Một số vấn đề về thẩm định giá trong dự thảo Luật Giá (sửa đổi)

Qua 10 năm thi hành Luật Giá năm 2012, Việt Nam đã có những bước đi dài, quản lý giá đã có thay đổi căn bản. Thay việc Nhà nước “quyết định giá” bằng việc “quản lý” giá nhằm bảo đảm giá cả phù hợp với thị trường, bảo vệ được lợi ích của các chủ thể. Tuy nhiên, cùng với thời gian, nhiều yếu tố mới phát sinh trong nền kinh tế, việc đánh giá lại Luật Giá năm 2012 và đi đến yêu cầu ban hành Luật Giá mới. Một trong những nội dung được quy định tại dự thảo Luật Giá (sửa đổi) là nhóm vấn đề liên quan đến thẩm định giá được điều chỉnh khá cụ thể và bám sát với yêu cầu thực tiễn.

1. Mô hình chủ thể thực hiện thẩm định giá
Khi đề cập đến mô hình chủ thể thẩm định giá là đề cập đến hình thái pháp lý để tồn tại cho chủ thể thực hiện hoạt động trong một lĩnh vực nhất định, cụ thể trong trường hợp này là thẩm định giá.
Chủ thể thực hiện thẩm định giá, dù là hoạt động mang tính nhà nước (thẩm định giá nhà nước) hay là hoạt động kinh doanh (doanh nghiệp cung ứng dịch vụ thẩm định giá) đều được quy định khá cụ thể và gắn với trách nhiệm pháp lý của từng loại.
1.1. Về mô hình doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xác định giá hay thẩm định giá
Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định về mô hình kinh doanh dưới dạng doanh nghiệp bao gồm: Công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn (một thành viên và hai thành viên trở lên), công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân. Quy định này áp dụng đối với tất cả các chủ thể có nhu cầu hình thành mô hình kinh doanh dưới dạng doanh nghiệp. Đối với các lĩnh vực kinh doanh đặc thù, pháp luật các quốc gia trong đó có Việt Nam quy định về mô hình kinh doanh có thể được hiện diện. Kinh doanh trong lĩnh vực tài chính (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm) luôn xác định cụ thể các hình thức doanh nghiệp có thể thực hiện. Luật Giá năm 2012 quy định mô hình doanh nghiệp thẩm định giá có thể là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn. Điều này cũng là phù hợp với mục tiêu phát triển thị trường lành mạnh.
Theo dự thảo Luật Giá (sửa đổi), chủ thể cung cấp dịch vụ thẩm định giá tồn tại dưới hình thức theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Bên cạnh đó, dự thảo Luật quy định doanh nghiệp thẩm định giá phải có ít nhất 02 cổ đông/02thành viên góp vốn là thẩm định viên; tổng số vốn góp của các cổ đông/thành viên này phải trên 50% vốn điều lệ. Vấn đề đặt ra là: Những quy định về cổ đông/thành viên góp vốn phải là thẩm định viên (cá nhân) chỉ áp dụng đối với giai đoạn thành lập doanh nghiệp hay suốt quá trình kinh doanh; quy định về tỷ lệ nắm giữ vốn tối thiểu của cổ đông/thành viên nhưng các doanh nghiệp này có thể là các công ty đại chúng được không?
