Vai trò của pháp luật phá sản và các nguyên tắc cơ bản đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ nợ trong thủ tục pháp sản doanh nghiệp

Thông qua pháp luật phá sản, Nhà nước và Tòa án có thể can thiệp vào quá trình hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã với một cách nhìn hiện đại, năng động và hết sức mềm dẻo với xu hướng chung là ngày càng đề cao, hoàn thiện hơn về Luật Phá sản. Do đó, pháp luật phá sản có vai trò vô cùng quan trọng

584828370171-luat-pha-san-1675223788.png

Ảnh minh hoạ

Vai trò của pháp luật phá sản

Ban hành pháp luật phá sản là mong muốn của nhà làm luật sử dụng những thuộc tính của pháp luật với tư cách là công cụ điều chỉnh các quan hệ xã hội trong điều kiện tồn tại Nhà nước, nhằm tác động một cách hiệu quả nhất đến quan hệ các chủ thể trong quan hệ phá sản, giải quyết xung đột lợi ích của các chủ thể đó theo đúng bản chất vốn có của nó, hạn chế tối đa những hậu quả tiêu cực và khai thác những mặt tích cực.

Ở nhiều nước trên thế giới, pháp luật phá sản đã trở thành giải pháp quan trọng cho người bị mắc nợ quá nhiều. Luật Phá sản hiện đại ở nhiều nước còn tạo điều kiện cho các bên chủ nợ và con nợ thỏa thuận với nhau, điều này có thể kéo dài thời gian thanh toán nợ, xóa một phần nợ, chuyển đổi nợ thành cổ phần hoặc các quy định khác để chủ nợ có khả năng thu hồi nợ tốt hơn so với việc thanh lý nợ ngay. Ở Việt Nam, sự tồn tại tất yếu của hiện tượng phá sản đòi hỏi phải có sự điều chỉnh của Nhà nước, mà cụ thể là pháp luật phá sản. Thông qua pháp luật phá sản, Nhà nước và Tòa án có thể can thiệp vào quá trình hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã với một cách nhìn hiện đại, năng động và hết sức mềm dẻo với xu hướng chung là ngày càng đề cao, hoàn thiện hơn về Luật Phá sản. Do đó, pháp luật phá sản có vai trò vô cùng to lớn, thể hiện ở những nội dung sau:[1]

- Pháp luật phá sản là công cụ tốt nhất bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ nợ. Nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất của Luật Phá sản ngay từ khi ra đời là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ nợ. Ngày nay, trong pháp luật phá sản hiện đại, nhiệm vụ này vẫn được duy trì và tiếp nối. Khi con nợ lâm vào tình trạng khó khăn về tài chính thì các chủ nợ là người sẽ bị thiệt hại trước tiên. Nếu không phát hiện kịp thời và không kiểm soát được tình hình tài chính của doanh nghiệp thì khả năng thu hồi nợ của chủ nợ càng thấp. Mặt khác, khi con nợ không trả được nợ thì tâm lý chung của các chủ nợ đều muốn đòi được nợ nhiều nhất và nhanh chóng nhất. Khi đó, các chủ nợ sẽ tìm nhiều cách khác nhau để đòi được nợ.

Một cách đòi nợ thông thường đúng với quy định của pháp luật hiện hành là các chủ nợ có quyền khởi kiện ra Toà án để yêu cầu thanh toán và đề nghị Toà án áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời bảo toàn giá trị tài sản đang có của con nợ. Bằng cách khởi kiện này, chủ nợ nào nhanh chân hơn sẽ có nhiều khả năng thu hồi được nợ. Việc đòi nợ bằng con đường này đã không giải quyết được một cách thoả đáng quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ nợ, tạo sự bất bình đẳng giữa các chủ nợ. Với thủ tục phá sản có thể chấm dứt được tình trạng đòi nợ riêng rẽ của các chủ nợ. Đây là phương pháp đòi nợ tập thể, tuân theo một trình tự thống nhất do luật định. Các chủ nợ không phụ thuộc vào số nợ, tính chất nợ mà đều được đối xử bình đẳng như nhau trong thủ tục phá sản.

