhà nước đặc biệt coi trọng công tác truyền thông chính sách, với phương châm truyền thông phải đi trước để thống nhất nhận thức, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội. Theo ông, làm tốt công tác truyền thông chính sách sẽ có tác động, ảnh hưởng như thế nào đến công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh?

TS. Trần Công Phàn: Hiện nay, chúng ta đang tiếp tục tập trung xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, nền dân chủ XHCN và nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 về tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII đã đặt ra yêu cầu về xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, ổn định, khả thi, dễ tiếp cận, đủ khả năng điều chỉnh các quan hệ xã hội, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo…

anh-4-1686199856.jpg

Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch HLGVN, TS. Trần Công Phàn phát biểu tại Quốc hội

Trong công tác xây dựng pháp luật, làm tốt công tác truyền thông chính sách sẽ tạo sức mạnh lớn, hiệu quả cao trong xây dựng, thực hiện các chính sách pháp luật. Truyền thông chính sách tốt là giải pháp quan trọng để đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống và mang hơi thở cuộc sống vào quá trình xây dựng chính sách, pháp luật. Việc thực hiện truyền thông nhanh chóng, đầy đủ sẽ giúp cơ quan Nhà nước ngay trong quá trình dự thảo xây dựng các chính sách pháp luật được nhân dân đồng thuận. Từ đó, văn bản pháp luật được ban hành sẽ mang hơi thở cuộc sống, có tính khả thi cao.

Những năm qua, Chính phủ luôn nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó đặc biệt chú trọng đến cải cách thể chế, hoàn thiện pháp luật, cải cách hành chính. Việc thực hiện tốt công tác truyền thông sẽ giúp thúc đẩy quá trình cải cách. Truyền thông chính sách không chỉ phản ánh thông tin một chiều từ cơ quan Nhà nước đến cộng đồng doanh nghiệp, người dân, mà còn là kênh phản hồi hữu hiệu của cộng đồng các doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia tới cơ quan Nhà nước. Kết quả của quá trình này chính là đã có nhiều đợt rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh đã được tiến hành, nhiều chính sách có chất lượng, sát thực tiễn được ban hành….

Có được những kết quả quan trọng này, có vai trò đóng góp rất quan trọng của báo chí. Báo chí thực sự trở thành cầu nối giữa cơ quan chức năng với người dân và doanh nghiệp. Nếu không có các cơ quan thông tấn, báo chí, chính sách pháp luật sẽ khó có thể được thông tin đến người dân một cách sâu rộng, đầy đủ, chính xác, kịp thời.

Ngược lại, với tính phản biện cao, báo chí góp phần tạo sức ép đối với việc cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh ngày càng hiệu quả. Với vai trò là các cơ quan ngôn luận, báo chí truyền tải các thông tin phản biện của người dân, doanh nghiệp về các chính sách, pháp luật. Từ đó, các cơ quan Nhà nước sẽ nhận được phản hồi ý chí, nguyện vọng từ người dân, doanh nghiệp về các chính sách và có những điều chỉnh hợp lý nhằm đảm bảo quyền lợi của các bên, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của các chính sách, quyết sách của Nhà nước. Báo chí cũng tạo sức mạnh dư luận buộc các bộ, ngành phải làm tốt hơn trong việc thực hiện các chính sách về cải thiện môi trường kinh doanh…

Phóng viên: Theo dõi báo chí của Hội, ông có đánh giá thế nào về kết quả hiệu quả của báo chí thực hiện nhiệm vụ này, cũng như vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và các nhà quản lý, xây dựng chính sách?

TS. Trần Công Phàn: Thời gian qua, Đảng đoàn, Ban Thường vụ Trung ương Hội thường xuyên quan tâm chỉ đạo các cơ quan báo chí của Hội tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các cơ quan báo chí của Hội đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, tham gia tích cực vào việc tuyên truyền các chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước...

Đặc biệt, các cơ quan báo chí của Hội cũng đã dành nhiều thời lượng nội dung truyền thông sâu về tiến trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, Chính phủ..., qua đó góp phần đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến chính sách, pháp luật từ sớm, từ xa, phù hợp với thực tiễn, tạo đồng thuận xã hội đối với nội dung dự thảo, giúp nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Các cơ quan báo chí của Hội cũng thường xuyên đăng tải các góp ý của Hội, các cấp Hội, Hội viên đối với các dự luật, văn bản dưới luật được Bộ ban ngành soạn thảo.

Tôi ví dụ như liên quan đến sửa Luật Đất đai, các cơ quan báo chí của Hội đã rất tích cực thông tin về chủ trương chính sách của Đảng, tuyên truyền về Nghị quyết 18 NQ/TW; đăng tải rất nhiều tuyến bài viết góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Các cơ quan báo chí đã thu thập những phản hồi, đăng tải ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia, giới luật gia, người dân và doanh nghiệp góp ý về dự Luật Đất đai (sửa đổi) một cách công khai, minh bạch, rõ ràng.

Các phóng viên, nhà báo tại các cơ quan báo chí của Hội rất tích cực kịp thời thông tin, truyền tải về những chính sách mới; phân tích, chỉ rõ những tác động của chính sách mới đến người dân và doanh nghiêp, giúp người dân, doanh nghiệp hiểu rõ hơn về những chính sách mới; đi sâu, đi sát vào thực tế nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, phát hiện ra những vấn đề gai góc, bất cập của các chính sách, pháp luật để phản ánh, kiến nghị, đề xuất để Quốc hội, lãnh đạo Chính phủ quan tâm và cải cách kịp thời.

