Từ những dấu hiệu thao túng một số thị trường kinh doanh: Kiến nghị hoàn thiện pháp luật

(Pháp lý) – Nghiên cứu cho thấy việc thao túng, lũng đoạn thị trường không chỉ xảy ra trong lĩnh vực chứng khoán mà còn có thể xảy ra trong rất nhiều lĩnh vực kinh doanh khác… Hiện nay hành vi thao túng trong lĩnh vực chứng khoán đã có quy định, chế tài xử lý nghiêm, một số đối tượng đã bị khởi tố hình sự. Tuy nhiên trong nhiều lĩnh vực kinh doanh khác đều chưa có quy định chế tài cụ thể, dẫn đến rất khó khăn khi xử lý hành vi thao túng thị trường.

d284063ee56673eed284063ee56673eethie1babftke1babfchc6b0acc3b3tc3aan28629-1682084899.png

Luật Cạnh tranh, Luật giá, Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Luật Kinh doanh bất động sản,… đều chưa có quy định cụ thể về các hành vi thao túng, lũng đoạn thị trường.

Dấu hiệu thao túng, lũng đoạn thị trường trong một số lĩnh vực kinh doanh

Điển hình như trong thời gian vừa qua, trong lĩnh vực xăng dầu nổi lên những nghi vấn về dấu hiệu thông đồng, bắt tay giữa các doanh nghiệp đầu mối trong việc làm giá chiết khấu xăng dầu, tác động đến hoạt động của thị trường… Tình trạng này không chỉ diễn ra 1 lần, mà được lặp đi lặp lại nhiều lần trước mỗi kỳ điều hành giá.

Cụ thể, theo phản ánh của một số doanh nghiệp xăng dầu đến báo chí, mức chiết khấu của các doanh nghiệp đầu mối tư nhân trong hơn một năm qua luôn cao hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp đầu mối có vốn nhà nước. Đáng chú ý, cứ gần ngày điều chỉnh tăng giá thì các đầu mối đột ngột điều chỉnh chiết khấu rất thấp thậm chí xuống sát mức 0 đồng hoặc thông báo lượng hàng còn ít, thậm chí thông báo đã không còn hàng… để ngăn thương nhân phân phối, doanh nghiệp bán lẻ tăng lấy hàng. Điều lạ là, ngay sau khi giá được điều chỉnh tăng, đầu mối lập tức thông báo tăng mức chiết khấu, thương nhân phân phối, doanh nghiệp bán lẻ muốn nhập bao nhiêu hàng cũng có. Ngược lại, trước khi giá điều chỉnh giảm, các đầu mối lập tức tăng chiết khấu lên cao cao ngất ngưởng để xả hàng.

1-1682085117.jpg

Trong lĩnh vực xăng dầu thời gian qua nổi lên những nghi vấn dấu hiệu thông đồng, bắt tay giữa các doanh nghiệp đầu mối trong việc làm giá chiết khấu xăng dầu, tác động đến hoạt động của thị trường (ảnh minh hoạ)

Một số doanh nghiệp cho rằng, thị trường xăng dầu có dấu hiệu bị thao túng trước mỗi kỳ điều hành giá, kể cả khi thị trường giảm giá hay tăng giá. Đồng thời kiến nghị cơ quan quản lý và cơ quan công an cần vào cuộc tìm hiểu những góc khuất liên quan đến chiết khấu xăng dầu trên thị trường hiện nay của các doanh nghiệp đầu mối, đặc biệt trước và sau mỗi kỳ điều chỉnh giá.

Hay như đối với thị trường BĐS thời gian qua không ít những vụ việc cho thấy có dấu hiệu của những hành vi thao túng gây nhiễu loạn thị trường. Thực tế diễn biến trên thị trường bất động sản cho thấy, từ cuối 2021 giá đất tăng và sốt đất tiếp tục xảy ra trên khắp cả nước, đặc biệt là giá cả liên tục thay đổi, đảo chiều, tạo ra áp lực rất lớn cho thị trường, gây nhiều hệ lụy khó lường, khiến thị trường bất động sản phát triển không lành mạnh.