- Pháp luật phá sản khẳng định nghĩa vụ thanh toán nợ và ghi nhận các quyền lợi chính đánh, hợp pháp của con nợ. Ngày nay, với sự phát triển của kinh tế - xã hội, nhận thức của con người về phá sản ngày càng đúng đắn. Phá sản được nhìn nhận là một rủi ro trong kinh doanh, có thể gây ra rất nhiều thiệt hại cho người lao động, các chủ nợ và xã hội. Do đó, việc giúp đỡ các con nợ là trách nhiệm chung của xã hội. Luật Phá sản đã quy định cho con nợ rất nhiều quyền như quyền nộp đơn xin phá sản, quyền tham gia Hội nghị chủ nợ. Quyền nộp đơn xin phá sản với chính mình là một cơ hội tốt cho con nợ có thể nhận được sự can thiệp của Toà án và sự hỗ trợ từ phía các chủ nợ sớm hơn để còn có cơ hội phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh. Thủ tục phá sản với một trình tự thống nhất, chặt chẽ theo quy định của pháp luật cũng giúp con nợ tránh được các hành vi bạo lực, trái pháp luật, lợi dụng tình thế tài chính khó khăn của con nợ để trục lợi từ phía một số chủ nợ nào đó. Pháp luật phá sản có những quy định tạo điều kiện cho con nợ được phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, cơ chế phục hồi doanh nghiệp của pháp luật phá sản có thể cứu doanh nghiệp ra khỏi tình trạng phá sản.

- Pháp luật phá sản góp phần vào việc bảo vệ lợi ích của người lao động. Khi doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn về tài chính thì thông thường tự động thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh, làm giảm sút thu nhập và việc làm của người lao động. Trường hợp doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản, người lao động sẽ không có việc làm, thất nghiệp. Như vậy, quyền lợi của người lao động sẽ bị thiệt hại ngay từ khi doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản. Để bảo vệ người lao động, trước hết phải cứu doanh nghiệp ra khỏi tình trạng phá sản. Pháp luật phá sản đã quy định cho người lao động các quyền như quyền được nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, quyền được tham gia quá trình giải quyết vụ việc phá sản, quyền được ưu tiên thanh toán nợ lương và các khoản nợ khác. Nhưng thực tế, tâm lý của những người lao động không muốn doanh nghiệp mình đã gắn bó lâu nay bị tuyên bố phá sản, không muốn phải đi tìm một nơi làm việc mới, họ muốn cứu vãn doanh nghiệp hơn là yêu cầu Toà án tuyên bố phá sản doanh nghiệp.

- Pháp luật phá sản là công cụ quan trọng để thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh tế, thúc đẩy nền kinh tế phát triển, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội. Thực tế cho thấy, một doanh nghiệp lớn bị phá sản thường đe dọa đổ vỡ dây chuyền và thất nghiệp hàng loạt, uy hiếp trực tiếp tới ổn định xã hội, làm nhiều người lao động bị thất nghiệp, gây ra dư luận xã hội lớn trong công chúng. Hoạt động thương trường đòi hỏi những người tham gia phải có ý chí nghị lực và tài năng kinh doanh. Những quy định của pháp luật phá sản là công cụ răn đe cần thiết đối với các chủ thể kinh doanh khi họ bước chân vào con đường này. Từ đó, buộc họ phải năng động, sáng tạo, tính toán trong hoạt động kinh doanh, tôn trọng các quy luật kinh tế khách quan. Các doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả sẽ là động lực để thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Sự răn đe của pháp luật phá sản còn góp phần nâng cao đạo đức kinh doanh, tránh trường hợp cố tình gây thiệt hại cho những người kinh doanh làm ăn chân chính. Pháp luật phá sản góp phần làm lành mạnh hoá các quan hệ tài chính giữa các chủ thể hoạt động kinh doanh, phát huy những yếu tố tích cực và hạn chế thấp nhất những tác động tiêu cực của hiện tượng phá sản đối với lợi ích xã hội.

