Một số vấn đề liên quan đến thủ tục cấp bằng sáng chế của Việt Nam - tham khảo kinh nghiệm từ Nhật Bản

(Pháp lý) - Với sự phát triển của khoa học và công nghệ, các nước đều nhận thấy được tầm quan trọng của sáng chế đối với kinh tế - xã hội và ngày càng tăng sự quan tâm đối với loại tài sản trí tuệ này. Tuy nhiên, việc chậm trễ trong quy trình cấp bằng sáng chế đang là một vấn đề nan giải, gây những tác động không tốt ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tham khảo một số quy định của Nhật Bản về quy trình cấp bằng sáng chế, sẽ giúp cơ quan chức năng có một cái nhìn toàn vẹn, khách quan và rút ra những kinh nghiệm quý báu trong hoàn thiện khung pháp lý, đẩy nhanh tốc độ cấp bằng sáng chế ở Việt Nam.

Xung quanh vấn đề này, TCPL trân trọng đăng tải một số nghiên cứu của nhóm tác giả Ngô Minh Tín ( Chi hội trưởng Chi hội Luật gia TP. HCM, Giảng viên Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP. HCM ) và tác giả Lê Ngọc Quế Anh ( Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP. HCM) .

bang doc quyen sang che

Ảnh minh hoạ

1. Thủ tục phản đối của bên thứ ba

1.1 Theo quy định của Nhật Bản

Tại Nhật Bản, thủ tục phản đối bằng sáng chế là một thủ tục xét xử hành chính được tiến hành bởi Cơ quan Sáng chế Nhật Bản (JPO). Thủ tục này độc lập với việc cấp VBBH sáng chế và bắt đầu bằng việc bất kỳ ai nộp đơn phản đối cho JPO. Thời hạn phản đối được quy định là trong vòng sáu tháng kể từ ngày đăng Công báo về việc cấp VBBH sáng chế. Và nội dung phản đối được giới hạn, phải dựa trên cơ sở các lý do được pháp luật quy định, tức không được phản đối những vấn đề mà pháp luật không đề cập đến.

Như vậy, Nhật Bản chỉ đề cập đến việc phản đối của bên thứ ba sau khi VBBH sáng chế đã được cấp. Lúc này, việc xem xét các trường hợp phản đối được tiến hành bởi cơ quan của JPO, đây được xem như một thủ tục giữa bên sở hữu sáng chế với JPO, không có phiên điều trần bằng miệng giữa bên phản đối và bên được cấp VBBH. Điều này phân biệt với thủ tục hủy bỏ VBBH xoay quanh mối quan hệ giữa bên sở hữu sáng chế với bên thứ ba yêu cầu hủy bỏ VBBH.

Theo thống kê của JPO, thời gian trung bình từ khi nộp đơn yêu cầu phản đối đến khi ra quyết định phản đối là 7,4 tháng vào năm 2020. Chi phí cho việc phản đối này chỉ bằng 1/3 so với phí xét xử tại Tòa nên có thể nói là một cách hiệu quả để thu hồi bằng sáng chế một cách kịp thời và tiết kiệm chi phí.

anh-3-1681102784.png
 

Năm 2018, Nhật Bản đứng thứ hai thế giới với 6.679 bằng sáng chế liên quan đến công nghệ được cấp. ( Ảnh minh họa)

Khi nhận được đơn phản đối, JPO sẽ thông tin việc phản đối này đến bên được cấp VBBH và tiến hành kiểm tra xem các lập luận phản đối bên thứ ba đưa ra có hợp lý hay không. Trong quá trình này bên phản đối và bên được cấp VBBH có thể gửi văn bản trình bày các lập luận của mình để chống lại bên kia. Khi đó, JPO sẽ tiến hành xem xét và nếu cuối cùng JPO kết luận không có lý do để thu hồi thì quyết định về duy trì hiệu lực bằng sáng chế sẽ được đưa ra và bản sao của quyết định sẽ được gửi cho các bên.

