Từ những đại án chống tham nhũng có thực… đến các bộ phim chính luận hấp dẫn khán giả

(Pháp lý) - Dòng phim chính luận thời gian qua đã “đụng chạm” vào nhiều vấn đề nóng của xã hội. Đặc biệt khi mấy năm gần đây, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực ngày càng quyết liệt, triệt phá nhiều đại án lớn…cũng là cốt liệu cho phim chính luận ngày càng hấp dẫn khán giả. Đấu trí; Sinh Tử và trước đó là Chạy án, Chủ tịch tỉnh… là những bộ phim như vậy.

“Đấu trí” chống lại những kẻ có tiền, có quyền

anh-1-1673006347.jpg

Dàn diễn viên ấn tượng, xuất sắc trong phim truyền hình Đấu trí

Hơn 1 năm trước trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, lần theo chiếc que kit test có giá cao bất thường, lực lượng C03 Bộ Công an đã phát hiện, bóc gỡ được một trong những đại án lớn nhất. Tính đến thời điểm hiện tại, liên quan đến vụ án kit test Việt Á đã có 95 bị can bị khởi tố, bắt giam. Trong đó, có cả quan chức lãnh đạo cấp cao - cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ (KHCN) Chu Ngọc Anh, cựu Thứ trưởng Bộ KHCN Phạm Công Tạc, Nguyễn Văn Trịnh, Trợ lý Phó Thủ tướng và hàng loạt giám đốc CDC các địa phương, cán bộ các cơ sở y tế tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước…

Từ những chất liệu có thực của đại án trên, Đấu trí đánh dấu sự trở lại của đạo diễn NSƯT Danh Dũng với dòng phim chính luận, điều tra. Lấy cảm hứng từ đại án Việt Á còn đang nóng hổi, được dư luận cả nước đặc biệt quan tâm, Đấu trí khắc họa cuộc chiến chống lại những kẻ có tiền, có quyền, địa vị, có cả tri thức lẫn âm mưu, thủ đoạn. Để phá được án điểm, các chiến sĩ công an phải dùng đến những biện pháp đặc biệt.

Trục phim xoay quanh Đại úy Vũ (Thanh Sơn đóng), Phó trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đông Bình cùng các đồng đội đã liên tục chịu những sức ép, từ vụ Công ty Khải Tuấn đẩy giá sinh phẩm kit test, “lại quả” lãnh đạo những khoản hoa hồng kếch xù, cho đến vụ buôn lậu của Gia Thịnh mà hậu thuẫn không chỉ dừng ở một Chi cục trưởng trong tỉnh. Càng dấn sâu vào vụ án, Đại úy Vũ càng bất ngờ trước những móc nối tinh vi, trước những liên minh lợi ích “ma quỷ” mà trong đó không chỉ có người nắm quyền lực, doanh nghiệp mà còn có cả người thực thi pháp luật. Chúng đã lợi dụng quyền lực, quan hệ, chủ trương chính sách để tạo nên một rào chắn vững chắc trước cơ quan pháp luật. Trong cuộc chiến cam go đó, bên cạnh những người như Vũ, như Phong… kiên trì đứng vững, cũng đã có những trường hợp thiếu bãn lĩnh gục ngã trước những “viên đạn bọc đường”.

Trong đại án Việt Á có thực, để thu về khoản lợi nhuận khổng lồ 500 tỷ đồng/doanh thu 4.000 tỷ đồng, Phan Quốc Việt – Tổng Giám đốc Công ty Việt Á đã mạnh tay chi tiền “hoa hồng” đạt tới mức độ khủng 800 tỷ đồng. Trong đó có những hợp đồng chi ngoài cao tới 30% giá trị hợp đồng. Trong phim Đấu trí, hình ảnh Phan Quốc Việt được mô phỏng bởi một doanh nhân có tên là Tuấn “nháy” (Doãn Quốc Đam đóng) – Tổng Giám đốc Công ty Khải Tuấn cũng lịch lãm, bóng bẩy, khéo ăn khéo nói. Ngay đầu tập 1, Tuấn cho người mang hẳn một chiếc tủ lạnh (trong đó có chứa tiền) đến nhà Giám đốc CDC Hải Hà mừng tân gia. Đương nhiên là vị Giám đốc này khó lòng từ chối, khi “miếng thịt” đưa tới tận miệng.

