Tuy có diện tích nhỏ bé nhưng nền kinh tế Singapore có tốc độ tăng trưởng và phát triển bậc nhất khu vực, được mệnh danh là một trong bốn "con rồng châu Á". Rất nhiều nhà bán buôn, mua sỉ đầy kinh nghiệm trên thế giới đặt trụ sở ở đây. Một số tập đoàn sản xuất kinh doanh của VN cũng đặt văn phòng tại đây để làm đòn bẩy đưa hàng hóa đi xa hơn. Pháp luật đầu tư kinh doanh, đặc biệt là những chính sách ưu tiên thúc đẩy đầu tư trong và ngoài nước của Singapore rất hiệu quả…
Hệ thống pháp luật đầu tư rất cởi mở và thông thoáng
Pháp luật đầu tư của Singapore được đánh giá rất cao về tính cởi mở và thông thoáng. Lợi dụng và phát huy được điểm này, Singapore đã trở thành một nước có tính cạnh tranh cao trên thế giới về thu hút đầu tư nước ngoài.
Singapore coi việc lợi dụng vốn đầu tư nước ngoài để phát triển kinh tế như một quốc sách, vì vậy, Singapore là một trong những nước có khung pháp luật về đầu tư được đánh giá là thông thoáng nhất trên thế giới. Quốc gia nhỏ bé với diện tích xấp xỉ 650 km2 này với nội lực được đánh giá thông qua một vị trí địa lí khá thuận lợi và nguồn lao động trong nước có trình độ đã chủ trương lấy đầu tư nước ngoài làm nền tảng để phát triển.
Hệ thống luật pháp của Singapore hoạt động rất hiệu quả. Cơ sở pháp lí liên tục được cập nhật và đổi mới để phù hợp với môi trường văn hóa, kinh tế và thương mại hiện hành. Thừa hưởng hệ thống pháp luật từ Anh và phát triển thành bản sắc riêng, hệ thống luật pháp của Singapore đến nay được đánh giá cao nhờ tính hiệu quả và nhất quán. Các doanh nghiệp ở Singapore không phải chứng kiến quá trình thủ tục pháp lí chậm chạp, làm giảm sút hiệu quả hoạt động kinh doanh.
Chính phủ Singapore coi việc tiếp cận với pháp luật là một giá trị kinh tế nền tảng, được khai thác nhằm nâng cao uy tín của Singapore như là một trung tâm thương mại và pháp lý hàng đầu ở châu Á. Hệ thống luật thương mại của Singapore có tiếng là công bằng và vô tư, biến quốc đảo Sư tử ngày càng trở thành lựa chọn tự nhiên làm nơi giải quyết tranh chấp, đặc biệt là hòa giải và trọng tài, ở khu vực Đông Nam Á. Khuôn khổ pháp lý của Singapore đã tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các nhà đầu tư nước ngoài, khi không giới hạn sở hữu nước ngoài và không có kiểm soát ngoại hối.
Singapore khuyến khích đầu tư nước ngoài, nhất là đối với những dự án đầu tư vào các ngành công nghiệp mũi nhọn với mục tiêu cải tạo cơ sở công nghệ trong nước và nâng cao hơn nữa chất lượng nhân công. Singapore không giới hạn việc liên minh giữa các công ti của các nước khác nhau, trái lại, nước này công nhận khuyến khích sự phát triển của các công ti đa quốc gia hoạt động trên lãnh thổ Singapore.
Điểm khá đặc biệt của pháp luật đầu tư Singapore đó là nước này không có một luật đầu tư riêng để điều chỉnh các quan hệ trực tiếp nước ngoài mà các quan hệ đầu tư nước ngoài được điều chỉnh trong cùng một luật kinh doanh với các quan hệ đầu tư trong nước.
