Ảnh minh họa
Thanh toán trái phiếu bằng tài sản
Ngày 5/3/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Đáng chú ý là quy định về việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp không có tiền trả nợ đối với trái phiếu đến hạn phải thanh toán. Cụ thể: Đối với trái phiếu chào bán tại thị trường trong nước, trường hợp doanh nghiệp phát hành không thể thanh toán đầy đủ, đúng hạn nợ gốc, lãi trái phiếu bằng đồng Việt Nam theo phương án phát hành đã công bố cho nhà đầu tư, doanh nghiệp có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác.
Tuy nhiên, doanh nghiệp phát hành phải đảm bảo các nguyên tắc sau:
Thứ nhất, tuân thủ quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan. Đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì còn phải tuân thủ quy định của pháp luật về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đó;
Thứ hai, phải được người sở hữu trái phiếu chấp thuận;
Thứ ba, doanh nghiệp phát hành phải công bố thông tin bất thường và chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản sử dụng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu theo quy định của pháp luật.
Theo đánh giá của một số chuyên gia, Nghị định 08/2023/NĐ-CP đã tạo cơ sở cơ bản đảm bảo việc thực hiện đàm phán đổi trái phiếu lấy tài sản khác một cách rõ ràng và nhất quán hơn, giảm thiểu rủi ro tranh chấp sau này. Thay vì ép người sở hữu trái phiếu, thì nay doanh nghiệp phải đàm phán, thỏa thuận và chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản sử dụng để thanh toán. Quy định này nhằm giúp bảo vệ các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân vốn yếu thế về sức mạnh đàm phán, cũng như không có nhiều kiến thức về tài sản, sự am hiểu thị trường. Tuy nhiên, việc đổi trái phiếu lấy tài sản khác cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư.
Chẳng hạn như nếu chấp nhận hoán đổi trái phiếu lấy cổ phiếu của doanh nghiệp phát hành đồng nghĩa việc trái chủ sẽ chuyển vai trò từ chủ nợ sang sở hữu công ty. Trái chủ lúc này cùng chung vai góp sức cùng công ty để vượt qua khó khăn theo hướng lợi ích cùng hưởng, rủi ro chia sẻ.
Tuy nhiên, việc hoán đổi này có thể sẽ tạo ra khối lượng cổ phiếu rất lớn, gây pha loãng giá trị doanh nghiệp. Ngoài ra, giá cổ phiếu hoàn toàn có thể đi xuống nếu công ty không cải thiện được năng lực kinh doanh… Lúc đó, trái chủ chấp nhận chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu có thể nhìn thấy khoản tiền mua trái phiếu trước đó bị giảm, chưa kể không bán được cổ phiếu để thu tiền về.
Hay, việc hoán đổi trái phiếu lấy bất động sản, nhà đầu tư cũng có thể gặp phải những rủi ro về mặt pháp lý và thanh khoản. Cụ thể như rủi ro đồng sở hữu bất động sản với các nhà đầu tư khác hoặc phải bỏ thêm tiền chênh lệch để sở hữu riêng do số tiền đầu tư nhỏ. Hay nguy cơ doanh nghiệp phát hành đẩy giá bất động sản lên cao để cấn trừ nợ…
Khi thoả thuận thanh toán nợ trái phiếu đến hạn bằng tài sản, trái chủ cần đặc biệt lưu ý về tính pháp lý của tài sản được sử dụng để thanh toán.
Nhà đầu tư cần lưu ý gì khi đàm phán với doanh nghiệp phát hành?
Dù được đánh giá là một giải pháp tích cực, tuy nhiên để tránh rủi ro khi thực hiện quy định thoả thuận thanh toán nợ trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác, theo chúng tôi nhà đầu tư cần đặc biệt lưu ý một số vấn đề sau:
Thứ nhất, Nghị định 08 chỉ cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu và chủ sở hữu trái phiếu “có thể đàm phán” để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác. Do đó, trong quá trình đàm phán cần đảm bảo được địa vị ngang bằng giữa nhà đầu tư với doanh nghiệp phát hành. Bởi dù pháp luật cho phép chủ nợ và người nợ được quyền thoả thuận các nghĩa vụ trả nợ, không đồng nghĩa doanh nghiệp phát hành có thể ép trái chủ theo phương thức hoán đổi trái phiếu lấy tài sản khác.