Bên cạnh việc ủng hộ (có đề xuất chỉnh sửa) việc ghi nhận mô hình công ty đối vốn tham gia hoạt động thẩm định giá, tác giả cũng còn băn khoăn đối với mô hình công ty đối nhân (doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh). Theo Luật Doanh nghiệp năm 2020, công ty hợp danh cũng có tư cách pháp nhân (khoản 2 Điều 177), không giống như doanh nghiệp tư nhân (Điều 188), như vậy, năng lực chịu trách nhiệm ở góc độ tài chính - tài sản có những hạn chế nhất định. Mặc dù dự thảo Luật Giá (sửa đổi) có những quy định liên quan đến mua bảo hiểm bắt buộc và trích lập các quỹ dự phòng nhưng tác giả cho rằng như vậy là chưa đủ. Đối với công ty đối nhân cũng cần có biện pháp xác định khả năng tài chính vì vấn đề chịu trách nhiệm đến cùng bằng tài sản của thành viên hay chủ doanh nghiệp không phải lúc nào cũng đảm đương được. Vậy, có nên đặt ra vấn đề ký quỹ hay mua bảo hiểm nghề nghiệp bắt buộc với mức khác biệt so với các mô hình công ty đối vốn hay không? Trường hợp này đặc biệt cần thiết đối với hoạt động thẩm định giá, khi giá trị doanh nghiệp có những điểm “khó” nhất định.
Cũng gắn với mô hình chủ thể cung cấp dịch vụ, việc loại bỏ những quy định liên quan đến tổ chức định giá có yếu tố nước ngoài cũng nên cân nhắc lại. Bởi lẽ, tác giả nhận thấy mặc dù hiện tại “không phát sinh” nhưng không có nghĩa là không có khả năng xảy ra trong tương lai. Thêm nữa, trường hợp các tổ chức Việt Nam có nhu cầu thuê định giá từ các tổ chức định giá nước ngoài, vấn đề này sẽ được giải quyết thế nào, đặc biệt đối với các trường hợp doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu thuê tổ chức định giá nước ngoài để thực hiện kế hoạch niêm yết tại thị trường chứng khoán ngoài lãnh thổ Việt Nam? Pháp luật Việt Nam cũng đã từng đề cập đến trường hợp “doanh nghiệp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam” trong quan hệ về thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp và không chỉ có thuế thu nhập doanh nghiệp mà còn các loại thuế và nghĩa vụ tài chính khác. Tuy nhiên, những quy định này chỉ điều chỉnh các vấn đề liên quan đến nghĩa vụ thuế của bên nước ngoài có kinh doanh (cung ứng dịch vụ, trong đó có dịch vụ thẩm định giá), mà chưa quy định về điều kiện để cho bên nước ngoài thực hiện các hoạt động này tại Việt Nam. Vì vậy, cần phải quy định cụ thể trong Luật Giá các vấn đề về chủ thể định giá có yếu tố nước ngoài, bao gồm mô hình và các cách thức hiện diện tại Việt Nam.
1.2. Về thẩm định giá của Nhà nước
Quy định về thẩm định giá của Nhà nước tại dự thảo Luật Giá (sửa đổi) có một số nội dung cần được làm rõ như sau:
Thứ nhất, liên quan đến phạm vi tài sản được thẩm định giá, dự thảo xác định các loại tài sản cần được Nhà nước thẩm định giá nhưng dường như chưa đủ. Câu hỏi đặt ra là, có đặt ra yêu cầu thẩm định lại các kết luận của doanh nghiệp cung cấp kết quả thẩm định giá trong những trường hợp có dấu hiệu bất thường, có thể ảnh hưởng tới lợi ích của phía Nhà nước hoặc ảnh hưởng tới cộng đồng hay không? Đây là yêu cầu mang tính thực tiễn, đặc biệt trong giai đoạn cụ thể hiện nay, khi chúng ta nói đến những vụ việc lớn về giá của thiết bị, máy móc trong lĩnh vực y tế. Trong lĩnh vực ngân hàng, việc thẩm định có thể chưa đủ, mà còn phải thực hiện “tái thẩm định” bởi nhiều hội đồng khác nhau. Cơ chế tái thẩm định trong chừng mực nhất định sẽ giải quyết được những vấn đề tồn tại trong xã hội thời gian qua.
