Từ những khoảng trống pháp lý trong thu hồi tài sản tham nhũng: Kiến nghị sửa, bổ sung nhiều chế định pháp luật quan trọng

(Pháp lý) – Từ những nghiên cứu thực tế, Nhóm Phóng viên Tạp chí điện tử Pháp lý điểm lại những khoảng trống pháp lý lớn trong công tác thu hồi tài sản bị thất thoát chiếm đoạt trong các vụ án kinh tế, tham nhũng. Qua đó kiến nghị các cơ quan chức năng sớm nghiên cứu khắc phục.

Từ thực tế giám sát, năm 2023, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã chỉ ra nhiều tồn tại, bất cập trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng. Đồng thời kiến nghị loạt giải pháp để tăng tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng. Trong đó có nhiều giải pháp đáng lưu ý như: Cho phép cơ quan điều tra áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm giữ, tạm ngừng giao dịch tài khoản, tạm thời kê biên/phong tỏa tài sản ngay giai đoạn xác minh, giải quyết nguồn tin tội phạm trong một thời gian cụ thể; bổ sung quy định về công khai bản kê khai tài sản thu nhập tại nơi cư trú để nhân dân giám sát; Bổ sung quy định về cơ chế động viên, khuyến khích người phạm tội tự nguyện giao nộp lại tài sản đã chiếm đoạt, tự nguyện khắc phục hậu quả thiệt hại…

Thu hồi tài sản tham nhũng vẫn là một hạn chế trong phòng, chống tham nhũng

Còn nhiều khoảng trống pháp lý trong thu hồi tài sản tham nhũng (ảnh minh hoạ)

Từ những nghiên cứu thực tế, Nhóm Phóng viên Tạp chí điện tử Pháp lý xin điểm lại những khoảng trống pháp lý lớn trong công tác thu hồi tài sản bị thất thoát chiếm đoạt trong các vụ án kinh tế, tham nhũng hiện nay cần sớm được các cơ quan chức năng nghiên cứu khắc phục nhằm đạt hiệu quả cao hơn trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng.

Nhận diện những khoảng trống pháp lý trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng

Từ thực tế nghiên cứu những vụ án chúng tôi thấy rằng, với tội phạm tham nhũng, các đối tượng thường có trình độ chuyên môn cao, hiểu biết pháp luật, có chức vụ, quyền lực chính trị và đặc biệt là có mối quan hệ xã hội… do đó, sẽ tìm mọi cách “tẩu tán” ngay từ khi có được tài sản phi pháp. Nguyên nhân của vấn đề này là do vẫn còn nhiều hạn chế trong những quy định pháp luật hiện hành liên quan đến công tác PCTN, thu hồi tài sản từ khâu phòng ngừa, cho đến ngăn chặn tẩu tán tài sản.

Điển hình như Luật PCTN 2018 và Nghị định 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật PCTN về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị là những văn bản pháp luật mới nhất về PCTN, với những quy định được đánh giá là tiến bộ, bổ sung, mở rộng nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tăng tính minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập… tuy nhiên, vẫn tồn tại không ít khuyết thiếu, bất cập.

Điển hình như  quy định: cán bộ chỉ phải kê khai tài sản của bản thân, vợ (hoặc chồng) và con chưa thành niên ( Điều 33 Luật PCTN năm 2018). Theo qui định này phạm vi kê khai tài sản là quá hẹp và vô hình trung đã bỏ qua trường hợp con đã thành niên và hai đối tượng thân thích khác là bố và mẹ, anh chị em ruột…. Trên thực tế, rất nhiều vụ án tham nhũng xảy ra và khi điều tra ra mới rõ tài sản mà người phạm tội có được đã đứng tên của chính bố, mẹ đẻ hoặc con đã thành niên, thậm chí có những trường hợp nhờ cả bạn bè, anh chị em đứng tên như vụ Trịnh Xuân Thanh, Phạm Sào Nam hay mới đây nhất, trong đại án gian lận đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Công ty AIC, Nguyễn Thị Thanh Nhàn (đối tượng đã bỏ trốn) đã nhờ bố đẻ đứng tên biệt thự hàng trăm mét vuông….

