Theo quy định tại Điều 75 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 thì pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại, vì lợi ích của pháp nhân thương mại, có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS.
Ảnh minh họa
33 tội danh pháp nhân thương mại có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Pháp nhân thương mại tuy là chủ thể của tội phạm, nhưng không phải là chủ thể của tất cả các tội phạm quy định trong BLHS, mà chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự một số tội phạm có liên quan trực tiếp đến hoạt động của pháp nhân thương mại.
Theo quy định tại Điều 76 BLHS năm 2015 thì pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm quy định tại các điều: Điều 188 (Tội buôn lậu); Điều 189 (Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới); Điều 190 (Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm); Điều 191 (Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm); Điều 192 (Tội sản xuất, buôn bán hàng giả); Điều 193 (Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm); Điều 194 (Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh); Điều 195 (Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi); Điều 196 (tội đầu cơ); Điều 200 (Tội trốn thuế); Điều 203 (Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước); Điều 209 (Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán); Điều 210 (Tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán); Điều 211 (Tội thao túng thị trường chứng khoán); Điều 213 (Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm); Điều 216 (Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động); Điều 217 (Tội vi phạm quy định về cạnh tranh); Điều 225 (Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan); Điều 226 (Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp); Điều 227 (Tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên); Điều 232 (Tội vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản); Điều 234 (Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã). Trước khi Bộ luật Hình sự năm 2015 chưa được sửa đổi, bổ sung thì chỉ có 31 tội danh mà pháp nhân thương mại bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, sau khi Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung thì ngoài 31 tội danh đã được quy định trong BLHS thì Quốc hội đã bổ sung thêm 2 tội, đó là Tội tài trợ khủng bố (Điều 300) và Tội rửa tiền (Điều 324). Như vậy, tổng số tội danh mà pháp nhân thương mại có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự là 33 tội.
Trong số 33 tội danh pháp nhân thương mại có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có những tội liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của pháp nhân thương mại như tội trốn thuế; tội buôn lậu; tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động… nhưng cũng có tội ít liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của pháp nhân thương mại như: Tội tài trợ khủng bố và Tội rửa tiền.
Về hình phạt, theo các quy định của pháp luật thì các hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội bao gồm: Phạt tiền; Đình chỉ hoạt động có thời hạn; Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; Cấm huy động vốn; Các biện pháp tư pháp áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội.
Điều kiện chịu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại
Thứ nhất, hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại. Cụ thể là hành vi của một người hoặc một số người đang thuộc biên chế của tổ chức kinh tế mà theo pháp luật thì tổ chức kinh tế này là pháp nhân thương mại. Nếu họ không phải trong tổ chức kinh tế được công nhận là pháp nhân thương mại thì hành vi phạm tội của họ không phải là hành vi của pháp nhân thương mại. Tuy nhiên, nếu một người được pháp nhân thương mại ký hợp đồng hay uỷ quyền thực hiện nhiệm vụ do pháp nhân thương mại giao và khi thực hiện họ nhân danh pháp nhân thương mại đã ký hợp đồng hoặc uỷ quyền cho họ thì hành vi phạm tội của người này vẫn là hành vi phạm tội của pháp nhân thương mại mà họ ký hợp đồng hoặc được uỷ quyền.
Thứ hai, hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại. Theo đó, khi một người hoặc một số người thực hiện hành vi phạm tội do pháp nhân thương mại giao hoặc uỷ quyền đều vì lợi ích của pháp nhân thương mại chứ không vì lợi ích cá nhân của họ. Tuy nhiên, nếu trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội họ lại lợi dụng pháp nhân thương mại để thực hiện thêm hành vi vì lợi ích cá nhân thì chỉ hành vi nào vì lợi ích của pháp nhân thương mại mới buộc pháp nhân thương mại phải chịu, còn hành vi nào vượt ra ngoài lợi ích của pháp nhân thương mại mà vì lợi ích cá nhân họ thì họ phải chịu. Có thể nói, đây là một dạng hành vi “vượt quá của người thực hành” trong vụ án mà pháp nhân thương mại phạm tội.
Ảnh minh họa
Thứ ba, hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại. Cụ thể, sự chỉ đạo điều hành là sự chỉ đạo của những người đứng đầu hoặc của một tập thể pháp nhân thương mại như: Giám đốc, Tổng giám đốc, Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc của công ty. Sự chỉ đạo, điều hành này cũng tương tự như trường hợp phạm tội có tổ chức mà người tổ chức là người chỉ đạo điều hành mọi hành vi của tất cả các đồng phạm khác. Ngoài sự chỉ đạo, điều hành của những người nhân danh pháp nhân thương mại còn có trường hợp tuy không có sự chỉ đạo, điều hành nhưng lại có sự chấp thuận của những người đứng đầu pháp nhân thương mại thì hành vi phạm tội cũng là hành vi phạm tội của pháp nhân thương mại.