Thứ hai, về công bố kết quả thẩm định giá của Nhà nước còn có điểm chưa rõ ràng, chưa thể hiện được yêu cầu công khai, minh bạch, nên điều chỉnh lại cho phù hợp. Dự thảo đề cập đến “kết luận của Hội đồng thẩm định giá Nhà nước”, tuy nhiên, nội dung của kết luận này bao gồm những thông tin nào cần được công bố thì chưa được quy định. Dự thảo đề cập đến việc cập nhật trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá nhưng lại không quy định rõ khi nào thì cập nhật, thời gian tối đa phải cập nhật là bao lâu kể từ thời điểm có kết quả thẩm định. Chính những điều này làm giảm yếu tố công khai của kết luận và chưa bảo đảm nguyên tắc minh bạch của Luật Giá.
Vì vậy, tác giả đề xuất cần quy định cụ thể hơn về mô hình doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thẩm định giá và thẩm định giá của Nhà nước.
2. Hoạt động thẩm định giá
Là lĩnh vực đặc thù, pháp luật Việt Nam hiện hành cũng như các quốc gia trên thế giới đều quy định chủ thể cung cấp dịch vụ thẩm định giá và Hội đồng thẩm định giá nhà nước phải đạt được những điều kiện tối thiểu. Luật Giá năm 2012 và các văn bản hướng dẫn đã quy định khá cụ thể. Tại dự thảo Luật Giá (sửa đổi) có đề cập đến nội dung hoạt động của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thẩm định giá, nhiệm vụ của hội đồng thẩm định giá do cơ quan có thẩm quyền ban hành. Về vấn đề này, có một số nội dung cần được làm rõ như sau:
Thứ nhất, về tên của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thẩm định giá: Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) quy định, ttrường hợp doanh nghiệp không được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá thì không được sử dụng cụm từ “thẩm định giá” trong tên gọi của doanh nghiệp. Như vậy, có thể hiểu, việc sử dụng cụm từ “thẩm định giá” là quyền của doanh nghiệp. Tuy nhiên, có thể đặt ra câu hỏi, nếu doanh nghiệp không sử dụng cụm từ này trong tên doanh nghiệp thì có trái quy định của pháp luật không? Tác giả không nhận thấy tại dự thảo có quy định bắt buộc về vấn đề này.
Thứ hai, về nội dung kinh doanh: Nếu doanh nghiệp đủ điều kiện thực hiện hoạt động thẩm định giá, đã có “giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá” thì có được phép thực hiện các hoạt động kinh doanh khác hay không? Dự thảo không đề cập đến việc doanh nghiệp loại này chỉ được thực hiện hoạt động thẩm định giá. Tác giả cho rằng, đây là nội dung quan trọng cần được làm rõ vì chúng liên quan đến việc sử dụng tài chính, tài sản của doanh nghiệp, nguồn tài chính có bảo đảm cho việc thực hiện hoạt động của doanh nghiệp hay không. Đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đặc thù như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, pháp luật đều quy định rõ về vấn đề này. Vậy, đối với doanh nghiệp có hoạt động thẩm định giá, có nên quy định cụ thể hơn về lĩnh vực kinh doanh hay không?
Thứ ba, về phương thức giải quyết tranh chấp: Dự thảo đề cập đến phương thức giải quyết bằng trọng tài thương mại. Tuy nhiên, hiện nay, pháp luật đã quy định về hòa giải thương mại và cách thức giải quyết này đã đi vào thực tế đời sống kinh doanh nhưng việc giải quyết bằng con đường hòa giải thương mại chỉ có thể thực hiện khi phương thức này được ghi nhận tại thỏa thuận về thẩm định giá của các bên. Vì vậy, cần bổ sung hình thức giải quyết tranh chấp này như một trong các phương án mà các bên có thể lựa chọn (ghi nhận tại hợp đồng cung ứng dịch vụ thẩm định giá).

Link nội dung: https://phaply.net.vn/mot-so-van-de-ve-tham-dinh-gia-trong-du-thao-luat-gia-sua-doi-a256429.html