Vấn đề hoàn tiền cho bị hại trong một số vụ án hình sự kinh tế: Thực tiễn và kiến nghị

(Pháp lý) – Bị hại hiểu theo quy định tại Điều 62 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (Bộ luật TTHS 2015) là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra. Nếu không thỏa mãn các đặc điểm của bị hại theo qui định của pháp luật thì không được cơ quan tố tụng công nhận là bị hại, theo đó quyền được đề nghị bồi thường hay hoàn trả tài sản trong các vụ án hình sự kinh tế sẽ bị loại trừ. Sự điều chỉnh đó của pháp luật là cần thiết nhưng cũng gây ra một số bất cập cho bị hại trong các vụ án hình sự kinh tế…

anh-1-1681379122.jpg

Hành khách trên “chuyến bay giải cứu” không có cơ hội hoàn trả tiền bị thiệt hại

Nghiên cứu từ thực tế 3 vụ án

Căn cứ theo quy định tại Điều 62 Bộ luật TTHS 2015, chủ thể được công nhận là bị hại trong các vụ án hình sự kinh tế phải thỏa mãn các đặc điểm: (i) Về chủ thể bao gồm là cá nhân, pháp nhân, tổ chức; (ii) Thiệt hại do tội phạm gây ra được phân chia bao gồm: Cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín (tuy nhiên cũng cần lưu ý là hậu quả của sự thiệt hại không phải là điều kiện bắt buộc trong tất cả các trường hợp); (iii) Thiệt hại của bị hại phải là đối tượng tác động của tội phạm, tức là phải có mối liên hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội với hậu quả gây ra cho bị hại. Đây là điều kiện quan trọng để phân biệt giữa bị hại và nguyên đơn dân sự hay các đương sự khác trong vụ án hình sự; (iiii) Chủ thể bị thiệt hại chỉ được tham gia tố tụng với tư cách là bị hại khi và chỉ khi được cơ quan tiến hành tố tụng công nhận.

Theo đó chỉ khi nào được cơ quan tố tụng công nhận và đưa vào tham gia tố tụng với tư cách là người bị hại thì thì khi đó bị hại mới có quyền “đề nghị hình phạt, mức bồi thường thiệt hại, biện pháp bảo đảm bồi thường” theo quy định tại điểm g, khoản 2, Điều 62 BLTTHS 2015. Do sự điều chỉnh của pháp luật mà trong thực tiễn có nhiều chủ thể bị thiệt hại thực tế nhưng không được quyền đề nghị và không được bồi thường thiệt hại vì lý do không thỏa mãn các đặc điểm của bị hại.

Tuy nhiên khi tài sản của bị hại là vật chứng của vụ án thì việc hoàn trả tiền phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng qua từng giai đoạn, có trường hợp phải kéo dài nhiều năm liền, chưa kể việc thi hành án cũng không đồng nhất… gây rất nhiều thiệt thòi cho các bị hại bị thiệt hại thực tế. Có thể nhận diện sự bất cập đó qua một số vụ án hình sự kinh tế sau đây:

1. Không phải là bị hại nên không có “cơ hội” được hoàn trả tiền

Tại kết luận điều tra dày 146 trang vụ án “chuyến bay giải cứu” đưa công dân về nước trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 vừa được Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an (CQĐT) ban hành, đề nghị truy tố 54 bị can với các tội danh “Đưa hối lộ – Nhận hối lộ – Môi giới hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Bộ Ngoại giao, Hà Nội và một số tỉnh, hoàn toàn không thể hiện số tiền người dân “bị thiệt hại” khi về nước trên các “chuyến bay giải cứu”.

Theo nội dung kết luận điều tra của CQĐT, có 21 quan chức nhận hối lộ gần 180 tỷ đồng từ những người đưa hối lộ là cá nhân, tổ chức thực hiện các dịch vụ bay của các công ty thực hiện dịch vụ đưa công dân về nước. Số tiền mà các đối tượng đưa hối lộ được lấy từ tiền vé máy bay, tiền chi phí cách ly, lưu trú đã thu của công dân về nước.

Vấn đề là số tiền mà các công dân đi trên các “chuyến bay giải cứu” chi ra không phải bị thiệt hại trực tiếp mà thông qua một kênh trung gian là các doanh nghiệp thực hiện dịch vụ đưa công dân về nước. Thiệt hại của các công dân (do mua vé máy bay giá cao, trả tiền chi phí cách ly, lưu trú…) không có mối liên hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội với hậu quả gây ra cho bị hại; hay nói cách khác không phải là đối tượng tác động của tội phạm theo quy định tại Điều 62 BLTTHS 2015. Vì vậy CQĐT không đưa các công dân đi trên các “chuyến bay giải cứu” tham gia vào tố tụng với tư cách là người bị hại, thậm chí kể cả với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Không phải là bị hại thì đương nhiên không có quyền đề nghị bồi thường thiệt hại, theo đó cơ hội được hoàn trả số tiền thiệt hại thực tế càng không có.