12-1635308819.jpg

Nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng có tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt đặc biệt lớn, nhưng việc thu hồi lại đang gặp khó khăn, thậm chí lâm vào bế tắc. (ảnh minh hoạ)

Bên cạnh đó, theo quy định về công khai tài sản cán bộ, công chức, việc công khai bản kê khai đối với những người thuộc phạm vi kiểm soát của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 39 của Luật Phòng, chống tham nhũng.  Đồng thời bản kê khai chủ yếu chỉ được niêm yết tại đơn vị trong thời hạn 15 ngày hoặc công khai tại cuộc họp… (Điều 11 Nghị định 130/2020/NĐ-CP). Có thể thấy, quy định việc công khai bản kê khai tài sản cán bộ, công chức như vậy khá hẹp về đối tượng, ngắn về thời gian, việc này làm mất đi phần nào hiệu quả của kê khai tài sản trong công tác giám sát, kiểm tra, ngăn ngừa, xử lý hành vi tham nhũng.

Ngoài ra, mặc dù Luật PCTN đã có quy định về xử lý hành vi kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực (Điều 51, Luật PCTN 2018), nhưng lại chưa có điều khoản nào quy định về việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc.

Pháp luật về tài chính, ngân hàng, đầu tư kinh doanh… vẫn tồn tại nhiều bất cập. Điển hình như, pháp luật có quy định về báo cáo đối với các giao dịch có giá trị lớn nhưng chưa có quy định các giao dịch giá trị lớn như mua nhà đất, xe cộ bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng. Trong khi các giao dịch này chính là kênh mà tội phạm có thể tận dụng để rửa tiền một cách nhanh nhất.

Nhiều chuyên gia, tổ chức đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo về tình trạng tội phạm rửa tiền lợi dụng thói quen giao dịch bằng tiền mặt để mua tài sản có giá trị cao như bất động sản, nhà cửa, ô tô, vàng bạc, đá quý..., sau đó nhờ người khác đứng tên, cất giấu nhằm hợp thức nguồn tiền thu được từ các hoạt động tội phạm.

Hay như trong các quy định về đầu tư ra nước ngoài, quy định rõ các trường hợp cá nhân không được thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài gồm cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp…; cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước... (Điều 68 của Nghị định số 31/2021/NĐ-CP). Tuy nhiên, pháp luật không có cơ chế để kiểm soát người thân của các trường hợp này đầu tư ra nước ngoài.

Thực tế nhiều vụ tham nhũng khi bị phát hiện thì kẻ phạm tội đã đầu tư ra nước ngoài số tiền rất lớn, nhất là mua bất động sản, gửi tiền ở các ngân hàng nước ngoài thông qua những người thân của họ. Việc tội phạm tham nhũng, kinh tế với đối tượng là cán bộ, công chức sử dụng “chiêu” đầu tư ra nước ngoài đã được nhận diện, đề cập nhưng thực tế chưa có chế tài nghiêm khắc, cụ thể, nhất là đối với các khoản tiền đầu tư ra nước ngoài do người thân đứng tên.

Vẫn còn nhiều “lỗng hổng” từ khâu “phòng” đến biện pháp “chống”,  khiến thu hồi tài sản tham nhũng gặp khó khăn (ảnh minh hoạ)

Không chỉ tồn tại nhiều kẽ hở ngay từ khâu phòng ngừa mà đến các biện pháp ngăn chặn cũng có không ít lỗ hổng. Bởi, nghiên cứu kỹ những quy định pháp luật liên quan đến thi hành án mới thấy ngay cả khi hành vi tham nhũng bị phát hiện, vụ án được khởi tố, truy tố, xét xử, đương sự vẫn có thể tẩu tán tài sản.

Pháp luật tố tụng hình sự chủ yếu quy định trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng trong việc đấu tranh, làm rõ hành vi phạm tội mà chưa quy định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm trong việc phát hiện, xác minh tiền, tài sản tham nhũng hay có nguồn gốc từ tham nhũng của bị can, bị cáo để có áp dụng biện pháp bảo đảm cần thiết để đảm bảo thu hồi tiền, tài sản tham nhũng sau xét xử.

Hơn nữa, để có thể áp dụng biện pháp kê biên tài sản, tịch thu tài sản thì cơ quan tiến hành tố tụng phải tiến hành nhiều trình tự, thủ tục giám định thiệt hại theo quy định pháp luật rất mất thời gian, chi phí ảnh hưởng đến thời hạn tiến hành tố tụng nên thực tế cơ quan điều tra chưa chú trọng xác minh và áp dụng các biện pháp phong tỏa, kê biên tài sản trong quá trình điều tra.

Ngoài ra, việc kê biên tài sản chỉ được áp dụng nếu đối tượng bị khởi tố bị can hoặc đưa ra xét xử. Còn trong các giai đoạn trước đó, dù bị thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, kể cả trong thời gian khởi tố vụ án nhưng chưa khởi tố bị can cũng không áp dụng. Đây là lỗ hổng để đối tượng vi phạm có thời gian tẩu tán tài sản.