Các nguyên tắc cơ bản đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ nợ trong thủ tục phá sản doanh nghiệp

Xã hội là một tổng thể các quan hệ phức tạp, đa dạng, đan xen và ảnh hưởng lẫn nhau. Vì vậy, các quy phạm pháp luật phá sản phải được đặt trong tính thống nhất và đồng bộ của cả hệ thống pháp luật, tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn. Để đảm bảo tốt quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ nợ, Luật Phá sản không chỉ chú ý tới quyền lợi riêng của các chủ nợ mà còn phải xét chúng trong mối quan hệ với lợi ích chung của xã hội, lợi ích hợp pháp của các chủ thể có liên quan. Do đó, các quy định về việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ nợ trong thủ tục phá sản phải rõ ràng, hợp lý và tuân theo các nguyên tắc nhất định. Định hướng đúng các nguyên tắc cơ bản sẽ là tư tưởng chủ đạo xuyên suốt cả quá trình xây dựng, ban hành, hoàn thiện và áp dụng Luật Phá sản vào thực tiễn, tạo điều kiện cho các chủ nợ thu hồi các khoản nợ nhanh chóng, hiệu quả trên tinh thần công bằng và nhân đạo. Các nguyên tắc cơ bản đó được thể hiện cụ thể như sau:

- Nguyên tắc pháp chế: Công cụ quan trọng nhất để Nhà nước quản lý xã hội là pháp luật. Điều này đã trở thành kế sách quản lý nhà nước nói chung của các nước trên thế giới. Ở Việt Nam, tinh thần thượng tôn pháp luật được thể hiện ngay trong Hiến pháp: “Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa”. Nguyên tắc pháp chế là nguyên tắc cơ bản nhất của quá trình điều chỉnh pháp luật. Tất cả mọi chủ thể pháp luật đều phải tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, đó là cơ sở để đảm bảo sự công bằng và bình đẳng giữa các chủ thể pháp luật. Đảm bảo nguyên tắc pháp chế trong quá trình giải quyết phá sản là đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ nợ. Luật Phá sản phải quy định chặt chẽ các bước trình tự giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp, quyền và nghĩa vụ cụ thể của các chủ thể, mối quan hệ giữa họ với nhau. Mọi hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tùy vào mức độ nặng nhẹ mà áp dụng các hình thức xử lý khác nhau. Pháp luật cũng phải quy định các biện pháp chế tài nghiêm khắc để hạn chế sự lạm quyền, trốn tránh nghĩa vụ của các chủ thể công quyền làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các chủ nợ, con nợ, của nhà nước và xã hội.

- Nguyên tắc bình đẳng giữa các chủ nợ: Xuất phát từ nguyên tắc “mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”, nguyên tắc bình đẳng giữa các chủ nợ là một trong các nguyên tắc cơ bản của thủ tục phá sản, nguyên tắc này đảm bảo tính công bằng cho các chủ thể trong tố tụng phá sản. Các chủ nợ đều phải tôn trọng Hiến pháp, pháp luật nói chung và pháp luật phá sản nói riêng. Đa số các nước trên thế giới đều áp dụng nguyên tắc này trong pháp luật phá sản nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các chủ nợ, như Luật Vỡ nợ của Cộng hòa Liên bang Đức quy định các chủ nợ có bảo đảm tham gia bình đẳng với các chủ nợ không có bảo đảm trong tố tụng. Họ không còn được phép tự thanh lý tài sản dùng để bảo đảm, mà việc đó thuộc thẩm quyền của người quản lý vỡ nợ, nếu người này chiếm giữ tài sản đó.[2] Pháp luật phá sản nước ta chỉ áp dụng nguyên tắc này với chủ nợ không có bảo đảm và chủ nợ có bảo đảm một phần, hạn chế một số quyền của chủ nợ có bảo đảm.

Việc thanh toán nợ của các chủ nợ trong thủ tục phá sản mang tính tập thể, tất cả các khoản nợ được thanh toán trên cơ sở đảm bảo công bằng. Con nợ không được tự do thanh toán các khoản nợ cho các chủ nợ, các chủ nợ cũng không được quyền đòi doanh nghiệp mắc nợ ưu tiên thanh toán nợ cho mình kể từ khi có quyết định mở thủ tục phá sản. Tất cả tài sản của con nợ được đưa vào một quỹ chung để thanh toán cho các chủ nợ theo thứ tự ưu tiên nhất định, nếu thanh toán không đủ thì các chủ nợ được thanh toán theo tỷ lệ giữa các khoản nợ mà con nợ còn thiếu với số tài sản còn lại của con nợ. Không phải tất cả các chủ nợ đều được đối xử giống nhau một cách máy móc. Trong trình tự phân chia tài sản, người lao động là lực lượng lao động chính trong xã hội, tiền lương là nguồn sống của họ, sẽ rất khó khăn nếu họ không có lương, vì vậy họ phải được ưu tiên thanh toán khác với các chủ nợ trong Hội nghị chủ nợ.