Điển hình như mới đây, TCPL có loạt bài: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và những quy định tác động đến Doanh nghiệp; Doanh nghiệp kiến nghị thủ tục hỗ trợ phát triển thương mại điện tử qua biên giới; Những đạo Luật lớn tác động đến cộng đồng Doanh nghiệp; 8 nhóm vấn đề khó khăn doanh nghiệp đang phải đối diện; Cần nhiều giải pháp đồng bộ để tháo gỡ khó khăn thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản.

Tôi cũng rất chú ý đọc những tuyến bài mà TCPL nghiên cứu viết sâu về những chính sách đầu tư kinh doanh, kinh nghiệm chính sách thúc đẩy đầu tư kinh doanh của nhiều nước trên thế giới

Ngoài ra là những tuyến bài có hàm lượng nghiên cứu khoa học pháp lý chuyên sâu. Đặc biệt TCPL đã dày công nghiên cứu gần 20 vụ đại án hình sự, từ đó viết loạt bài phân tích nhận diện kẽ hở, kiến nghị, sửa đổi nhiều luật liên quan.

Có thể nói các cơ quan báo chí của Hội, đặc biệt là TCPL đã làm rất tốt công tác truyền thông chính sách, trong đó đã truyền tải rất trúng nhiều vấn đề từ thực tiễn để cơ quan chức năng hoàn thiện chính sách.

Tham gia hiệu quả hơn vào công tác truyền thông chính sách

Phóng viên: Hoàn thiện thể chế, pháp luật, nâng cao hiệu lực hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật, thúc đẩy cải cách môi trường đầu tư kinh doanh là một trong những nhiệm vụ vô cùng quan trọng công cuộc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN. Để có thể tham gia sâu hơn vào quá trình này trong thời gian tới, các cơ quan báo chí của Hội cần có những cải cách gì?

TS. Trần Công Phàn: Trong thời gian tới, để có thể hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ truyền thông chính sách, tham gia phản biện chính sách, góp phần thúc đẩy cải cách môi trường đầu tư kinh doanh… đòi hỏi các cơ quan báo chí của Hội cần bám sát tôn chỉ, mục đích hoạt động, tích cực, chủ động đổi mới hình thức, nội dung, phương pháp tuyên truyền. Tăng thời lượng cho công tác tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quảng bá về HLGVN.

Đảng đoàn HLGVN đã có Kế hoạch số 180/KH-ĐĐ ngày 10/3/2023 về thực hiện Nghị quyết 27/NQ-TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; Chương trình hành động số 163/CTr-HLGVN ngày 30/5/2023 của HLGVN về việc triển khai Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 1/7/2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với HLGVN trong tình hình mới…. Các cơ quan báo chí của Hội cần bám sát các Kế hoạch và Chương trình quan trọng này để thực hiện nhiệm vụ được giao. Trong đó, cần tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức của cán bộ, phóng viên, biên tập viên về vai trò và trách nhiệm chính trị của báo chí trong tham gia xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới.

Đặc biệt các cơ quan báo chí cần tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức thể hiện tác phẩm báo chí, đổi mới hoạt động truyền thông chính sách, tạo sự hấp dẫn, thu hút được sự quan tâm của độc giả, công chúng. Tăng cường thực hiện các bài viết về phản biện chính sách, pháp luật, tham gia tích cực vào công tác xây dựng pháp luật, góp phần thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới.

anh-5-1686200137.png

Phóng viên báo chí phỏng vấn Đại biểu Quốc hội

Tăng cường hơn nữa các bài viết nghiên cứu, chuyên đề pháp lý chất lượng, tập hợp được nhiều ý kiến của các luật gia, chuyên gia, các cán bộ nghiên cứu, những người làm thực tiễn, … đóng góp ý kiến vào quá trình xây dựng chính sách pháp luật. Chủ động hoặc phối hợp với cơ quan chức năng và chuyên gia, nhà khoa học… thông qua những cuộc trao đổi, phỏng vấn, đối thoại, tọa đàm, hội thảo để truyền thông và phản biện chính sách. Đồng thời phải sâu sát thực tế, ghi nhận ý kiến của người dân, doanh nghiệp; kịp thời thông tin, phản ánh tới cơ quan chức năng những khó khăn của doanh nghiệp, những rào cản từ chính sách...

Đặc biệt, các cơ quan báo chí của Hội cần chủ động đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ, phát triển các sản phẩm báo chí số, trên các nền tảng khác nhau để tăng độ tương tác với độc giả, phục vụ tốt hoạt động nghiên cứu, thông tin, truyền thông. 

Các phóng viên, biên tập viên phải tích cực rèn luyện bản lĩnh nghề nghiệp, thường xuyên học tập, nâng cao kiến thức pháp luật, … để có được những tác phẩm báo chí nghiên cứu, phân tích, bình luận chuyên sâu hơn, chất lượng hơn, bám sát thực tế hơn, có sức lan tỏa và đóng góp tích cực hơn nữa vào công cuộc xây dựng và hoàn thiện pháp luật, thúc đẩy cải cách môi trường đầu tư kinh doanh; xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn TS.Trần Công phàn đã quan tâm, dành thời gian trả lời phỏng vấn TCPL!

Đinh Chiến – Lê Phúc (thực hiện)

Link nội dung: https://phaply.net.vn/ts-tran-cong-phan-dai-bieu-quoc-hoi-pho-chu-tich-hlgvn-bao-chi-ngay-cang-co-vai-tro-quan-trong-trong-truyen-thong-phan-bien-chinh-sach-thuc-day-cai-cach-moi-truong-dau-tu-kinh-doanh-a256963.html