Cụ thể, Điều 128 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định, kê biên tài sản chỉ áp dụng với bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tiền hoặc có thể bị tịch thu tài sản hoặc để đảm bảo bồi thường thiệt hại;… chỉ kê biên phần tài sản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại… và Điều 45 Bộ luật Hình sự 2015 quy định tịch thu tài sản chỉ được áp dụng đối với người bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tham nhũng hoặc tội phạm khác do Bộ luật này quy định.

Luật thanh tra đã được sửa đổi, bổ sung mới nhất năm 2022, có quy định về tạm giữ tiền, đồ vật, giấy tờ hoặc phong tỏa tài khoản để phục vụ việc thanh tra; người ra quyết định thanh tra có quyền ra quyết định thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép hoặc bị thất thoát do hành vi trái pháp luật gây ra nhưng lại không quy định thẩm quyền kê biên tài sản của đối tượng bị thanh tra. Tương tự, Luật Kiểm toán nhà nước sửa đổi, bổ sung năm 2019 đã bổ sung các quy định Kiểm toán nhà nước được truy cập cơ sở dữ liệu của các đơn vị được kiểm toán, được xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính nhưng không có quyền phong tỏa tài khoản, kê biên tài sản, nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ để xảy ra việc tẩu tán tài sản của người vi phạm và người thân của họ trước khi cơ quan có thẩm quyền khởi tố điều tra.

Bên cạnh đó, BLHS năm 2015 đã bổ sung chính sách xử lý giảm nhẹ đối với người phạm tội. Một là, đã cho phép áp dụng quyết định mức hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, không bắt buộc trong giới hạn trong khung liền kề nhẹ hơn trong trường hợp phạm tội lần đầu, trong vụ đồng phạm với vai trò là người giúp sức không đáng kể. Hai là, cho phép chuyển từ hình phạt tử hình xuống hình phạt tù chung thân đối với người bị kết án tử hình đã ăn năn hối cải, và khắc phục ít nhất 3/4 thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.

Tuy nhiên, BLHS năm 2015 chưa cho phép áp dụng quyết định mức hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt không buộc trong giới hạn trong khung liền kề nhẹ hơn khi người bị kết án phạm tội tham nhũng, kinh tế đã ăn năn hối cải và đã chủ động khắc phục toàn bộ thiệt hại, nên phần nào chưa khuyến khích được người phạm tội giao nộp tài sản.

Các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự cũng chưa có quy định riêng về trình tự, thủ tục thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế mà được áp dụng như đối với các vụ việc dân sự thông thường.

Hoàn thiện đồng bộ pháp luật, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng: Một nhiệm vụ cấp bách

Trong công tác PCTN, việc thu hồi lại được tài sản bị thất thoát, tham nhũng mới là kết quả cao nhất của PCTN. Thời gian qua, nhiều giải pháp để tăng tỉ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng được các bộ, ban ngành, cơ quan chức năng, các chuyên gia, luật gia, nhà khoa học… tích cực nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị. Công tác thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát của nhà nước có chuyển biến tích cực hơn. Tuy nhiên, vẫn có những vụ án, tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt đặc biệt lớn, nhưng việc thu hồi lại đang gặp nhiều khó khăn, thậm chí lâm vào bế tắc. Nguyên nhân của vấn đề này một phần là do vẫn còn nhiều hạn chế trong những quy định pháp luật hiện hành liên quan đến công tác CPTN, thu hồi tài sản từ khâu phòng ngừa, cho đến ngăn chặn tẩu tán tài sản.

Do đó, để những giải pháp, kiến nghị về hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng áp dụng và phát huy hiệu quả hơn nữa, chúng tôi cho rằng cần sửa đổi bổ sung đồng bộ hệ thống pháp luật, đặc biệt là các quy định liên quan đến thu hồi tài sản, phòng ngừa ngăn chặn tẩu tán tài sản nhất là pháp luật về PCTN, hình sự, tố tụng hình sự, thi hành án dân sự, quy định pháp luật về thanh tra, kiểm toán, phòng chống rửa tiền, tài chính, ngân hàng, đầu tư kinh doanh,… đảm bảo thống nhất, đồng bộ, tránh chồng chéo để nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Cụ thể:

1, Hoàn thiện các quy định Luật PCTN về quản lý và kiểm soát tài sản thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là vấn đề kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó, cần mở rộng đối tượng kê khai, thời gian, phạm vi công khai… tạo cơ chế để các tầng lớp nhân dân tham gia giám sát; bổ sung quy định việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc. Sớm xây dựng Luật Đăng ký tài sản, bảo đảm công khai, minh bạch hóa tài sản, thu nhập.

