Từ vụ ngân hàng Silicon Valley của Mỹ phá sản: Tìm hiểu pháp luật và kinh nghiệm của một số nước trong việc bảo vệ người gửi tiền

(Pháp Lý). Nghiên cứu cho thấy, Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới đều xây dựng Luật bảo hiểm tiền gửi hoặc Luật bảo vệ người gửi tiền trước khi cho phép thành lập tổ chức bảo hiểm tiền gửi (BHTG). Theo đó, nhiều quy định pháp luật đồng thời với các giải pháp tài chính quan trọng được các nước áp dụng nhằm bảo vệ người gửi tiền và góp phần duy trì ổn định hệ thống tài chính ngân hàng.

1-1678772562.png

Ngân hàng Silicon Valley của Mỹ phá sản khiến người gửi tiền lo lắng

SVB phá sản và bài học về công tác quản lý rủi ro của nhà băng

Silicon Valley Bank (SVB) vừa sụp đổ. Đây là nhà băng lớn nhất phải đóng cửa kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.  Hiện SVB được đặt dưới sự kiểm soát của Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Mỹ (FDIC). Thế nhưng, tính tới cuối năm 2022, có tới 89% trong tổng số 175 tỉ USD ở SVB không có bảo hiểm tiền gửi. FDIC được phép muốn tìm một ngân hàng khác để sáp nhập vào SVB để bảo vệ các khoản tiền gửi không được bảo đảm.

Nguyên nhân sụp đổ được cho là do môi trường lãi suất tăng cao khiến các đợt phát hành trái phiếu lần đầu ra công chúng đối với nhiều công ty khởi nghiệp đình trệ và việc huy động vốn tư nhân trở nên tốn kém hơn. Lỗ hổng về nhân sự quản trị rủi ro cũng được xem là nguyên nhân đẩy SVB sớm rơi vào "vực thẳm".

Một điều đáng chú ý là Joseph Gentile - Giám đốc Hành chính của SVB hiện tại từng là Giám đốc Tài chính của Lehman Brother - một ngân hàng từng gây rúng động giới tài chính sau sự sụp đổ năm 2008. Vào thời điểm phá sản, Lehman là ngân hàng đầu tư lớn thứ tư tại Mỹ với 25.000 nhân viên, 639 tỉ USD tài sản và nợ 613 tỉ USD.

Các vấn đề tại SVB cũng bộc lộ rõ những hạn chế trong chiến dịch chống lạm phát của FED và các ngân hàng trung ương khác khi muốn chấm dứt kỷ nguyên tiền rẻ. Các ngân hàng Mỹ đã mất hơn 100 tỉ USD giá trị trên thị trường chứng khoán, trong khi các ngân hàng Châu Âu thì mất thêm khoảng 50 tỉ USD.

Theo các nhà phân tích dự báo lĩnh vực ngân hàng sẽ chịu nhiều tổn thất hơn khi vụ việc tiếp tục làm dấy lên lo ngại về rủi ro tiềm ẩn và sự mong manh trước chi phí tiền tệ ngày càng tăng.

Tỉ phú Mark Cuban cảnh báo: “Nếu FED không ngay lập tức mua tất cả chứng khoán/nợ mà ngân hàng sở hữu ở mức gần ngang giá nhằm chi trả cho hầu hết các khoản tiền gửi, niềm tin vào hệ thống ngân hàng sẽ trở thành một vấn đề. Có rất nhiều ngân hàng có hơn 50% tiền gửi không được bảo hiểm".

Trong những năm gần đây đã ít ngân hàng phá sản hơn, một phần nhờ các quy định thắt chặt được đưa ra sau cuộc khủng hoảng tài chính. Quy định được đưa ra cho các ngân hàng lớn nhất của Mỹ sau cuộc khủng hoảng tài chính bao gồm các yêu cầu nghiêm ngặt về vốn: Phải có một lượng dự trữ nhất định cho những thời điểm khủng hoảng, tuân thủ mức độ đa dạng hóa hoạt động kinh doanh.

Nhiều cơ quan quản lý cho rằng, hệ lụy từ SVB sẽ không lan rộng khắp ngành tài chính Mỹ, nhưng một số chuyên gia lại nghĩ khác.