Singapore tuyên bố không đặt ra một biện pháp nào để bảo hộ sản xuất nội địa cũng như đầu tư trong nước, tuy nhiên, quốc gia này vẫn có những hạn chế với quan hệ đầu tư nước ngoài ví dụ như một số hạn chế về ngành nghề đầu tư. Tất cả các công ty hoặc doanh nghiệp tư nhân cũng như tập đoàn ở Singapore đều có thể tự do thành lập và được nhà nước công nhận thông qua thủ tục đăng kí kinh doanh ngoại trừ những văn phòng đại diện của các hãng nước ngoài tại Singapore nhưng lại không thiết lập một hành vi thương mại nào với Singapore. Điều này chứng tỏ Singapore không chủ trương phân biệt giữa đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài.
Các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Singapore sẽ được đối xử như những nhà đầu tư trong nước. Tất cả những hạn chế cũng như khuyến khích đầu tư được áp dụng chung với các nhà đầu tư. Điều này tạo ra mặt bằng bình đẳng cho các nhà đầu tư, dù đó là chủ sở hữu của nguồn vốn trong nước hoặc nguồn vốn nước ngoài.
Tuy nhiên theo luật doanh nghiệp Singapore qui định, mỗi công ty phải có một thư ký. Đây là một trong những khác biệt so với qui định thành lập doanh nghiệp của Việt Nam. Người làm công việc thư ký phải là người dân thường trú tại Singapore. Có thể đây là một sự đảm bảo an toàn và tính minh bạch trong kinh doanh đối với các doanh nghiệp nước ngoài, một sự ràng buộc của pháp luật Singapore.
Theo luật doanh nghiệp Singapore quy định thì cá nhân người nước ngoài muốn thành lập công ty thì phải thông qua một công ty chuyên nghiệp về đăng ký thành lập, chứ không cho phép cá nhân người nước ngoài tự đăng ký. Đây cũng là một nguyên tắc quan trọng để đảm bảo an toàn cho thị trường kinh doanh Singapore, tránh việc các cá nhân hay tổ chức nước ngoài thành lập công ty tràn lan để thực hiện việc kinh doanh phi pháp. Khi hội đủ những điều kiện trên là có nghĩa bạn sắp được thành lập doanh nghiệp ở Singapore rồi, vì thủ tục xin giấy chứng nhận ở Singapore rất đơn giản và nhanh chóng, không gây ra phiền phức phát sinh nào cho bạn. Sự thuận tiện và nhanh chóng trong công tác xét duyệt công ty của chính quyền Singapore cùng với chính sách thuế hấp dẫn khiến Singapore ngày càng thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài và càng lúc càng phát triển kinh tế mạnh.
Hệ thống thuế đơn giản và thân thiện với nhà đầu tư nước ngoài
Một điểm mạnh khác nữa của Singapore chính là hệ thống thuế, được xem là "đơn giản và thân thiện với nhà đầu tư". Mức thuế doanh nghiệp cao nhất chỉ là 17%. Đây là mức thuế doanh nghiệp thấp nhất thế giới. Do chính sách miễn giảm và thuế suất thấp mà làm cho môi trường doanh nghiệp ở Singapore rất hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, Singapore đã kí kết hiệp định tránh đánh thuế hai lần (DTA) với hơn 70 quốc gia trên thế giới, qua đó góp phần quan trọng giảm gánh thuế cho doanh nghiệp nước ngoài. Mạng lưới DTA mở rộng, cùng với thuế tăng vốn và thu nhập cổ tức bằng 0, đã biến Singapore thành nơi hấp dẫn cho đầu tư kinh doanh thông qua hình thức liên danh.
Việc một công ty bán cổ phần cho các nhà đầu tư mới có thể được thực hiện trong vài giờ ở Singapore, trong khi quy trình đó sẽ kéo dài hàng tuần ở nhiều nước khác. Do có hiệp định chống đánh thuế hai lần giữa hai nước nên không có gánh nặng thuế bổ sung nào phát sinh, nhưng chắc chắn Singapore không phải là “thiên đường thuế” giống như một số địa điểm khác thường xuất hiện nổi bật trong bảng danh sách đầu tư nước ngoài.
