Quan chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn: Áp dụng tội danh nào là vấn đề đáng quan tâm

(Pháp Lý). Các tội phạm về chức vụ là những hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức do người có chức vụ thực hiện trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ. Nghiên cứu một số vụ án cho thấy cùng thực hiện hành vi nhận tiền từ doanh nghiệp, có quan chức bị xử lý tội nhận hối lộ, nhưng cũng có người bị xử tội nhẹ hơn. Áp dụng tội danh nào đối với quan chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn là vấn đề đáng quan tâm, nếu không xử lý thật nghiêm minh thì khó đạt được hiệu quả mong muốn.

1-1680596751.jpg

Phiên tòa xét xử vụ án xảy ra tại AIC

Nghiên cứu từ một số vụ án có quan chức lợi dụng chức vụ quyền hạn

Mới đây cơ quan tố tụng yêu cầu xác minh tài sản của một số cán bộ ở Lào Cai để phục vụ điều tra vụ án "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại UBND tỉnh Lào Cai; Sở TN&MT tỉnh Lào Cai và Sở Công thương tỉnh Lào Cai. Trong đó, có cựu Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Văn Vịnh; cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Doãn Văn Hưởng.

Trong vụ án "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", xảy ra tại UBND tỉnh Lào Cai; Sở TN&MT tỉnh Lào Cai và Sở Công thương tỉnh Lào Cai, Cơ quan tố tụng cũng đề nghị một số ngân hàng và quỹ tín dụng kiểm tra và cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu về số tài khoản, sổ tiết kiệm, chứng từ giao nhận tiền mở tại một số ngân hàng, quỹ tín dụng đối với cựu Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Văn Vịnh; cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Doãn Văn Hưởng và nguyên chuyên viên UBND tỉnh Lào Cai Ngô Đức Hoàng cùng một số người liên quan khác.

Một số cơ quan báo chí dẫn nguồn tin, kết quả xác minh bước đầu của cơ quan chức năng cho thấy, cựu Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Văn Vịnh liên quan đến hàng nghìn mét vuông đất và tài sản gắn liền trên đất tại nhiều địa điểm khác nhau trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Kết quả xác minh bước đầu xác định, ông Nguyễn Văn Vịnh nhận tặng cho từ một số cá nhân một số thửa đất. Đồng thời ông Nguyễn Văn Vịnh đã tặng cho quyền sử dụng một số thửa đất cho các cá nhân khác . Có những thửa đất có nguồn gốc chuyển nhượng từ một số công ty, doanh nghiệp.

Ông Doãn Văn Hưởng cũng có 2 thửa đất đất ở đô thị. Thửa thứ nhất, diện tích 490,9m2, ở đường N7-N9, Tiểu khu đô thị số 1 phường Bắc Cường, TP Lào Cai, nhận chuyển nhượng từ Công ty CP Tập đoàn Nam Tiến. Thửa đất thứ hai, diện tích 80m2, ở đường quy hoạch Khu tái định cư ngã Sáu, phường Kim Tân, TP Lào Cai, do Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất. Sau đó ông Hưởng tặng quyền sử dụng đất cho bà D.T.H ở TP Lào Cai.

22-1680596918.jpg

Một trong những khu đất ở TP. Lào Cai được tặng cho QSD

Bên cạnh đó, mở rộng điều tra vụ án Nguyễn Mạnh Thừa – Giám đốc Công ty TNHH XD TM Lilama phạm tội “Vi phạm qui định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” và phạm tội “Rửa tiền”, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lào Cai đã ra quyết định khởi tố vụ án "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam, khám xét nơi ở và nơi làm việc đối với 4 người là cựu lãnh đạo sở và UBND tỉnh Lào Cai để phục vụ điều tra.

Vụ án "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" cũng liên quan đến Dự án khu nhà hàng, khách sạn tại thôn 2 xã Đồng Tuyển, TP Lào Cai của Công ty TNHH Xây dựng thương mại Lilama.

Trong vụ án Nguyễn Mạnh Thừa – Giám đốc Công ty TNHH XD TM Lilama phạm tội: “Vi phạm qui định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” và phạm tội “Rửa tiền”, cơ quan tố tụng xác định, Cty Lilama đã lợi dụng việc này, công khai đào quặng trái phép và “bán chui” cho Công ty Apatit Việt Nam. Tổng cộng, có hơn 1,5 triệu tấn quặng trị giá hơn 610 tỷ đồng được khai thác, tiêu thụ trái phép. Công ty Apatit Việt Nam thu lời bất chính 184 tỷ đồng, hiện đã tự nguyện nộp lại số tiền này để khắc phục hậu quả; còn Nguyễn Mạnh Thừa được hưởng hơn 177 tỷ đồng.