Quy mô và tốc độ của vụ sụp đổ ngân hàng SVB có thể gây hiệu ứng lan tỏa đến ngành công nghệ toàn cầu. Và khi các nhà chức trách cố gắng xử lý tài sản của SVB cũng như khôi phục tiền gửi cho khách hàng, vụ sụp đổ làm dấy lên câu hỏi về “lỗ hổng” chính sách và việc buông lỏng giám sát công tác quản lý rủi ro của nhà băng này.

Điều quan trọng nhất hiện nay là sau sự cố SVB sụp đổ, vấn đề bảo toàn tiền gửi và bảo vệ người gửi tiền sẽ được pháp luật Mỹ giải quyết thế nào ?

Pháp luật về bảo hiểm tiền gửi và bảo vệ người gửi tiền của Mỹ

Luật bảo hiểm tiền gửi của Mỹ  được ban hành trước khi Công ty Bảo hiểm tiền gửi Mỹ (FDIC), tổ chức bảo hiểm tiền gửi đầu tiên trên thế giới thành lập năm 1933. Từ đó đến nay, Luật bảo hiểm tiền gửi Mỹ đã được chỉnh sửa nhiều lần cho phù hợp với tình hình thực tế và nâng cao hiệu quả hoạt động của FDIC.

Kể từ khi thành lập đến nay, FDIC đã có nhiều thành công và khẳng định được vai trò của mình trong mạng lưới an toàn tài chính quốc gia bằng những đóng góp tích cực đối với sự ổn định và phát triển của thị trường tài chính Mỹ suốt 7 thập kỷ qua. Hoạt động của FDIC đã góp phần củng cố niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống ngân hàng cũng như ngăn chặn hiệu ứng đổ vỡ lan truyền.   

Luật pháp Mỹ cho phép FDIC thực hiện trách nhiệm là cơ quan quản lý tài sản của các tổ chức tham gia BHTG lâm vào tình trạng đổ vỡ. Khi đó FDIC được quyền đánh giá giá trị tài sản của tổ chức này và lựa chọn phương thức xử lý sao cho chi phí bỏ ra thấp nhất. FDIC đã thiết lập một quy trình xử lý các tổ chức tham gia BHTG lâm vào tình trạng đổ vỡ bắt đầu từ khi các cơ quan có chức năng giám sát ngân hàng thông báo về tình trạng đổ vỡ của tổ chức tham gia BHTG cho đến khi làm thủ tục đóng cửa tổ chức bị đổ vỡ (FDIC, 2003, Resolutions Handbook).

Hỗ trợ tài chính là giải pháp được tổ chức BHTG sử dụng để hỗ trợ cho tổ chức tham gia BHTG được xác định là có nguy cơ mất khả năng thanh toán. Tổ chức tham gia BHTG có thể nhận hỗ trợ theo hình thức cho vay trực tiếp, mua lại các tài sản có hoặc gánh vác các khoản nợ hoặc gửi tiền vào ngân hàng có vấn đề và bảo lãnh khoản vay.

Giao dịch mua và nhận nợ thay (P&A)  là giao dịch mà tổ chức BHTG sắp xếp cho một tổ chức tài chính mạnh mua lại một phần hoặc toàn bộ tài sản của tổ chức tham gia BHTG bị mất khả năng thanh toán hoặc bị đổ vỡ và gánh vác một phần hoặc tất cả các khoản nợ, bao gồm các khoản tiền gửi được bảo hiểm. Trong giao dịch này, tổ chức mua lại có thể nhận sự hỗ trợ từ tổ chức BHTG để hoàn thành giao dịch mua lại. Mục đích của giao dịch P&A nhằm hạn chế rủi ro, giải cứu ngân hàng đổ vỡ, góp phần đảm bảo ổn định hệ thống tài chính quốc gia. Kết quả của giao dịch này là các tổ chức tham gia BHTG được liên kết và sáp nhập với các tổ chức mạnh hơn. 