Việc giá bất động sản tăng bất thường có nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng được cho là xuất phát từ việc “cò đất” và môi giới bất động sản liên kết tạo “sóng”, “làm giá”... thậm chí có trường hợp lợi dụng việc tham gia đấu giá nhằm mục đích thổi giá để đẩy giá đất thị trường ở khu vực xung quanh và các khu vực khác lên cao nhằm mục thu lợi từ mảnh đất ở khu vực xung quanh như vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm (TP.HCM). Theo nhận định của nhiều chuyên gia, đây là những hành vi điển hình của hành vi thao túng gây nhiễu loại thị trường BĐS gây ảnh hưởng hết sức tiêu cực tới thị trường BĐS…

bat-dong-san-cuoi-nam-1682085117.jpg

Có hiện tượng thao túng, nhiễu loạn thị trường Bất Động Sản (ảnh minh hoạ)

Từ thực tiễn cho thấy, có không ít những mặt hàng từng bị làm giá, tạo khan hiếm giả, tạo giá trị ảo…  không khác gì cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Vấn đề đặt ra là các hành vi, thao túng lũng đoạn thị trường, lĩnh vực kinh doanh, cần được các cơ quan chức năng nghiên cứu, quan tâm và xử lý nghiêm minh như hành vi thao túng thị trường chứng khoán

Qui định pháp luật có nhiều nhưng vẫn còn lỗ hổng lớn

Tự do kinh doanh và cạnh tranh lành mạnh cần thiết cho sự phát triển kinh tế. Nhưng nếu thị trường bị thao túng làm cho nhiễu loạn thì sẽ tạo ra nhiều vấn đề tiêu cực cho các chủ thể kinh doanh, người tiêu dùng và cả nền kinh tế.

Từ công tác nghiên cứu, chúng tôi thấy thằng để đảm bảo các loại thị trường phát triển ổn định, an toàn, lành mạnh, pháp luật về Cạnh tranh, Giá, Bảo vệ người tiêu dùng, Kinh doanh bất động sản, Chứng khoán… đã có nhiều quy định nhằm hạn chế sự tác động, can thiệp bất hợp pháp, đảm bảo vận hành đúng với quy luật của thị trường .

Chẳng hạn, Luật Cạnh tranh có quy định cấm các doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường thực hiện các hành vi như:

+ Bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ đối thủ cạnh tranh; Áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý hoặc ấn định giá bán lại tối thiểu gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng;

+ Hạn chế sản xuất, phân phối hàng hóa, dịch vụ, giới hạn thị trường, cản trở sự phát triển kỹ thuật, công nghệ gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng; Áp dụng điều kiện thương mại khác nhau trong các giao dịch tương tự dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến ngăn cản doanh nghiệp khác tham gia, mở rộng thị trường hoặc loại bỏ doanh nghiệp khác;

+ Áp đặt điều kiện cho doanh nghiệp khác trong ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, dịch vụ hoặc yêu cầu doanh nghiệp khác, khách hàng chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến ngăn cản doanh nghiệp khác tham gia, mở rộng thị trường hoặc loại bỏ doanh nghiệp khác; ngăn cản việc tham gia hoặc mở rộng thị trường của doanh nghiệp khác; Hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường bị cấm theo quy định của luật khác.

Đối với các doanh nghiệp có vị trí độc quyền ngoài những hành vi nêu trên, còn bị cấm thực hiện các hành vi: áp đặt điều kiện bất lợi cho khách hàng; lợi dụng vị trí độc quyền để đơn phương thay đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng đã giao kết mà không có lý do chính đáng;... (Điều 27, Luật Cạnh tranh).

Hay như Luật Giá cũng có quy định cấm tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh bịa đặt, loan tin, đưa tin không đúng sự thật về tình hình thị trường, giá hàng hóa, dịch vụ; gian lận về giá bằng cách cố ý thay đổi các nội dung đã cam kết mà không thông báo trước với khách hàng về thời gian, địa điểm, điều kiện mua, bán, chất lượng hàng hóa, dịch vụ tại thời điểm giao hàng, cung ứng dịch vụ; lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý; các hành vi chuyển giá, thông đồng về giá dưới mọi hình thức để trục lợi… (Điều 10, Luật giá)

Luật Bảo vệ người tiêu dùng cũng quy định cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về hàng hóa, dịch vụ; lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người tiêu dùng hoặc lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để cung cấp hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng; ép buộc người tiêu dùng… (Điều 10 Luật Bảo vệ người tiêu dùng)…

Đặc biệt trong các quy định luật chuyên ngành như Luật Kinh doanh bất động sản cũng có quy định cấm hành vi kinh doanh bất động sản không đủ điều kiện theo quy định; quyết định việc đầu tư dự án bất động sản không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; không công khai hoặc công khai không đầy đủ, trung thực thông tin về bất động sản; gian lận, lừa dối trong kinh doanh bất động sản…

Tuy nhiên, nghiên cứu các văn bản luật trên đều thấy khuyết thiếu, chưa có quy định về điều chỉnh các hành vi thao túng, lũng đoạn thị trường. Đây là một lỗ hổng pháp lý lớn, khiến cho việc nhận biết cũng như xử lý những hành vi thao túng thị trường trong thực tế thường rất khó khăn. Dẫn đến không kịp thời ngăn chặn, kiểm soát hoạt động thao túng thị trường.

