Đề xuất, kiến nghị loạt giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân

(Pháp lý) - Sáng 9/5, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 23. Ngay tại phiên khai mạc, các đại biểu đã đề xuất, kiến nghị nhiều chính sách quan trọng nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân… Đáng chú ý, các đại biểu kiến nghị sửa đôi, bổ sung nhiều chế định quan trọng của Luật Các tổ chức tín dụng.

https://quochoi.vn/content/tintuc/NewsMedia2020/Hoang%20Trong%20Hieu/sang%209-5/090520230839-z4329049787257_6844dda5c665c6fc78e70ce4c688e72a---chua.jpg

Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội kéo dài trong 4 ngày làm việc từ 9-12/5.

Đề nghị giảm mặt bằng lãi suất cho vay; tăng mức giảm trừ gia cảnh

Trình bày báo cáo của Chính phủ liên quan tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 đạt được nhiều thành quả quan trọng.

Nền kinh tế phục hồi nhanh, là một trong số ít các quốc gia đạt tăng trưởng cao, kiểm soát được lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; dù vậy, vẫn còn nhiều chỉ tiêu chưa đạt. Bước sang tháng 4.2023, nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn ban hành từ đầu năm đến nay bắt đầu có hiệu ứng tác động, bước đầu tạo chuyển biến tích cực trong một số lĩnh vực như thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, đầu tư công...

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng chỉ ra loạt những khó khăn của doanh nghiệp hiện nay.

Thứ nhất về dòng tiền, theo ông Nguyễn Chí Dũng, điều hành tín dụng hiện nay là có vấn đề, lúc thì thả ra nhanh quá, lúc thì lại siết lại quá, nên các doanh nghiệp hiện nay rất khó khăn. "Nhiều doanh nghiệp lớn đã phải bán gần hết tài sản. Những gì bán được thì đã bán, và bán bằng 50% giá thực", ông Dũng thông tin và cho hay người mua ở đây "toàn nước ngoài".

Thứ hai, các thủ tục đầu tư hiện nay không làm hoặc phải mất khoảng 2 năm mới giải quyết được một vấn đề. Có thủ tục mất một năm, các doanh nghiệp không thể làm được.

Thứ ba, môi trường đầu tư hiện nay rất kẹt. Theo ông Nguyễn Chí Dũng, chúng ta đã đấu tranh suốt mấy năm nay, thể chế đã cải thiện, cải tiến rất nhiều để giảm các điều kiện kinh doanh và các loại kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, bây giờ thông qua các văn bản của các bộ, ngành, các địa phương đã phát sinh ra hàng trăm thủ tục mới…

Doanh nghiệp khó khăn, ngân hàng thương mại lãi cao - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng báo cáo tình hình kinh tế xã hội

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu tính đến ngày 25-4, tín dụng chỉ tăng 2,75%, cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, nền kinh tế tiếp tục khó khăn.

Lãi suất cao khiến doanh nghiệp không muốn vay và doanh nghiệp gặp khó về đơn hàng đầu ra nên không vay. Mặt bằng lãi suất cho vay tăng mạnh trong năm 2022 và vẫn duy trì ở mức cao trong quý 1-2023.

Theo Ủy ban Kinh tế, việc triển khai đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 và phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, các dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài còn rất chậm. Nợ xấu có xu hướng tăng, trong khi tỉ lệ dự phòng rủi ro tín dụng so với nợ xấu giảm có thể gây ảnh hưởng đến an toàn hệ thống tài chính.

Ủy ban cũng đề nghị Chính phủ báo cáo bổ sung về cơ cấu nợ liên quan đến bất động sản (bao gồm cả doanh nghiệp bất động sản, vay mua nhà, kinh doanh bất động sản...).

Đáng chú ý, trong bối cảnh doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, ngân hàng thương mại lãi cao, trong đó thu nhập thuần từ hoạt động tín dụng tiếp tục tăng so với năm 2021. Tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân của ngành ngân hàng là gần 20% - một tỉ suất rất cao…

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng với tình hình khó khăn như hiện nay, nếu không được cải thiện thì dự báo số nợ xấu của các ngân hàng sẽ tăng nhanh trong thời gian tới và sẽ bào mòn đáng kể năng lực tài chính của các ngân hàng thương mại.

Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, chính sách vĩ mô khác.

Cần chủ động sớm “chuyển trạng thái” điều hành từ thắt chặt, thận trọng sang “thích ứng, nới lỏng phù hợp”, tiếp tục xem xét hạ lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ tăng trưởng trong bối cảnh áp lực lạm phát, tỉ giá không còn quá căng thẳng như thời điểm cuối năm 2022.

Khuyến khích các ngân hàng giảm chi phí, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, Chính phủ cũng cần nghiên cứu phương án điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế thu nhập cá nhân. Giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% áp dụng đến hết 31-12-2023 cho tất cả hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%…

Sớm sửa đổi Nghị định 95/NĐ-CP để kịp thời tháo gỡ hạn chế trên thị trường xăng dầu.

Theo báo cáo của Chính phủ, thị trường xăng dầu trong nước sau những biến động năm 2022, đầu năm 2023 có xáo trộn do sự cố Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn nên hàng cung ứng trong 10 ngày đầu năm bị giảm 20 - 25%, nhưng hiện đã ổn định. Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn hiện đã vận hành 107% công suất, bù lượng thiếu hụt xăng dầu trong thời gian sự cố. Nguồn cung trong nước đảm bảo.

Tuy nhiên, tại báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế cho rằng, từ tháng 10.2022 đến nay, giá xăng dầu được kiểm soát, nguồn cung trong nước đủ nhưng nhiều cửa hàng vẫn ngừng kinh doanh, dẫn đến tình hình thiếu hụt xăng dầu cục bộ diễn ra tại một số địa phương.

Theo phản ánh của các tổ chức, doanh nghiệp, nguyên nhân chính do các quy định về phương pháp tính giá chưa phù hợp với biến động thị trường, chưa đủ cơ sở khoa học và thực tiễn, không có tính cạnh tranh, chưa đủ bù đắp chi phí kinh doanh cho các doanh nghiệp bán lẻ.

Doanh nghiệp khó khăn, ngân hàng thương mại lãi cao - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra tại phiên họp.

Bộ Công thương đã áp dụng giải pháp tình thế là sử dụng lực lượng Quản lý thị trường để xử phạt các cửa hàng bán lẻ xăng dầu dừng bán không có lý do chính đáng hoặc không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước.

Song điều này lại dẫn đến nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu cũng “đối phó” bằng cách bán hàng “nhỏ giọt”. Tháng 2.2023, trước sự phản ứng từ các doanh nghiệp bán lẻ, có thời điểm nhiều doanh nghiệp đầu mối, phân phối đã đồng loạt nâng mức chiết khấu để giảm bớt tồn kho, thu hồi vốn. Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tình thế, chưa giải quyết được căn cơ vấn đề.

“Việc trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu dẫn đến bỏ lỡ tín hiệu của thị trường, tiềm ẩn sự không minh bạch", Ủy ban Kinh tế nhận xét.

Chẳng hạn, trong kỳ điều hành, nếu chỉ sử dụng quỹ thì giảm bớt biên độ biến động giá, nhưng nếu giá thế giới tiếp tục tăng trong kỳ điều hành tiếp theo mà Quỹ bình ổn không còn thì giá trong nước sẽ cao hơn thế giới. Thanh tra Chính phủ cũng đã nhận xét quản lý Quỹ bình ổn giá "còn nhiều vấn đề, gần như không quản lý được".

Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ sớm sửa đổi Nghị định 95/NĐ-CP để kịp thời tháo gỡ hạn chế trên thị trường xăng dầu.

Kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhiều chế định quan trọng của Luật Các tổ chức tín dụng

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 23, chiều 9/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung phiên họp.

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho hay, việc xây dựng Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) để sửa đổi, bổ sung các công cụ để bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Tăng cường các biện pháp thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước, đồng thời có sự tham gia của Thanh tra Chính phủ để quản lý, kiểm soát hoạt động tín dụng, chống thao túng, lợi ích nhóm, sở hữu chéo…

Chú thích ảnh

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng phát biểu.

