Dự án Luật Đấu thầu sửa đổi nếu được QH thông qua sẽ có nhiều tác động đến hoạt động SXKD của cộng đồng DN
Những nội dung lớn quan trọng nào đã được chỉnh lý, tiếp thu?
Thông tin tại Họp báo ngày 19/5/2023, ông Phạm Thái Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận về Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan bám sát mục tiêu, yêu cầu sửa đổi luật để hoàn thiện Dự thảo Luật.
Theo ông Phạm Thái Hà, Dự thảo Luật được rà soát, hoàn thiện theo hướng: chỉnh lý phạm vi, đối tượng áp dụng luật, quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa Luật Đấu thầu với các luật có liên quan; rà soát quy trình, giảm thời gian đấu thầu, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh áp dụng đấu thầu qua mạng; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đấu thầu, đặc biệt là vướng mắc trong đấu thầu mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế thời gian qua.
Dự thảo Luật cũng quy định rõ các hành vi bị cấm, các ưu đãi đối với doanh nghiệp trong nước, nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu; luật hóa những nội dung được quy định ở văn bản dưới luật đã thực hiện ổn định; quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, bên mời thầu, bên dự thầu, góp phần hạn chế thất thoát, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động đấu thầu, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đấu thầu. Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 10 chương, 99 điều (giữ nguyên số chương, tăng thêm 1 điều) so với Dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4.
Trước đó, tại cuộc họp của Ủy ban Tài chính - Ngân sách (UBTCNS) của Quốc hội ngày 15/5/2023, ông Vũ Tuấn Anh, Ủy viên Thường trực UBTCNS cho biết, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), Cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo đã nỗ lực rà soát kỹ lưỡng, thận trọng để quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn, nhất là các nội dung về thẩm quyền, trách nhiệm của các bên, các hành vi bị cấm và biện pháp xử lý... để tăng cường quản lý, bảo đảm tính chặt chẽ trong các quy định, góp phần hạn chế hành vi sai phạm, trục lợi, gây thiệt hại tài sản công.
Nhiều nội dung được đại biểu Quốc hội quan tâm nêu ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 đã được tiếp thu, chỉnh lý. Trong đó, theo UBTCNS, Dự thảo Luật lần này đã bỏ quy định áp dụng chỉ định thầu đối với gói thầu tái định cư vì đây là công việc không phức tạp, nhiều nhà thầu có thể thực hiện được. Đối với dự án quan trọng quốc gia, việc chỉ định thầu sẽ do Quốc hội quyết định khi phê duyệt chủ trương đầu tư của dự án. Bổ sung quy định chỉ định thầu đối với gói thầu cung cấp thuốc, hóa chất, thiết bị y tế để cấp cứu người bệnh trong trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có đủ thuốc, hóa chất, thiết bị y tế; gói thầu mua thuốc, thiết bị y tế chỉ có duy nhất một hãng sản xuất trên thị trường do yêu cầu về giải pháp công nghệ để bao quát các trường hợp cấp bách, cấp cứu trong lĩnh vực y tế… Luật hóa quy định về hạn mức chỉ định thầu. Bổ sung một số trường hợp chỉ định thầu đang được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, nhưng có đủ điều kiện để áp dụng chỉ định thầu...
Ngoài ra, nhiều vấn đề lớn khác đã được tiếp thu, chỉnh lý như bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu; đấu thầu trước; yêu cầu đối với thành viên tổ chuyên gia, tổ thẩm định; lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt; mua sắm tập trung; một số nội dung khác về lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất...
Cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các vấn đề lớn còn có nhiều ý kiến khác nhau
Về đối tượng dự án sử dụng vốn nhà nước phải đấu thầu
Trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật còn có những vấn đề còn ý kiến khác nhau như về việc áp dụng Luật Đấu thầu đối với doanh nghiệp nhà nước và dự án sử dụng vốn nhà nước. Trước đó, dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Chính phủ đã đề xuất chỉ áp dụng Luật Đấu thầu đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu của doanh nghiệp nhà nước thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 88 Luật Doanh nghiệp, đồng thời bãi bỏ điểm c khoản 1 Điều 1 Luật Đấu thầu hiện hành để không áp dụng Luật này đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu thuộc các dự án có sử dụng vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án.
