Hội thảo nằm trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật tại Việt Nam” do Bộ Tư pháp là cơ quan chủ quản và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản hỗ trợ.
Quang cảnh Hội thảo
Tham dự và chủ trì Hội thảo có đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương và ông Kono Ryuzo, Cố vấn trưởng Dự án Jica Pháp luật và Tư pháp; cùng tham dự có hơn 40 đại biểu; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu thuộc lĩnh vực pháp luật, tư pháp; đại diện Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Liên đoàn Luật sư, Hội Luật gia, Thanh tra Chính phủ; đại diện lãnh đạo một số Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy; đại diện lãnh đạo một số vụ, đơn vị thuộc Ban Nội chính Trung ương.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, địa phương, sự đồng hành, hưởng ứng và tham gia tích cực của Mặt trận tổ quốc, các tổ chức thành viên, báo chí và nhân dân, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có bước tiến mạnh mẽ, đột phát, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan toả mạnh mẽ trong toàn xã hội, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, cộng đồng quốc tế ghi nhận, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương chủ trì Hội Thảo
Đạt được kết quả trong công tác phòng, chống tham nhũng có phần đóng góp không nhỏ của công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật. Về kết quả tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Bộ Chính trị kết luận “Hoạt động xây dựng pháp luật nước ta đã đạt được thành tựu quan trọng. Công tác tổ chức thi hành pháp luật có nhiều tiến bộ và đạt được những kết quả tích cực; vai trò của pháp luật và ý thức thượng tôn pháp luật trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước, trong đời sống xã hội ngày càng được nâng cao”.
Ban Nội chính Trung ương là cơ quan tham mưu cho các cơ quan lãnh đạo của Đảng về các chủ trương và chính sách lớn thuộc lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp, là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC và Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương. Được giao giúp Bộ Chính trị chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Do đó, việc nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế trong hoạt động xây dựng pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật nói chung và pháp luật về phòng, chống tham nhũng nói riêng là cần thiết.
Tại Hội thảo, nhiều tham luận, ý kiến phát biểu thảo luận, trao đổi, trong đó, tập trung đi sâu phân tích kinh nghiệm trong tổ chức thi hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng của một số nước, đánh giá thực trạng công tác tổ chức thi hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam, ghi nhận những điểm tích cực và nhận diện những khó khăn, thách thức trong công tác này và trong thời gian tới; từ đó đề xuất một số giải pháp tăng cường công tác tổ chức thực hiện pháp luật về PCTN.
Ông Kono Ryuzo, Cố vấn trưởng Dự án Pháp luật và Tư pháp, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (Jica) phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu bế mạc Hội thảo, đồng chí Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương khái quát một số nội dung cơ bản sau: (1) Phòng, chống tham nhũng nói chung, trong đó có tổ chức thi hành pháp luật về PCTN là nhiệm vụ hệ trọng, khó khăn, phức tạp, lâu dài; phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện, tập trung, thống nhất của Đảng, với quyết tâm cao, hành động kiên quyết, kiên trì, thường xuyên, liên tục ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực, có bước đi vững chắc, chủ động, nhưng có trọng tâm, trọng điểm; (2) Công tác PCTN, nhất là tổ chức thực hiện pháp luật về PCTN đã được các cơ quan từ Trung ương đến các địa phương quan tâm, nhưng vẫn còn thiếu cơ chế đồng bộ để thực hiện hiệu quả; việc tuân thủ, chấp hành pháp luật về PCTN có lúc, có nơi chưa nghiêm, vi phạm pháp luật về PCTN vẫn còn xảy ra; công tác kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật về PCTN ở một số nơi chưa được thực hiện thường xuyên; quan tâm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền pháp luật về PCTN và thực hiện pháp luật về PCTN trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan đơn vị trong công tác PCTN, TC nói chung và việc thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định của Đảng và Nhà nước về PCTN nói riêng; tập trung xây dựng và thực hiện văn hóa liêm chính trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và toàn xã hội; (3) Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế, pháp luật, nhất là thể chế pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội, pháp luật về tổ chức thi hành pháp luật để không thể tham nhũng, không dám tham nhũng; đổi mới cơ chế thi hành pháp luật, gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật với cải cách hành chính, cải cách tư pháp; tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là pháp luật về PCTN; (4) Công tác tổ chức thi hành pháp luật về PCTN phải phù hợp và phục vụ hiệu quả cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, tôn trọng quy luật khách quan, phát huy tính chủ động, tích cực, ý thức trách nhiệm và đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ của cơ quan, tổ chức hữu quan trong công tác tổ chức thi hành pháp luật; (5) Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước nói chung, bộ máy cơ quan chống tham nhũng nói riêng, nhất là chế độ công chức, công vụ; tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội và của Nhân dân đối với công tác PCTN nói chung và việc thực thi pháp luật về PCTN nói riêng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; (6) Quan tâm xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật về PCTN thật sự trong sạch, vững mạnh, có năng lực, trình độ chuyên môn cao, tinh thông nghiệp vụ, dũng cảm đấu tranh bảo vệ công lý và pháp chế xã hội chủ nghĩa, có tinh thần trách nhiệm và lương tâm, đạo đức nghề nghiệp, ngoài ra cần tiếp tục nâng cao chế độ, chính sách đãi ngộ cho cán bộ, công chức, viên chức; (7) Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, quan tâm, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích; kỷ luật nghiêm minh những hành vi vi phạm trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.
Link nội dung: https://phaply.net.vn/hoi-thao-kinh-nghiem-quoc-te-trong-viec-to-chuc-thi-hanh-luat-phong-chong-tham-nhung-a256611.html