Các chính sách ưu tiên thúc đẩy đầu tư trong và ngoài nước đặc biệt hiệu quả.
Dù là quốc gia không có luật cụ thể về đầu tư nhưng nhìn chung Đảo quốc Sư tử không phân biệt đối xử với đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Singapore sẽ được đối xử như những nhà đầu tư trong nước. Tất cả những hạn chế cũng như khuyến khích đầu tư được áp dụng chung với các nhà đầu tư
Đặc biệt, Singapore đã thực hiện các chính sách ưu tiên thúc đẩy đầu tư trong và ngoài nước rất hiệu quả. Đáng lưu ý, Singapore nổi tiếng với việc thực thi tốt nhất các quyền sở hữu trí tuệ.
Singapore kết hợp linh hoạt giữa chính sách tài chính và chính sách lao động. Vào những năm 1960, Singapore lần đầu tiên đưa ra các chính sách ưu đãi thuế như ưu đãi dành cho các công ty tiên phong, ưu đãi và các hoạt động hỗ trợ đầu tư, ưu đãi khi doanh nghiệp đặt trụ sở chính tại Singapore. Vào cuối những năm 1970 và 1980, để có thể cạnh tranh với các nước láng giềng với chi phí thấp, Singapore nhận thấy rằng họ cần phải chuyển sang các hoạt động sản xuất có giá trị cao và nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động.
Sự tập trung tiếp tục thay đổi vào cuối những năm 1980 và 1990 để thúc đẩy các hoạt động sản xuất có giá trị cao. Trong những năm phát triển, Singapore đã xây dựng được cơ sở hạ tầng chất lượng cao, môi trường đầu tư ổn định, nền chính trị ổn định và lực lượng lao động cần cù, là một trong những nơi thuận lợi nhất trên thế giới cho các hoạt động kinh doanh. Để giải quyết tình trạng thiếu lao động lành nghề, các công ty được khuyến khích thuê lao động nước ngoài. Việc đánh thuế 4% đối với những người sử dụng lao động trả lương cho người lao động thấp hơn giới hạn luật định là một cách hiệu quả để buộc các công ty cải thiện kỹ năng của người lao động.
Trong nhiều năm qua, Singapore nổi tiếng với bộ máy hành chính hoạt động vô cùng nhanh chóng. Sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan hữu quan giúp doanh nghiệp hoạt động và phát triển dễ dàng.
Doanh nghiệp nước ngoài chỉ cần xin giấy phép hoạt động và đăng ký thành lập, thông qua sự kiểm soát của Cơ quan Kế toán và Quản trị Kinh doanh (ACRA). Các thủ tục đăng ký rất minh bạch và nhất quán, cũng như chế độ thuế ưu đãi và quan hệ đối tác hiệu quả và sở hữu 100% vốn nước ngoài. Chính phủ Singapore cũng tạo điều kiện thuận lợi và dễ dàng trong việc cấp thị thực nhập cảnh và cư trú cho những người nước ngoài muốn kinh doanh tại Singapore.
Ngoài ra, Singapore đã ký kết các hiệp định đánh thuế hai lần (DTA) với hơn 70 quốc gia trên thế giới, qua đó góp phần quan trọng giảm gánh nặng thuế cho doanh nghiệp nước ngoài. Mạng lưới DTA mở rộng, cùng với thuế thu nhập từ vốn bằng không và thu nhập từ cổ tức, đã khiến Singapore trở thành một địa điểm hấp dẫn để đầu tư kinh doanh thông qua hình thức đối tác.