Bên thứ ba phản đối sẽ không có bất kỳ biện pháp nào để chống lại quyết định và vụ việc đã được giải quyết. Ngược lại, nếu JPO kết luận rằng việc phản đối là hợp lý một quyết định thu hồi VBBH sẽ được đưa ra và VBBH sẽ được coi là không tồn tại từ đầu. Sau khi nhận được quyết định thu hồi, người được cấp VBBH có thể đệ đơn kiện JPO như một bị đơn ra Tòa cấp cao về sở hữu trí tuệ. Theo một kết quả thống kê về các trường hợp phản đối tại Nhật Bản cho thấy chỉ một số lượng rất nhỏ bằng sáng chế bị thu hồi thông qua thủ tục phản đối.

1.2 Theo quy định của Việt Nam

Trước đây tại Việt Nam, theo quy định tại Điều 112 Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019 (sau đây gọi là Luật SHTT) thì bên thứ ba có quyền ý kiến về việc cấp hay không cấp VBBH đối với đơn đăng ký sáng chế. Như vậy, quy định này không đề cập một cách cụ thể đến việc phản đối của bên thứ ba mà gộp lại như một thủ tục lấy ý kiến chung. Tức không có sự tách bạch giữa các thông tin từ bên thứ ba mang tính bổ sung, tham khảo cho việc cấp VBBH với ý kiến phản đối của bên thứ ba. Trong khi hai quy định có những điểm khác biệt và việc gộp chung lại như vậy sẽ dẫn đến những khó khăn trong áp dụng quy trình để xử lý hai loại ý kiến này.

 Luật SHTT mới được sửa đổi năm 2022 đã có một chỉnh sửa đáng chú ý khi tách bạch hai quá trình trên. Việc ý kiến của bên thứ ba lập thành văn bản kèm theo tài liệu chứng minh và được coi là một nguồn thông tin tham khảo cho quá trình xử lý đơn đăng ký sáng chế. Trong khi việc phản đối cũng phải bản kèm theo thông tin để chứng minh và nhưng bên thứ ba phản đối phải nộp phí, lệ phí. Và việc phản đối này không đơn thuần chỉ là một ý kiến để bên thẩm định đơn xem xét mà cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp phải có trách nhiệm xử lý ý kiến phản đối này theo trình tự, thủ tục do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định. Việc phân định ý kiến của người thứ ba về việc cấp VBBH với phản đối đơn đăng ký là hợp lý vì ý kiến của người thứ ba không mang bản chất của thủ tục phản đối mà chỉ là ý kiến mang tính chất nguồn thông tin tham khảo.

Đồng thời, có một vài sửa đổi liên quan đến thời hạn phản đối của bên thứ ba trong việc cấp văn bằng bảo hộ sáng chế. Nếu như trước đây, pháp luật không đề cập đến một con số cụ thể về thời hạn này mà chỉ có quy định tại Điều 112 Luật SHTT rằng kể từ ngày đơn đăng ký được công bố trên Công báo sở đến trước ngày ra quyết định cấp VBBH, bất kỳ bên thứ ba nào cũng có quyền có ý kiến. Như vậy, thời hạn phản đối của bên thứ ba có thể dài hay ngắn tùy thuộc vào việc xử lý đơn của cơ quan có thẩm quyền mà không có một con số hay giới hạn cụ thể nào.

Thực tiễn cho thấy quy trình thẩm định nội dung đơn tại Việt Nam hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn và tiêu tốn rất nhiều thời gian. Có rất nhiều nguyên nhân lý giải cho điều nay như trình độ của các thẩm định viên còn chưa cao, thiếu thông tin cần thiết dùng cho việc thẩm định vì Việt Nam chưa ứng dụng được các sản phẩm của cuộc cách mạng công nghiệp như AI (trí tuệ nhân tạo) hay Blockchain,... Cộng thêm việc các sáng chế ngày càng phức tạp và đòi hỏi thời gian thẩm định dài hơn, một người thẩm định phải có một chuyên môn thực sự cao. Chính vì việc thẩm định nội dung đơn kéo dài, thời hạn phản đối của bên thứ ba cũng tăng lên.