Quá trình điều tra, bị can Nguyễn Mạnh Thừa khai từng đưa tiền cho các cá nhân là lãnh đạo, cán bộ công tác tại UBND tỉnh Lào Cai và các sở, ngành của tỉnh; một số cán bộ của Thanh tra Chính phủ… Nguyễn Mạnh Thừa đã đưa tiền cho những quan chức nào là nội dung cơ quan điều tra sẽ phải tập trung làm rõ để xử lý nghiêm minh. Hành vi “đưa tiền” của bị can Nguyễn Mạnh Thừa nếu được chứng minh thì sẽ có người nhận tiền (hay tài sản, lợi ích vật chất khác), tuy nhiên tới đây, cơ quan điều tra áp dụng tội danh nào là vấn đề đáng quan tâm.

Nghiên cứu sang một vụ án khác – đại án xảy ra tại Cty AIC. “Đại án” AIC đã khép lại giai đoạn sơ thẩm bằng bản án TAND TP.Hà Nội đã tuyên đối với 36 bị cáo, nhưng có một vấn đề đang được nhiều người quan tâm, liên quan đến các tội danh. Cùng thực hiện hành vi nhận tiền từ doanh nghiệp, có quan chức bị xử lý tội nhận hối lộ, nhưng cũng có người bị xử tội nhẹ hơn.

Vụ án này, 4 cựu quan chức của Đồng Nai bị cáo buộc nhận tiền từ lãnh đạo Công ty AIC, gồm Trần Đình Thành (cựu Bí thư Tỉnh ủy) nhận 14,5 tỉ đồng, Đinh Quốc Thái (cựu Chủ tịch tỉnh) nhận 14,5 tỉ đồng, Phan Huy Anh Vũ (cựu Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh) nhận 14,8 tỉ đồng và Bồ Ngọc Thu (cựu Giám đốc Sở KH-ĐT) nhận 1 tỉ đồng. Các ông Thành, Thái và Vũ bị xử tội nhận hối lộ, còn bà Thu tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ.

Câu hỏi đặt ra là vì sao 5 cựu quan chức đều có hành vi nhận tiền từ doanh nghiệp nhưng lại bị truy cứu về các tội danh khác nhau? Bởi việc xác định bị can, bị cáo phạm tội gì cần phải căn cứ vào hành vi tội phạm , các dấu hiệu pháp lý đặc trưng của tội mà họ thực hiện.

Áp dụng tội danh nào là vấn đề đáng quan tâm

Trong Chương XXIII BLHS 2015 - Các tội phạm về chức vụ thì Tội tham ô tài sản (Điều 353) có mức án cao nhất đến tù chung thân, tử hình nếu chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên; Tội nhận hối lộ (Điều 354) cũng tù chung thân, tử hình nếu của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

Tuy nhiên, Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 355) thì hình phạt cao nhất là tù 20 năm hoặc tù chung thân, nếu chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

Còn Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 356) có mức hình phạt cao nhất chỉ đến phạt tù 15 năm nếu gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên.

Như vậy, cùng là “lợi dụng chức vụ, quyền hạn”, cùng chiếm đoạt 1000.000.000 đồng trở lên nhưng mức hình phạt cao nhất khác nhau, có tội đến tử hình, có tội chỉ tù chung thân. Đặc biệt, Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 356) phạt tù đến 15 năm nếu gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên, không xác định số tài sản người có chức vụ quyền hạn được hưởng lợi, do hành vi trái pháp luật của họ gây ra.

Điều 356 về Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ quy định: Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Hành vi khách quan của Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ là dựa vào chức vụ, quyền hạn được giao để làm trái công vụ. Tức là, người phạm tội sử dụng chức vụ, quyền hạn của mình được giao như một “phương tiện” để phạm tội. Người phạm tội không cần sử dụng thêm bất cứ hành vi, thủ đoạn nào khác trong khi thi hành công vụ vì về bản chất họ đã được giao thực hiện các công việc đó nhưng hành vi của họ lại trái công vụ.