Thứ tư, chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của BLHS năm 2015 tuỳ thuộc vào tội phạm mà pháp nhân thương mại thực hiện: 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng; 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng; 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng; 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Không xử lý TNHS đối với pháp nhân thương mại… tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tội lừa đảo…
Thời gian qua, đã có một số vụ án xảy ra, theo đó chủ một số doanh nghiệp bị truy cứu TNHS về một số tội danh khác nhau như tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản ( đối với ông chủ Tập đoàn Tân Hoàng Minh); tội thao túng chứng khoán và tội lừa đảo ( đối với ông chủ tập đoàn FLC).
Nếu soi chiếu 2 vụ án trên vào qui định tại Điều 76 BLHS 2015 thì chỉ có thể đặt ra TNHS đối với pháp nhân mà ông chủ của pháp nhân này phạm tội thao túng thị trường chứng khoán ( Điều 211 BLHS). Tuy nhiên cần lưu ý trong trường hợp này, pháp nhân chỉ có thể phải chịu TNHS tội thao túng chứng khoán khi hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại là hành vi của một người hoặc một số người đang thuộc biên chế của pháp nhân này; một người hoặc một số người này thực hiện hành vi phạm tội do pháp nhân thương mại giao hoặc uỷ quyền đều vì lợi ích của pháp nhân thương mại chứ không vì lợi ích cá nhân của họ. Tuy nhiên, nếu trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội họ lại lợi dụng pháp nhân thương mại để thực hiện thêm hành vi vì lợi ích cá nhân thì chỉ hành vi nào vì lợi ích của pháp nhân thương mại mới buộc pháp nhân thương mại phải chịu, còn hành vi nào vượt ra ngoài lợi ích của pháp nhân thương mại mà vì lợi ích cá nhân họ thì họ phải chịu; Bên cạnh đó, hành vi phạm tội của một hoặc một số người phải có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại. Sự chỉ đạo điều hành là sự chỉ đạo của những người đứng đầu hoặc của một tập thể pháp nhân thương mại như: Giám đốc, Tổng giám đốc, Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc của công ty. Và điều kiện cuối là chưa hết thời hiệu truy cứu TNHS.
Nghiên cứu 33 tội danh mà pháp nhân thương mại có thể bị truy cứu TNHS, không thấy có tội lừa đảo, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản….Các tội danh này, nếu chủ DN phạm phải thì hoàn toàn phải chịu TNHS cá nhân, không liên quan đến pháp nhân. Ví dụ như mới đây Chủ tịch Tân Hiệp Phát Trần Quí Thanh bị C01 Bộ Công an bắt để điều tra tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, quy định tại khoản 4 Điều 175 BLHS.
Theo quy định của pháp luật, tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xuất phát từ quan hệ dân sự có việc giao nhận tài sản, sau đó người nhận được tài sản đã lạm dụng lòng tin của người giao tài sản để có các phương thức thủ đoạn khác nhau nhằm chiếm đoạt tài sản.
Việc CQĐT khởi tố, bắt giữ ông chủ của Tân Hiệp Phát, ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động chung của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến uy tín trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, cơ quan tiến hành tố tụng chắc chắn sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục hoạt động, thực hiện các hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Đối với những tài sản có liên quan đến vụ án hình sự, có thể sẽ bị phong tỏa, còn những tài sản không liên quan đến vụ án, là tài sản của doanh nghiệp, CQĐT sẽ không can thiệp, để cho doanh nghiệp tiếp tục hoạt động.
Theo quy định của pháp luật, người quản lý doanh nghiệp mà bị khởi tố, bị tạm giam thì cấp phó, những người được chỉ định trong điều lệ của công ty sẽ tiếp tục thay mặt người đứng đầu để quản lý điều hành doanh nghiệp. Đặc biệt, Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản không xử lý đối với pháp nhân thương mại, bởi vậy với tội danh mà bố con ông Trần Quí Thanh đang bị khởi tố hiện nay, chỉ có cá nhân người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật mới bị xử lý. Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vẫn diễn ra bình thường, trừ trường hợp có văn bản ngăn chặn của cơ quan chức năng theo quy định của pháp luật.
Phúc Anh