Trong quá trình thẩm định đơn, nếu bên thứ ba phản đối thì các thẩm định viên sẽ dừng lại để xem xét yêu cầu đó và có thể ảnh hưởng đến thời gian thẩm định. Thậm chí, khi đã thẩm định xong nội dung đơn, bên thứ ba vẫn có quyền được phản đối, điều này góp phần làm tăng thêm thời gian cấp bằng sáng chế. Và nếu những căn cứ phản đối của bên thứ ba không được chấp nhận hay họ chỉ đơn giản là muốn kéo dài thời gian cấp bằng sáng chế, điều này sẽ gây ra thiệt thòi cho chủ sở hữu sáng chế nếu cuối cùng họ được cấp văn bằng bảo hộ sáng chế.

Nhận được nhiều ý kiến đóng góp, Luật SHTT hiện hành đã có một số chỉnh sửa liên quan đến thời hạn phản đối của bên thứ ba. Cụ thể, tại Điều 112a bổ sung thêm thời hạn phản đối việc cấp VBBH là 9 tháng kể từ ngày đơn đăng ký sáng chế được công bố. Điểm tiến bộ hơn là so với quy định cũ là thời hạn phản đối của bên thứ ba đã rõ ràng hơn, tức đưa ra một con số cụ thể và không còn phụ thuộc vào thời gian thẩm định nội dung đơn. Điều này đã góp phần bảo đảm cho các quyền lợi chính đáng của bên yêu cầu cấp VBBH. Tránh việc các bên thứ ba lợi dụng để phản đối việc cấp VBBH, kể cả khi đã thẩm định nội dung đơn xong làm kéo dài thêm thời gian.

1.3 Đánh giá và đưa ra một số đề xuất, kiến nghị

Thủ tục phản đối của bên thứ ba đóng vai trò quan trọng trong quá trình xử lý đơn đăng ký sáng chế và việc quy định nó là phù hợp: công chúng phải được nêu ý kiến về việc cấp VBBH cho sáng chế và khi một VBBH được cấp cho sáng chế họ phải tôn trọng các quyền của chủ sở hữu sáng chế. Tuy nhiên, quy định mới vẫn chưa thể giải quyết được một số bất cập liên quan đến thời hạn phản đối của bên thứ ba. Đầu tiên, vẫn chưa có sự tách bạch giữa việc phản đối của bên thứ ba với quy trình thẩm định nội dung đơn. Tức trong thời hạn 9 tháng kể từ ngày công bố đơn, nếu người nộp đơn có yêu cầu thẩm định nội dung đơn thì quy trình phản đối của bên thứ ba có thể trùng với việc thẩm định này. Từ đây, bên thứ ba vẫn có thể tác động để kéo dài quá trình thẩm định nội dung.

 Tác giả cho rằng, sở dĩ các nhà lập pháp gộp hai quy trình này lại vì có thể họ nghĩ nó có thể sẽ rút ngắn được thời gian cấp VBBH. Nếu như quy định theo cách giống Châu Âu, sau khi thẩm định nội dung đơn xong, thay vì tiến hành việc cấp VBBH thì sẽ mất thêm một khoảng thời gian để bên thứ ba phản đối. Thực tế cho thấy tuy đã quy định thời hạn thẩm định đơn nhưng việc thẩm định nội dung đơn thường kéo dài hơn, và đây là lý do khiến cho việc cấp VBBH thường kéo dài.

Việc bên thứ ba vẫn có thể tác động đến thời gian thẩm định đơn vẫn chưa giải quyết được triệt để tình trạng bên thứ ba có thể phản đối vô tội và làm cho thời gian thẩm định bị kéo dài đã đề cập ở phần 2.2 của bài viết. Nếu như quy định giống theo Nhật Bản, việc cấp VBBH có thể diễn ra nhanh hơn vì thời gian thẩm định nội dung đơn có thể được rút ngắn khi không có sự tác động của bên thứ ba. Tuy nhiên, việc giải quyết những phản đối sau khi cấp VBBH của bên thứ ba sẽ được đặt ra và các tranh chấp liên quan đến sáng chế có thể tăng lên vì bên thứ ba không được thể hiện ý kiến của mình và quá trình cấp VBBH cho sáng chế. Ngoài ra, Luật SHTT đã có quy định rõ hơn về việc phản đối của bên thứ ba nhưng nội dung giới hạn mà bên thứ ba có thể phản đối vẫn còn rất rộng và chưa được cụ thể.