Thẩm tra sơ bộ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát quy định cụ thể hơn và thể hiện rõ mục đích của dự án luật trong việc tăng cường chức năng kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động ngân hàng gắn với trách nhiệm cụ thể.

Cạnh đó, có ý kiến đề nghị làm rõ căn cứ bổ sung thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước về “điều tra vi phạm pháp luật về ngân hàng". Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị rà soát quyền, nghĩa vụ của đối tượng thanh tra, giám sát để tương ứng với thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, điều tra, giám sát.

Cũng theo bà Hồng, dự thảo luật bổ sung, sửa đổi quy định về việc tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước “can thiệp sớm” và bổ sung thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước trong trường hợp can thiệp sớm.

Trong đó, một ngân hàng bị rút tiền hàng loạt dẫn đến mất khả năng chi trả sẽ xếp vào diện được Ngân hàng Nhà nước “can thiệp sớm”. Ngân hàng nào có lỗ lũy kế lớn hơn 20% vốn điều lệ và các quỹ dự trữ cũng sẽ vào nhóm này. “Cho vay đặc biệt” với lãi suất 0% một năm là một trong những biện pháp áp dụng với nhóm này.

Cạnh đó, dự thảo bổ sung thẩm quyền Ngân hàng Nhà nước trong việc hạn chế quyền quyết định hoạt động kinh doanh của người quản lý, người điều hành hoặc đình chỉ người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng có hành vi vi phạm pháp luật…

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát các trường hợp quy định của việc can thiệp sớm để phản ánh đúng bản chất. Theo ông Vũ Hồng Thanh, can thiệp sớm theo quy định của dự thảo luật thực chất là xử lý tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí đứng trước nguy cơ đổ vỡ, chứ không phải từ những dấu hiệu cảnh báo khó khăn.

Theo ông Thanh, các biện pháp can thiệp sớm chưa thấy rõ vai trò, trách nhiệm của cổ đông/thành viên góp vốn để khắc phục vấn đề trong khi sử dụng gián tiếp nhiều nguồn lực của Nhà nước. Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị tiếp tục nghiên cứu rà soát, chỉnh sửa đồng bộ giữa các biện pháp.

Về “khoản vay đặc biệt”, theo Ủy ban Kinh tế, đây là biện pháp cần thiết, nhưng dự thảo luật chưa quy định cụ thể thời gian áp dụng biện pháp can thiệp sớm, nên khó xác định được thời gian của khoản vay này. Vì vậy, cần làm rõ cơ sở, sự cần thiết, đánh giá tác động kỹ lưỡng việc sửa đổi quy định về lãi suất cho vay đặc biệt “là 0%”.

Cũng theo ông Thanh, nhiều ý kiến đề nghị làm rõ trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước và các bên liên quan trong trường hợp không thu hồi được khoản vay đặc biệt.

Riêng trường hợp ngân hàng bị rút tiền hàng loạt, Ủy ban Kinh tế thấy các biện pháp nêu tại dự thảo luật chỉ bao gồm các biện pháp hỗ trợ từ “bên ngoài” (chủ yếu từ Ngân hàng Nhà nước), mà chưa có những biện pháp “tự thân” của tổ chức tín dụng... Vì vậy, đề nghị nghiên cứu, rà soát, chỉnh sửa nội dung này. Ngoài ra, đề nghị làm rõ trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước đối với việc triển khai các phương án với tổ chức tín dụng được can thiệp sớm...

Góp ý sau đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các bộ ngành liên quan, đặc biệt Bộ Tài chính, phải có trách nhiệm trong xây dựng dự án luật này. Hay vấn đề giao thoa giữa ngân hàng với bảo hiểm, giao thoa giữa ngân hàng với đầu tư chứng khoán, trái phiếu, theo Chủ tịch Quốc hội, là vấn đề rất lớn. Ông cho rằng cần làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước trong những sự việc này…

Xuân Trường (tổng hợp)

Link nội dung: https://phaply.net.vn/de-xuat-kien-nghi-loat-giai-phap-tiep-tuc-thao-go-kho-khan-cho-doanh-nghiep-va-nguoi-dan-a256818.html