Quyết định thi hành án chủ động được pháp luật quy định thế nào?

(Pháp lý) - Liên quan đến “nội chiến” ở Xây dựng Hòa Bình, Cục trưởng Cục thi hành án dân sự TP Hồ Chí Minh vừa ban hành quyết định thi hành án chủ động số 1561/QĐ-CTHADS ngày 19/01/2023, buộc hoãn thi hành ba nghị quyết HĐQT ban hành nửa cuối tháng 12/2022. Vậy quyết định thi hành án chủ động được pháp luật quy định như thế nào?

anh-1-1675136434.jpg

Cục thi hành án dân sự TP Hồ Chí Minh ra quyết định thi hành án chủ động  buộc hoãn thi hành ba nghị quyết HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình ban hành (ảnh minh hoạ)

Ngày 19/01/2023, Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình nhận được Quyết định số 1561/QĐ của Cục trưởng Cục thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh về việc tạm dừng thi hành các Nghị quyết số 50, 51 và 53 năm 2022 của HĐQT Hòa Bình.

Quyết định thi hành án chủ động số 1561/QĐ-CTHADS ngày 19/01/2023 của Cục trưởng Cục thi hành án dân sự TP Hồ Chí Minh có nội dung

" Buộc công ty CP tập đoàn xây dựng Hòa Bình tạm ngừng thi hành Nghị quyết số 50/2022/NQ-HĐQT.HBC, 51/2022/NQ-HĐQT.HBC và 5350/2022/NQ-HĐQT.HBC năm 2022 của HĐQT Công ty CP tập đoàn xây dựng Hòa Bình cho đến khi vụ việc được giải quyết bằng quyết định hay phán quyết của Hội đồng Trọng tài"

Đây là diễn biến mới nhất sau ba tuần xảy ra "tranh chấp quyền lực" giữa ông Lê Viết Hải và ông Nguyễn Công Phú. Cụ thể, ngày 14/12/2022, HĐQT Hòa Bình ban hành Nghị quyết số 50 trong đó có nội dung ông Hải từ nhiệm vị trí chủ tịch nhằm đảm bảo tính pháp lý cho con trai đảm nhận chức tổng giám đốc... Nghị quyết số 51 cùng ngày bổ nhiệm ông Nguyễn Công Phú - thành viên HĐQT độc lập - làm Chủ tịch HĐQT thay ông Hải.

Tuy nhiên, đến ngày 31/12/2022, Nghị quyết số 53 được ban hành hoãn thông qua đơn từ nhiệm tư cách thành viên Hội đồng quản trị của ông Hải; đồng thời công ty chưa bầu ông Nguyễn Công Phú vào chức chủ tịch ... Các thành viên Hội đồng quản trị của Hòa Bình gồm ông Phú, ông Lê Quốc Duy, ông Dương Văn Hùng và ông Albert Antoine đã bác bỏ và khẳng định nghị quyết này không hợp lệ. Hai bên sau đó đưa ra những lập luận để khẳng định quan điểm của mình.

Trước đó, Trung tâm Trọng tài quốc tế (VIAC) - chi nhánh TP.HCM có thông báo về việc VIAC đã nhận đơn khởi kiện ngày 3/1 của ông Huỳnh Bảo Ngọc. Ông Bảo là cổ đông của Tập đoàn Hòa Bình.

Ông Bảo kiện Tập đoàn Hòa Bình, yêu cầu tuyên bố hủy bỏ các nghị quyết 50, 51 và nghị quyết 53.

Với vụ kiện này, VIAC cho biết sẽ tiến hành các thủ tục tố tụng trọng tài theo quy định pháp luật trọng tài thương mại và quy tắc tố tụng trọng tài của VIAC.

Quyết định thi hành án chủ động được pháp luật quy định thế nào?

Quyết định của Cục Thi hành án dân sự thành phố được đưa ra căn cứ theo yêu cầu từ Hội đồng trọng tài thuộc Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) chi nhánh TP HCM. Trước đó, Hội đồng trọng tài này đã áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoãn ba nghị quyết trên theo đơn khởi kiện từ ông Bảo là cổ đông của Tập đoàn Hòa Bình.

Theo quy định tại Điều 36, Luật Thi hành án Dân sự 2008 (sửa đổi bổ sung 2024), thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án khi có yêu cầu thi hành án. Trường hợp đối với hình phạt tiền, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí, lệ phí Tòa án; Trả lại tiền, tài sản cho đương sự; Tịch thu sung quỹ nhà nước, tịch thu tiêu hủy vật chứng, tài sản; các khoản thu khác cho Nhà nước; Thu hồi quyền sử dụng đất và tài sản khác thuộc diện sung quỹ nhà nước; Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; Quyết định của Tòa án giải quyết phá sản thì thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án và phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành đối với phần bản án.

Như vậy trong trường hợp chưa có bản án, quyết định của toà án hoặc phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại nhưng trong trường hợp cần áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cơ quan thi hành án có quyền ra quyết định thi hành án chủ động.

Biện pháp khẩn cấp tạm thời là biện pháp áp dụng trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách của đương sự, bảo toàn tình trạng tài sản, bảo vệ bằng chứng hoặc bảo đảm thi hành án.

Theo Điều 48 Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định Các bên tranh chấp có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài, Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của Luật này và các quy định của pháp luật có liên quan, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Điều 49 Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định Theo yêu cầu của một trong các bên, Hội đồng trọng tài có thể áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với các bên tranh chấp. Các biện pháp khẩn cấp tạm thời bao gồm: cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp; cấm hoặc buộc bất kỳ bên tranh chấp nào thực hiện một hoặc một số hành vi nhất định nhằm ngăn ngừa các hành vi ảnh hưởng bất lợi đến quá trình tố tụng trọng tài; kê biên tài sản đang tranh chấp; yêu cầu bảo tồn, cất trữ, bán hoặc định đoạt bất kỳ tài sản nào của một hoặc các bên tranh chấp; yêu cầu tạm thời về việc trả tiền giữa các bên;…

Việc thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Hội đồng trọng tài được thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự. (Điều 50 Luật Trọng tài thương mại 2010).

Đinh Chiến

Link nội dung: https://phaply.net.vn/quyet-dinh-thi-hanh-an-chu-dong-duoc-phap-luat-quy-dinh-nhu-the-nao-a256410.html