Ô tô mua mới vẫn buộc phải đăng kiểm, gây tốn kém không cần thiết (ảnh minh hoạ)
Nhiều bất cập, “trái khoáy” trong qui định về đăng kiểm xe cơ giới ở VN
Sau nhiều vụ án xảy ra tại các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới ở nhiều tỉnh, thành và trước tình trạng hàng nghìn phương tiện xe cơ giới đến thời hạn chưa thể đăng kiểm, hàng loạt trung tâm đăng kiểm quá tải trong thời gian gần đây. …, nhiều người đã “soi” lại chính sách pháp luật điều chỉnh hoạt động đăng kiểm xe cơ giới ở VN hiện nay và thấy bộc lộ nhiều qui định lạ lùng, trái khoáy, gây phiền hà tốn kém.
Đầu tiên là sự bất cập của quá trình đăng kiểm lần đầu cho xe ô tô sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu mới . Đáng lưu ý, có một nghịch lý là các phương tiện xe ô tô mới đưa vào sử dụng vẫn bắt buộc phải đăng kiểm trong khi xuất xưởng các phương tiện này đều được giám sát kỹ lưỡng về chất lượng, phải đảm bảo đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, khí thải… theo đúng quy chuẩn về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới tuy nhiên vẫn phải thực hiện đăng kiểm tại các trung tâm đăng kiểm.
Bên cạnh đó, hiện nay theo quy định về đăng kiểm, chu kỳ đăng kiểm cũng được cho là quá ngắn. Cụ thể, theo quy định tại Thông tư 16/2021/TT-BGTVT về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, với xe ô tô cá nhân đăng kiểm lần đầu có thời hạn 30 tháng. Từ lần đăng kiểm tiếp theo, chứng nhận đăng kiểm có thời hạn 18 tháng/lần và kéo dài đến hết năm thứ 7 tính từ năm sản xuất. Khi xe đã sử dụng quá 7 năm, thời hạn đăng kiểm định kỳ 12 tháng/lần và chu kỳ này kéo dài đến khi xe có tuổi đời sử dụng đến 12 năm. Sau thời điểm trên, chu kỳ đăng kiểm rút ngắn xuống chỉ còn 6 tháng/lần và duy trì đến khi xe còn tham gia giao thông…
Đánh giá về vấn đề này một số chuyên gia cho rằng, quy định về thời gian đăng kiểm và thậm chí cả chu kỳ đăng kiểm đang có nhiều bất cập, “trái khoáy” gây tốn kém và phiền hà cho người dân. Trong khi, rất nhiều nước ở Châu Âu, Mỹ và Hàn Quốc, Nhật, kiểm định lần đầu sau 4 năm, và sau đó là chu kỳ 2 năm.
Qui định pháp luật về đăng kiểm xe cơ giới ở một số nước
Tại Mỹ, các bang có thể ban hành những quy định khác nhau về đăng kiểm xe cơ giới. Song, về cơ bản, chúng được phân chia theo 4 tiêu chí gồm kiểm tra an toàn định kỳ; kiểm tra an toàn trước khi bán xe, sang tên; kiểm tra an toàn tại thời điểm đưa phương tiện từ nơi khác đến địa phương và kiểm tra khí thải định kỳ.
Hiện có 15 bang yêu cầu kiểm tra an toàn hàng năm hoặc 2 năm một lần. Tổng cộng có 31 bang yêu cầu kiểm tra khí thải định kỳ.
Tại những bang như Delaware, New Jersey, District of Columbia, xe mới được miễn đăng kiểm trong 4 năm đầu tiên nếu vẫn cùng một người sở hữu. Bang Maryland lại chỉ kiểm tra khí thải 3 năm một lần, trong khi việc kiểm tra an toàn chỉ phải thực hiện khi bán lại xe giống với bang Alabama.
Thời gian đăng kiểm xe phụ thuộc vào từng bang, cơ quan đăng kiểm và kỹ năng của kiểm định viên. Ví dụ, một số bang có quy trình nghiêm ngặt, đòi hỏi cả việc lái thử xe trên đường, khiến quá trình kiểm định có thể lâu hơn bình thường.
Quá trình kiểm định thường mất ít nhất một giờ tại cơ sở thuộc Cơ quan quản lý các phương tiện cơ giới (DMV). Song, nếu đó là cuộc kiểm tra theo yêu cầu của bang tại một trung tâm bảo hành được ủy quyền, bạn có thể phải đợi lâu hơn mới đến lượt mình.
Hầu hết các nước đều miễn đăng kiểm đối với các phương tiện mới xuất xưởng trong một thời khoảng thời gian nhất định.
Tại Châu Âu, Chỉ thị 96/96/EC ngày 20.12.1996 của Hội đồng Liên minh châu Âu bắt buộc tất cả các quốc gia thành viên phải tiến hành kiểm tra khí thải và an toàn định kỳ đối với hầu hết các loại phương tiện cơ giới.
Chỉ thị cũng đặt ra các yêu cầu tối thiểu cho những lần kiểm định đó và khoảng thời gian kiểm định. Đối với xe thương mại hạng nhẹ (đến 3,5 tấn) và ô tô cá nhân (đến 8 chỗ ngồi), lần kiểm định đầu tiên sẽ diễn ra không quá 4 năm và với tần suất lên đến 2 năm sau đó.
