Thủ tướng: Điều hành cân bằng, hợp lý, hiệu quả 4 vấn đề kinh tế vĩ mô

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu điều hành cân bằng, hợp lý, hiệu quả giữa tỷ giá với lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát với tăng trưởng, giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, giữa tình hình trong nước và ngoài nước. Đồng thời, đẩy mạnh giải ngân 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2023 và sử dụng hiệu quả 400 nghìn tỷ đồng tăng thu năm 2022.

Thủ tướng: Điều hành cân bằng, hợp lý, hiệu quả 4 vấn đề kinh tế vĩ mô - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu điều hành cân bằng, hợp lý, hiệu quả 4 vấn đề kinh tế vĩ mô - Ảnh: VGP/Trần Hải

Sáng 2/2, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 1/2023. Phiên họp được tổ chức trực tuyến với các địa phương nhằm đánh giá tình hình kinh tế-xã hội (KTXH) tháng 1 và nhiệm vụ trọng tâm tháng 2; tình hình triển khai chương trình phục hồi và phát triển KTXH; tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; tình hình triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia; chủ trương xây dựng Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia; đặc biệt, triển khai các nhiệm vụ sau Tết theo Chỉ thị 03 của Thủ tướng Chính phủ.

Dự phiên họp tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang; các bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; đồng chí Đinh Văn Ân, Trợ lý Tổng Bí thư.

Dự họp tại đầu cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có bí thư tỉnh ủy, thành ủy, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố.

Chỉ đạo, điều hành ngày càng bài bản, lớp lang, khoa học

Các ý kiến tại phiên họp thông nhất đánh giá, công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày càng bài bản, lớp lang, khoa học, mang lại hiệu quả cụ thể, cân đong đo đếm được.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã bám sát nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư. Chính phủ đã ban hành, chỉ đạo triển khai Nghị quyết 01 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH, dự toán ngân sách Nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023. Theo đó, chủ đề năm 2023 là "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả"; cùng 6 quan điểm, trọng tâm và 11 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, 142 nhiệm vụ cụ thể. Các bộ, ngành, địa phương đã bám sát, ban hành chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 01 của Chính phủ.

Thủ tướng đi thăm, chúc Tết và kiểm tra, khảo sát, làm việc tại Quảng Ngãi, Phú Yên, Nam Định, Cao Bằng, Tuyên Quang, Phú Thọ, Khánh Hòa, Hà Nội, Ninh Thuận, Nghệ An, Đồng Nai, TPHCM, Cần Thơ, trong đó thúc đẩy các dự án hạ tầng trọng điểm, nhất là giao thông. Thủ tướng cũng ban hành Chỉ thị 03/CT-TTg ngày mùng 6 Tết đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện ngay các nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán.

Thủ tướng: Điều hành cân bằng, hợp lý, hiệu quả 4 vấn đề kinh tế vĩ mô - Ảnh 2.

Các ý kiến tại phiên họp thông nhất đánh giá, công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày càng bài bản, lớp lang, khoa học, mang lại hiệu quả cụ thể, cân đong đo đếm được - Ảnh: VGP/Trần Hải

Chính phủ tích cực chuẩn bị các dự án luật, pháp lệnh phục vụ kỳ họp bất thường thứ 2, Quốc hội Khóa XV. Chính phủ ban hành 3 nghị định và 11 nghị quyết; tổ chức nhiều hội nghị quan trọng về phát triển KTXH (tổng kết công tác năm 2022 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; phát triển thị trường lao động; chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU)...).

Trong tháng 1, cùng với chỉ đạo thực hiện quyết liệt, linh hoạt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển KTXH, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo tổ chức cho nhân dân đón Tết Nguyên đán vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, không để ai không có Tết. Tổ chức, bảo đảm an ninh, an toàn, an dân trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão; triển khai đúng, đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội; chú trọng các hoạt động tri ân, nghĩa tình đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng, người có công với cách mạng theo đúng Chỉ thị của Ban Bí thư.

Sức ép điều hành tỷ giá, lãi suất giảm dần

Các ý kiến thống nhất đánh giá, tình hình KTXH tiếp tục xu thế tích cực, đạt nhiều kết quả trong bối cảnh số ngày làm việc tháng 1/2023 chỉ bằng 2/3 so với tháng trước và cùng kỳ.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm (thu ngân sách Nhà nước tháng 1 đạt tăng 12,3% so với dự toán và 8,1% so với cùng kỳ; xuất siêu 3,6 tỷ USD; an ninh lương thực, an ninh năng lượng được bảo đảm; cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu). Thị trường tiền tệ, ngân hàng ổn định, sức ép điều hành tỷ giá, lãi suất tuy còn khó khăn nhưng giảm dần.