2, Sửa đổi các quy định pháp luật về tài chính, ngân hàng, đầu tư kinh doanh, phòng chống rửa tiền… theo hướng quy định các giao dịch giá trị lớn của cá nhân, tổ chức như mua nhà đất, xe cộ bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng; hoàn thiện quy định, kiểm soát chặt hoạt động chuyển tiền ra nước ngoài, ngăn chặn tội phạm tham nhũng, kinh tế với đối tượng là cán bộ, công chức sử dụng chiêu bài “núp bóng” đầu tư ra nước ngoài nhằm mục đích rửa tiền. Bổ sung quy định về việc kiểm soát các khoản đầu tư ra nước ngoài của người thân cán bộ, công chức, theo đó mọi khoản đầu tư của những người này đều phải được khai báo rõ ràng với cơ quan có thẩm quyền để theo dõi, kiểm soát, nhất là về nguồn gốc tài sản.

3, Nghiên cứu hoàn thiện pháp luật về thanh tra, kiểm toán theo hướng tăng cường trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan giám sát, thanh tra, kiểm toán trong việc áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa tài sản của các cá nhân liên quan đến sai phạm về kinh tế, có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực; bổ sung quy định thẩm quyền của Thanh tra viên, Kiểm toán viên được áp dụng các biện pháp kê biên, phong tỏa tài sản trong quá trình thanh tra, kiểm toán nếu có căn cứ xác định có dấu hiệu tham nhũng...

4, Nghiên cứu, sửa đổi Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự theo hướng quy định linh hoạt thời điểm áp dụng các biện pháp phong tỏa tài khoản, kê biên tài sản, số lượng, giá trị các loại tài sản bị kê biên. Đồng thời bổ sung quy định nội dung chứng minh “đường đi” của tài sản bị chiếm đoạt là quy định bắt buộc phải chứng minh trong vụ án hình sự. Xây dựng thủ tục đặc biệt để thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, cơ chế áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt đối với án phạm tội tham nhũng, kinh tế đã ăn năn hối cải và đã chủ động khắc phục toàn bộ thiệt hại. Hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp; bổ sung quy định thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội.

5, Sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự theo hướng bổ sung quy định cơ chế thi hành án đặc thù đối với khoản thu hồi tài sản trong các vụ án trong các vụ án tham nhũng, kinh tế…

Để tăng tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị:

- Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật theo hướng cho phép cơ quan điều tra áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm giữ, tạm ngừng giao dịch tài khoản, tạm thời kê biên/phong tỏa tài sản ngay giai đoạn xác minh, giải quyết nguồn tin tội phạm trong một thời gian cụ thể.

- Sửa đổi, bổ sung quy định về công khai bản kê khai tài sản thu nhập tại nơi cư trú để nhân dân giám sát.

- Thể chế hóa quy định của Đảng phù hợp với Hiến pháp 2013 và pháp luật về cơ chế thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội. Quy định thẩm quyền của thanh tra viên, kiểm toán viên được áp dụng các biện pháp ngăn chặn tẩu tán tài sản khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, kinh tế.

- Bổ sung quy định về cơ chế động viên, khuyến khích người phạm tội tự nguyện giao nộp lại tài sản đã chiếm đoạt, tự nguyện khắc phục hậu quả thiệt hại.

- Kiến nghị Chính phủ thực hiện kê khai tài sản của cán bộ, công chức, người có chức vụ quyền hạn trong bộ máy, thu hồi tài sản ở nước ngoài do phạm tội mà có.

- Nghiên cứu cơ chế khởi kiện với cá nhân, tổ chức gây thất thoát tài sản nhà nước để yêu cầu bồi thường.

- Sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về đầu tư, phòng chống tham nhũng theo hướng kiểm soát đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt đầu tư bất động sản ở nước ngoài.

- Hình sự hóa việc làm giàu bất chính trong Bộ luật Hình sự.

- Tăng cường giám sát đối với chính quyền địa phương, phát hiện, ngăn chặn từ sớm các sai phạm gây thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước, nhất là lĩnh vực quản lý đất đai, tín dụng.

Đinh Chiến – Thái Dương

Link nội dung: https://phaply.net.vn/tu-nhung-khoang-trong-phap-ly-trong-thu-hoi-tai-san-tham-nhung-kien-nghi-sua-bo-sung-nhieu-che-dinh-phap-luat-quan-trong-a256844.html