Học tập, quán triệt cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chúng ta nhận thấy nội dung cuốn sách và tâm huyết của đồng chí Tổng Bí thư thống nhất rất cao với Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tư (khóa XII) và các chủ trương, nghị quyết của Đảng về chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng Đảng vững mạnh. Trong đó, mục tiêu cốt tử là đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nghị quyết Trung ương 4 đã cụ thể hóa một bước sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” gồm 27 biểu hiện (mỗi loại có 09 biểu hiện). Bài viết này phân tích về mối quan hệ nhân quả có thể dự đoán trong các nhóm suy thoái, trọng tâm là từ tham nhũng kinh tế đến tham nhũng chính trị, “tự diễn biến, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và đề xuất một số giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi kịp thời nguy cơ này xảy ra trong thực tiễn.
Cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Tham nhũng kinh tế: Tham nhũng kinh tế hiện nay được hiểu theo nghĩa phổ biến là lạm dụng chức vụ, quyền lực công được giao để thu lợi bất chính cho mình và người thân về vật chất. Các hành vi phổ biến như tham ô tài sản, nhận hối lộ, chiếm đoạt tài sản, vụ lợi vật chất…
Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nhiều vụ việc tham nhũng về kinh tế đã được xem xét, xử lý kiên quyết, hiệu quả. Theo Báo cáo tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 của Bộ Chính trị, trong 10 năm đã có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, có hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, có 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 8 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang bị thi hành kỷ luật. Các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 19.546 vụ/33.868 bị can, truy tố 16.699 vụ/33.037 bị can, xét xử sơ thẩm 15.857 vụ/30.355 bị cáo về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế. Nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn, xảy ra trong lĩnh vực y tế, quản lý, sử dụng đất đai, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp...
Như vậy, có thể thấy rằng, tham nhũng kinh tế, vì mục đích kinh tế diễn ra khắp toàn quốc, trong cả hệ thống chính trị, từ địa phương tới Trung ương và càng lên cấp cao, vụ việc càng lớn, nghiêm trọng. Tham nhũng kinh tế đã đạt đến mức có tổ chức, móc ngoặc, câu kết từ cán bộ địa phương đến cán bộ Trung ương, vừa tinh vi vừa trắng trợn, có khi công khai ngang nhiên, bất chấp sự giáo dục, răn đe và cả kêu gọi vô cùng khẩn thiết, chí tình của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại nhiều hội nghị, diễn đàn toàn quốc của Đảng. Nguyên nhân tham nhũng kinh tế là do lòng tham vô đáy của những phần tử tham nhũng (vì hầu hết những người tham nhũng đều giàu) và tự họ và gia đình cũng rất khó sử dụng hết tài sản tham nhũng được. Như vậy họ còn tham thêm để làm gì? Dự báo có nguyên nhân sâu xa hơn là tham nhũng vật chất để toan tính, đầu tư vào tham nhũng chính trị và khi cần thì tiến hành “tự chuyển hóa”, “tự diễn biến” trong nội bộ, thực hiện giấc mơ lớn là khống chế, làm chủ chế độ, đất nước lâu dài vì mục đích của cá nhân và nhóm lợi ích. Cùng với sự phát triển của đất nước, tham nhũng kinh tế ngày càng phát triển phức tạp và nhanh chóng chuyển sang cấp độ tinh vi hơn là tham nhũng chính trị như một bước tất yếu.
Tham nhũng chính trị: Là hành vi lạm dụng chức vụ, quyền lực công được giao để giành quyền lực chính trị cho mình, cho người thân và nhóm lợi ích của mình nhằm mục tiêu thao túng nền chính trị đất nước.
Các hành vi tham nhũng chính trị phổ biến ở Việt Nam hiện nay là dùng quyền lực, lợi ích để kết nối sự ủng hộ trong nội bộ, kể cả mua chuộc và đe dọa, khống chế để giành quyền lãnh đạo, quản lý bộ máy Đảng, Nhà nước; bố trí con, cháu, người thân, tay chân thân tín vào các chức vụ chủ chốt để tiếp nối tham nhũng, bảo vệ lợi ích của mình lâu dài; chấp nhận, giúp đỡ, bao che cho các hành vi chạy chức, chạy quyền để thu lợi; kết nối quan hệ, tác động, can thiệp, cấu kết có hệ thống với các phần tử tham nhũng để chia phần lợi ích;…Tham nhũng chính trị nhanh chóng hình thành các nhóm lợi ích, phát triển thành các tập đoàn lợi ích vững chắc, thao túng quyền lực cả về lập pháp, hành pháp tư pháp và truyền thông báo chí. Từ đó, các tập đoàn lợi ích cấu kết để nắm quyền lợi về kinh tế và chính trị, thâu tóm quyền lực để tự do tham nhũng, tiêu cực. Lúc này, thế lực tham nhũng đã kết nối vững chắc, trở nên rất lớn mạnh, sẵn sàng bất chấp quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, dư luận của nhân dân và nguy hiểm hơn, tiến hành vô hiệu hóa hoặc tiêu diệt thẳng tay những người chân chính, dám đấu tranh chống lại họ. Các tập đoàn tham nhũng hình thành, kết nối, phát triển sẽ thao túng nền chính trị đất nước và ngày càng thách thức nghiêm trọng sự lãnh đạo của Đảng cũng như quyền lực Nhà nước và cả hệ thống chính trị.