Các ngành, lĩnh vực chủ yếu phát triển ổn định. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng trưởng, được mùa, được giá. Số lượng gia súc, gia cầm chủ yếu tăng so với cùng kỳ. Thủy sản đạt trên 593.000 tấn, tăng 0,2% so cùng kỳ.

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm đầu tháng 1 tăng 0,2% so với cùng kỳ. Thương mại, dịch vụ sôi động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 tăng 20% so năm 2022 và tăng 34,2% so với 2019. Có trên 871.000 lượt khách quốc tế, tăng 23,3% so tháng trước và gấp 44,2 lần cùng kỳ. Vốn FDI đăng ký mới gấp 3,1 lần, cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam.

Dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác tiếp tục được kiểm soát tốt. An sinh xã hội được bảo đảm. Đã hỗ trợ cho 25 triệu đối tượng chính sách xã hội với kinh phí khoảng 9.500 tỷ đồng, trong đó có nhiều cách làm mới, sáng tạo như chợ 0 đồng, cửa hàng 0 đồng.

Các hoạt động văn hóa, thể thao mừng Đảng, mừng Xuân Quý Mão diễn ra sôi động ở nhiều địa phương; nhiều sự kiện được tổ chức thành công, ý nghĩa, đậm đà bản sắc. tôn vinh giá trị truyền thống văn hóa Việt.

Trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; tai nạn giao thông giảm ở cả 3 tiêu chí (số vụ, số người bị thương, số người chết); không xảy ra ngộ độc thực phẩm lớn trong dịp Tết. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Các cơ quan chức năng xử phạt nghiêm các vi phạm liên quan tới bia rượu, nhất là vi phạm về nồng độ cồn khi lái xe. Đối ngoại được đẩy mạnh. Thông tin truyền thông được tăng cường; đã ngăn chặn, gỡ bỏ, phản bác nhiều thông tin giả, xấu, độc, phản cảm, chống phá Đảng và Nhà nước.

Các tổ chức quốc tế vẫn đánh giá tích cực về tình hình KTXH của Việt Nam. Trong báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu vừa công bố trong tháng 1/2023, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2023 là 6,3%; tuy thấp hơn 0,2% so với kỳ dự báo trước, nhưng đây là mức cao thứ 2 trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Thủ tướng: Điều hành cân bằng, hợp lý, hiệu quả 4 vấn đề kinh tế vĩ mô - Ảnh 3.

Ảnh: VGP/Trần Hải

Khí thế phát triển mới khi cả nước như một công trường

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với các báo cáo, ý kiến tại cuộc họp. Qua thực tế trong chuyến công tác kiểm tra, đôn đốc các dự án hạ tầng giao thông vừa qua, Thủ tướng nhắc lại ấn tượng về khí thế phát triển mới khi "cả nước là một công trường", sự tự tin của các cấp, các ngành trong chỉ đạo, điều hành, cũng như niềm tin ngày càng được củng cố, tăng cường của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Đặc biệt, trong dịp Tết, Thủ tướng bày tỏ xúc động với nhiều hành động, hình ảnh đẹp, thể hiện nghĩa tình, tính nhân văn, tinh thần hết lòng phục vụ nhân dân của lực lượng vũ trang (đưa các cháu bé, cụ già bị lạc về gia đình; giúp đỡ, chia sẻ cùng nhân dân, đặc biệt trong dịp Tết vừa qua - phát thuốc, khám chữa bệnh miễn phí, tặng quà Tết, áo ấm cho nhân dân gặp khó khăn...). Thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nhiều gia đình có người thân bị chia ly hàng chục năm đã được đoàn tụ, Thủ tướng chia sẻ.

Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng nêu rõ, tình hình còn những khó khăn, thách thức. Ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn tiềm ẩn rủi ro. Trong các động lực tăng trưởng, thị trường xuất khẩu thu hẹp, xuất khẩu có dấu hiệu chậm lại... Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 8% so cùng kỳ (ngành chế biến, chế tạo giảm 9,1%). Giải ngân đầu tư công, hợp tác công tư cần nhiều nỗ lực hơn nữa. Việc triển khai một số chính sách của 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển KTXH còn chậm, nhiều dự án còn dàn trải, manh mún, kéo dài.

Cùng với đó, thu hút đầu tư nước ngoài vẫn gặp nhiều khó khăn. Cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về mặt tín dụng. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn. Du lịch sôi động trở lại nhưng còn khoảng cách lớn với thời điểm trước dịch COVID-19 (khách quốc tế tương đương 58% so với cùng kỳ năm 2019). Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cán bộ, công chức, viên chức trẻ mới được tuyển dụng vào khu vực công. An ninh, trật tự an toàn xã hội tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhất là tội phạm mạng.

Thủ tướng nêu rõ 3 bài học kinh nghiệm.