Điều đáng nói là, thao túng, lũng đoạn thị trường không chỉ xảy ra trong lĩnh vực chứng khoán mà những hành vi này cũng có thể xảy ra trong rất nhiều lĩnh vực khác như BĐS, xăng dầu,… Tuy nhiên hiện nay, pháp luật chỉ có quy định về các hành vi thao túng thị trường chứng khoán.

Kiến nghị

Có thể bằng nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau, nhưng bản chất của hành vi thao túng, lũng đoạn thị trường đều là làm cho thị trường không vận hành theo đúng quy luật cung cầu vốn có của nó mà thị trường bị can thiệp, vận hành bất thường theo định hướng, mong muốn của một số cá nhân, tổ chức hoặc một nhóm lợi ích nào đó, từ đó nhóm này có thể trục lợi.

Dù cho đối với bất kỳ lĩnh vực hay thị trường nào đi chăng nữa, nếu có hành vi thao túng, nhiễu loạn thị trường thì hậu quả nguy hiểm cho xã hội của nó cũng không thua kém so với hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán. Vấn đề nhận diện các hành vi sai phạm, đánh giá được đúng những hệ lụy mà các sai phạm đó gây ra cho xã hội, thấu hiểu được hiện trạng tiêu cực từ các hành vi sai phạm đó để có thể xác định trách nhiệm pháp lý phù hợp là điều mà nhà làm luật cần quan tâm.

Tuy nhiên, ngoài lĩnh vực chứng khoán thì pháp luật chưa có quy định cụ thể cũng như chế tài cụ thể đối với hành vi thao túng lũng đoạn thị trường trong các lĩnh vực kinh doanh khác. Điều này khiến cho việc nhận biết, kiểm soát, ngăn chặn hoạt động thao túng thị trường cũng như việc xử lý những hành vi này trong thực tế thường rất khó khăn…

Do đó, để đảm bảo các loại thị trường phát triển ổn định, an toàn, lành mạnh, vận hành đúng với quy luật của thị trường đồng thời có cơ sở pháp lý vững chắc để nhận biết, ngăn chặn cũng như xử lý các hành vi thao túng, lũng đoạn thị trường nói chung, trong các lĩnh vực cụ thể khác, theo chúng tôi pháp luật cần có quy định luật hóa cụ thể đối với hành vi thao túng, lũng đoạn thị trường.

Chẳng hạn như đối với thị trường BĐS cần sớm nghiên cứu bổ sung quy định cấm các hành vi thao túng thị trường, thổi giá, tạo ra các thông tin giả mạo, không chính xác hoặc thực hiện các hành động gian lận để tác động đến giá cả, giá trị thị trường hoặc các chỉ số quan trọng trong thị trường bất động sản nhằm mục đích thu lợi ích cá nhân…

Đặc biệt, cần bổ sung các quy định về chế tài xử lý đối với các hành vi thao túng, lũng đoạn thị trường, trong đó nghiên cứu bổ sung vào BLHS điều luật quy định về tội thao túng thị trường - quy định chung đối với tất cả các lĩnh vực, các thị trường chứ không chỉ riêng thị trường chứng khoán.

Điều 12 Luật Chứng khoán đề cập đến ba hành vi thao túng trên thị trường gồm: thứ nhất, sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hay của người khác, hoặc thông đồng, để mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung - cầu giả tạo; thứ hai, giao dịch bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác mua, bán; thứ ba, sử dụng các phương pháp giao dịch khác hoặc kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng.

Tại Điều 211 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có quy định tội thao túng, nhiễu loạn  thị trường chứng khoán, trong đó chỉ rõ các dấu hiệu của việc thao túng, nhiễu loại thị trường làm cơ sở cho việc xử lý trách nhiệm hình sự đối với các hành vi thao túng thị trường chứng khoán.

Văn Chiến – Văn Thư

Link nội dung: https://phaply.net.vn/tu-nhung-dau-hieu-thao-tung-mot-so-thi-truong-kinh-doanh-kien-nghi-hoan-thien-phap-luat-a256769.html