Đó là “thủ tục đầu tiên” để Tuấn “đặt một chân” vào cửa nhà quan chưa một lần tiếp xúc. Khi con mồi đã cắn câu, đi theo sau đó sẽ là những khoản “hoa hồng”, “lại quả” khủng được Công ty Khải Tuấn chủ động chuyển vào tài khoản cá nhân, theo chỉ đạo của Tuấn; hoặc có thể là những cọc tiền dày cộm được đặt sẵn bên trong những món quà thành ý đó. Nếu như đại án Việt Á ngoài đời, để có được hợp đồng cung cấp kit test tổng giá trị 148 tỷ đồng, Phan Quốc Việt đã “lại quả” cho Giám đốc CDC Bắc Giang với số tiền lên tới 44 tỷ đồng; thì trong phim Đấu trí, Giám đốc CDC Hải Hà cũng nhận “lại quả” từ Tuấn “nháy”, số tiền tương đương với 30% giá trị hợp đồng mua bán kit xét nghiệm giữa CDC Hải Hà và Khải Tuấn…

Song sự hấp dẫn của Đấu trí, đúng như tên gọi, là những cuộc đấu trí, cân não. Một bên là những kẻ vừa có quyền, có tiền, lại thừa mánh khóe, thủ đoạn để lợi dụng chính sách, cơ chế để trục lợi cho bản thân và nhóm lợi ích. Một bên là những chiến sỹ cảnh sát kinh tế - những người không chỉ đòi hỏi tư duy sắc bén, sự quyết liệt, dấn thân mà còn là một bản lĩnh vững vàng cùng lòng dũng cảm, dám đối đầu với quyền lực, vượt qua những đe dọa đến tính mạng bản thân và gia đình. Xem phim, khán giả chứng kiến những thủ đoạn tinh vi của những cán bộ có chức, có quyền thoái hóa biến chất.

Sau khi vợ bị đưa đi lấy lời khai, gọi điện cầu cứu Giám đốc Sở Y tế không được, ông Túng (Thanh Bình đóng) - Giám đốc CDC Đông Bình biết mình đã vào đường cùng. Bí quá làm liều, ông Túng phải giả điên để hi vọng thoát tội. Tuy nhiên vợ ông Túng đã khai nhận hết việc nhận số tiền hoa hồng từ Khải Tuấn thông qua điểm trung chuyển là tiệm vàng Kim Toái. Giữa lúc nút thắt trong vụ Giám đốc CDC Đông Bình nhận hối lộ đang dần được gỡ, thì cấp trên bất ngờ yêu cầu phòng Cảnh sát kinh tế PC03 hoàn tất hồ sơ, tạm dừng mở rộng điều tra. Đại úy Vũ vừa bất bình vì không được tiếp tục theo đuổi vụ án đến cùng, vừa gặp rắc rối vì đơn khiếu nại và những người thân trong gia đình liên tiếp bị đe dọa…

Thậm chí khi chuyển sang điều tra vụ án buôn lậu, Đại úy Vũ tiếp tục gặp thêm áp lực mới, người đứng đằng sau lợi ích nhóm còn có cả bố vợ tương lai. Trong khi đó Đại tá Trần Giang (NSND Trung Anh đóng), cấp trên của anh, bất ngờ nhận được cuộc gọi từ lãnh đạo cấp cao, hỏi về chuyện điều tra Tập đoàn Thiên Thiên Nhất. Người này đưa ra những cảnh cáo.

Thế nhưng dù đã nhận được cuộc gọi từ T.Ư, Đại tá Trần Giang vẫn thẳng thắn chỉ ra hoàng loạt sai phạm của Chủ tịch Đông Bình. Đó là cố ý làm trái quy định Nhà nước, buông lỏng quản lý, gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng. Và số tiền thất thoát đó chảy vào nhóm lợi ích để hưởng lợi. Điều đó có nghĩa những áp lực mà “liên minh ma quỷ”, nhóm lợi ích tạo ra không quật ngã được ý chí và bản lĩnh của những cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đông Bình và những người trực tiếp điều tra vụ án, đặc biệt là Đại tá Trần Giang và Đại úy Vũ.

Cuối cùng cái ác phải trả giá. Hành trình kéo dài 74 tập của phim Đấu trí đã chính thức khép lại, sau khi Đinh Hoàng Đức (một doanh nhân trong mắt xích nhóm lợi ích) mất mạng còn Hùng “đơn” sa lưới pháp luật, Chủ tịch tỉnh Đoàn Phát cũng phải trả giá cho những tội lỗi của mình.

