Quan điểm của Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa hơn nửa thế kỷ, nhưng quan điểm, tư tưởng của Người về Nhà nước và pháp luật nói chung, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nói riêng vẫn là di sản vô giá và là cơ sở tư tưởng - lý luận mãi mãi soi đường cho tiến trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay.

nha-nuoc-phap-quyen-la-gi-1684468487.png

Ảnh minh họa

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặt nền móng xây dựng "Nhà nước pháp quyền" ở Việt Nam. Người hiểu rõ mục tiêu của từng chặng đường trên con đường dẫn đến lý tưởng đúc kết khát vọng của cả loài người "Sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người” mà "Tuyên ngôn của Đảng cộng sản" do Mác và Ănghen viết 1848 đã khẳng định. Tuy Người đã đi xa hơn nửa thế kỷ, nhưng quan điểm, tư tưởng của Người về Nhà nước và pháp luật nói chung, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nói riêng vẫn là di sản vô giá và là cơ sở tư tưởng - lý luận mãi mãi soi đường cho tiến trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay. Chính vì vậy Người đã đưa ra một số quan điểm về Nhà nước pháp quyền như sau:
Thứ nhất, lấy dân làm gốc, Nhân dân là nguồn gốc và chủ thể của quyền lực nhà nước
Nghiên cứu và thấm nhuần bài học lớn trong suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”[1]. Do vậy, ngay trong Điều 1 Hiến pháp năm 1946 - bản Hiến pháp do Người trực tiếp chỉ đạo soạn thảo đã khẳng định: “Nước Việt Nam là một nước Dân chủ Cộng hòa. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”[2]. “Dân là gốc”, mọi việc đều bắt nguồn từ dân, làm được hay không cũng là ở nơi dân. Muốn thực sự lấy dân làm gốc, thực sự muốn gần dân, dân tin, dân quý thì: “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh... Nói tóm lại, muốn được dân yêu, muốn được lòng dân, trước hết phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân trên hết thảy, phải có một tinh thần chí công vô tư”[3].

Trong suốt quá trình lãnh đạo và chỉ đạo cách mạng, Hồ Chí Minh luôn mong muốn và khát khao hành động để xây dựng Nhà nước kiểu mới thực sự là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Trong bài viết về Dân vận, đăng trên Báo Sự thật, số 120, ngày 15/10/1949, Người đã khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ, bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân, chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra... Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”[4].

Xuất phát từ quan điểm về quyền làm chủ chính trị của Nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương quyết tâm tổ chức Tổng tuyển cử ngay sau khi nước ta mới giành được độc lập. Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời sau ba ngày Người đọc bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945, Người đã nói: “Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc TỔNG TUYỂN CỬ với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống, v.v..”[5] . Tư tưởng đại đoàn kết toàn dân, Nhân dân tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội không chỉ là phương châm chính trị, mà đã trở thành những nguyên tắc hiến định. Tất cả các bản Hiến pháp sau đó, Nhà nước ta đều khẳng định các nguyên tắc đó.

Thứ hai, tất cả vì con người, vì tự do, ấm no, hạnh phúc của Nhân dân

Ngay từ khi ra đi tìm đường cứu nước, rồi tiếp cận chủ nghĩa Mác - Lê nin, Nguyễn Ái Quốc đã trăn trở: “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”[6]. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, xét về bản chất và mục tiêu, “Không có chế độ nào tôn trọng con người, chú ý xem xét những lợi ích cá nhân đúng đắn và bảo đảm cho nó được thoả mãn bằng chế độ xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa”[7].

Tư tưởng về con người, tôn trọng và bảo đảm quyền con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm trong dòng chảy của các tư tưởng vĩ đại của nhân loại. Người khái quát: “Khổng Tử, Giê Su, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng đã có những điểm chung đó sao? Họ đều mưu cầu hạnh phúc cho loài người, cho xã hội, nếu hôm nay họ còn sống trên đời này, nếu họ hợp lại một chỗ, tôi tin rằng, họ nhất định sẽ chung sống với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết”[8]. Trong Tuyên ngôn độc lập năm 1945 của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng nhắc lại những vấn đề cốt lõi của tư tưởng cách mạng Mỹ và cách mạng Pháp, coi các quyền con người như quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc là những quyền tự nhiên, không thể tước đoạt.

Thứ ba, quản lý nhà nước, quản lý xã hội dựa trên pháp luật và thực hiện pháp luật công bằng với nền hành chính và tư pháp liêm chính, đạo đức, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa và vai trò của pháp luật trong việc bảo đảm lợi ích của Nhân dân và phản ánh ý chí, nguyện vọng của Nhân dân. Các lý tưởng và giá trị công bằng, dân chủ, tự do chân chính luôn là những yếu tố hạt nhân trong tư tưởng Hồ Chí Minh về pháp luật, về thi hành và áp dụng pháp luật, nhất là trong hoạt động tư pháp. Người quan niệm: “Nghĩ cho cùng, vấn đề tư pháp cũng như mọi vấn đề khác, trong lúc này là vấn đề làm người ở đời và làm người là phải thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ, bị áp bức”[9]. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, các giá trị dân chủ, công bằng, nhân đạo được thể hiện thông qua phương châm hành động của Nhà nước và của các cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên. Bác nhắc nhở: “Việc gì cũng phải công bình, chính trực, không nên vì tư ân, tư huệ, hoặc tư thù, tư oán”.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật các yếu tố pháp luật, kỷ luật, kỷ cương luôn đi liền với yêu cầu về đạo đức, trước hết là đạo đức tận tụy phục vụ Nhân dân. “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”[10]. Người luôn đề cao hành động thực tiễn, nói đi đôi với làm, ý thức noi gương của cán bộ, đảng viên, coi thực tiễn là tiêu chuẩn để kiểm tra tính đúng đắn và hiệu quả của các chính sách và pháp luật.