Cho ý kiến về vấn đề này, nhiều ý kiến trong Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, nếu quy định như dự thảo Chính phủ trình sẽ thu hẹp đáng kể đối tượng dự án sử dụng vốn nhà nước phải đấu thầu, tạo khoảng trống pháp luật trong quản lý vốn nhà nước dẫn tới các dự án đầu tư của công ty con của các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước khác... sẽ không phải đấu thầu theo quy định của luật này. Do vậy, đề nghị quy định đối tượng áp dụng đối với dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có trên 50% vốn thuộc sở hữu của doanh nghiệp nhà nước, nhằm quản lý chặt chẽ nguồn vốn đầu tư của nhà nước vào doanh nghiệp nhà nước và nguồn vốn của doanh nghiệp nhà nước đầu tư, góp vốn vào các doanh nghiệp khác mà doanh nghiệp nhà nước nắm quyền chi phối.
Liên quan đến việc lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt
Dự thảo Luật trình Quốc hội quy định theo hướng áp dụng cơ chế đặc biệt để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh, biên giới lãnh thổ. Nhiều ý kiến phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, mặc dù trên thực tế có rất ít trường hợp nhà đầu tư được lựa chọn theo cơ chế đặc biệt và cũng chưa phát sinh trường hợp đặc biệt nào có yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh phải lựa chọn nhà đầu tư theo cơ chế đặc biệt. Tuy nhiên, việc có quy định này trong Luật mang tính dự phòng là cần thiết bởi chưa thể lường trước được trong tương lai. Do vậy, cần có quy định về áp dụng cơ chế đặc biệt lựa chọn nhà đầu tư khi có yêu cầu đặc thù, cấp bách để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung.
Cần bảo đảm thống nhất các quy định giữa Luật đấu thầu và Bộ luật hình sự
Có thể nói, Dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi đã có nhiều quy định nhằm nâng cao tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch, và ngăn chặn tình trạng tham nhũng, tiêu cực, thông thầu, gian lận…
Mặc dù, dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã bổ sung, hoàn thiện quy định về 9 nhóm hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu (Điều 16), áp dụng cho cả người có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu, nhà thầu, nhà đầu tư... Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng: Để tránh sau này thiếu căn cứ pháp lý để xử lý các hành vi chưa được quy định cấm trong Luật đấu thầu sửa đổi, Ban soạn thảo cần tổ chức lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp, nhà quản lý, chuyên gia, tham khảo thực tiễn pháp luật của các nước để bổ sung, hòan thiện quy định cấm tại Điều này, phù hợp với chính sách đã nêu “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu thầu, phòng chống tiêu cực, tham nhũng và lãng phí trong hoạt động đấu thầu”. Ngoài ra, cần rà soát, đối chiếu với các quy định về tội phạm hình sự tại Điều 222 Bộ luật hình sự 2017 để bảo đảm thống nhất các quy định liên quan giữa Luật đấu thầu và Bộ luật hình sự.
Cần bổ sung chế tài quản lý sau đấu thầu
Dự thảo Luật đấu thầu sửa đổi hiện nay chưa thấy có qui định quản lý thực hiện sau đấu thầu.
Dự thảo ngày 05/4/2023 mới đưa thêm Điều 69 về nguyên tắc thực hiện hợp đồng – đưa ra 3 nguyên tắc còn rất sơ sài không có nội dung mang tính pháp lý. Những quy định pháp lý với chủ đầu tư, bên mời thầu, tư vấn, nhà thầu thực hiện gói thầu là những chế tài cần được quy định trong nội dung của Điều này.