Với những ưu điểm nổi trội, P&A được xem là giải pháp có chi phí thấp hơn chi phí ước tính cho việc chi trả tiền gửi được bảo hiểm, ít gây rối loạn hơn so với việc thực hiện chi trả và được những người gửi tiền của ngân hàng quan tâm nhất vì sẽ hỗ trợ quá trình tái cơ cấu ngân hàng hoặc thanh lý tài sản của ngân hàng theo hình thức nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Chi trả BHTG (Pay-off)  là việc thực hiện cam kết thanh toán khoản tiền gửi được bảo hiểm (bao gồm cả gốc và lãi theo một mức độ nhất định) của tổ chức BHTG cho người gửi tiền thuộc đối tượng được bảo hiểm. Việc chi trả tiền bảo hiểm sẽ được thực hiện khi tổ chức tham gia BHTG chấm dứt hoạt động và bị mất khả năng thanh toán.

Tại Mỹ, giải pháp chi trả tiền gửi chỉ được thực hiện nếu FDIC không nhận được một giá thầu nào cho giao dịch P&A đáp ứng nguyên tắc chi phí thấp nhất. Có hai hình thức chi trả tiền gửi. Hình thức thứ nhất là chi trả trực tiếp, nghĩa là người gửi tiền có thể đến trụ sở tổ chức đổ vỡ để nhận tiền BHTG hoặc FDIC có thể gửi séc cho người gửi tiền qua bưu điện. Hình thức thứ hai là chuyển khoản tiền gửi được bảo hiểm, nghĩa là tiền gửi được bảo hiểm và các khoản nợ có bảo đảm của ngân hàng hoặc tổ chức tiết kiệm đổ vỡ được chuyển cho một tổ chức khác hoạt động tốt, đồng thời dịch vụ cung cấp cho người gửi tiền được bảo hiểm không bị ngừng trệ.

Ngân hàng bắc cầu là ngân hàng tạm thời được thành lập và điều hành bởi tổ chức BHTG để nắm giữ các tài sản và “đảm trách” các khoản nợ của ngân hàng có vấn đề cho đến khi giải pháp xử lý cuối cùng có thể được hoàn thành.

Tại Mỹ, ngân hàng bắc cầu là một trong các hình thức giao dịch P&A. FDIC quy định thời gian tồn tại tối đa đối với ngân hàng bắc cầu là 3 năm. Tuy nhiên, ngân hàng bắc cầu chỉ được thành lập khi các phân tích của FDIC  thể hiện rõ ràng chi phí hoạt động ước tính của ngân hàng bắc cầu phải  thấp hơn chi phí cho việc chi trả tiền gửi được bảo hiểm. Ban giám đốc của FDIC lựa chọn ra Chủ tịch Hội đồng quản trị và chỉ định Ban giám đốc cho ngân hàng bắc cầu để kiểm soát hoạt động hàng ngày của ngân hàng. Trong thời gian tồn tại, ngân hàng bắc cầu tiếp tục hoạt động phục vụ khách hàng nhằm mục đích cải thiện khả năng thanh toán, cơ cấu lại tài sản nợ, làm trong sạch bảng cân đối trước khi rao bán, qua đó tăng thêm độ hấp dẫn đối với các khách hàng muốn mua lại ngân hàng và giảm nhẹ gánh nặng chi trả cho FDIC.

Trong số các ngân hàng đổ vỡ thời gian qua được FDIC xử lý, trường hợp của Ngân hàng IndyMac là một điển hình. Đây là ngân hàng cho vay bất động sản hàng đầu nước Mỹ với tổng tài sản lên tới 32 tỷ đô la Mỹ. Vụ đổ vỡ của IndyMac được cho là lớn thứ 2 trong lịch sử nước Mỹ, chỉ đứng sau ngân hàng quốc gia Continental với tổng tài sản trên 40 tỷ đô la Mỹ bị sụp đổ vào năm 1984 do tổn thất về cho vay thế chấp bằng chứng khoán.