Theo Điều 354, BLHS 2015 quy định về tội nhận hối lộ: Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm… ; Tù chung thân, tử hình nếu của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

Xét về tội nhận hối lộ và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ, cả 2 đều thuộc nhóm tội tham nhũng. Trong đó, nhận hối lộ có khung hình phạt cao nhất đến tử hình, lợi dụng chức vụ quyền hạn có khung hình phạt cao nhất 15 năm tù.

Hai tội này có nhiều điểm giống nhau: đều có chủ thể đặc biệt là người có chức vụ quyền hạn, đều có thể nhận lợi ích để thực hiện một công việc không phù hợp hoặc không được làm so với vị trí mình đảm nhiệm…

Về khác nhau, hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn là người có chức vụ, quyền hạn trực tiếp giải quyết công việc nhưng đã sử dụng chức vụ, quyền hạn đó một cách trái phép nhằm mục đích vụ lợi, gây thiệt hại cho nhà nước, xã hội hoặc công dân.

Còn hành vi nhận hối lộ là việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trực tiếp hoặc qua trung gian nhận tiền hoặc lợi ích khác để làm hoặc không làm một việc theo yêu cầu hoặc vì lợi ích của người đưa hối lộ.

Đối chiếu vụ án AIC, bà Bồ Ngọc Thu giữ chức Giám đốc Sở KH-ĐT, thành viên Ban chỉ đạo dự án Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Vì sức ép cấp trên và đã nhận tiền từ lãnh đạo AIC vào các dịp lễ tết, bà Thu làm trái nhiệm vụ được giao: bỏ qua các bước thẩm định để ký tờ trình phê duyệt lại và tăng vốn đầu tư dự án, không lập hồ sơ thuyết minh tăng vốn, không đưa ra cơ sở để xác định danh mục thiết bị…Chuỗi hành vi trên giúp Công ty AIC trúng 16 gói thầu, gây thiệt hại hơn 148 tỉ đồng. Vì thế, bà bị xử lý tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ.

Trong khi đó, các ông Thành, Thái và Vũ bị xác định là người có chức vụ, nhận tiền do lợi dụng quyền hạn mà mình có, trái quy định pháp luật, hành vi cấu thành tội nhận hối lộ. Biểu hiện, khi đưa tiền cho ông Thành và ông Thái, lãnh đạo Công ty AIC đều đề cập đến việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp này tham gia và trúng thầu tại dự án Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Các bị cáo biết rõ việc nhận tiền là để thực hiện các hành vi có lợi cho Công ty AIC. Minh chứng là ông Thành tác động đến cấp dưới, còn ông Thái ký quyết định phê duyệt lại dự án khi không có thẩm định, không thông qua HĐND tỉnh…, qua đó giúp doanh nghiệp trúng 16 gói thầu.

Có thể, cách phân chia theo lĩnh vực, đối tượng như trên của cơ quan chức năng giúp cá thể hóa tội phạm, phân biệt rõ ràng các tội danh; đồng thời xác định trách nhiệm hình sự tương xứng với mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội.

Trở lại vụ án xảy ra ở Lào Cai hiện nay, dư luận không thể không đặt câu hỏi về nguồn gốc khối tài sản khổng lồ của các quan chức, họ “vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản” nhưng có động cơ là nhận hối lộ, chiếm đoạt tài sản hay không? Nếu không thì tài sản từ đâu mà có? Nếu chứng minh được họ đã nhận tiền, tài sản để ra những quyết định trái pháp luật thì chắc chắn tội danh sẽ được thay đổi, cho phù hợp với hành vi phạm tội của họ.

So sánh tội nhận hối lộ với tội lợi dụng chức vụ quyền hạn

Giống nhau: Về chủ thể: đều là người có chức vụ quyền hạn (chủ thể đặc biệt); Về mặt chủ quan: đều là lỗi cố ý trực tiếp hay qua trung gian nhận tiền, hiện vật hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào “đều là tội cấu thành hình thức”.

Khác nhau: Về mặt khách quan: dấu hiệu bắt buộc của tội nhận hối lộ là phải có sự thỏa thuận trước giữa người nhận và người đưa hối lộ về của hối lộ cũng như về việc làm có lợi cho người đưa hối lộ, còn dấu hiệu của tội lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi là hành vi nhận tiền, hiện vật hoặc lợi ích vật chất khác. Như vậy dấu hiệu quan trọng để phân biệt hai tội này là hành vi phạm tội.