Thứ nhất, nắm chắc tình hình thực tế, chủ trương, cụ bám sát, thể hóa kịp thời đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của lãnh đạo các cấp để phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả, nhất là trước các diễn biến của tình hình thế giới.

Thứ hai, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, cũng không hoang mang, dao động, thiếu tự tin mà luôn chủ động bình tĩnh, linh hoạt, sáng suốt, không chuyển trạng thái đột ngột, điều hành "giật cục" và luôn cầu thị, lắng nghe, tháo gỡ các khó khăn, vượt qua các thách thức.

Thứ ba, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phát huy đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng, đề cao tinh thần gương mẫu và chủ động sáng tạo của người đứng đầu.

Thủ tướng: Điều hành cân bằng, hợp lý, hiệu quả 4 vấn đề kinh tế vĩ mô - Ảnh 4.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP/Trần Hải

Sử dụng hiệu quả 400.000 tỷ đồng tăng thu năm 2022

Dự báo, tình hình sắp tới tiếp tục có khó khăn, thách thức nhiều hơn là cơ hội và thuận lợi. Nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 2 và thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, quyền hạn tích cực thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao, chủ động giải quyết những vấn đề phát sinh, đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nhân lực), tập trung cho 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu.

Các kết luận, nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết 01 của Chính phủ và Chỉ thị 03 của Thủ tướng đã nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp, các bộ trưởng, trưởng ngành, chủ tịch UBND  các cấp cần nghiêm túc quán triệt, cụ thể hóa thành kế hoạch, lộ trình thực hiện của từng cấp, từng ngành và cơ quan, triển khai đồng bộ, hiệu quả ngay từ đầu năm; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, báo cáo theo quy định, chủ động xử lý các vấn đề vướng mắc, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Thủ tướng dành nhiều thời gian phân tích về các nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục ưu tiên giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn.

Theo đó, phải điều hành cân bằng, hợp lý, hiệu quả giữa tỷ giá với lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát với tăng trưởng, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, giữa tình hình trong nước và ngoài nước.

Về kiểm soát lạm phát, cần chú trọng nhóm trong "rổ hàng" tác động lớn đến lạm phát, như lương thực, thực phẩm và vật liệu xây dựng; điều hành thận trọng giá các mặt hàng Nhà nước quản lý ngay trong những tháng đầu; bảo đảm nguồn cung, lưu thông thông suốt các hàng hóa khác, nhất là những mặt hàng thiết yếu;  hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào.

Thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác. Trong bối cảnh hiện nay, cần thực hiện đồng thời cả chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, trong đó chính sách tài khóa đóng vai trò quan trọng, hỗ trợ cho chính sách tiền tệ.

Bảo đảm thanh khoản, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, an ninh tiền tệ; thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phù hợp, hướng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và động lực tăng trưởng; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, xác định đây là nút thắt cần giải quyết để tháo gỡ khó khăn cho nhiều lĩnh vực liên quan, như trái phiếu doanh nghiệp. Tổ chức cuộc họp về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản trong tháng 2. Khẩn trương hoàn thiện, ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Về bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, Thủ tướng yêu cầu chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý thu ngân sách Nhà nước bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời theo quy định pháp luật (tăng cường chuyển đổi số kết hợp dữ liệu dân cư để sớm triển khai thanh toán, thu phí, lệ phí, thuế bằng công nghệ số, nhất là dịch vụ ăn uống). Triệt để tiết kiệm chi, chống lãng phí, kiên quyết cắt giảm các khoản chi thường xuyên không thực sự cần thiết; ưu tiên chi đầu tư phát triển các công trình hạ tầng KTXH quan trọng, chiến lược. Tiếp tục đề xuất các giải pháp miễn giảm thuế, phí, lệ phí phù hợp; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính...

Khẩn trương hoàn thành kế hoạch và hướng dẫn sử dụng tăng thu ngân sách Nhà nước năm 2022, ngoài phần dành cho tăng lương và các vấn đề đột xuất, bất ngờ, cần tập trung cho hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa...

Thủ tướng nêu rõ: Năm 2022, cả nước có 400.000 tỷ đồng tăng thu, phải sử dụng có hiệu quả để hỗ trợ cho chính sách tiền tệ, các địa phương phải quán triệt tinh thần này, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, Bộ Tài chính hướng dẫn để thực hiện thống nhất trên toàn quốc.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tập trung theo dõi sát, phân tích, dự báo tình hình thế giới, trong nước, nhất là chính sách của các nền kinh tế lớn, sự dịch chuyển, các xu hướng lớn toàn cầu và tác động đến nước ta, chủ động, kịp thời báo cáo, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ định hướng, giải pháp phù hợp trong quản lý, chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển KTXH.

Thủ tướng: Điều hành cân bằng, hợp lý, hiệu quả 4 vấn đề kinh tế vĩ mô - Ảnh 5.

Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại phiên họp - Ảnh: VGP/Trần Hải

Đẩy mạnh giải ngân 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư công

Với tổng vốn đầu tư công 700.000 tỷ đồng của năm 2023, Thủ tướng yêu cầu tăng cường quản lý chặt chẽ, thúc đẩy tiến độ dự án lớn, quan trọng, có tính lan tỏa cao, nhất là công trình giao thông trọng điểm. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân ngay từ đầu năm; khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2023 theo đúng nguyên tắc, tiêu chí quy định; làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, kiểm tra, rà soát từng dự án, bố trí kế hoạch vốn.

Về Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hoàn thành kế hoạch phân bổ vốn còn lại (14.100 tỷ đồng). Đánh giá khả năng thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2%; đề xuất phương án xử lý, điều chỉnh trước ngày 15/2.

Về 3 chương trình mục tiêu quốc gia, cần khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện, đổi mới cách nghĩ, cách làm, xây dựng chính sách, dự án có trọng tâm, trọng điểm và phù hợp đặc thù riêng của địa phương. 

Về thương mại, xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương phát triển và khai thác hiệu quả thị trường trong nước gắn với thực hiện tốt cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, mở rộng thị trường xuất khẩu; đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; khai thác hiệu quả các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới. Đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn, như Trung Quốc, Ấn Độ, tận dụng tối đa cơ hội từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại. Thúc đẩy việc ký FTA với Isarel.

Bộ Công Thương và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp không để thiếu hụt năng lượng. Bảo đảm hệ thống phân phối, chuỗi cung ứng xăng, dầu ổn định, giảm khâu trung gian…Sớm sửa đổi Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu. Khẩn trương sửa đổi khung giá điện; điều chỉnh giá điện theo lộ trình phù hợp, không giật cục.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chú trọng khơi thông thị trường gắn với tổ chức sản xuất phù hợp, nhất là sản phẩm chủ lực, có thế mạnh, tận dụng hiệu quả cơ hội nhu cầu lương thực đang tăng trên thế giới và việc Trung Quốc mở cửa trở lại. Thúc đẩy chuyển đổi phương thức sản xuất, thương mại trong ngành nông nghiệp (như chương trình OCOP).

Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch nâng cao hiệu quả công tác quản lý tốt lễ hội, bảo đảm văn minh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Tổ chức Hội nghị Du lịch toàn quốc trong tháng 2; năm 2023, phấn đấu đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế.

Các bộ, ngành tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng, kéo dài đã được Bộ Chính trị cho chủ trương; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện phương án xử lý đối với 4 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả còn lại để trình Bộ Chính trị xem xét, cho ý kiến.

Các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tiếp tục triển khai các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống nhân dân.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nắm tình hình lao động sau kỳ nghỉ Tết, nhất là tại các khu công nghiệp, địa bàn công nghiệp trọng điểm; có phương án hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu lao động cục bộ, không để đứt gãy cung ứng nguồn lao động. Khẩn trương nghiên cứu, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động quốc gia.

Bộ Y tế tập trung xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu, sử dụng, không để thiếu thuốc, trang thiết bị y tế; hoàn thiện, phát huy cơ chế tự chủ của các cơ sở y tế.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị tốt cho kỳ thi THPT và chuẩn bị cho năm học mới.

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung công tác xây dựng thể chế, pháp luật, cơ chế chính sách, sửa đổi ngay các nghị định, thông tư đang có vướng mắc; đổi mới cách làm, khẩn trương hoàn thành công tác quy hoạch theo đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, triển khai quy hoạch tổng thể quốc gia.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Thúc đẩy chính phủ điện tử, chính phủ số, công dân số, kinh tế số; sớm hoàn thành xây dựng, kết nối các cơ sở dữ liệu quốc gia và báo cáo Chính phủ về chủ trương xây dựng Đề án Trung tâm Dữ liệu quốc gia.

Thủ tướng yêu cầu theo dõi sát tình hình khu vực và quốc tế, kịp thời tham mưu chiến lược, các biện pháp xử lý các tình huống liên quan đến chủ quyền, quốc phòng, an ninh quốc gia, quan hệ đối ngoại, không để bị động, bất ngờ, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ.

Đẩy mạnh tuyên truyền về các nhiệm vụ thực hiện kế hoạch phát triển KTXH; tăng cường thông tin về các điển hình tốt, không khí phấn khởi ra quân triển khai nhiệm vụ đầu năm mới, tạo khí thế mới, năng lượng mới cho đất nước, cho dân tộc. Chủ động, tích cực đấu tranh, phản bác thông tin sai sự thật, xấu, độc, các quan điểm sai trái, thù địch.

Link nội dung: https://phaply.net.vn/thu-tuong-dieu-hanh-can-bang-hop-ly-hieu-qua-4-van-de-kinh-te-vi-mo-a256418.html