Đồng thời, Người luôn khẳng định vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản đối với Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chính vì vậy,  trong tác phẩm Đường Kách mệnh, Người đã chỉ rõ vai trò, sứ mệnh to lớn và có tính quyết định của một chính đảng theo chủ nghĩa Mác-Lênin với đường lối chính trị đúng đắn, với tư tưởng tiên tiến và tổ chức chặt chẽ. Người nhấn mạnh, mục đích hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam là lãnh đạo Nhân dân giành lấy chính quyền, mang lại độc lập cho dân tộc, hạnh phúc cho Nhân dân, trung thành và phụng sự lợi ích của Nhân dân, của dân tộc. Hồ Chí Minh khẳng định: “Đảng ta là một đảng cầm quyền”; “trong mọi công tác thiết thực của Đảng, ắt phải từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng”, “Chỉ trong đấu tranh và công tác hằng ngày, khi quần chúng rộng rãi thừa nhận chính sách đúng đắn và năng lực lãnh đạo của Đảng, thì Đảng mới giành được địa vị lãnh đạo”[11].

Thời gian qua, thấm nhuần quan điểm của Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền với phương châm "lấy dân làm gốc" và dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, Cương lĩnh xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991, khẳng định toàn bộ tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị nước ta trong giai đoạn mới là nhằm xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thuộc về Nhân dân, gắn liền với công bằng xã hội phải được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương, phải được thể chế hóa bằng pháp luật và được pháp luật bảo đảm.

Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (tháng 1/1994) đã chính thức đưa vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam vào Văn kiện của Đảng, khẳng định nhiệm vụ chiến lược: “Xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”[12].

Trong Cương lĩnh xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã làm sâu sắc hơn quan điểm và nhận thức của Đảng ta về Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa với việc xác định nhà nước pháp quyền là một trong tám đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa và là một trong tám phương hướng cơ bản của xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; khẳng định quan điểm kiên trì xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền.

Đặc biệt, đến Hiến pháp năm 2013, tư tưởng về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Đảng được thể chế hoá rõ ràng và đầy đủ tại Điều 2: “1. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. 2. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. 3. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”.

Đại hội XIII của Đảng (tháng 1/2021) đề ra những định hướng, quan điểm, giải pháp đột phá cho tiến trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị. Đồng thời, Đảng ta nêu rõ, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa phải tiến hành đồng bộ, gắn với đổi mới hệ thống chính trị và đổi mới kinh tế văn hóa, xã hội; xác định 13 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, trong đó có định hướng xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đại hội đề ra nhiệm vụ “Nghiên cứu, ban hành Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, trong đó có Chiến lược pháp luật và cải cách tư pháp”. Việc đề ra nhiệm vụ này khẳng định quan điểm kiên trì xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, có lộ trình, bước đi phù hợp và vững chắc.

Như vậy, có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là một bước đột phá trong tư duy về xây dựng Nhà nước trong thời kỳ đổi mới của Đảng ta trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước kiểu mới ở Việt Nam. Đó là cơ sở chính trị cho việc tiếp tục đẩy mạnh việc nghiên cứu về nhà nước pháp quyền và thúc đẩy việc đổi mới một cách căn bản, có hệ thống tổ chức và phương thức hoạt động của Nhà nước ở Việt Nam hiện nay. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, khẳng định: “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị”[13]. Do vậy, trong thực hiện cần tiếp tục quán triệt và vận dụng linh hoạt, sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân vẫn mãi có ý nghĩa về lý luận và thực tiễn sâu sắc. Ngày nay, trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới và hội nhập, Đảng ta tiếp tục kế thừa tư tưởng của Người để xây dựng Nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do nhân dân và vì Nhân dân là điều vô cùng cần thiết và đúng đắn.

 

[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 10, tr. 453.

[2] Hiến pháp Việt Nam qua các thời kỳ, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019, tr. 8.

[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr. 51-52.

[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 6, tr. 232.

[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr. 7.

[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr. 64.

[7] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 11, tr. 610.

[8] Hồ Chí Minh về vấn đề tôn giáo và tín ngưỡng, Nxb. Khoa học xã hội, H.1996, tr. 152.

[9] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập III, Nxb Lao động, Hà Nội, 1971, tr.138

[10] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr. 65. 

[11] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 3, tr. 168

[12] Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 53 (1994), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.224-225

[13] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 174

Chu Mai Phong (Khoa LLCS – Trường Chính trị tỉnh)

Link nội dung: https://phaply.net.vn/quan-diem-cua-ho-chi-minh-ve-nha-nuoc-phap-quyen-a256889.html