Công tác “Giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu” (Điều 89) cũng chỉ quy định công tác giám sát hồ sơ, đánh giá hồ sơ, quy trình tổ chức lựa chọn nhà thầu… Những nội dung này không phải là các quy định liên quan đến công tác giám sát thực hợp đồng. Không có chế tài nên khi thực hiện nhà thầu có thể không đáp ứng được những cam kết trong hồ sơ dự thầu, kết quả là chậm tiến độ, chất lượng không đáp ứng,… Từ đó, các chuyên gia cho rằng Luật Đấu thầu cần có những điều quy định về quản lý thực hiện đấu thầu và các chế tài kiểm soát công tác sau đấu thầu để công tác đấu thầu thực sự có hiệu quả
Hoàn thiện khung pháp lý mở rộng đấu thầu dự án sử dụng đất:
Ông Trần Đại Nghĩa, Uỷ viên Thường vụ Hội Pháp luật xây dựng Việt Nam cho rằng, hình thức đấu giá quyền sử dụng đất hiện nay đã bộc lộ nhiều hạn chế khi chỉ căn cứ trên chỉ tiêu tài chính để lựa chọn nhà đầu tư, dẫn đến tình trạng giá đất trúng đấu giá quá cao, gây lũng đoạn thị trường, điển hình như vụ Tân Hoàng Minh trúng đấu giá đất ở Thủ Thiêm. Hơn nữa, hình thức này chỉ áp dụng được khi Nhà nước đã có sẵn quỹ đất sạch. Ngoài ra, đa số quỹ đất phát triển dự án thường ở tình trạng “da beo”, nên trong thực tiễn thì đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất sẽ là hình thức phù hợp hơn. Đồng thời, việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cũng có tính cạnh tranh và công bằng hơn, khi cơ sở để lựa chọn nhà đầu tư còn dựa trên nhiều chỉ tiêu khác về năng lực kinh nghiệm, tài chính, kỹ thuật… Các nhà đầu tư cũng phải cam kết thực hiện dự án thông qua việc ký hợp đồng với Nhà nước về tiến độ thực hiện dự án.
Đối với dự án sử dụng đất, giao đất thông qua đấu thầu cần phải được ưu tiên nhất trong quá trình xây dựng quy định pháp luật, không chỉ với Luật Đấu thầu mà còn với cả các quy định pháp luật liên quan khác, từ đó thực hiện thành công các định hướng của Nghị quyết 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Trong đó, cần thống nhất các quy định của Luật Đấu thầu và Luật Đất đai.
Đấu thầu qua mạng không chỉ rút ngắn thời gian, giảm bớt chi phí cho bên mời thầu và nhà thầu, mà còn góp phần chấm dứt vấn nạn “quân xanh, quân đỏ”
Quy định về đấu thầu qua mạng phù hợp với nền kinh tế trong giai đoạn chuyển đổi số hiện nay. Đấu thầu qua mạng không chỉ rút ngắn thời gian, giảm bớt chi phí cho bên mời thầu và nhà thầu, mà còn góp phần chấm dứt vấn nạn “quân xanh, quân đỏ” hay cài cắm các điều khoản hạn chế sự tham gia của các bên tham gia thầu.
Theo các chuyên gia pháp luật khi đấu thầu qua mạng, việc thay đổi hồ sơ mời thầu khá bất tiện, có thể trục trặc, gây ra sự thiếu công bằng. Chính kẽ hở trong công nghệ có trường hợp nhà thầu bị loại ra khỏi danh sách, hoặc gần đến thời điểm đấu thầu mới cho thêm vào. Do đó, đề nghị ban soạn thảo phân quyền kiểm soát thật chặt chẽ, chỉ đến khi mở hồ sơ mới biết được số lượng nhà thầu tham gia và không loại được nhà thầu trước khi mở thầu.
Một vấn đề lớn khác đó là giá trị pháp lý của các tài liệu điện tử, cũng như chữ ký số trong đấu thầu qua mạng chưa được công nhận đầy đủ, chưa được quy định cụ thể ở văn bản quy phạm pháp luật và còn thiếu sự phối hợp giữa các bên liên quan trong thanh toán, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán. Vì thế, cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến vấn đề trên.
Những khó khăn phát sinh khi thực hiện đấu thầu qua mạng là chủ đầu tư không được giữ bản gốc hồ sơ của nhà thầu. Trong khi với hình thức đấu thầu trực tiếp, nếu nhà thầu “bỏ thầu”, chủ đầu tư có quyền yêu cầu ngân hàng chuyển tiền bảo lãnh về tài khoản của mình (chủ đầu tư giữ bản gốc cam kết bảo lãnh của ngân hàng). Vì vậy, để không làm mất thời gian, công sức của chủ đầu tư, cần áp dụng những biện pháp cứng rắn như cấm đấu thầu trong một thời hạn nhất định đối với những nhà thầu tham gia “đấu thầu thử”, “bỏ chạy”.
Kết mở
Có thể nói hoàn thiện các chế định trong Dự án Luật đấu thầu sửa đổi nhằm khắc phụ bất cập, bịt các kẽ hở, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa các luật liên quan là cấp bách và cần thiết. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp , đồng thời ngăn chặn tiêu cực tham nhũng trong hoạt đồng đấu thầu.
Thành Chung