So sánh và tham khảo quy định cũng như việc thực thi tại Nhật Bản, tác giả đưa ra một số đề suất sau:

Thứ nhất, Việt Nam nên xem xét quy định về thủ tục phản đối sẽ bắt đầu từ ngày đăng Công báo cấp VBBH.

Điều này giúp tách bạch được hai thủ tục và theo quan điểm của tác giả sẽ giúp rút ngắn được thời gian cấp VBBH hơn so với quy định hiện hành. Về những tranh chấp có thể xảy ra, theo quy định hiện hành bên thứ ba vẫn được phép đưa ra ý kiến và người thẩm định đơn sẽ tham khảo những ý kiến này rồi đưa ra quyết định việc cấp VBBH. Vì vậy, nếu có vấn đề gì liên quan đến sáng chế, tham khảo những ý kiến của bên thứ ba đưa ra, người thẩm định sẽ từ chối cấp VBBH. Quy định như vậy giúp chủ sở hữu sáng chế nhanh chóng nhận được VBBH và có các quyền với sáng chế của mình, khai thác hiệu quả hơn sáng chế.

Việc đưa ra một khung thời gian để bên thứ ba phản đối cũng cần phải được cân nhắc và tìm hiểu thêm để đưa ra được một con số cụ thể hợp lý. Đảm bảo quyền lợi của cả bên thứ ba phản đối và của bên đăng ký cấp VBBH: bên thứ ba có đủ thời gian để tiếp cận, nắm bắt thông tin và chuẩn bị những thứ cần thiết để phản đối; bên được cấp VBBH sẽ tránh được những việc kiện tụng sau này, những thủ tục liên quan đến yêu cầu sửa đổi, hủy bỏ VBBH đến từ bên thứ ba. Các thủ tục phản đối cũng cần được rà soát để việc phản đối diễn ra nhanh chóng, hay việc cân nhắc có một đội ngũ riêng thực hiện giải quyết thủ tục phản đối này của bên thứ ba.

Thứ hai, cần quy định rõ ràng hơn về các nội dung mà bên thứ ba được phép đưa ra phản đối, có thể tham khảo quy định của Nhật Bản. Việc này giúp cho các thẩm định viên khi cân nhắc, xem xét việc phản đối của bên thứ ba nếu thấy không thuộc một trong các nội dung được quyền phản đối thì sẽ bỏ qua luôn. Điều này giúp tránh lãng phí thời gian và có thể rút ngắn được quá trình giải quyết phản đối của bên thứ ba.

Luật SHTT vẫn chưa có quy định cụ thể về việc đền bù cho chủ sở hữu sáng chế khi các cơ quan có thẩm quyền chậm trễ trong việc cấp VBBH.

2. Thủ tục liên quan đến việc đền bù cho chủ sở hữu sáng chế vì sự chậm trễ của cơ quan có thẩm quyền

2.1 Theo quy định của Nhật Bản

Tại Nhật Bản, thời hạn của VBBH sáng chế là 20 năm kể từ ngày nộp đơn đăng ký. Luật Bằng sáng chế của Nhật Bản sửa đổi năm 2021 đã mở rộng quyền yêu cầu gia hạn bằng sáng chế ở tất cả các lĩnh vực sáng chế. So với trước đây, Nhật Bản chỉ đề cập đến việc gia hạn thời hạn bằng sáng chế cho các phát minh là dược phẩm hoặc hóa chất nông nghiệp trong trường hợp các cơ quan quản lý có sự chậm trễ trong việc cấp phép lưu hành.