Trước một IndyMac với tổng tài sản lên tới 32 tỷ đô la Mỹ, liên quan tới đông đảo dân chúng, trong bối cảnh thị trường tài chính tiền tệ tụt dốc dễ bị tổn thương và nguy cơ khủng hoảng kinh tế ở mức cao thì việc lựa chọn giải pháp ngân hàng bắc cầu là một sự lựa chọn tối ưu. Với quyết định này của FDIC, hơn 200.000 khách hàng của IndyMac đã được bảo vệ toàn bộ và hầu như không có các dư chấn xấu tác động lên thị trường tài chính tiền tệ hay hệ thống ngân hàng.

Và mới đây nhất sau khi Silicon Valley Bank (SVB) tuyên bố phá sản, Cơ quan quản lý bang New York đã ra lệnh đóng cửa thêm một ngân hàng nữa là Signatutre Bank (SB). Đây là vụ phá sản ngân hàng lớn thứ 3 trong lịch sử Mỹ. Cơ quan Quản lý ngân hàng bang New York đã chỉ định Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi Liên bang (FDIC), một cơ quan độc lập của chính phủ Mỹ, là bên tiếp nhận để xử lý tài sản của SB. Với 9 ngành kinh doanh quốc gia bao gồm bất động sản thương mại và ngân hàng số, tính đến tháng 9-2022, gần 1/4 số tiền gửi của SB đến từ lĩnh vực tiền điện tử.

Với các qui định pháp luật chặt chẽ và nhiều giải pháp cũng như kinh nghiệm của FDIC, người gửi tiền tại SVB hi vọng sẽ được bảo đảm quyền lợi.

Kinh nghiệm xử lý ngân hàng đổ vỡ và bảo vệ người gửi tiền của một số nước

Kinh nghiệm của Đài Loan: Luật BHTG của Đài Loan qui định khi một tổ chức tài chính bị đóng cửa, một tổ chức có tên viết tắt CDIC sẽ được giao nhiệm vụ duy trì trật tự trong hệ thống tín dụng và bảo vệ lợi ích của người gửi tiền bằng việc chi trả tiền gửi được bảo hiểm.

Năm 2007, Luật BHTG Đài Loan được sửa đổi trên quy mô lớn sau sự kiện rút tiền hàng loạt lớn nhất ở Chinese Bank. Theo đó, quyền hạn và chức năng của hệ thống BHTG Đài Loan được tăng cường. CDIC được trao thêm chức năng giám sát rủi ro và quyền điều tra đặc biệt. Ngoài ra, nhằm tăng cường cơ chế xử lý các tổ chức tài chính gặp vấn đề, CDIC được thực hiện các hành động khắc phục kịp thời một cách có nguyên tắc và được tham gia sớm vào quá trình xử lý ngân hàng. Khi xảy ra đổ vỡ ngân hàng riêng lẻ, CDIC có đầy đủ thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý ngân hàng đổ vỡ, bao gồm mua lại và tiếp nhận, chi trả tiền gửi. Trong khủng hoảng có hệ thống, CDIC sẽ được cơ quan có thẩm quyền giao cho việc hỗ trợ ngân hàng mở hoặc áp dụng phương thức ngân hàng bắc cầu. Trong cả hai trường hợp, CDIC đều được Cơ quan giám sát (FSC) giao nhiệm vụ tiếp nhận các tổ chức tham gia bảo hiểm gặp vấn đề, bước đầu tiên trong quá trình xử lý sớm tổ chức bị đổ vỡ sau khi tổ chức đó bị FSC buộc đóng cửa.