Sức mạnh kinh tế của Singapore nằm ở phương thức thương mại cởi mở, môi trường chính trị và luật pháp ổn định, chính sách kinh tế vĩ mô thận trọng, thuế suất cạnh tranh, môi trường pháp lý minh bạch và khuôn khổ pháp lý hiệu quả, nhờ đó Singapore trở thành điểm đến hấp dẫn nhất đối với các công ty đa quốc gia trong khu vực. Ngoài ra, tùy theo điều kiện cụ thể của từng thời kỳ, Singapore có kế hoạch thu hút vốn FDI vào các ngành phù hợp.
Đề xuất cho Việt Nam
Hai Thủ tướng Việt Nam và Singapore chứng kiến lễ ký Bản ghi nhớ về thiết lập quan hệ Đối tác kinh tế xanh, kinh tế số, tại Dinh Isana, ngày 9/ 2/ 2023.
Nhân chuyến thăm chính thức Singapore của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam vừa qua, ông Seck Yee Chung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Singapore tại Việt Nam (SCCV) đã có một số đánh giá về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam và những kỳ vọng mở rộng hợp tác trong tương lai. Đặc biệt ông Seck Yee Chung cũng nêu một số băn khoăn, đề xuất. Theo đó vẫn còn những khó khăn mà nhà đầu tư Singapore (cũng như các nhà đầu tư từ các quốc gia khác) đang phải đối mặt tại Việt Nam. Đó là thủ tục cấp giấy phép chưa thực sự nhất quán và rõ ràng; các quy định hiện hành nghiêm cấm việc cơ quan địa phương yêu cầu các tài liệu bổ sung cho mục đích cấp giấy phép, ngoài các tài liệu được pháp luật quy định. Tuy nhiên, thực tiễn lại cho thấy điều ngược lại, gây nên sự chậm trễ trong việc đăng ký đầu tư và đăng ký doanh nghiệp, khiến nhà đầu tư/doanh nghiệp phải chịu thêm chi phí cho việc đàm phán và chuẩn bị các tài liệu đó. Việc chuẩn bị các bản sao hợp pháp hóa lãnh sự của một tài liệu cũng rất tốn kém và mất thời gian.
Để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, ông Seck Yee Chung cho rằng, cơ quan chức năng Việt Nam cần sớm ban hành các hướng dẫn để thống nhất thủ tục cấp giấy phép; cần ban hành hướng dẫn để các cơ quan cấp phép không yêu cầu thêm các loại giấy tờ khác ngoài quy định, và hướng dẫn đó nên được công bố trên trang web của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tăng cường sự minh bạch trong thủ tục giải phóng mặt bằng và bồi thường; cần có hướng dẫn rõ hơn về giải phóng mặt bằng và thực hiện thủ tục này một cách rõ ràng hơn….
VN là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới về thương mại và đầu tư. Vốn FDI đã trở thành "bộ phận hữu cơ" trong nền kinh tế VN và đóng góp khoảng 20% mỗi năm vào tổng vốn đầu tư của cả nước. Cả 2 quốc gia VN và Singapore có nét tương đồng là đi đầu khu vực trong hội nhập quốc tế thông qua việc ký kết và đàm phán hàng loạt các FTA. Đầu tư vào VN, nhà đầu tư có nhiều cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu vào các quốc gia mà VN có ký kết các hiệp định FTA như thị trường Bắc Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, ASEAN…
Chính nét tương đồng giữa VN và Singapore, thiết nghĩ các cơ quan chức năng của Việt Nam sớm nghiên cứu học hỏi kinh nghiệm về chính sách pháp luật đầu tư của Singapore, nhằm tạo ra khuôn khổ pháp lý đầy đủ, chính sách thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh có hiệu quả hơn nữa ở Việt Nam trong thời gian tới đây…
Lê Phúc – Trang Anh ( T/h)
Link nội dung: https://phaply.net.vn/he-thong-phap-luat-va-chinh-sach-thuc-day-dau-tu-cua-singapore-nhung-kinh-nghiem-cho-viet-nam-a256491.html