Tuy thời hạn của bằng sáng chế liên quan đến dược phẩm có thể được kéo dài nhưng không quá 5 năm và muốn được hưởng sự gia hạn này thì chủ sở hữu bằng sáng chế phải nộp đơn yêu cầu. Nếu bằng sáng chế được sở hữu chung thì đơn đăng ký phải được nộp bởi tất cả các chủ sở hữu, không ai trong số các chủ sở hữu chung có thể đơn phương nộp đơn đăng ký gia hạn thời hạn bằng sáng chế. Lưu ý, 5 năm chỉ là khoảng thời gian tối đa mà chủ sở hữu sáng chế được quyền yêu cầu gia hạn, tức nhiều trường hợp thời gian được gia hạn thêm sẽ ít hơn 5 năm. Về vấn đề này, Nhật Bản có quy định về cách tính thời gian xin gia hạn như sau:

Thời gian gia hạn = Khoảng thời gian giữa ngày tham chiếu và ngày được cấp bằng sáng chế - Khoảng thời gian được khấu trừ theo quy định. Một ví dụ cho cách tính này như sau: ngày nộp đơn là 08/12/2020, ngày được cấp VBBH là 08/12/2031, ngày tham chiếu ở đây là ngày 08/12/2025 - tức 5 năm kể từ khi nộp đơn, khoảng thời gian khấu trừ là 8 tháng. Ta thấy khoảng thời gian giữa ngày đáng lẽ ra phải được cấp VBBH với ngày thực tế được cấp là 6 năm, trừ đi khoảng thời gian khấu trừ là 8 tháng là 5 năm 4 tháng. Như vậy, thời gian chủ sở hữu sáng chế có thể gia hạn thêm là 5 năm (luật quy định thời gian gia hạn tối đa là 5 năm nên không thể gia hạn 5 năm 4 tháng). Tóm lại, thời gian được gia hạn thêm sẽ là khoảng thời gian bị trễ so với thời gian thực tế mà VBBH sẽ được cấp, trừ đi khoảng thời gian khác do luật quy định, và không được quá 5 năm.

Với thông lệ mới, các đơn nộp vào hoặc sau ngày 10 tháng 3 năm 2020, người nộp đơn có thể yêu cầu gia hạn thời hạn bằng sáng chế trong hai trường hợp: (1) sáng chế mất hơn 5 năm để nhận được VBBH kể từ ngày nộp đơn; hoặc (2) việc thẩm định nội dung sáng chế quá 3 năm kể từ ngày nộp đơn yêu cầu thẩm định; tùy theo thời điểm nào đến sau. Việc yêu cầu gia hạn phải diễn ra trong khoảng thời gian mà pháp luật cho phép và đặc biệt sau khi VBBH hết thời hạn thì việc đăng ký gia hạn thời hạn bằng sáng chế sẽ không được chấp nhận. Đơn yêu cầu gia hạn khi được nộp phải đảm bảo được các thông tin theo quy định và thẩm định viên của JPO sẽ xem xét đơn để đánh giá liệu thời hạn VBBH có được gia hạn hay không?

2.2 Theo quy định của Việt Nam

Tại Việt Nam, thời gian bảo hộ của văn bằng sáng chế là 20 năm tính từ ngày nộp đơn và không được gia hạn thêm thời gian bảo hộ. Như vậy, khác với nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp được gia hạn thời gian bảo hộ, thời gian bảo hộ văn bằng sáng chế chỉ được tối đa 20 năm. Luật SHTT hiện hành có sự sửa đổi, bổ sung mà theo đó chủ VBBH sáng chế không phải nộp phí duy trì hiệu lực cho khoảng thời gian mà thủ tục đăng ký lưu hành lần đầu của dược phẩm được sản xuất theo bằng độc quyền sáng chế tại Việt Nam bị chậm.