Theo quy định của Đài Loan, FSC là cơ quan tuyên bố đóng cửa ngân hàng có vấn đề và chỉ định CDIC làm cơ quan tiếp quản ngân hàng đổ vỡ đó. Đồng thời, FSC có sự phối hợp về mặt hành chính với CDIC trong việc xử lý ngân hàng đổ vỡ. CDIC thực hiện việc xử lý ngân hàng theo một trong các phương thức xử lý thuộc thẩm quyền của tổ chức này. Trong khi đó, NHTW hỗ trợ về mặt thanh khoản cho CDIC trong quá trình xử lý. CDIC tái cơ cấu ngân hàng theo nguyên tắc chi phí tối thiểu. Tuy nhiên, trong trường hợp có bất kỳ nguy cơ nào đe dọa nghiêm trọng đến trật tự tín dụng và sự ổn định tài chính, yêu cầu về chi phí này có thể không cần áp dụng nếu CDIC có được sự đồng ý của FSC sau khi tham vấn Bộ Tài chính và NHTW với sự chấp thuận cuối cùng của Chính phủ. Sự phối hợp giữa các thành viên Mạng an toàn tài chính của Đài Loan bao gồm: NHTW, Cơ quan giám sát tài chính, Hội đồng Nông nghiệp và CDIC. Hệ thống liên lạc giữa các thành viên mạng an toàn tài chính được thiết lập nhằm tăng cường chia sẻ thông tin và phối hợp phát hiện sớm, xử lý các tổ chức tài chính bị đổ vỡ tại Đài Loan. Cụ thể, một “Ủy ban Hợp tác giám sát tài chính” được thành lập theo luật nhằm trao đổi về các chính sách chủ yếu của hệ thống ngân hàng, xử lý các ngân hàng gặp vấn đề, khủng hoảng ngân hàng mang tính hệ thống, khủng hoảng thanh khoản ngân hàng khẩn cấp, chia sẻ thông tin cũng như các vấn đề khác. Ủy ban bao gồm các thành viên từ các lãnh đạo cao cấp của các thành viên mạng an toàn tài chính do Chủ tịch của FSC làm chủ tịch.

Trong giai đoạn bình thường, tất cả các thành viên của mạng an toàn  tài chính đều có vai trò trong việc giám sát rủi ro của các tổ chức tài chính. Nhằm tạo ra một cơ chế chia sẻ thông tin và phối hợp giữa FSC, CDIC và NHTW trong việc xử lý ngân hàng, CDIC đã thiết lập 2 hệ thống, đó là: Hệ thống cảnh báo sớm về tài chính cấp quốc gia và hệ thống truyền tin trực tuyến thông qua mạng Internet. Sản phẩm của hai hệ thống này là các báo cáo và phát hiện những dấu hiệu bất thường để làm cơ sở tham khảo cho các thành viên mạng an toàn tài chính trong việc xử lý khủng hoảng. Khi xảy ra những sự cố đặc biệt, các cuộc họp của nhóm công tác phối hợp giám sát tài chính sẽ được tổ chức với sự chủ trì của FSC.

Khi phát hiện thấy có vấn đề xảy ra với tổ chức tài chính, CDIC tham gia vào quá trình can thiệp sớm (PCA) theo các yêu cầu của FSC. Theo đó, các cơ quan trong mạng an toàn tài chính có trách nhiệm tiến hành kiểm tra tại chỗ và giám sát thường xuyên. Cụ thể: (1) Tổ chức tài chính thiếu vốn buộc phải tiến hành các biện pháp tự khắc phục nhằm cải thiện trong một khung thời gian nhất định; (2) Nếu chất lượng tài sản của tổ chức tài chính xấu đi, CDIC có thể tiến hành chỉ đạo từ xa để kiểm soát rủi ro dưới sự hướng dẫn của FSC; (3) Nếu tình hình tài chính của tổ chức gặp vấn đề đó tiếp tục xấu đi, FSC có thể chỉ định CDIC tiến hành chỉ đạo tại chỗ; (4) Nếu tổ chức tài chính không thể tiếp tục hoạt động, tổ chức đó có thể phải bước vào giai đoạn đầu tiên của quá trình xử lý ngân hàng sớm là tiếp quản. Từ khi thành lập, CDIC đã được giao nhiệm vụ hỗ trợ các ngân hàng gặp vấn đề hoặc hỗ trợ đồng thời với các cơ quan có thẩm quyền ở cấp trung ương và địa phương nhằm ổn định hoạt động của các ngân hàng gặp vấn đề cũng như ngăn chặn rủi ro đạo đức.