Sau 74 tập phát sóng , khán giả dù khó tính cũng không thể phủ nhận Đấu trí là bộ phim chính luận thành công nhất, bởi sự kịch tính, hấp dẫn và mang hơi thở cuộc sống.

Tuyên chiến với nhóm lợi ích và các quan chức thoái hóa biến chất

Cách đây 3 năm, đúng lúc giai đoạn “củi lửa” chống tham nhũng đang cháy rực, bộ phim truyền hình Sinh tử của nhà văn Phạm Ngọc Tiến, đạo diễn NSND Khải Hưng và NSƯT Mai Hiền lên sóng VTV, nhanh chóng được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Bộ phim xoay quanh chủ đề chống tham nhũng và tha hóa quyền lực. Khác với Đấu trí được triển khai trong thời gian ngắn, kịch bản Sinh tử được nhà văn Phạm Ngọc Tiến “thai nghén” đến 10 năm. Vào thời điểm đó, văn học trong nước vẫn chưa quan tâm cuộc chiến chống tham nhũng, nên bộ phim Sinh tử ra đời là một nỗ lực rất đáng ghi nhận.

anh-2-1673006314.jpg

Sinh tử là bộ phim xoay quanh chủ đề chống tham nhũng và tha hóa quyền lực

Phim phản ánh sự chuyển đổi về kinh tế của tỉnh Việt Thanh vừa được thành lập với không ít thuận lợi nhưng khá nhiều thử thách. Xóa đói giảm nghèo để vươn lên giàu sang, tưởng không quá phức tạp với một địa phương có vị Chủ tịch tỉnh Trần Nghĩa, năng động dám nghĩ dám làm. Thế nhưng, sau hậu trường lại là những bí mật với sự chi phối của đồng tiền. Chủ tịch Trần Nghĩa kêu gọi các nhà đầu tư bỏ vốn vào các công trình, nhưng lại có sự ưu ái đặc biệt với tập đoàn Hồng Vũ. Nhờ sự trợ lực của Chủ tịch tỉnh Trần Nghĩa, người đứng đầu Tập đoàn Hồng Vũ là doanh nhân Mai Hồng Vũ đã chi phối nhiều lĩnh vực thương mại - tài chính của tỉnh Việt Thanh, mà quan trọng hơn cả là các dự án khai thác khoáng sản.

Hẳn người viết kịch bản không phải vô tình, nhân vật phản diện Mai Hồng Vũ (diễn viên Việt Anh) - một doanh nhân trẻ của tỉnh Việt Thanh trong phim lại “được” trùng tên Vũ  với Phan Văn Anh Vũ, bị cáo từng đứng trước tòa trong vụ việc thâu tóm đất công sản ở Đà Nẵng. Hình ảnh Vũ “nhôm” càng lộ rõ mồn một khi bộ phim đi được một phần ngắn chặng đường. Khán giả màn ảnh nhỏ dễ dàng nhận ra sự tương đồng đó: Người đứng đầu Tập đoàn Hồng Vũ là doanh nhân Mai Hồng Vũ không chỉ có ngoại hình bảnh bao, phong độ nhang nhác với Phan Văn Anh Vũ ngoài đời mà còn giống đến những chiêu trò có biệt tài tạo mối quan hệ với nhiều nhân vật quan chức, dân làm kinh doanh, ngân hàng... và các mối quan hệ lắt léo với các quan chức cấp cao của tỉnh Việt Thanh; thậm chí Mai Hồng Vũ còn có thể gây cả sức ép lên lãnh đạo cấp Sở.

Từ một vụ tai nạn sập mỏ đá xảy ra gây thiệt hại nhân mạng, Cơ quan điều tra đã vào cuộc và phát hiện “liên minh ma quỷ” của những nhóm lợi ích. Sự biến chất của cán bộ từ huyện đến tỉnh, từ sở nọ đến ngành kia đã làm lem luốc bộ mặt bình yên và phát triển của tỉnh Việt Thanh… Xem phim tới những đoạn lãnh đạo tỉnh muốn địa phương phát triển nhanh, lãnh đạo cấp huyện xã thì phân bua cho sai phạm của mình, nhiều khán giả... giật mình nhớ lại lời khai của các bị cáo trong các phiên tòa xét xử vụ thâu tóm đất công sản, các lãnh đạo Đà Nẵng cho rằng đã giúp Phan Văn Anh Vũ thâu tóm hàng loạt nhà đất, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng nhưng khẳng định không nhận tiền bạc, vật chất từ Vũ. Cựu Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Trần Văn Minh còn biện hộ: “bán đất để có ngân sách phát triển hạ tầng”…