Tóm lại, hiện nay vẫn chưa có một quy định cụ thể về việc đền bù cho chủ sở hữu sáng chế khi các cơ quan có thẩm quyền chậm trễ trong việc cấp VBBH. Ngoài ra có thể thấy quy định của Việt Nam đang đi theo hướng miễn phí/lệ phí VBHH để duy trì hiệu lực VBBH. Ngoài ra không có bất cứ nội dung nào đề cập đến việc VBBH có thể được gia hạn thời hạn bảo hộ. Tuy nhiên tại Điều 12.40 của EVFTA mà Việt Nam là thành viên yêu cầu phải bồi thường cho chủ sở hữu sáng chế dưới dạng kéo dài thời hạn bảo hộ của sáng chế đúng bằng thời gian “bị chậm trễ bất hợp lý” trong quá trình thẩm định và cấp văn bằng bảo hộ (nhưng không quá hai năm).

2.3 Đánh giá và đưa ra một số đề xuất, kiến nghị

Theo quan điểm của tác giả, Việt Nam nên xem xét việc cho gia hạn thêm thời hạn bảo hộ cho các sáng chế để đảm bảo cho những quyền lợi của chủ sở hữu sáng chế khi có sự chậm trễ từ cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, việc này chỉ nhằm bù đắp lại một phần nào cho chủ sở hữu vì khoảng thời gian chờ đợi quá lâu trong việc cấp VBBH. Tác giả đánh giá đây chỉ là một biện pháp tạm thời, không thể là một biện pháp hiệu quả và đáng cân nhắc trong một thời gian dài. Lý giải cho quan điểm này là một sáng chế có thể bị cũ đi, đặc biệt trong thời đại mà người ta đầu tư rất nhiều cho việc tạo ra các sáng chế để đẩy mạnh quá trình sản xuất, tạo ra những ưu thế hơn so với đối thủ.

Việc chậm trễ trong khâu cấp VBBH sẽ gây nên thiệt hại đối với chủ sở hữu sáng chế đó khi không được khai thác một cách tốt nhất các sáng chế mà họ đã tạo ra trong khi chí phí đầu tư là rất lớn. Họ cũng không có cách nào khác ngoài việc đưa ra cảnh báo để ngăn cản các bên thứ ba, đặc biệt là các đối thủ sao chép và tận dụng một cách trái phép các sáng chế này khi chúng chưa được cấp VBBH. Chỉ khi được bảo hộ chủ sở hữu mới được phép quay lại để yêu cầu bồi thường đối với các sai phạm này. Tuy nhiên rõ ràng họ khó có thể đòi lại hết và Tòa án có thể đánh giá được đầy đủ toàn bộ những thiệt hại. Khoảng tiền phí phải nộp để duy trì hiệu lực cho VBBH được miễn trừ theo quy định của pháp luật cũng chỉ giảm dược một phần thiệt hại nào đó, bù đắp được một phần nhỏ so với những gì mà chủ sở hữu sáng chế đã phải gánh chịu.

Như vậy việc chậm trễ trong cấp VBBH sẽ làm giảm tính sáng tạo của sáng chế, tức làm cho sáng chế bị cũ và gây ra những tổn thất đối với chủ sở hữu sáng chế. Chính vì vậy việc đền bù cho chủ sở hữu chỉ là một giải pháp tạm thời nhưng vẫn phải được quy định rõ ràng, hiệu quả để đảm bảo được việc bù đắp cho chủ sở hữu, đồng thời gia tăng trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc cấp VBBH. Tuy nhiên, sau cùng mục tiêu lớn mà Việt Nam ta cần tiến tới vẫn là đẩy nhanh quá trình cấp VBBH sáng chế, đi kèm với cả việc đảm bảo nội dung chất lượng của sáng chế thay vì tìm cách bù đắp cho chủ sở hữu vì chậm trễ trong khâu cấp VBBH.

Ngô Minh Tín - Lê Ngọc Quế Anh

Link nội dung: https://phaply.net.vn/mot-so-van-de-lien-quan-den-thu-tuc-cap-bang-sang-che-cua-viet-nam-tham-khao-kinh-nghiem-tu-nhat-ban-a256715.html