Mối quan hệ giữa công dân với các đơn vị dịch vụ bán vé máy bay, dịch vụ đưa công dân về nước là quan hệ dân sự, kinh tế, được điều chỉnh bởi Bộ luật Dân sự và các quy định về kinh doanh, thương mại. Trong khi đó, Nhà nước không quy định giá cả cụ thể đối với giá vé máy bay, giá dịch vụ lưu trú mà các dịch vụ này phụ thuộc vào biến động theo giá thị trường, nên rất khó để xác định trách nhiệm dân sự hoàn trả tiền của các doanh nghiệp đã thu tiền dịch vụ của công dân về nước. Chắc chắn phiên tòa sắp tới đây, các cơ quan tố tụng sẽ làm rõ. Tuy nhiên nếu xác định đây là giao dịch hợp pháp, tự nguyện, việc nộp tiền là công khai ngay tình, tổ chức thu tiền có chức năng nhiệm vụ được pháp luật cho phép, giá cả theo thỏa thuận (mặc dù cao hơn bình thường), thì không có cơ sở pháp lý để công dân yêu cầu tổ chức, doanh nghiệp tổ chức “chuyến bay giải cứu” phải trả lại tiền…

2. Phụ thuộc vào quyết định cuối cùng của cơ quan tố tụng

Đến nay sau tròn 1 năm, liên quan đến 9 lô trái phiếu trị giá 10.300 tỷ của Tân Hoàng Minh phát hành đã bị UBCK Nhà nước hủy bỏ (kể từ đầu tháng 4/2022), các nhà đầu tư vẫn mòn mỏi chờ nhận lại tiền. Nhiều khách hàng chỉ mong nhận lại tiền gốc sớm nhất thay vì kỳ vọng được nhận cả tiền lãi như trong hợp đồng mua trái phiếu. Về phía Tân Hoàng Minh cũng nhiều lần cam kết sẽ trả tiền cho nhà đầu tư ngay khi nhận được hướng dẫn từ Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an. Tuy nhiên đến nay các nhà đầu tư trái phiếu vẫn đang phải chờ đợi quyết định của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Trước đó, CO3 Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các tổ chức, đơn vị liên quan. Đồng thời xác định các nhà đầu tư trái phiếu là bị hại trong vụ án hình sự này.

Cơ quan điều tra xác định số tiền Tân Hoàng Minh huy động của nhà đầu tư không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu. Đây là hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu để huy động tiền trái quy định pháp luật của nhiều nhà đầu tư (người mua, góp vốn đầu tư trái phiếu). Như vậy số tiền 2.100 tỷ mà Tân Hoàng Minh thu hồi được nộp vào tài khoản tạm giữ của CO3 Bộ Công an tại Kho bạc Nhà nước là vật chứng của vụ án (vì thỏa mãn các đặc điểm vật chứng theo quy định tại Điều 89 Bộ luật TTHS 2015). Đó cũng là các khoản tiền được dùng để cơ quan tiến hành tố tụng sử dụng khi áp dụng các biện pháp tư pháp theo Điều 46, Điều 48 BLHS 2015.  

Nói cách khác, số tiền đó được xem là tài sản đang được luân chuyển và có  tư cách ” pháp lý trong hoạt động tố tụng của một vụ án, tài sản đó phải được xử lý giải quyết trên cơ sở hoạt động tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng, tài sản đó không còn là tài sản chủ động để Tân Hoàng Minh tự hoàn trả cho các nhà đầu tư. Trong khi đó việc xử lý vật chứng phải do “Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện kiểm sát quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Chánh án Tòa án quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn chuẩn bị xét xử; do Hội đồng xét xử quyết định nếu vụ án đã đưa ra xét xử” (khoản 1 Điều 106 Bộ luật TTHS 2015).

Do đó, khi chưa có phán quyết cuối cùng đối với vụ án, không thể tùy tiện dùng số tiền đó chia cho các nhà đầu tư được. Trừ trường hợp vụ án được đình chỉ ở các giai đoạn khác nhau, còn nếu vụ án được đưa ra xét xử thì Hội đồng xét xử mới là cơ quan có thẩm quyền quyết định. Khi xét xử vụ án, Hội đồng xét xử mới xem xét tiền đó sẽ trả cho những bị hại nào, bao nhiêu tiền. Có nghĩa, vụ án phải trải qua đầy đủ các bước tố tụng từ giai đoạn điều tra, truy tố, đến xét xử sơ thẩm, có thể có phúc thẩm. Như vậy thời gian mà các nhà đầu tư còn phải chờ đợi không hề ngắn, nó còn có thể kéo dài bởi đây là vụ án phức tạp, có thể phát sinh nhiều tình huống pháp lý tố tụng trong quá trình điều tra. 