Về lập pháp, lực lượng tham nhũng chính trị tác động vào công tác xây dựng và ban hành pháp luật, thể chế, chính sách theo hướng có lợi cho họ, cài cắm lợi ích nhóm vào các luật. Mức cao hơn, lực lượng tham nhũng này có thể tác động vào công tác nhân sự và đại biểu Quốc Hội, vận động hành lang để Quốc Hội biểu quyết thông qua những dự án lớn theo tính toán của họ. Dần dần, Quốc Hội sẽ bị thao túng, khống chế bởi các tập đoàn tham nhũng, không còn là cơ quan quyền lực tối cao của nhân nhân, hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, vì quyền lợi nhân dân nữa, hay nói cách khác là nhân dân đã bị chiếm mất quyền lực tối cao theo Hiến định.
Về hành pháp, tham nhũng chính trị trực tiếp can thiệp vào từng hoạt động quản lý nhà nước, từ xây dựng, ban hành chính sách đến thực hiện dự án, quản lý đất đai…để tham nhũng, tranh giành lợi ích. Tham nhũng chính trị trong hành pháp cũng biểu hiện rõ ở việc thao túng công tác cán bộ, đưa người thân, người cùng nhóm lợi ích vào bộ máy Nhà nước. Lực lượng này lợi dụng vị trí, quyền hạn để trục lợi, nhiều lúc bất chấp quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, trực tiếp tham nhũng vật chất, mua quan bán tước, xây dựng lực lượng để thực hiện mưu đồ chính trị…như đã nêu ở trên.
Về tư pháp, lực lượng tham nhũng dùng các lợi ích vật chất có được để thao túng các hoạt động tư pháp, từ khâu phát hiện tội phạm, điều tra, tố tụng, xét xử, thi hành án…làm cho lực lượng tư pháp bị suy thoái, xa rời nguyên tắc “Thượng tôn pháp luật”, phản lại sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, lực lượng tham nhũng chính trị dùng lợi ích vật chất và lực lượng tiêu cực để tác động, bao vây, khống chế, làm mất sức chiến đấu của các cấp ủy đảng, dần dần làm suy thoái dẫn đến vô hiệu hóa các tổ chức Đảng, lợi dụng Đảng làm bình phong để thông qua, hợp pháp hóa những hành vi tham nhũng, tiêu cực. Trong đó, vẫn đặc biệt đáng quan tâm là công tác cán bộ: lực lượng tham nhũng can thiệp sâu vào quyết định công tác cán bộ, đưa người thân, tay chân vào các vị trí chủ chốt để thao túng, khống chế, điều hành ngầm, thực hiện mưu đồ sâu xa, dài hạn, vô hiệu hóa cả hệ thống cán bộ của hệ thống chính trị. Hậu quả đó càng nhân lên khi lực lượng tham nhũng chiếm hết vị trí chức danh của những người tốt, tiêu biểu, càng làm bộ máy suy yếu, thậm chí mất tác dụng trong lãnh đạo, quản lý địa phương, đất nước.
Về đối ngoại, lực lượng tham nhũng tích cực kết nối quốc tế, tỏ ý sẵn sàng đáp ứng những lợi ích của các thế lực nước ngoài dù trái với lợi ích Dân tộc, nhân dân, tạo dựng sự ủng hộ của những thế lực nước ngoài hoặc không thiện cảm với Đảng Cộng sản Việt Nam hoặc chỉ là do tính toán lợi ích của họ. Từ đó, vào thời điểm quyết định, họ sẵn sàng bán rẻ lợi ích Quốc gia, Dân tộc vì lợi ích của cá nhân và nhóm lợi ích của mình.
Thời gian qua, thực hiện các chủ trương của Đảng, việc bố trí con cháu, người thân tín không đủ tiêu chuẩn, điều kiện vào các vị trí chức danh trong hệ thống chính trị đã bị giám sát, kiểm tra và bước đầu xử lý một số nơi. Tình trạng “cả nhà làm quan”, “cả họ làm quan”, bổ nhiệm thần tốc đã có các quy định ràng buộc, bước đầu bị phanh phui, lên án. Tuy nhiên, so với tham nhũng về kinh tế, tham nhũng chính trị dường như chưa được chú trọng kiểm soát và xử lý quyết liệt ở cả cấp Trung ương và cơ sở nên vẫn tồn tại và phát triển bất chấp dư luận.