Về hình phạt: Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 356) có mức hình phạt cao nhất chỉ đến phạt tù 15 năm nếu gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên. Còn đối với Tội nhận hối lộ, hình phạt cao nhất là tù chung thân, tử hình nếu của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

Một số kiến nghị

Theo thống kê từ năm 2006 đến năm 2020, các cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố 1.084 vụ án/1939 bị can, bình quân mỗi năm tăng 36 vụ. Trong đó, tội tham ô tài sản chiếm tỷ lệ cao nhất trong các tội phạm về chức vụ (46,3%), trong khi đó tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi không có vụ nào(6). Trong năm 2021, cả nước đã khởi tố, điều tra 390 vụ án và 1.011 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ. Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo, từ sau Phiên họp thứ 19 (tháng 01/2021) đến nay, đã khởi tố 10 vụ án/40 bị can; kết thúc điều tra 15 vụ án/150 bị can; truy tố 16 vụ/164 bị can; xét xử sơ thẩm 21 vụ án/179 bị cáo, xét xử phúc thẩm 13 vụ án/74 bị cáo. Tuy nhiên, việc áp dụng TNHS đối với tội phạm về chức vụ vẫn còn những hạn chế như: áp dụng hình phạt chưa tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội, nhiều vụ án mức hình phạt chưa nghiêm;

Bên cạnh đó, các quy định của BLHS về các tội phạm về tham nhũng chưa có sự tương thích với Công ước quốc tế về phòng, chống tham nhũng mà Việt Nam đã tham gia và Luật Phòng, chống tham nhũng của Việt Nam. Ví dụ, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định 12 hành vi tham nhũng, trong khi đó, BLHS năm 2015 cụ thể hóa 07 tội phạm về tham nhũng. Rà soát cấu thành của các tội phạm về tham nhũng cho thấy vẫn còn 4 nhóm hành vi tham nhũng có tính chất nguy hiểm cao chưa được tội phạm hóa: hành vi nhũng nhiễu vì vụ lợi được quy định tại điểm k Khoản 1 Điều 2 chưa được quy định là tội phạm; hành vi đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi; hành vi tham nhũng không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; hành vi tham nhũng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; …..Bên cạnh đó, Công ước quốc tế về phòng, chống tham nhũng còn quy định làm giàu bất hợp pháp là một trong các hành vi tham nhũng, tuy nhiên BLHS năm 2015 chưa quy định hành vi này là tội phạm. Đây là các hành vi tham nhũng, vì mang tính chất vụ lợi của người có chức vụ, quyền hạn xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức nếu không tội phạm hóa và áp dụng TNHS sẽ bỏ lọt hành vi tham nhũng.

3-1680596761.jpg

Đặc biệt qui định chưa có sự phân định giữa các tội phạm về chức vụ và các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế. Một trong những dấu hiệu cấu thành của các tội tham nhũng là lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ để vụ lợi, Như vậy, yếu tố vụ lợi rất quan trọng để phân biệt với các tội cũng lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ nhưng chỉ gây thiệt hại mà không vụ lợi, đó là các tội trong nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế. Nhiều tội trong nhóm này có tình tiết tăng nặng TNHS định khung “vì vụ lợi”. Điều này dẫn đến việc nhiều trường hợp xâm phạm trật tự quản lý kinh tế có tính chất vụ lợi, đáng lẽ phải bị xử lý về các tội tham nhũng, nhưng lại bị xử lý về các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế với tính chất nguy hiểm cho xã hội thấp hơn và TNHS cũng nhẹ hơn….

Do đó tới đây, các cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu hoàn thiện các chế định pháp luật liên quan. Nghiên cứu từ công tác tố tụng các vụ án, đồng thời đánh giá qua thực tiễn áp dụng, chỉ ra bất cập của pháp luật , từ đó tiếp tục hoàn thiện chế định TNHS đối với tội phạm tham nhũng nói riêng, các tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn nói chung, góp phần kiểm soát hiệu quả quyền lực nhà nước trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Cao Thanh Loan - Lê Phúc

Link nội dung: https://phaply.net.vn/quan-chuc-loi-dung-chuc-vu-quyen-han-ap-dung-toi-danh-nao-la-van-de-dang-quan-tam-a256692.html