Trong trường hợp khủng hoảng, tất cả các thành viên của mạng an toàn tài chính phải phối hợp chặt chẽ với nhau để xử lý. Cụ thể, FSC phối hợp với NHTW, CDIC trong việc áp dụng các biện pháp đặc biệt. CDIC chi trả toàn bộ và không phải sử dụng phương thức xử lý với chi phí tối thiểu. NHTW cung cấp thanh khoản cho CDIC, trong khi Bộ Tài chính Đài Loan đóng vai trò là cơ quan bảo lãnh cho các khoản vay của CDIC. CDIC có thể yêu cầu FSC làm việc với NHTW phê duyệt khoản hỗ trợ tài chính trong phạm vi số tiền thế chấp. Nếu số tiền hỗ trợ tài chính trên vượt quá giá trị tài sản thế chấp do CDIC cung cấp, FSC có thể cùng Bộ Tài chính và NHTW đề xuất với chính phủ chấp thuận hỗ trợ phần vượt quá. Trong trường hợp khẩn cấp, CDIC có thể vay vốn từ các tổ chức tài chính khác.

Kinh nghiệm xử lý ngân hàng đổ vỡ của Nhật Bản:  Nhật Bản có Luật bảo hiểm tiền gửi đồng bộ với hệ thống luật pháp điều chỉnh hoạt động của các thành viên tham gia Mạng an toàn tài chính quốc gia. Cơ quan BHTG Nhật Bản (DICJ) được thành lập năm 1971, với mô hình BHTG chi trả với quyền hạn mở rộng và số lượng thành viên hiện nay lên gần 500. DICJ đóng một vai trò quan trọng trong xử lý ngân hàng đổ vỡ ở Nhật Bản.

Khi có TCTC bị đổ vỡ, DICJ sẽ tiếp nhận thông tin người gửi tiền tại TCTC đó trong 24h. Sau đó, DICJ sẽ thu hồi nhanh các khoản nợ xấu bằng các biện pháp nhằm tối thiểu hóa việc sử dụng quỹ BHTG như thành lập công ty xử lý và thu hồi nợ (RCC -công ty con của DICJ) hoặc thành lập ngân hàng bắc cầu với 100% vốn của DICJ để quản lý và hỗ trợ cho hoạt động của TCTC bị đổ vỡ. Đối với từng trường hợp đổ vỡ, DICJ sẽ phân tích đó là trường hợp đổ vỡ có tính hệ thống hay không để xác định được phương pháp xử lý phù hợp bao gồm Phương pháp thông thường (Tiếp nhận mua lại P & A Hoặc chi trả) và Phương pháp đặc biệt (Bơm vốn, Hỗ trợ tài chính trong trường hợp thiếu vốn chi trả và Quốc hữu hóa).

Luật BHTG sửa đổi, giao quyền cho DICJ xử lý đổ vỡ, thực hiện các nội dung quan trọng: Mua nợ xấu từ tổ chức tài chính; Hỗ trợ vốn cho việc sáp nhập tổ chức tài chính có vấn đề; Điều hành ngân hàng đổ vỡ được tiếp nhận, lựa chọn các tổ chức tài chính tiếp nhận, thành lập ngân hàng bắc cầu và thực hiện các công việc liên quan khác.

Nhờ được trao thêm quyền hạn, có sự độc lập trong hoạt động, phản ứng kịp thời với thị trường, BHTG Nhật Bản đã thực sự phát huy hiệu quả, góp phần ổn định hệ thống tài chính sau hàng loạt vụ đổ bể ngân hàng trong giai đoạn những năm

Luật Tái thiết tài chính, Chính phủ cho phép DICJ mua lại nợ xấu từ các tổ chức lành mạnh để thúc đẩy chuyển nhượng nợ xấu. Tháng 4/1999, Tổng Công ty Thu hồi và Xử lý nợ (RCC) được thành lập dưới hình thức là một tổ chức trực thuộc DICJ. RCC có vai trò thu hồi nhanh và hiệu quả các khoản nợ xấu bằng biện pháp công bằng và minh bạch, tối thiểu hóa việc sử dụng quỹ BHTG để giải quyết hậu quả đổ vỡ ngân hàng. DICJ thực hiện những hoạt động đặc biệt theo thỏa thuận với RCC như: Hướng dẫn và tư vấn cho RCC để điều hành hoạt động của tổ chức này; Kiểm tra tài sản của các con nợ trong trường hợp các dấu hiệu thiếu minh bạch, gian lận, giấu giếm; Thu hồi nợ từ các con nợ là những người mà tài sản đã bị cầm cố trong các trường hợp phức tạp. Nhờ vậy DICJ với tư cách là người điều hành tài chính đã thông qua RCC tiến hành đòi các khoản nợ dân sự và hình sự đối với nhà quản lí các tổ chức tài chính bị đổ vỡ.

