Doanh nghiệp Việt Nam phải chấp hành các điều kiện khắt khe trong quy trình sản xuất và xuất khẩu đến các thị trường khó tính như EU nói chung và Đức nói riêng
Thời gian qua, Việt Nam đã là điểm đến thu hút đầu tư của các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Đức. Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK Việt Nam) đang nhận được ngày càng nhiều yêu cầu tìm nhà cung ứng tại Việt Nam trong thời gian gần đây. Theo đó việc đáp ứng những điều kiện của Điều luật thẩm định chuỗi cung ứng (LkSG) sẽ tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt.
Trưởng Phòng Đại Diện Incubator - AHK Việt Nam Nguyễn Ngọc Sang chia sẻ, cùng vị trí địa lý được xem như “cửa ngõ” khu vực ASEAN vốn đang phát triển rất năng động. Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư bởi chi phí nhân công rẻ, khả năng tuân thủ lao động cao, thị trường tăng trưởng liên tục trong nhiều năm liền cũng như cơ chế thu hút đầu tư thông thoáng.
Theo ông Sang, về toàn cảnh xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam thu hút sự chú ý của nhiều nước, đặc biệt là Đức, tình hình xuất nhập khẩu giữa Đức - Việt Nam trong thời gian qua; AHK Việt Nam nhận được ngày càng nhiều yêu cầu tìm nhà cung ứng tại Việt Nam trong thời gian gần đây.
Đặc biệt, Việt Nam là nền kinh tế mở, với nhiều hiệp định thương mại được ký kết, trong đó có Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Điều này, giúp Việt Nam nhận được nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư châu Âu nói chung và Đức nói riêng, nhằm tận dụng các lợi thế mà EVFTA mang lại. Nhiều doanh nghiệp FDI đang muốn đa dạng chuỗi cung ứng cũng chọn Việt Nam là điểm đến.
Ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) cho biết: “Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại Châu Âu, chiếm hơn 19% xuất khẩu của Việt Nam sang EU và cũng là cửa ngỏ để hàng hóa Việt Nam đi các thị trường khác của Châu Âu. Tuy nhiên để đạt được những hiệu quả nhất định, doanh nghiệp Việt Nam phải chấp hành các điều kiện khắt khe trong quy trình sản xuất và xuất khẩu đến các thị trường khó tính như EU nói chung và Đức nói riêng.”
Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Đức năm 2022 đạt hơn 8,9 tỷ USD, tăng 23% so với năm 2021. Đức cũng là cửa ngõ để hàng hóa Việt Nam đi các thị trường khác của châu Âu.
Với điều luật này, doanh nghiệp Đức buộc phải kiểm soát những rủi ro cho con người và môi trường có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong suốt chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Đức cũng xây dựng một cơ chế quản lý rủi ro hiệu quả và phù hợp cho các chuỗi cung ứng của mình và lồng ghép cơ chế đó vào tất cả những chu trình sản xuất, kinh doanh. Vì vậy bắt buộc doanh nghiệp Việt cần có sự thay đổi để thu hút sự chú ý của thị trường tiềm năng này.
Bà Lanh Huyền Như, Quản lý Dự án chuỗi cung ứng bền vững tại Việt Nam đã cung cấp những thông tin cần thiết liên quan đến nội dung của Điều luật thẩm định chuỗi cung ứng (LkSG) và ý nghĩa của Điều luật đối với doanh nghiệp Việt Nam. Mục tiêu của đạo luật LkSG của Đức nhằm cải thiện công tác bảo vệ các quyền con người trong chuỗi cung ứng toàn cầu và ngăn chặn những hành vi xâm phạm. Đạo luật này cũng yêu cầu các doanh nghiệp Đức xây dựng một cơ chế quản lý rủi ro hiệu quả và phù hợp cho các chuỗi cung ứng của mình và lồng ghép cơ chế đó vào tất cả những chu trình sản xuất, kinh doanh.
Các doanh nghiệp khác có những ý kiến quan tâm xoay quanh các thách thức và cơ hội cho hai bên doanh nghiệp Việt - Đức trong việc thực hiện những nghĩa vụ của các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng theo Điều luật này, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh giao thương giữa doanh nghiệp hai quốc gia trong thời gian tới.
Theo các chuyên gia, mặc dù có những khó khăn bước đầu, song trên thực tế luật nghĩa vụ thẩm định doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng cũng tạo ra cho Việt Nam cơ hội về lợi thế địa điểm trên thị trường thế giới. Như thế những đạo luật mạnh mẽ về môi trường và lao động và việc thực thi hiệu quả hơn nữa có thể trở thành một lợi thế địa điểm của Việt Nam, chứ không còn chỉ là chi phí sản xuất thuận lợi nữa. Điều đó cũng giúp cải thiện tình trạng của người lao động và môi trường ở Việt Nam.
Luật về Nghĩa vụ thẩm định doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng (LkSG) của Đức thông qua hồi tháng 6-2021 sẽ bắt đầu có hiệu lực từ năm 2023, trong đó có những tiêu chuẩn khắt khe hơn đối với những doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng của Đức. Điều luật buộc các doanh nghiệp Đức phải kiểm soát những rủi ro cho con người và môi trường có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong suốt chuỗi cung ứng toàn cầu.
Link nội dung: https://phaply.net.vn/nang-cao-nang-luc-canh-tranh-vao-thi-truong-duc-thong-qua-dieu-luat-tham-dinh-chuoi-cung-ung-a256511.html