- Nguyên tắc hòa giải: Hòa giải thực chất là một chế định pháp lý nhân đạo, là quá trình thương lượng, thống nhất ý chí giữa con nợ với các chủ nợ để tìm ra phương án tốt nhất, đảm bảo quyền lợi cho các bên. Hòa giải là nguyên tắc chủ đạo trong giải quyết phá sản. Theo Luật Phá sản của nhiều nước trên thế giới thì hòa giải là một thủ tục bắt buộc khi giải quyết phá sản. Theo Luật Phá sản nước ta, hòa giải không được xem là một thủ tục bắt buộc khi giải quyết phá sản. Trong khi đó, hòa giải có thể giúp giải quyết xung đột pháp lý giữa các bên tại Hội nghị chủ nợ. Chỉ thông qua hòa giải, các bên sẽ cân nhắc được lợi ích đối với mình nhưng vẫn đáp ứng quyền và lợi ích chính đáng của bên kia. Hòa giải là giải pháp nhằm tìm cơ hội để con nợ khôi phục lại hoạt động kinh doanh, đảm bảo dung hòa lợi ích của chủ nợ với con nợ trên cơ sở tôn trọng lợi ích chung của xã hội.

- Nguyên tắc nhân đạo: Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, phá sản ngày càng phổ biến. Pháp luật phá sản ở nhiều nước ngày càng có cách nhìn nhân đạo hơn về con nợ. Pháp luật phá sản đã tạo điều kiện tối đa để các con nợ có thể phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh. Luật Phá sản của nước ta cũng thừa nhận việc thương lượng của con nợ để hoãn nợ, mua nợ, bảo lãnh nợ, giảm nợ, xóa nợ, giãn nợ...trước khi Tòa án mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản. Nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính để con nợ có cơ hội tốt cho việc phục hồi hoạt động kinh doanh trở lại, Luật Phá sản cho phép doanh nghiệp được ngừng tính lãi, ngừng thanh toán nợ ngay từ thời điểm có quyết định của Tòa án. Pháp luật phá sản còn quy định cho các chủ nợ cùng loại có quyền bình đẳng như nhau. Ở khía cạnh nào đó, pháp luật phá sản vẫn có những chế định bảo vệ quyền lợi riêng cho người lao động, chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần, do điều kiện, vị thế của họ không có tài sản bảo đảm cho khoản nợ chắc chắn được thu hồi. Như vậy, nguyên tắc nhân đạo trong giải quyết phá sản đã thể hiện sự tiến bộ trong cách nhìn của Nhà nước, xã hội với những rủi ro mà con nợ gặp phải.

Tóm lại, pháp luật phá sản có vai trò rất quan trọng, việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ nợ trong thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp cần phải rõ ràng, hợp lý. Do đó, việc ban hành và hoàn thiện pháp luật phá sản của nước ta là vô cùng cần thiết.

ThS. Đặng Thị Tám - Viện IBLA

 


[1] PGS.TS Dương Đăng Huệ, ThS Nguyễn Thanh Tịnh và nhóm biên soạn Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế Bộ Tư pháp, Đề tài “Thực trạng pháp luật về phá sản và việc hoàn thiện môi trường pháp luật kinh doanh tại Việt Nam”; tháng 11- 2008, tr.12-16.

 

[2] Phan Huy Hồng (2004), “Lịch sử và cải cách pháp luật vỡ nợ của CHLB Đức”, Tạp chí Khoa học pháp lý – Trường Đại học Luật Tp.Hồ Chí Minh, (số 4/2004).

 

Link nội dung: https://phaply.net.vn/vai-tro-cua-phap-luat-pha-san-va-cac-nguyen-tac-co-ban-dam-bao-quyen-va-loi-ich-hop-phap-cua-cac-chu-no-trong-thu-tuc-phap-san-doanh-nghiep-a256413.html