Nhìn chung, tham nhũng kinh tế và tham nhũng chính trị ở Việt Nam thời gian qua đã phát triển ở mức nghiêm trọng, gắn kết với nhau trong mối quan hệ ràng buộc nhân quả và dù Đảng ta đã hết sức quyết liệt đấu tranh, trừng trị nhưng vẫn chưa bị ngăn chặn, đẩy lùi.
“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ: Là giai đoạn phát triển cao và mang tính logic của tham nhũng kinh tế - chính trị. Khi các tập đoàn tham nhũng kinh tế và tham nhũng chính trị bị Đảng và các cơ quan thẩm quyền phát hiện, vạch trần và đấu tranh kịch liệt; bị kiểm tra, thanh tra, xử lý sẽ đưa đến tình thế chuyển hóa rất nhanh sang “tự diễn biến” vào thời điểm quyết định. Lúc đó, lực lượng tham nhũng, tiêu cực phải đối mặt với một sự lựa chọn cấp thiết: hoặc là khẩn trương xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng, thậm chí lật đổ chế độ để làm chủ tình hình, thiết lập chế độ mới với vỏ bọc khác nhau nhưng thực chất là chế độ tham nhũng. Rõ ràng, một bên là cái sống, cái chết của cá nhân và gia đình, người thân, nhóm lợi ích và một bên là lý tưởng của Đảng, lợi ích của nhân dân, lực lượng tham nhũng, tiêu cực sẽ chọn bên nào đã rõ.
Phương thức “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ có thể diễn ra đa dạng nhưng nhìn chung có thể dự báo đều do lực lượng tham nhũng, tiêu cực, bất mãn trong bộ máy hệ thống chính trị là nòng cốt kết hợp với bộ phận bức xúc, bất mãn vì nhiều lý do khác nhau trong quần chúng và có thể kết hợp với các thế lực nước ngoài thực hiện.
Để tiếp tục phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ xuất phát từ lực lượng tham nhũng có hiệu quả, ngoài việc tiếp tục kiên quyết, kiên trì thực hiện những giải pháp Đảng, Nhà nước đã tiến hành, bài viết này đề xuất thêm một số biện pháp cụ thể:
Thứ nhất, nhận diện rõ mối quan hệ tất yếu giữa tham nhũng kinh tế và tham nhũng chính trị cũng như logic chuyển hóa thành “tự diễn biến” của các lực lượng tham nhũng để nâng cao cảnh giác, có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời khi nó chưa kịp xẩy ra. Tiếp tục siết chặt kiểm soát quyền lực bằng cơ chế, chính sách; bằng tuyên truyền, giáo dục kết hợp răn đe, xử lý nghiêm không có vùng cấm đối với các đối tượng tham nhũng cả kinh tế và chính trị.
Thứ hai, kiên quyết loại trừ ngay những phần tử tham nhũng, đã bị kỷ luật ra khỏi các vị trí chủ chốt và bộ máy Đảng, Nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội theo chủ trương của Bộ Chính trị: khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách tự nguyện xin từ chức, nếu không tự nguyện xin từ chức thì cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm theo quy định, đồng thời, giám sát chặt chẽ hệ thống nhóm lợi ích liên quan, con cháu, người thân trong bộ máy để kịp thời ngăn chặn khi cần.
Thứ ba, đồng thời với loại bỏ phần tử tham nhũng, tiêu cực, yếu kém phải có cơ chế đúng, sự chỉ đạo sâu sát của cấp thẩm quyền, nhất là trách nhiệm người đứng đầu để đưa được người tốt là những cán bộ có đức độ, tài năng, được đào tạo cơ bản, có kinh nghiệm thực tiễn, tâm huyết vào bộ máy để nắm giữ chức vụ chủ chốt, dần làm trong sạch bộ máy hệ thống chính trị, nhất là trong Đảng, chính quyền các cấp.
Xét tương quan lực lượng hiện nay, lực lượng chân chính, tiến bộ của Đảng, của nhân dân là rất to lớn, nắm sức mạnh chính danh, lẽ phải, nhưng lực lượng tham nhũng, lợi ích nhóm cũng rất mạnh, đã ăn sâu bén rễ thành đường dây ngay trong hệ thống chính trị, chiếm nhiều vị trí chủ chốt và nắm quyền lực rất lớn. Cuộc đấu tranh này rất gay go, phức tạp và chiến thắng của lực lượng tiến bộ là tất yếu nhưng buộc phải dựa trên sự cảnh giác cao độ, phương pháp đúng đắn, thông minh và cốt yếu nhất là phải có lực lượng tiến bộ áp đảo.