Tất cả các loại phương tiện khác phải được kiểm định hàng năm (xe buýt, xe tải, xe kéo, xe taxi, xe cứu thương, xe khách). Các phương tiện của quân đội và sở cứu hỏa được miễn áp dụng chỉ thị này.
Tuy nhiên, một số quốc gia châu Âu có thời hạn khác với quy định chung, Chẳng hạn ở Phần Lan, kiểm định định kỳ là bắt buộc đối với tất cả các xe khách, xe van, xe tải, xe rơ-moóc có trọng lượng kết cấu tối đa hơn 750 kg.
Kiểm định lần đầu đối với ôtô khách là 4 năm kể từ khi xe đăng ký, sau đó cách nhau 1 năm cho đến khi xe đủ 10 năm, sau đó phải kiểm định hàng năm.
Ở Đức, việc kiểm tra an toàn và kiểm tra khí thải phải được thực hiện bởi một trong những công ty kiểm tra kỹ thuật tư nhân được ủy quyền (ví dụ: TÜV, DEKRA, KÜS, GTÜ, ...) 2 năm một lần đối với ôtô khách, xe máy, xe tải nhẹ và rơ moóc nhẹ.
Xe thương mại (xe tải và xe kéo hạng nặng có khối lượng không tải trên 3,5 tấn, xe buýt, taxi và cả xe cho thuê) phải được kiểm tra hàng năm.
Tại châu Á, một số quốc gia cũng có chu kỳ kiểm định giống châu Âu. Như ở Hàn Quốc, lần đăng kiểm đầu tiên với xe mới là sau 4 năm kể từ lúc đăng ký lần đầu, và sau đó là hai năm một lần.
Còn Nhật Bản cũng giống Áo hay Đức, với 3 năm cho lần đầu tiên và sau đó là mỗi hai năm. Việc đăng kiểm phương tiện cơ giới tại Nhật Bản có thể được tiến hành tại các gara được ủy quyền hoặc trung tâm đăng kiểm đặt tại các thành phố.
Ba năm cũng là thời hạn cho lần đăng kiểm đầu tiên đối với xe mới ở Singapore. Sau đó, ôtô 3-10 năm tuổi sẽ phải đi kiểm định với chu kỳ 2 năm một lần. Từ 10 năm trở lên, chu kỳ sẽ là hàng năm. Kết quả của lần đăng kiểm, là tem đăng kiểm, thường được dán ở kính chắn gió, nơi cảnh sát có thể nhanh chóng biết được thông tin về thời hạn đăng kiểm của phương tiện…
Kiến nghị
Đăng kiểm ô tô là hoạt động kiểm định, đánh giá chất lượng, mức độ an toàn kỹ thuật của phương tiên tham gia giao thông và bảo vệ môi trường theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định của pháp luật. Đây là một hoạt động rất cần thiết, nhằm bảo đảm an toàn cho người điều khiển phương tiện lẫn người tham gia giao thông.
Các quy định về kiểm tra đều được đưa ra để đảm bảo rằng các phương tiện đang hoạt động trên đường là an toàn và đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật. Tuy nhiên, nếu đề ra những quy định “trái khoáy” không theo thông lệ quốc tế, không những gây phiền hà cho người dân mà còn gây lãng phí cho xã hội.
Nghiên cứu chính sách pháp luật về đăng kiểm xe cơ giới ở một số quốc gia trên thế giới cho thấy, hầu hết đều miễn đăng kiểm đối với các phương tiện mới trong một thời khoảng thời gian nhất định, thường là 4 năm. Tuy nhiên, tại Việt Nam tất cả các phương tiện mới đều phải thực hiện quy trình đăng kiểm. Điều này, được cho là một quy định “lạ” trong chính sách đăng kiểm tại Việt Nam, gây tốn kém và phiền hà cho người dân. Bởi khi một chiếc xe mới xuất xưởng đã đảm bảo đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định của pháp luật, việc bắt buộc phải đăng kiểm là hết sức vô lý…
Được biết, hiện các cơ quan chức năng đang khẩn trương rà soát, rà soát sửa đổi các quy định liên quan đến đăng kiểm như Nghị định số 139/2018/NĐ-CP; Thông tư 16/2021/TT-BGTVT... Trong đó, Bộ GTVT đã có một số đề xuất để giúp việc đăng kiểm thuận lợi hơn cho người dân như miễn đăng kiểm lần đầu, giao đăng kiểm cho các đại lý bán xe hay gần đây nhất là nghiên cứu thay đổi chu kỳ đăng kiểm… Đây là những đề xuất được rất nhiều chuyên gia, người dân mong chờ và kỳ vọng.
Theo chúng tôi, Việt Nam có thể tham khảo các qui định của Singapore và một số nước để hoàn thiện chính sách pháp luật đối với đăng kiểm xe cơ giới. Theo đó, nên qui định ba năm là thời hạn cho lần đăng kiểm đầu tiên đối với xe mới. Sau đó, ôtô 3-10 năm tuổi sẽ phải đi kiểm định với chu kỳ 2 năm một lần. Từ 10 năm trở lên, chu kỳ sẽ là hàng năm. Kết quả của lần đăng kiểm, là tem đăng kiểm, thường được dán ở kính chắn gió, nơi cảnh sát có thể nhanh chóng biết được thông tin về thời hạn đăng kiểm của phương tiện…
Đinh Chiến
Link nội dung: https://phaply.net.vn/qui-dinh-ve-dang-kiem-xe-co-gioi-o-mot-so-nuoc-va-kinh-nghiem-cho-viet-nam-a256591.html