Theo quy định của Luật BHTG, khi xử lí đổ vỡ, DICJ cũng có thể thành lập ngân hàng bắc cầu với 100% vốn của DICJ theo quyết định thành lập của Hội đồng cơ quan dịch vụ tài chính để quản lí hoạt động của tổ chức tài chính bị đổ vỡ. Tổ chức tài chính bị đổ vỡ sẽ ký kết Thỏa thuận cơ sở về việc tiếp tục kinh doanh và các thoả thuận kèm theo với ngân hàng bắc cầu trước khi gửi đơn yêu cầu bắt đầu thực hiện thủ tục phục hồi dân sự sau khi xảy ra đổ vỡ. Sau đó, ngân hàng bắc cầu cung cấp hỗ trợ tài chính dưới hình thức thực hiện các nghĩa vụ cấp tiền hoặc cho vay để tiếp tục các hoạt động của tổ chức tài chính bị đổ vỡ.

Chính vì có cơ sở pháp lý cao, chặt chẽ và sự điều chỉnh, sửa đổi chính sách kịp thời đã tạo điều kiện cho DICJ có đủ thẩm quyền triển khai các hoạt động nghiệp vụ, đặc biệt là  xử lí đổ vỡ ngân hàng, thực hiện tốt mục tiêu bảo vệ người gửi tiền, góp phần không nhỏ đối với việc phục hồi, ổn định ngân hàng sau cải cách của Chính phủ Nhật Bản. 

Ngân hàng Silicon Valley Bank phá sản không ảnh hưởng đến Việt Nam

Chia sẻ trên VOV.VN, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh  khẳng định, ngân hàng SVB (Mỹ) đóng cửa không ảnh hưởng đến Việt Nam, mà chỉ ảnh hưởng về mặt tâm lý.

“Lỗi của ngân hàng này là cho vay quá nhiều, trong khi tiền vốn và tiền người dân gửi tiết kiệm qua kỳ dịch COVID-19 vừa rồi giảm sút. Vì thế họ không có tiền trả lại cho khách. Theo Luật phá sản của Mỹ, khi đơn vị không chi trả được các khoản nợ tới hạn ở một thời gian nhất định thì đơn vị đó phải làm thủ tục phá sản”, chuyên gia Lê Đăng Doanh phân tích.

Thuật ngữ phá sản có vẻ nặng nề, kinh khủng, nhưng trong Kinh tế học được cho đó là sự “tàn phá sáng tạo”, tức là đơn vị hỏng thì đơn vị giải thể, sau đó nhà đầu tư khác vào đầu tư và vực dậy. Như vậy là "từ đống tro tàn sẽ có một ngôi nhà mới được dựng lên". Vì vậy, vụ đóng cửa của ngân hàng SVB không mang tầm cỡ quốc tế, không gây phản ứng dây chuyền trong hệ thống tài chính, ngân hàng của Việt Nam, mà nó chỉ là ảnh hưởng về tâm lý.

Chuyên gia Lê Đăng Doanh cũng cho rằng đây cũng là một bài học cho Việt Nam, chứ không ảnh hưởng đến việc điều chỉnh tỷ giá, đến hoạt động tài chính ngân hàng. Vị chuyên gia này cho rằng việc này cũng không ảnh hưởng quá lớn đến hoạt động ngân hàng của Mỹ./.

Thành Chung – Lê Phúc

Link nội dung: https://phaply.net.vn/tu-vu-ngan-hang-silicon-valley-cua-my-pha-san-tim-hieu-phap-luat-va-kinh-nghiem-cua-mot-so-nuoc-trong-viec-bao-ve-nguoi-gui-tien-a256590.html