Thứ hai, nhà đầu tư cần lựa chọn các doanh nghiệp lớn có uy tín, năng lực. Bởi trong trường hợp nhà đầu tư chấp nhận hoán đổi trái phiếu lấy cổ phiếu, cổ phần của doanh nghiệp phát hành, doanh nghiệp không đủ uy tín, năng lực cũng như tiềm năng phát triển… nhà đầu tư có thể gặp rủi ro khi cổ phiếu mất giá, thậm chí nhà đầu tư có thể mất vốn nếu doanh nghiệp phá sản.
Thứ ba, cần đặc biệt lưu ý về tính pháp lý của tài sản được sử dụng để thanh toán trái phiếu. Theo đó, những tài sản này phải đảm bảo các tiêu chí như: có nguồn gốc hình thành hợp pháp; là tài sản mà doanh nghiệp phát hành trái phiếu có toàn quyền sở hữu hoặc được quyền định đoạt việc chuyển quyền sở hữu sang cho người sở hữu trái phiếu một cách hợp pháp; tài sản đang không bị tranh chấp hoặc là tài sản bảo đảm nghĩa vụ của bất kỳ bên thứ ba…
Chẳng hạn như đối với tài sản sử dụng để thanh toán là bất động, nhà đầu tư phải tìm hiểu kỹ tình trạng pháp lý của dự án bất động sản, bởi hiện nay có không ít dự án vẫn chưa đủ tính pháp lý, chưa có hợp đồng mua bán nhà ràng buộc quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của các bên, được “hợp thức hóa” bằng hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư… nếu có tranh chấp trong tương lai, rủi ro nhà đầu tư có thể “mất trắng” khi các hình thức hợp đồng này vô hiệu.
Vì vậy, nhà đầu tư khi đàm phán nhận tài sản thay vì tiền lãi hoặc tiền gốc trái phiếu cần yêu cầu tổ chức phát hành cung cấp các hồ sơ, bằng chứng pháp lý thể hiện tài sản đó đáp ứng các tiêu chí nêu trên (thông tin/tài liệu về nguồn gốc tài sản, chủ sở hữu hiện tại của tài sản, quá trình chuyển giao tài sản (nếu có), tình trạng cầm cố, thế chấp của tài sản…).
Thứ tư, vấn đề định giá tài sản cũng cần đặc biệt lưu ý bởi nếu tài sản được định giá quá cao so với giá thị trường sẽ gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư. Do đó cần phải có một tổ chức định giá độc lập đủ uy tín, đảm bảo giá tài sản được sử dụng để thanh toán phải sát với giá thị trường.
Một vấn đề nữa cũng đặt ra là tại Nghị định 08 không đưa ra cơ sở và phương pháp tính tiền lãi, tiền phạt vi phạm, tiền lãi chậm trả đối với doanh nghiệp phát hành trong trường hợp phát sinh rủi ro pháp lý đối với tài sản dùng để trả nợ gốc, lãi trái phiếu… Do đó, trong quá trình quá trình đàm phán với doanh nghiệp phát hành, nhà đầu tư trái phiếu cũng cần lưu ý ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp pháp hành trong trường hợp tài sản dùng để trả nợ gốc, lãi trái phiếu phát sinh rủi ro chậm chuyển giao…
Nói tóm lại, để hạn chế rủi ro, nhà đầu tư trái phiếu cần hết sức cẩn trọng trong việc đánh giá tính pháp lý cũng như vấn đề xác định giá tài sản, trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành đối với tài sản dùng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu…
Đinh Chiến - La Sơn