Huyện Thạch Thất – Hà Nội: Đổi mới – Sáng tạo – Hiệu quả trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Năm 2023, cùng với Hà Nội và cả nước, huyện Thạch Thất tiếp tục thực hiện chủ đề: “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”. Theo đó, ngay từ đầu năm, các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể của huyện nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện với quyết tâm cao nhất các nội dung, phương châm chỉ đạo của Trung ương, thành phố và của Ban Thường vụ Huyện ủy, phát huy ưu điểm, khắc phục khó khăn để hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023".

anhthachthat-1675395074.png
 

Ghi nhận những kết quả đạt được trong nhiều lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao cho thu nhập hàng tỷ đồng/ha canh tác…đã tạo đà cho Thạch Thất có bước phát triển bền vững.

Thực hiện Kế hoạch số 254/KH-UBND về kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa huyện Thạch Thất năm 2022 với tổng diện tích 193,7ha của 15 xã, đến nay, 15/15 xã đã ban hành kế hoạch chuyển đổi cấp xã, đạt 100% kế hoạch, tổng diện tích chuyển đổi được 21,6ha, gồm: Phú Kim, Đồng Trúc và Yên Bình. Theo đó, huyện đã hình thành được các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung gồm: Vùng sản xuất lúa chất lượng cao quy mô 690ha tại các xã: Canh Nậu, Dị Nậu, Hương Ngải. Vùng sản xuất rau an toàn, quy mô 285ha tại các xã: Tiến Xuân, Hương Ngải, Dị Nậu, Yên Bình, Yên Trung... Vùng sản xuất cây ăn quả giá trị kinh tế cao, quy mô hơn 300ha tại các xã: Bình Yên, Kim Quan, Lại Thượng... Sau chuyển đổi đã tạo được các vùng chuyên canh cho giá trị thu nhập cao hơn 5-7 lần so với cấy lúa.

Trong năm 2023, huyện tiếp tục tập trung cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch; tuyên truyền thực hiện bảo đảm cơ cấu giống, lịch thời vụ và các biện pháp chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi; áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; làm tốt công tác thủy lợi, phòng, chống thiên tai; hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân xây dựng thương hiệu sản phẩm, quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại...

Để đạt được mục tiêu trong năm 2023, ông Nguyễn Kim Loan - Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất cho biết: “các ngành phục vụ nông nghiệp huyện, các xã, thị trấn, hợp tác xã nông nghiệp cần tập trung giải quyết tồn tại của năm 2022; triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp năm 2023 đã đề ra. Trên cơ sở giao chỉ tiêu của huyện, các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch của địa phương sát kế hoạch huyện và tình hình thực tế, phù hợp từng địa phương; tiếp tục đưa các giống lúa tiến bộ, có năng suất, chất lượng vào sản xuất; chú trọng phát triển đàn gia súc, gia cầm, tập trung phát triển đàn trâu, bò ở các xã miền núi; đẩy mạnh thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)”.

Bên cạnh đó, huyện tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển các cụm công nghiệp làng nghề; phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng giá trị sản xuất trên địa bàn năm 2023 đạt 13,9%; huy động tối đa nguồn lực để đầu tư, nâng cao chất lượng các tiêu chí các xã nông thôn mới và huyện nông thôn mới, xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, phấn đấu năm 2023, có thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, giá trị sản xuất công nghiệp xây dựng: 69,2%; Thương mại - Dịch vụ: 25%; Nông - Lâm - Thủy sản: 5,8%; bảo đảm quốc phòng, an ninh và giữ vững trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...Trên đà phát triển đó, tin rằng Thạch Thất sẽ sớm đạt được các mục tiêu đề ra.

Đăng Bao

Link nội dung: https://phaply.net.vn/huyen-thach-that-ha-noi-doi-moi-sang-tao-hieu-qua-trong-chuyen-dich-co-cau-kinh-te-a256425.html