Tương tự như vậy, các bị hại trong vụ án Vạn Thịnh Phát có liên quan đến việc mua 3 lô trái phiếu trị giá gần 25.000 tỷ đồng của Công ty CP Tập đoàn đầu tư An Đông thuộc Vạn Thịnh Phát cũng phải phụ thuộc vào quyết định cuối cùng của các cơ quan tiến hành tố tụng.

anh-2jpg-1681379175.png

Các bị hại trong vụ án Tân Hoàng Minh phải chờ quyết định cuối cùng của tòa án mới nhận lại được tiền.

Một số đề xuất kiến nghị

1. Đối với vụ án “chuyến bay giải cứu” đã và đang được Cơ quan điều tra Bộ Công an thụ lý giải quyết đã và đang xử lý rất nghiêm minh đối với tội phạm tham nhũng. Tuy nhiên rất băn khoăn khi không thể giải quyết đền bù thiệt hại thực tế mà các hành khách đi trên các chuyến bay đặc biệt đó vì không có căn cứ theo qui định của pháp luật.

Mặc dù không thỏa mãn đặc điểm của bị hại theo quy định tại Điều 62 Bộ luật TTHS 2015 nên CQĐT không đưa các hành khách vào vụ án để tham gia tố tụng với tư cách là người bị hại để đảm bảo quyền lợi. Tuy nhiên với số tiền gần 180 tỷ đồng mà doanh nghiệp đã hối lộ cho các “quan tham” cũng cho thấy số tiền mà các hành khách đi trên các “chuyến bay giải cứu” đã bỏ ra là vô cùng lớn.

Theo đó, chúng tôi cho rằng, trong vụ án này CQĐT cần tiếp tục mở rộng điều tra theo hướng xem xét có hay không dấu hiệu vi phạm pháp luật trong các giao dịch (mua vé, chi phí cách ly, lưu trú…) giữa các hành khách với các tổ chức, doanh nghiệp tổ chức “chuyến bay giải cứu”. Trong trường hợp xác định có dấu hiệu vi phạm, nâng khống giá trị giao dịch so với thực tế thì cần phải xử lý nghiêm, buộc tổ chức, doanh nghiệp tổ chức “chuyến bay giải cứu” phải hoàn trả cho người dân phần chênh lệch đó. Đồng thời đối với các hành khách đi trên chuyến bay đặc biệt đó cân nhắc và lựa chọn giải pháp khởi kiện dân sự để đảm bảo quyền lợi của mình.

2. Cần linh hoạt hoàn trả tài sản của bị hại khi tài sản là vật chứng. Từ quy định tại Điều 106 Bộ luật TTHS 2015, có thể hiểu về nguyên tắc xử lý vật chứng khi vụ án kết thúc ở giai đoạn nào, thì cơ quan có thẩm quyền tố tụng tại giai đoạn đó có thẩm quyền xử lý vật chứng. Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quyết định, nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; Viện Kiểm sát quyết định, nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; Chánh án quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn chuẩn bị xét xử và Hội đồng xét xử quyết định nếu vụ án được đưa ra xét xử. Theo đó, bị hại trong các vụ án hình sự có quyền gửi đơn yêu cầu hoàn lại tài sản bị thiệt hại từ giai đoạn điều tra, xét xử, truy tố nếu vụ án đó bị đình chỉ theo từng giai đoạn tương ứng. Tuy nhiên trên thực tế khả năng này rất ít xảy ra, đặc biệt là đối với các vụ án kinh tế. Bởi do yếu tố nhạy cảm và thực hiện chủ trương hạn chế hình sự hóa trong các giao dịch dân sự và kinh tế, các cơ quan tố tụng chỉ khởi tố vụ án khi đã có gần như chắc chắn có dấu hiệu tội phạm.

Trong khi đó để khép lại một vụ án kinh tế, tham nhũng, để giải quyết triệt để các vấn đề hình sự, dân sự nhiều khi mất rất nhiều thời gian, có vụ án kéo dài 5 năm, thậm chí nhiều hơn. Chưa kể trong trường hợp vụ án đó giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại, mà chưa có đủ điều kiện chứng minh tại phiên tòa, thì bị hại còn phải theo đuổi một vụ kiện dân sự khác. Nói như vậy để thấy rằng để nhận lại được khoản tiền thiệt hại, bị hại phải mỏi mòn chờ đợi, … Vì vậy để giảm thiểu thiệt hại cho bị hại, chúng tôi kiến nghị, tùy từng vụ việc, trường hợp cụ thể, cơ quan tố tụng cần linh động giải quyết (nếu có đầy đủ căn cứ việc hoàn trả cho bị hại không làm ảnh hưởng đến kết quả thi hành án) để khắc phục tối đa mức thiệt hại, bởi ưu tiên lớn nhất trong những vụ án là thu hồi tài sản và trao trả cho đối tượng bị thiệt hại.

VŨ LÊ MINH

Link nội dung: https://phaply.net.vn/van-de-hoan-tien-cho-bi-hai-trong-mot-so-vu-an-hinh-su-kinh-te-thuc-tien-va-kien-nghi-a256738.html