Có khá nhiều vụ việc diễn ra trong đời sống đang gây bức xúc dư luận, xã hội quan tâm, nhưng biên kịch, đạo diễn chọn vụ án sập mỏ đá làm chết 9 người để gửi đến cho người xem một thực tế ngầm đang tồn tại trong xã hội hiện đại từng xảy ra đâu đó trong xã hội. Đó là tình trạng doanh nghiệp lợi dụng mối quan hệ với quan chức biến chất, thâu tóm đất công, thu lợi bất chính cả ngàn tỷ đồng, kết bè cánh, lợi ích nhóm. Qua đó để cảnh báo các công bộc - những người có quyền hành thực thi pháp luật hoặc giữ vai trò quản lý, điều hành nhà nước cần có thái độ ứng xử phù hợp khi đứng trước những món lợi nhuận kếch xù, quan hệ ô dù… để không bị rơi vào cạm bẫy tiền – tù.

Đó cùng là một cách thể hiện lòng yêu nước

Phản ánh sự khác biệt của phim chính luận với những bộ phim tâm lý, gia đình, tình yêu, giới làm nghề đánh giá, làm phim chính luận có thể gói trong 3 từ: “Khó, khô, khổ”. Các nhà làm phim Việt không dễ để có những tác phẩm chính luận, kịch tính, hấp dẫn người xem từ tập đầu đến tập cuối, mặc dù đây là thể loại hút khách. Bởi lẽ nội dung dòng phim chủ yếu đề cập những vấn đề tiêu cực, nhạy cảm, những mặt trái của xã hội nên các đạo diễn thường phải nhọc công tìm, chọn bối cảnh thật, có tính thuyết phục cao mới lột tả hết được, đặc biệt là lời thoại trong phim phải làm sao đạt đến “độ đã” của người xem nhưng không đi quá giới hạn pháp luật cho phép.

Nhưng từ 2 bộ phim Đấu tríSinh tử cho thấy, đối mặt với tham nhũng, tiêu cực…đội ngũ những người làm phim không né tránh hay khoanh tay đứng nhìn. Các nghệ sĩ đã đưa những điều “chướng tai gai mắt” hay những vấn đề thời sự nóng bỏng, nhức nhối được dư luận xã hội quan tâm thông qua lăng kính nghệ thuật thứ bảy. Vượt qua những thách thức, sự khô khan, khuôn mẫu... bằng sự lao động nghiêm túc, sáng tạo và dấn thân, các nhà làm phim đã cố gắng gỡ dần các nút thắt, đem đến cho khán giả những bộ phim mang đậm hơi thở thời đại với nhiều cung bậc cảm xúc. Các bộ phim cũng gửi gắm thông điệp lòng tốt sẽ chinh phục mọi người, sự ngay thẳng cuối cùng sẽ chiến thắng và cái xấu dù ở thời điểm nào cũng bị lật tẩy, xóa sổ, bị pháp luật trừng trị.

Để kết thúc bài viết này, tôi xin được mượn lời chia sẻ của NSƯT Nhâm Minh Hiền:  “Thời gian qua, Nhà nước mạnh tay hơn trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Chủ trương của Đảng và Nhà nước làm trong sạch đội ngũ cán bộ đảng viên nhận được nhiều hoan nghênh của dư luận xã hội nên các nhà làm phim dần cởi mở hơn với những kịch bản có đề tài gai góc. Khán giả mong mỏi được lắng nghe góc nhìn của người làm phim về những vấn đề thời sự nóng, bên cạnh phản ánh của báo chí, mạng xã hội. Làm được những tác phẩm chính luận khắc họa các câu chuyện thời sự một cách kịp thời, nhanh nhạy như vậy, những người làm phim đã đóng góp tiếng nói vào công cuộc đấu tranh với cái xấu. Đó cũng là một cách thể hiện tinh thần yêu nước”. 

VŨ LÊ MINH – LA SƠN

Link nội dung: https://phaply.net.vn/tu-nhung-dai-an-chong-tham-nhung-co-thuc-den-cac-bo-phim-chinh-luan-hap-dan-khan-gia-a256343.html